main billboard

Đại hội Trưng Vương mỗi năm được tổ chức ở một địa điểm dành cho các cựu nữ sinh Trưng Vương sống khắp nơi trên thế giới. Đại hội năm nay được diễn ra chính thức vào tối thứ Bảy, ngày 30 tháng Ba, tại khách sạn Mariott Saville, bang Virginia, thuộc khu vực thủ đô Hoa Kỳ Washington D.C.

nusinh trungvuong 1Các nữ sinh trường Trưng Vương thời xưa.

Đại hội Trưng Vương mỗi năm được tổ chức ở một địa điểm dành cho các cựu nữ sinh Trưng Vương sống khắp nơi trên thế giới. Đại hội năm nay được diễn ra chính thức vào tối thứ Bảy, ngày 30 tháng Ba, tại khách sạn Mariott Saville, bang Virginia, thuộc khu vực thủ đô Hoa Kỳ Washington D.C. VOA ban Việt ngữ đã liên lạc và có cơ hội trò chuyện với ba cựu nữ sinh Trưng Vương, đồng thời là ba trong số các thành viên tham gia chuẩn bị cho đại hội, để biết thêm chi tiết về đại hội, và đồng thời được lắng nghe thêm những tâm sự của họ về sự kiện này. Xin mời quý vị cùng theo dõi Câu chuyện Phụ nữ tuần này do Hồng Hoa trình bày.

Tại thủ đô Hoa Kỳ Washington, D.C hàng năm, cứ vào thời điểm cuối tháng Ba, đầu tháng Tư, nhiều du khách từ khắp mọi nơi lại kéo về để được cảm nhận không khí tưng bừng, đầy sức sống qua hình ảnh những khóm anh đào bừng nở.  Còn đối với những cựu nữ sinh trường Trưng Vương, một trong những trường danh tiếng hàng đầu ở Việt Nam dành cho nữ sinh từ khoảng  50 năm trước, hòa quyện trong vẻ đẹp rực rỡ, tinh khôi, của những cành anh đào, thì ngày 30 tháng Ba năm nay sẽ là dịp để họ tề tựu, họp mặt, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm đẹp thời đi học.

Cựu nữ sinh Hồng Thủy, một thành viên tham gia tổ chức đại hội Trưng Vương năm nay tại Washington, D.C. cho biết:

“Đại hội Trưng Vương năm nay thì chúng tôi có hai phần: một ngày là tiền đại hội, diễn ra vào ngày 29/3, đây là ngày cho các cựu học sinh họp mặt trong nội bộ Trưng Vương thân mật ở nhà hàng Harvest Moon, Arlington, Virginia; còn ngày đại hội chính thức dành cho không những cựu học sinh Trưng Vương mà còn mở cửa tiếp đón các thân hữu khác, thì  sẽ làm ở khách sạn Marriott Saville, cũng ở bên Virginia, vào tối thứ Bảy, ngày 30/3.”

Được biết, tổng số vé đại hội Trưng Vương bán ra năm nay đã vượt quá con số 500 tính tới thời điểm hiện tại. Cô Hồng Thủy nói hiện vẫn còn rất nhiều cựu học sinh Trưng Vương ở xa gọi về muốn tham dự nên ban tổ chức không biết số người tham dự cuối cùng là bao nhiêu. Đây quả là một tín hiệu vui khi sau mấy chục năm ra trường, cho dù mỗi người mỗi ngả, nhưng đại hội thế giới của trường Trưng Vương luôn thu hút rất nhiều người từ khắp mọi nơi, bao gồm Canada, Mỹ, Pháp, Việt Nam v…v… đến tham dự. Và để chuẩn bị cho một đại hội thế giới với quy mô lớn như vậy, theo cô Thúy Diệm, một thành viên khác tham gia tổ chức đại hội cho biết thường phải mất ba, bốn tháng lên kế hoạch, phân chia nhiệm vụ, và tiến hành công việc.

Cô Hồng Thủy còn cho biết, ba vùng lớn nhất mà Trưng Vương hay luân phiên tổ chức đại hội là Washington, D.C; California; và Houston, Texas, cho nên riêng tại Washignton D.C thì tổ chức năm năm một lần. Tuy nhiên, ngoài đại hội Trưng Vương thế giới, cô Kiều Thu, thuộc niên khóa nhỏ nhất, cho biết thêm:

nusinh trungvuong 2Các cựu học sinh Trưng Vương tại lễ tưởng niệm Hai Bà TrưngCác cựu học sinh Trưng Vương tại lễ tưởng niệm Hai Bà Trưng

“May mắn nhờ có internet nên vấn đề liên lạc không còn khó khăn như ngày xưa nữa. Riêng tại DC, thì các cựu nữ sinh Trưng Vương gặp nhau rất thường xuyên. Có chị ra trường từ năm 1959, có người ra trường 1975, 1977, nhưng mà vẫn gặp nhau ít nhất là một tháng một lần. Gặp nhau cười đùa ăn uống, rồi đi thăm đi viếng, chia sẻ những kỉ niệm cũ, cũng như là đỡ đần nhau nếu cần thiết. Và còn tham dự sinh hoạt những tổ chức huynh hữu hội đoàn ở trong vùng.”

