main billboard

“Đánh con là để cho nó nên người. Chứ tụi nhỏ đau một, cha mẹ đau đến mười.”


daycon
Nhiều cha mẹ gốc Việt tại Mỹ phạt con thay vì đánh con nhỏ. (Hình minh họa: psychologybenefits.org)

WESTMINSTER, California (NV) – Ông bà ta có câu “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi.” Thành ngữ này được áp dụng rất nhiều tại Việt Nam, đến mức hình ảnh ông bà cha mẹ dùng roi vọt để đánh con cái dù ở mức độ nào cũng được xem như chuyện thường tình, phải làm, nên làm, với lý do “đứa nhỏ đó hư, cần phải được dạy dỗ.”

Trong khi đó tại Mỹ, việc “thương cho roi cho vọt” không còn phù hợp nữa, dùng vũ lực với trẻ bị xem là tội phạm. Thế nên nhiều bậc cha mẹ gốc Việt nơi đây cảm thấy thật sự lo lắng, không biết nên áp dụng cách gì để “trị” những đứa con “cứng đầu” nếu không là đòn roi.

“Đánh con là để cho nó nên người. Chứ tụi nhỏ đau một, cha mẹ đau đến mười.” Cô Vũ Thư Minh, cư dân Garden Grove, cho biết suy nghĩ về phương thức nuôi dạy con của mình.

Suy nghĩ của cô Thư Minh hoàn toàn khác với những phụ huynh bản xứ.

Trong một nghiên cứu mới đây được đăng trên tập san Child Abuse & Neglect, được nhật báo UPI trích lại, cho biết người từng bị đánh đòn vào mông khi còn nhỏ có nhiều nguy cơ bị tâm thần, và có nhiều rủi ro nghiện ma túy, hoặc tìm cách tự tử.

Ông Andrew Grogan-Kaylor, một trong các nhà nghiên cứu trên, cho biết, khám phá này không chứng minh rằng đánh đòn vào mông đưa đến vấn đề sức khỏe tâm thần khi lớn lên, nhưng có thể để lại những hậu quả lâu dài.

Ngoài ra, tổ chức American Academy of Pediatrics lâu nay vẫn đưa ra lời khuyên chớ nên phạt bằng cách đánh vào mông trẻ nhỏ. Họ lập luận rằng, việc liên tục đánh đòn vào mông có thể dạy cho trẻ em tính gây hấn khi giải quyết xung đột khi lớn lên, và khiến cho những vấn đề về hành vi trở nên tệ hại hơn.

Cô Thư Minh kể, “Dù sống ở Mỹ và đã hạn chế đánh con ở mức tối đa, nhưng đôi khi tôi cũng dùng thước ‘khõ’ vào tay con tôi mấy cái vì muốn nó nên người.”

Tuy nhiên, cũng theo cô, đứa con nhỏ ngày nào của cô giờ đã là thanh niên 28 tuổi, từng tâm sự với mẹ rằng: “Con biết mẹ đánh vì muốn điều tốt cho con. Nhưng điều đó tác động tiêu cực đến con vì con luôn muốn đánh lại người khác khi con cảm thấy bực mình.”

Với anh Dũng Lại, người chưa có con, nhưng lại có nhiều kinh nghiệm về chuyện bị đánh đòn khi còn thơ, thì vẫn cho rằng sử dụng đòn roi với con trẻ là điều cần thiết.

“Tôi nhớ hồi nhỏ tôi bị má tôi đánh đòn vì những chuyện như không thuộc bài, bị cô giáo mắng vốn về tội quậy phá trong lớp, mê chơi game. Hay thậm chí có lần tôi sang nhà đứa bạn chơi, một món đồ chơi của tôi bị rớt văng ra đường, tôi chạy ù ra để lượm, mà không nhìn ngó xe cộ. May là chiếc xe ba gác thắng kịp. Má tôi đi chợ về nhìn thấy cảnh đó, thế là kéo tôi về đánh cho một trận về tội bất cẩn,” Dũng nhớ lại.

