main billboard

“Hội họa của cộng đồng người Việt ở hải ngoại ngày càng phát triển và nhất là giới trẻ, họ ngày càng có nhiều sáng tạo mới lạ trong nghệ thuật, cuộc triển lãm này là một cơ hội phát triển cho nền hội họa Việt Nam ở nước ngoài.”


WESTMINSTER (NV) - Lần đầu tiên tại Little Saigon có cuộc hội ngộ của 25 họa sĩ khắp nơi trên thế giới về cùng triển lãm, tên là “Sắc Màu Họa Sĩ Việt Nam” lần thứ 12, tại hội trường Văn Lang, Westminster, hôm Thứ Bảy, với phần khai mạc rất trang trọng.

25hoasi25 họa sĩ ra mắt tại cuộc triển lãm “Sắc Màu Họa Sĩ Việt Nam” lần thứ 12. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Trong số 25 họa sĩ này, có cả nam lẫn nữ, và đặc biệt có bao gồm hai thế hệ khác nhau. Thế hệ đầu tiên có các họa sĩ Nguyễn Văn Bảy, Vi Vi, Huy Dũng, Văn Mộc, Hồ Anh, Thịnh Nguyễn... Thế hệ trẻ hơn có Ái Lan, Cát Ðơn Sa, Khanh N., Quỳnh Giao, Trương Ðình Uyên, Lương Trường Thọ, Nguyên Vũ, Nguyễn Công Tâm, Ðoàn Vi Hương...

Với 107 tác phẩm hội họa với nhiều trường phái, thể loại khác nhau, các họa sĩ đã đem đến cho không gian triển lãm và người thưởng ngoạn được sống trong thế giới nghệ thuật hội họa thật phong phú và độc đáo, hơn hẳn so với những cuộc triển lãm trước đây.

Họa sĩ Nguyễn Văn Bảy, từ Việt Nam sang, nói về cảm tưởng của mình: “Hội họa của cộng đồng người Việt ở hải ngoại ngày càng phát triển và nhất là giới trẻ, họ ngày càng có nhiều sáng tạo mới lạ trong nghệ thuật, cuộc triển lãm này là một cơ hội phát triển cho nền hội họa Việt Nam ở nước ngoài.”

Họa sĩ Nguyễn Thịnh, từ Denver, Colorado, bay sang dự triển lãm, cũng vui vẻ cho biết: “Ðây là lần thứ hai tôi về Nam California triển lãm với các đồng nghiệp. Tôi thích được triển lãm nơi đây vì có nhiều người Việt đến xem, có nhiều cảm nhận chung về quê hương của mình. Vẽ cảnh Việt Nam thì người Việt Nam phải xem mới đúng chứ! Tranh của tôi vẽ tĩnh vật một cây đàn bầu trên chiếc ghế cũ kỹ nhìn là thấy Việt Nam 100% rồi!”

Họa sĩ Vi Vi, thành viên ban tổ chức Hội Họa Sĩ Việt Nam, cho biết: “Họp mặt 25 họa sĩ với nhiều trường phái khác nhau là một cuộc hội ngộ hiếm hoi. Mỗi tác phẩm là một tiếng nói, một tâm tư riêng được thể hiện qua sắc màu của từng họa sĩ. Cuộc triển lãm hấp dẫn là ở những nét riêng của mỗi người. Riêng cá nhân tôi, tôi muốn đem ý tưởng của mình vào tranh, như bức thanh vẽ nữ thần tự do với những đồng đô la, những suối tiền tuôn như thác đổ. Khi nói đến tự do là nói đến sức mạnh của tiền bạc, của quyền lực. Khi có tự do sẽ có tất cả.”

Họa sĩ Huy Dũng cũng chia sẻ: “Tranh của các họa sĩ Việt Nam ở hải ngoại được sáng tác tự do phong phú, nhưng lại ít được bán giá cao so với các họa sĩ trong nước, dù đề tài của họ bị hạn hẹp. Có một điều cũng dễ hiểu, ở Mỹ, họa sĩ vẽ tranh không để mưu sinh kiếm sống như ở Việt Nam mà chỉ để giải trí nghệ thuật, một thú vui cho đời sống tinh thần nên sáng tác thoải mái hơn. Ở Việt Nam cần phải có phòng triển lãm, hoặc họa sĩ ký gửi tranh để bán, chuyện sáng tác dường như chạy theo thị trường. Nghệ thuật hội họa Việt Nam luôn được cộng đồng người Việt ở hải ngoại duy trì và phát triển không ngừng, cuộc triển lãm hôm nay nói lên điều đó!”

Cuộc triển lãm kéo dài sang hết ngày hôm sau, Chủ Nhật, 24 Tháng Ba.