main billboard

Hai tập sách, mà tác giả Thiện Ý muốn giới thiệu với chúng ta hôm nay mang tựa đề “Cuộc Nội Chiến Quốc Cộng. Ai thắng ai?”. Hai cuốn sách tổng cộng dày khoảng gần 900 trang.

LỜI PHÁT BIỂU CỦA TS. TRẦN AN BÀI
TRONG BUỔI RA MẮT SÁCH CỦA LS. NGUYỄN VĂN THẮNG
NGÀY 7-10-2017

Tran An BaiKính thưa Quý Vị,

Trong những năm qua, tôi đã đọc nhiều bài tham luận đặc sắc của Ls.THIỆN Ý NGUYỄN VĂN THẮNG. Nhưng hôm nay, qua sự trung gian giới thiệu của Ls. Nguyễn Vạn Bình, tôi mới hân hạnh được gặp mặt và làm quen với tác giả. Hơn nữa, tôi còn vinh hạnh được mời phát biểu trong buổi ra mắt sách hôm nay. Vậy, tôi xin chân thành cám ơn Ban Tổ Chức và tác giả Thiện Ý Nguyễn Văn Thắng.

Tôi thực sự hơi ngạc nhiên vì trong thời đại vi tính, iphone và internet này mà tác giả còn dùng hình thức in sách và ra mắt sách. Thế nên, tôi đoán có lẽ điểm chính không phải là vấn đề thương mại, mà có thể là vì tác giả nhớ anh em chúng tôi, nên muốn tạo dịp về Thung Lũng Hoa Vàng, Thủ Phủ của Người Việt Chống Cộng, để được thăm lại bạn bè trong giới Luật gia miền Bắc Cali, hiện do Ls. Đỗ Doãn Quế làm Hội Trưởng và Gia Đình Sinh Viên Luật Khoa do Ls Nguyễn Vạn Bình làm Đại Diện.

Xin trân trọng chào mừng tác giả Thiện Ý đã đến thăm anh em trong Gia Đình Luật Khoa Bắc Cali chúng tôi.

Kính thưa Quý Vị,

Hai tập sách, mà tác giả Thiện Ý muốn giới thiệu với chúng ta hôm nay mang tựa đề “Cuộc Nội Chiến Quốc Cộng. Ai thắng ai?”. Hai cuốn sách tổng cộng dày khoảng gần 900 trang.

Thực ra, không phải toàn thể các bài viết trong hai cuốn sách này đều nhằm trả lời trực tiếp cho đề tài mà tác giả đặt tên cho 2 tập sách, mà gồm nhiều bài viết trong vòng 25 năm, từ 1992 đến 2017, liên quan đến tình hình đất nước Việt Nam và cuộc sống của người Việt trong nước cũng như hải ngoại.

 

Có 2 bài khá đặc biệt in trong quyển 1, liên quan đến cuộc chiến Việt Nam, đó là bài bình luận, mang số 12: “Ai Đã Thắng Ai và Ai Sẽ Thắng Ai?” và bài tham luận số 13: “Ngày 30-4-1975: Quốc Gia Thua Để Thắng, Cộng Sản Thắng Để Thua”.

Theo tác giả Thiện Ý, “cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc… chẳng phải là thắng lợi của phe này (tức Cộng sản) đối với phe kia (tức Quốc Gia) mà chỉ là vì sự thay đổi thế chiến lược quốc tế của các cường quốc mà thôi.”

Từ ý niệm đó, tác giả đã đi đến kết luận về ý nghĩa lịch sử của ngày 30-4-1975 như sau: “Quốc gia thua để thắng, Cộng sản thắng để thua”.

Tại sao Cộng sản thắng để thua? Tác giả đã lý luận rằng: Vào ngày 30-4-1975, khi quân đội Bắc Việt xâm chiếm xong miền Nam, nhiều người nghĩ rằng Cộng sản đã thắng, nhưng thực sự cái thắng đó chỉ là “một chiến thắng biểu kiến”, một chiến thắng giả tạo. Đó là ngày mở đầu cho một cuộc thua bại hoàn toàn của Cộng sản.

Căn cứ vào đâu mà tác giả quả quyết như vậy?

Xin thưa: Vì Việt Nam đã được chọn làm tiền đồn của hai phe tư bản và cộng sản. Nếu việc chiếm được miền Nam Việt Nam là một chiến thắng thật thì Bắc Việt phải được Liên Xô và các nước đàn em hỗ trợ tích cực; và chiến thắng này phải lan tới các quốc gia láng giềng như Lào, Campuchia, Phi luật Tân, Thái Lan, v.v… Nhưng thực tế, chuyện này đã không xảy ra, mà chính chế độ Cộng sản trên toàn thế giới lại bị sụp đổ. Từ đó, tác giả kết luận: “Cộng sản đã thắng để thua”.