Theo Dũng, “Má tôi hay nói khi má đánh là có lý do, nên khi kêu nằm xuống chịu đòn thì cứ nằm, đừng có cố cãi sẽ bị nhiều hơn, rồi sau đó má sẽ cho biết vì sao bị đánh. Có lần má tôi đánh bằng chổi quét nhà, tôi đưa tay lên đỡ, khiến cho ngón tay cái bị bật ra, má tôi phải dẫn đi cho ông thầy bóp thuốc cả 2 tuần mới khỏi.”

Là người bị đòn như thế, nhưng đến giờ, anh Dũng vẫn quan niệm phương pháp dạy con sau này là “Phải đánh mới nên người, không đánh nó leo lên đầu ngồi.”

Tuy nhiên, anh nói thêm, “Tôi sẽ cho con tôi cơ hội giải thích lý do vì sao nó làm như vậy, và tôi sẽ phân tích cho nó biết đúng sai, nếu nó vẫn không nhận thấy sai thì tôi mới đánh.”

“Nhưng tôi sẽ dùng những biện pháp nhẹ nhàng hơn như nhéo lỗ tai, hay ký đầu. Phải có sự trừng phạt bằng đòn roi mới nhớ, chứ con nít không có đòn roi nhớ đời thì không biết hậu quả đâu,” anh Dũng khẳng định.

Cô Vy Nguyễn, cư dân thành phố Westminster, hiện là mẹ của hai con trai đang học lớp 10 và 12 tại trường Westminster High School, suy nghĩ khác, “Tôi không nghĩ đánh con là một phương pháp dạy con hiệu quả vì điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần của trẻ.”

“Hơn nữa, mỗi đứa trẻ có cá tính khác nhau, nên cha mẹ phải tìm và áp dụng những phương pháp dạy dỗ cho phù hợp với mỗi đứa nhỏ,” cô Vy nói thêm.

Cô Trần Thị Hà Thu, cư dân thành phố Garden Grove, là mẹ của hai bé gái 10 tuổi và 15 tuổi, thì nói rằng cô sẽ phạt các con thay vì đánh đòn.

Cô Thu chia sẻ: “Nếu các cháu hư, tôi sẽ lấy đi những gì các cháu thích như một hình phạt, chẳng hạn như không cho xài iPhone, xài máy tính. Đôi khi tôi dùng phương thức im lặng bằng cách không nói chuyện với các cháu trong vài ngày, và chỉ kêu các cháu nên coi lại và đánh giá hành động của mình. Sau đó, tôi giải thích cho các cháu nghe vì sao tôi lại hành xử như vậy.”

Theo cô Thu, “Đánh con không giải quyết được gì.”

Cô nói: “Đôi khi mình giận quá mà lỡ đánh các cháu hơi mạnh tay, các cháu không nói ra, nhưng vết thương thân thể không đau bằng vết thương trong lòng các cháu. Mà con đau, thì mình cũng đau!”

Việc không áp dụng đòn roi với con có lẽ cũng do cô Thu chịu ảnh hưởng cách dạy dỗ của cha mẹ cô.

“Ba mẹ tôi không đánh tôi bao giờ, nhưng mỗi khi ba mẹ cầm roi mây lên là tôi rất sợ,” cô nhớ lại.

Cô kể, “Ba của tôi lo đi làm nên để việc dạy con cái là do mẹ tôi đảm trách. Ba thương tôi nên không đánh, chỉ có mẹ là ký đầu tôi để tôi nhớ bài vở hơn thôi. Nhưng nhờ đó mà tôi ‘sợ đòn,’ hễ thấy ba mẹ cầm roi lên là sợ và không dám tái phạm nữa.”

Cô Thu cho rằng trong văn hóa Mỹ, cha mẹ không đánh đòn con cái, mà họ dùng hình thức phạt để những đứa trẻ nên người. Do đó, theo cô Thu, “việc đánh con không phải là một bước cần thiết để nuôi dạy con.”

Cô nói: “Ở Mỹ, đánh con có thể bị vào tù. Hơn thế nữa, cách dạy của cha mẹ phương Tây chỉ phạt con của họ, mà các cháu vẫn nên người. Nên tôi nghĩ đánh con là một phương thức khá ‘cổ truyền’ của người Việt Nam.”