Ngoài việc gặp gỡ, hàn huyên nói chung, cô Hồng Thủy nói,  riêng các cựu học sinh sống ở vùng Washington, D.C còn tổ chức những buổi mừng sinh nhật chung. Bên cạnh đó, còn những sinh hoạt chính như ngày lễ Hai Bà Trưng sắp tới thì Trưng Vương cũng phụ với Hội Cao niên để tổ chức lễ Hai Bà Trưng.

Tuy đã tham gia đại hội bốn lần trên tổng số khoảng bảy lần đại hội được tổ chức tại D.C., nhưng cô Kiều Thu tâm sự mỗi lần tham dự đại hội cô đều có cảm xúc khác nhau:

“Lần đầu tiên chỉ mua vé đến tham dự, ngồi một góc nhìn các chị bận rộn lo tổ chức. Nhưng mình đến là để ủng hộ tinh thần của học trò Trưng Vương. Lần thứ nhì thì được tham dự một vài công tác thì là cũng vui. Lần thứ ba thì đóng góp nhiều hơn. Lần thứ tư thì tổ chức với nhóm trẻ của Trưng Vương 68-75, nói trẻ thì là trẻ so với các chị lớn thôi chứ các cô cũng lớn hết rồi.”

Thời gian không chờ đợi ai, nhưng có lẽ những kỉ niệm vẫn luôn ở đó, trong lòng từng con người đã từng gắn bó dưới cùng ngôi trường, nơi mà cô Thúy Diệm nói rằng Trưng Vương là một nơi mà bảy năm trời tất cả học sinh cùng học với nhau như một gia đình. Khi hồi tưởng lại những năm tháng ấy, cô Thúy Diệm chia sẻ:

“Cô hay làm báo thời còn đi học.  Khi có báo rồi thì được qua các trường khác để bán báo. Rồi các trường khác cũng qua trường mình để bán báo. Lúc đó thì các nam sinh mới được qua các trường nữ và nữ sinh mới được qua các trường nam. Khi mình đi qua đi lại đó thì mình cũng có quen những người bạn khác phái, và từ đó cũng nảy nở tình bạn mà đem lại cho mình niềm vui và những cuộc gặp gỡ thú vị.

Rồi làm bích báo, viết bài cho trường, hay tập san Mê Linh. Thành ra cô nhớ những thời gian mà Tết, làm những tờ bích báo, viết bằng tay. Thời đó viết bằng tay trên một tờ giấy rất to, rồi dán lên trên tường, mỗi lớp dán một tờ như vậy, rồi thi đua xem tờ bích báo nào được chọn. Sau này được in thành những đặc san. Mỗi một năm, ban đại diện của trường thì lại được chịu trách nhiệm làm đặc san cho trường. Thành ra những thời gian đó cô rất thích, tại vì cô cũng hay trình bày báo, viết bài, và đó là những việc mà cô nhớ nhất khi mà cô còn ở dưới mái trường Trưng Vương.”

Cô Hồng Thủy cũng kể thêm:

“Kỷ niệm thời đi học thì có nhiều lắm. Con gái mới lớn mà, thì chúng tôi trong những dịp lễ Hai Bà Trưng thì cũng có những chương trình múa hát, văn nghệ. Tôi có một nhóm bạn cũng năng nổ hoạt động trong trường, chúng tôi có những kỉ niệm tập múa tập hát. Rồi những đêm văn nghệ ở Norodom, thì các trường thi thố tài năng thì cũng có dịp gặp trường Chu Văn An và các trường khác. Con gái mới lớn lên thì đó là thời mơ mộng, chi tiết cũng vui.”

Cũng giống như cô Hồng Thủy, cô Kiều Thu nói rằng kỷ niệm ở Trưng Vương thì rất nhiều, để mà kể thì không biết kể cái nào và bỏ cái nào, vì cái nào cũng đẹp và cũng đáng nhớ.

nusinh trungvuong 3Buổi họp mặt của các cựu nữ sinh Trưng Vương niên khóa 60-67Buổi họp mặt của các cựu nữ sinh Trưng Vương niên khóa 60-67

“Nhưng có lẽ nhớ nhất là nhớ những người bạn. Học trò nào cũng phải đi học, chăm chỉ học hành, rất sợ cô giáo. Nhưng đồng thời tình thày trò cũng khác bây giờ, nhất là mình ở hải ngoại, nên tình thày trò rất sâu đậm, trong đó có sự kính nể lẫn sự thương mến. Nếu không có kỷ niệm với bạn thì kỷ niệm cũng không còn gì để mà nhớ. Có thể nói là quý nhất là những người bạn. Những ngày học bài, những ngày đi tập văn nghệ, những ngày đi ăn quà vặt với nhau, cái nào cũng đáng nhớ hết. Giờ gặp lại cũng chỉ nói từng đó chuyện thôi nhưng cũng chừng ấy chuyện mà nói đi nói lại hoài không biết chán.”