Tiếp theo, tác giả đi xa hơn bằng cách lập luận rằng: “Người Quốc gia đã thua để thắng”. Tại sao? Vì “mục tiêu và lý tưởng đấu tranh của người Việt Quốc Gia trước sau như một, vẫn là chân lý tất thắng của thời đại, có chính nghĩa, đáp ứng đúng khát vọng toàn dân”.

Và người Quốc Gia sẽ thắng nhờ vào 3 sức đẩy sau đây:

1. Đảng và chế độ Cộng Sản sẽ tự hủy diệt vì phân rẽ nội bộ.

2. Quần chúng sẽ ủng hộ các hình thức đấu tranh của các lực lượng quốc gia, và

3. Nhờ áp lực của Liên Hiệp Quốc và các nước dân chủ trên thế giới.

Tác giả rất lạc quan và khẳng định rằng điều này sớm muộn gì cũng sẽ phải xảy ra. Và như vậy là “người Quốc Gia đã thua để thắng.”

Kính thưa Quý Vị,

Vào cuối tuần trước, trên một số diễn đàn thư tín internet, tôi có đọc thấy một vài ý kiến không đồng ý với danh từ mà tác giả Thiện Ý đã dùng để đặt tên cho cuốn sách. Đó là danh từ “Nội Chiến”. Cuộc chiến tranh giữa hai miền Nam Bắc VN có phải là một cuộc “Nội Chiến” hay không? Đây quả là một đề tài vô cùng quan trọng và rất phức tạp, cần được mọi người bình tĩnh lắng nghe và góp ý. Tôi thiết nghĩ khi tác giả Thiện Ý đã chọn danh từ này và dùng làm tựa đề cho cuốn sách thì ông cũng đã phải có một sự cân nhắc tỉ mỉ và hôm nay đây là một dịp tốt để chúng ta sẽ nghe quan điểm của ông.

Sau cùng, tôi xin được cám ơn tác giả Thiện Ý đã gửi đến cho các độc giả đã và sẽ đọc tác phẩm của ông, một niềm HY VỌNG rất cao về tương lai tươi sáng của khối người Việt Quốc Gia. Đó là sự tan rã của chế độ phi nhân Cộng Sản vào một ngày rất gần.

Tôi hình dung được sự khó khăn của tác giả khi đi tìm câu trả lời cho vấn nạn “Ai thắng ai?” trong cuộc chiến Việt Nam. Thực ra, để cho một trận đấu thư hùng được công bằng và dễ phân định thắng bại, thì hai bên phải cùng tương đương, ngang sức với nhau.

Khi hỏi “Ai thắng ai?” tức phải hiểu rằng “Người nào thắng người nào?” Nhưng cái khó khăn của trọng tài là một bên nói tiếng của nhân loại, nhưng bên kia lại dùng một thứ tiếng lạ, một thứ ngôn ngữ không mang cùng ý nghĩa của loài người. Chẳng hạn, cùng những chữ “độc lập, tự do, hạnh phúc” thì một bên nói lên, cả thế giới đều hiểu, còn bên kia nói, không ai trong thế giới loài người hiểu họ muốn nói gì.

Khi bên này nói chữ “luật pháp” thì cả thế giới đều quen thuộc. Còn bên kia cũng nói đến “luật pháp”, nhưng chỉ những sinh vật sống trong rừng rú mới hiểu.

 

Sau ngày 30-4-1975, những người miền Nam đang ở trong những căn nhà khang trang, sạch sẽ, bỗng dưng nhìn thấy miền Bắc với lều tranh vách đất, người dân phải đi mót khoai mì, bo bo kiếm sống thì bên này gọi cảnh sống ấy là địa ngục, nhưng bên kia lại coi đó là thiên đàng Xã Hội Chủ Nghĩa.

Hành động bán đất, dâng biển cho Tàu cộng thì bên này gọi là “bán nước”, còn bên kia lại cho rằng thế mới là “yêu nước”.

Một người đang sống tại Đức quốc, tự dưng một ngày kia biến mất và xuất hiện ở VN. Người Đức gọi đó là một vụ “bắt cóc”, nhưng Cộng Sản VN lại gọi đó là hành vi “tự thú”.

Thế nên, khi đọc hai tập sách này, nếu có ai cảm thấy bực bội, khó chịu khi thấy hàng chữ “Ai thắng ai?” thì đó cũng chỉ vì chữ “Ai” trước“ai” sau là hai thành phần hoàn toàn khác nhau về tư tưởng và nhân cách. Một bên chưa bao giờ nhận rằng mình thua. Một bên không bao giờ ngờ rằng mình thắng. Thế nên cuộc chiến tranh Việt Nam sẽ còn để lại nhiều vấn đề phức tạp cần phải được các thế hệ bàn luận và phân tích.

Xin thành thật cám ơn Quý Vị đã lắng nghe.

Kính chào toàn thể Quý Vị.