Không chỉ dùng đòn roi, nhiều cha mẹ Việt Nam lại dùng cả ngôn từ để gây tổn hại đến tinh thần đứa con.

“Nhiều cha mẹ Việt Nam đôi khi la con ‘Sao mày ngu như bò vậy.’ Nhưng tại Mỹ, chớ nên xài chữ ‘stupid’ vì trẻ con tại đây rất nhạy cảm với từ này,” cô nói tiếp.

“Giận quá có thể nói ‘Sao con lì lợm quá vậy!’ vẫn đỡ hơn câu ‘You are so stupid,’ vì chữ này rất dễ gây tổn thương đến cảm xúc của các cháu,” cô Thu kể lại theo kinh nghiệm của mình.

Người mẹ này cũng cho rằng phụ huynh nên cẩn trọng khi dùng từ ngữ la mắng con cái vì “lời nói tổn thương về mặt tinh thần nhiều hơn những vết thương thể xác.”

“Đôi khi la con nhiều quá, các cháu sẽ buồn và mất đi sự tự tin bản thân,” cô Thu nói. “Các cháu nào cứng cỏi thì có thể vượt qua rào cản này và thành công trong công việc về sau. Nhưng với một số trẻ, đây có thể là vết thương về mặt tinh thần. Điều quan trọng hết, là các bậc cha mẹ không nên chửi thề khi dạy con cái. Thế nên, tùy vào tính cách của mỗi cháu mà cha mẹ cần có biện pháp thích hợp.”

Với kinh nghiệm dạy hai con trai đang ở tuổi “teenager,” cô Vy đưa ra thêm một điểm tích cực của việc không dùng vũ lực là tạo cơ hội cho con phát triển đầu óc khi “cãi” lại.

Cô Vy kể lại: “Vợ chồng tôi dạy các con là nên vứt chai nước rỗng vào thùng rác tái chế để đi bán, nhưng đôi khi đi làm về mệt mỏi, tôi hay chồng tôi lại vứt chai rỗng vào thùng rác thường sau khi uống xong. Các con tôi nhìn thấy là nói liền ‘sao ba mẹ la con khi con làm sai, trong khi ba mẹ lại làm điều giống như vậy?”

“Khi nghe con nói vậy, tôi không cho đó là lời hỗn, mà xem đó là cơ hội để phát triển đầu óc cho con vì chúng nhận biết được việc nào đúng, việc nào sai, cùng lúc thay đổi suy nghĩ của cha mẹ,” cô Vy nói.

Cô Thư Minh, sau những cái khõ tay con khi chúng còn nhỏ và sau khi nghe con nói “con luôn muốn đánh lại người khác khi con cảm thấy bực mình” cũng nhiều lần ray rứt, “Tôi cũng buồn khi suy ngẫm lại việc nuôi con của mình, tôi có nên hối hận không? Liệu điều tôi làm vậy là đúng hay sai?”

Cô cũng từng lo ngại rằng con trai sẽ ít tâm sự những chuyện cá nhân, tình cảm và nhiều vấn đề khác với mình. Thậm chí dần dần mất cả tình cảm mẹ con và không thăm cô nữa khi anh trưởng thành. Tuy nhiên, cô cho biết, “May thay mỗi khi đánh cháu, tôi dành thời gian giải thích cặn kẽ cho nó hiểu nên nó cũng thông cảm và hiểu cho cảm xúc của tôi.”

“Tôi nghĩ các bậc cha mẹ cần dành thời gian hiểu tính cách của con mình và giải thích cho các cháu nghe vì sao con bị đòn, đừng để các con nghĩ mình có ác ý, trong khi thật sự mình chỉ muốn điều tốt nhất cho các con mà thôi,” cô Thư nói.

Cô cũng nhấn mạnh, mỗi người có tính cách khác nhau, nên cha mẹ cần cẩn trọng cách hành xử và lời nói khi dạy con để đôi bên hiểu nhau một cách tốt nhất. (Khoa Lại)