main billboard

Nhắc đến danh hiệu “Người Yêu Của Lính” là phải nhắc đến ca sĩ Ngọc Minh, nhưng cũng không thể bỏ qua ca sĩ Phương Hồng Quế và ca sĩ Trang Thanh Lan.


nguoiyeu cualinh 1
Ba "Người Yêu Của Lính", từ trái, Ngọc Minh, Phương Hồng Quế và Trang Thanh Lan. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

ORANGE COUNTY, California (NV) – Nhắc đến danh hiệu “Người Yêu Của Lính” là phải nhắc đến ca sĩ Ngọc Minh, nhưng cũng không thể bỏ qua ca sĩ Phương Hồng Quế và ca sĩ Trang Thanh Lan.

Cả ba ca sĩ này đã và đang thực hiện hai chương trình truyền hình về cựu chiến sĩ QLVNCH. Ngọc Minh phụ trách chương trình “Người Yêu Của Lính” trên đài SBTN, trong lúc Phương Hồng Quế và Trang Thanh Lan điều khiển chương trình “Tiếng Hát Hậu Phương” trên đài Hồn Việt.

Cả hai chương trình đều được khán thính giả ở Mỹ và khắp nơi trên thế giới, nhất là tại Việt Nam, hưởng ứng nồng nhiệt.

“Hỏi rằng tôi có danh hiệu ‘Người Yêu Của Lính’ từ bao giờ, tôi không thể trả lời chính xác được. Chỉ nhớ là khoảng năm 1962 hay 1963 gì đó, tôi nghe bài ‘Người Yêu Của Lính’ của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh trên radio. Thấy hay quá nên tôi tập ngay,” Ngọc Minh hồi tưởng, “Nhạc phẩm này, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đề tặng ‘Hội Người Yêu Của Lính’ hai trường nữ trung học Gia Long và Trưng Vương.”

Không phải do ngẫu nhiên mà Ngọc Minh được tặng danh hiệu này.

Cô sinh ra và lớn lên trong một gia đình “toàn là lính.”

“Cha tôi là lính, các anh tôi đều là lính. Người yêu của tôi cũng là lính. Bởi vậy tâm hồn tôi, trái tim tôi, lúc nào cũng dành cho những người lính,” ca sĩ Ngọc Minh nói.

nguoiyeu cualinh 2
Ngọc Minh trong “Người Yêu Của Lính”. (Hình: Chụp từ màn hình YouTube)

“Lúc nào tôi cũng có cảm tình với những người lính, ngày xưa và bây giờ” ca sĩ Minh cho biết, “Lính là những người thiệt thòi, chịu nhiều mất mát nhất cho tổ quốc. Không thể nào nói hết được những hy sinh to lớn của họ.”

Chính vì thế mà ngay giữa thời chiến, cô không ngần ngại ra tận tiền đồn để hát cho lính nghe.

Cô kể: “Sợ thì tôi có sợ, nhưng không nhiều lắm. Các anh lính sống đêm ngày ở trận mạc, mình thì thỉnh thoảng mới ra với các anh một lần thì có thấm gì đâu.”

Thực ra, nhiều lần nữ ca sĩ đã nghe tiếng đạn bom nổ chát chúa ngay sát nơi cô đang trình diễn.

Trong tất cả những lần cô lặn lội tận nơi tuyến đầu lửa đạn ấy, các anh lính luôn luôn luôn chuẩn bị lối chạy xuống hầm cho cô trong trường hợp bị giặc pháo kích.

“Sự nguy hiểm lúc nào cũng rình rập chung quanh. Đời người lính tráng thật vô cùng gian khổ,” cô nói.

Ca sĩ Ngọc Minh kể lại một kỷ niệm để đời của mình trong thời gian hát cho lính nghe.

“Một lần tôi ra Huế để trình diễn ngay ở tiền đồn. Tối hôm ấy trời mưa to. Các anh ngồi trong mưa nghe tôi hát. Thấy thế, tôi rời khỏi sân khấu, bước xuống chỗ các anh ngồi,” cô nói.

Thấy tóc cô ướt, một người lính lấy nón sắt trên đầu mình đội cho cô. “Ai dè, cái nón quá nặng làm tôi ngã ngay vào lòng anh. Anh đỡ tôi dậy và mọi người có một trận cười thỏa thích,” ca sĩ Minh nhớ lại.

Chương trình “Người Yêu Của Lính” của Ngọc Minh ra mắt khán thính giả lần đầu tiên vào Tháng Sáu, 2008. Điều đặc biệt của cô là mỗi lần xuất hiện, cô luôn mặc một sắc phục của các binh chủng khác nhau.

Qua những bài hát về đời lính, tình cảm lính và tâm trạng lính, cô toát ra cái “hồn lính” trong từ lời ca, tiếng hát, đến những lời thư do các vị cựu quân nhân gởi về đài, gởi cho nhau.