Theo lời của cả ba cô Hồng Thủy, Thúy Diệm, và Kiều Thu, ba cựu học sinh thuộc các thế hệ khác nhau, thì Trưng Vương luôn là một ngôi trường không những đặt trọng tâm vào chuyện học văn hóa, mà chuyện duy trì hạnh kiểm tốt, đức hạnh cũng là một chuyện rất quan trọng. Để thi được vào trường đã khó, đến lúc vào được trường rồi, dù học giỏi đến đâu mà hạnh kiểm không tốt, vi phạm những kì luật của trường thì đều bị đuổi. Khắt khe là vậy, nhưng cô Hồng Thủy nói:

“Khi mà mình được đào tạo trong một ngôi trường kỉ luật như vậy thì ra ngoài mình cũng là một công dân tốt trong nước Việt Nam của mình. Và trong gia đình, khi người đàn bà lập gia đình, một người đàn bà có đức hạnh, thì gia đình của mình cũng sẽ hạnh phúc; con cái mình được giáo dục cái giáo dục của mình.”

Và đây là ý kiến của cô Thúy Diệm:

“Công ơn của các thày cô không thể nào mà các cựu nữ sinh, cô nói riêng, và các cựu nữ sinh Trưng Vương nói chung, quên được. Nhờ có sự rèn luyện đó, và thày cô cũng như cha mẹ, cũng như cô chú bác dạy dỗ mình, thương yêu thật lòng. Thành ra những tình cảm đó, không nhờ những sự dạy dỗ đó, thì có lẽ rằng là bây giờ mình có thể không được như ngày nay.”

Cũng giống như hai cô Hồng Thủy và cô Thúy Diệm, cô Kiều Thu tâm sự:

“Dù cho ngày hôm nay, mình có làm đến chức gì đi chăng nữa, mình có làm cao chăng nữa thì mình nợ những sự thành công đó. Nhờ có sự dạy dỗ của thày cô, sự nuôi nấng của bố mẹ mình mới được ngày hôm nay. Trong thâm tâm của cá nhân cô cũng như những người học trò Trưng Vương khác, ai cũng nhớ ơn thày cô, đã dạy cho mình từ lúc vỡ lòng, chập chững đến trường, đến lúc mình rời ghế nhà trường. Đó là ơn vô cùng to lớn mà mình không biết làm sao mình trả được.“

Bên cạnh những ký ức về những người thày, người cô, tình bạn cũng chính là điều mà các cựu nữ sinh Trưng Vương hiện giờ luôn nâng niu và quý trọng. Cô Thúy Diệm nói:

“Với các bạn mà không được tham dự thì Thúy Diệm thấy những bạn Trưng Vương đó mà có dịp gặp lại nhau thì đó là cả một hạnh phúc. Tại vì khi gặp lại nhau không chỉ nhìn thấy những khuôn mặt của những người bạn của mình ngày xưa, mà cả những kỷ niệm, bao nhiêu thứ trở lại với mình. Mấy bạn không tham dự được thì Thúy Diệm cũng mong rằng có một ngày nào đó Thúy Diệm được gặp lại các bạn, để chia sẻ với các bạn những ngày mình không được gặp nhau.”

Cô Kiều Thu muốn nhắn gửi tới những người bạn học mà cô chưa có cơ hội gặp lại rằng:

“Riêng với những người bạn mà không có dịp gặp lại, nhất là những người bạn thân ở Trưng Vương thì những kỷ niệm ngày xưa, cá nhân Kiều Thu lúc nào cũng nhớ. Cầu mong các bạn được vui vẻ, hạnh phúc, và hy vọng rằng, chúng ta có dịp gặp lại. Dù ở môi trường nào thì cái ngày gặp lại đó sẽ rất vui và có lẽ chắc sẽ rất cảm động.”

Cô Hồng Thủy nói thêm:

“Thật sự ra em biết không, khi hỏi một người như tôi, một người đàn bà 70 tuổi, khi mình muốn trở lại cái gì thì chắc chắn mình muốn trở lại thời tuổi trẻ của mình. Muốn trở lại ngày vui với bạn bè, muốn được sống lại những ngày đó….”