Cô tình thật: “Năm năm nay, tôi muốn nghỉ, nhưng khán thính giả ở mọi nơi trên thế giới, ở Mỹ, ở Châu Âu và ngay ở Việt Nam gởi emai, gởi tin nhắn qua Viber và qua Facebook liên lạc tới tấp, yêu cầu tôi phải tiếp tục. Thấy ai cũng nhiệt tình với mình như vậy, tôi không nỡ.”

nguoiyeu cualinh 3
Phương Hồng Quế (phải) và Trang Thanh Lan trong “Tiếng Hát Hậu Phương”. ((Hình: Chụp từ màn hình YouTube)

Nói về danh hiệu “Người Yêu Của Lính,” Phương Hồng Quế thừa nhận: “Chị Ngọc Minh được người ta gọi như vậy trước, từ trước 1975. Lại thêm, chị qua đây trước, có chương trình “Người Yêu Của Lính” trước tôi và Trang Thanh Lan.”

Cô tiếp: “Chị ấy có duyên với danh hiệu ấy. Hát về lính thì trước 1975, ca sĩ nào cũng hát về lính. Đất nước chiến tranh lâu dài, không hát về lính thì hát về ai? Nhưng chị Ngọc Minh là người đầu tiên được gọi là “Người Yêu Của Lính”.

Ca sĩ Phương Hồng Quế hợp tác với Ca Sĩ Trang Thanh Lan để thành lập chương trình “Tiếng Hát Hậu Phương” ngày 2 Tháng Bảy năm 2014.

Chương trình nhằm mục đích nhắc nhở cho những người trẻ biết thêm về sự chiến đấu anh dũng của người lính Việt Nam Cộng Hòa. “Và ‘Tiếng Hát Hậu Phương’ hy vọng là một nhịp cầu để chúng ta có thể ôn lại những kỷ niệm vui buồn, những mất mát đau thương của thời kỳ chinh chiến,” Trang Thanh Lan nói trong phần mở đầu chương trình.

Phương Hồng Quế cho biết, vì “Tiếng Hát Hậu Phương” là chương trình trực tiếp nên đòi hỏi một sự cố gắng cao độ. Đi đâu thì vẫn phải có mặt để làm chương trình vào tối Thứ Ba.

Cô nói: “Thí dụ, muốn đi Úc trình diễn thì phải đợi xong chương trình rồi mới dám đi. Tới nơi là sáng Thứ Năm, tập dượt với ban nhạc rồi trình diễn. Thứ Hai phải lên máy bay quay về rồi.”

Theo cô, rất đông người thuộc giới trẻ ở Việt Nam gởi email cám ơn chương trình. “Họ nói nhờ ‘Tiếng Hát Hậu Phương’ mà họ biết thêm về nỗi niềm của người lính VNCH,” Phương Hồng Quế nói.

Trang Thanh Lan nói về tác động của “Tiếng Hát Hậu Phương đối với mình: “Khi mới làm chương trình, tôi chỉ biết đời lính gian khổ và nguy hiểm. Tới khi tiếp xúc nhiều với các anh, tôi mới thực sự cảm nhận một cách sâu xa những gì các anh phải trải qua.”

Cô thêm: “Làm chương trình càng lúc càng khó khăn hơn, nhưng vì sự thực sự cảm thông các anh, tôi như có thêm sức mạnh để tiếp tục.”

Nhắc lại một kỷ niệm để đời khi thực hiện chương trình, Phương Hồng Quế kể: “Lần ấy, gặp một người tự xưng là lính. Vì không kịp tìm hiểu nhiều, nên khi ông ấy nói hơi quá, cái gì cũng biết làm, chúng tôi chưa kịp phản ứng thì khán thính giả khắp nơi gọi điện thoại vô phàn nàn quá. Thí dụ, ông ấy khoe có hãng chế tạo súng ống và ngay cả bom nguyên tử ở Garden Grove, cái gì ông cũng làm được. Chương trình đang quay trực tiếp, nhưng chúng tôi đành xin lỗi mọi người rồi phải cắt ngang.”

Để có “Tiếng Hát Hậu Phương” hàng tuần, nhiều lần cô phải thuyết phục người lên đài. “Có lần tôi phải ngồi tại nhà mấy vị này tới 12 giờ khuya.”

Cô chia sẻ: “Càng ngày, thực hiện chương trình càng khó. Tôi không tin mình có thể giữ chương trình đến hôm nay. Nhiều lúc tôi nghĩ vong linh các anh (lính) phù hộ cho tôi.”

“Nhưng dù đã mệt mỏi lắm, tôi cũng không nỡ bỏ chương trình. Vì khán giả rất yêu mến chương trình. Chỉ chưa kịp đưa lên Youtube hay Facebook là họ đã liên lạc tới tấp hỏi rồi, làm sao mà bỏ nổi,” Phương Hồng Quế nói. “Hơn nữa, chương trình đã giúp bao nhiêu người tìm được thân nhân thất lạc nhiều năm. “Chỉ vậy thôi là tôi thấy vui rồi.” (Đằng-Giao)