“Lâm vào đường cùng, chúng tôi mới phải ra đây xin tiền, nhưng không có nghĩa là chúng tôi thích làm việc này. Bởi vậy, ngày nào vừa đủ, chúng tôi nghỉ ngay,”


homeless 1
Ông Larry Beckley. (Hình: Ðằng-Giao/Người Việt)

WESTMINSTER (NV) – Thời gian gần đây ở khu Little Saigon xuất hiện nhiều người cầm bảng ghi chữ “homeless” đứng trông mong lòng hảo tâm của ông lái qua, của bà lái lại ngay trên con lươn của hai con đường chính là Bolsa và Brookhurst. Họ đông đến nỗi phải chia giờ cho công bằng, vì có đến cả chục người muốn vị trí “đắc địa” này.

Gần như lúc nào cũng có hai người “homeless” thay phiên nhau đón nhận lòng hảo tâm của những cư dân Little Saigon đi qua góc đường này.

Quan sát từ xa, phóng viên Người Việt nhận thấy, trung bình, mỗi giờ mỗi người nhận được khoảng 14 lần người lái xe dúi vào tay một cái gì đó, có thể là tiền mặt, có thể là thẻ mua thức ăn nhanh, mà cũng có thể là thức ăn.

Nghĩa là, nếu tính trung bình mỗi lần họ nhận được $1, thì trong một giờ họ kiếm được $14.

Như vậy, nếu mỗi ngày “làm việc” 8 giờ đồng hồ thì mỗi người kiếm được trung bình khoảng $112.

Con số đó cũng không hẳn chính xác. Vì người có lòng hảo tâm lúc có, lúc không, và không ai có thể đứng ngoài nắng giữa đường 8 tiếng một ngày.

Mùa nắng, trung bình, một người chỉ đứng được chừng vài giờ thôi.

Bài viết này xin đề cập đến vài gương mặt tiêu biểu của những người vô gia cư đang sống nhờ vào lòng hảo tâm của cư dân Little Saigon.

Chuyện của Larry và Laurie Beckley

Có hai vợ chồng người Mỹ trắng “homeless” cùng xin tiền ở ngã tư này là ông Larry và bà Laurie.

“Lâm vào đường cùng, chúng tôi mới phải ra đây xin tiền, nhưng không có nghĩa là chúng tôi thích làm việc này. Bởi vậy, ngày nào vừa đủ, chúng tôi nghỉ ngay,” ông Larry giải thích.

Còn bà Laurie cho hay: “Hôm nào xin được $73 là tối hôm ấy, chúng tôi có thể vào motel ở Anaheim ngủ, chứ không phải ‘homeless’ ngủ bờ, ngủ bụi.”

Ông Larry thêm vào:”Lâu lâu, vừa được ngủ motel, vừa không phải nhịn đói là một ngày hạnh phúc của chúng tôi. Tạm quên đời ‘homeless’ vài giờ.”

homeless 2
Bà Laurie Beckley, đang mong người bạn mở tiệm gia súc để có việc làm. (Hình: Ðằng-Giao/Người Việt)

Niềm hạnh phúc của họ không phải vì được nằm trên giường êm ái trong phòng có máy lạnh mà vì được tắm rửa sạch sẽ. “Sau khi mất nhà, tôi mới biết tận hưởng thú vui đơn giản nhất đời là sự tắm rửa,” bà Laurie tâm sự.” Làm dân ‘homeless’ là mất quyền làm người.”

Hai vợ chồng ông trở thành “homeless” đã ba năm nay, và biết góc đường này chừng vài tháng nay.

Số tiền họ cần để được vào motel ngủ là $73, nếu được hơn là có tiền ăn uống.

“Nói chung, có được $90 là quá đủ cho vợ chồng tôi bữa đó. Ðể được số tiền này, có bữa chỉ cần vài tiếng thôi, nhưng có nhiều ngày chưa được phân nửa,” bà Laurie nói.

Năm năm trước đó, hai vợ chồng ông ở nhà người chú, chăm sóc cho ông ấy. “Chú tôi qua đời năm 89 tuổi. Chúng tôi ở nán lại được vài tháng thì gia đình bán nhà, khiến chúng tôi bắt đầu kiếp ‘homeless,’” ông Larry kể.

Trước nữa, ông làm việc cho hãng Kingshocks tại Garden Grove, chuyên sản xuất phuộc nhún cho các loại xe. Ông nói: “Ðược vài năm, bỗng nhiên tôi bị những trận nhức đầu kinh khủng. Bác sĩ của hãng cho biết tôi phải thôi việc vì bị dị ứng với một số hóa chất mà hãng thải ra.”

Vợ ông, bà Laurie, bị lãng tai bẩm sinh và vì thế dễ bị mất thăng bằng nên không xin việc toàn thời gian được. Bà hiện có tiền cấp dưỡng nhưng không đủ cho hai vợ chồng sống.

Vô lề thì không có tiền

Hàng ngày, bà Laurie đứng giữa đường Bosa và ông Larry đứng giữa đường Brookhurst.

Ông Larry nói: “Ðầu con lươn giữa đường Bolsa lớn hơn bên Brookhurst. Nhà tôi hay mất thăng bằng nên đứng ở Bolsa an toàn hơn.”

Mùa nắng, buổi sáng, họ ra đứng xin tiền lúc 8 giờ, đến khoảng 3 giờ trưa thì phải nghỉ. Nhiều lần, cảnh sát yêu cầu họ phải vô lề đường vì đứng trên con lươn tại ngã tư rất nguy hiểm.

“Tôi biết có người như chúng tôi bị xe đụng chết ở Anaheim, nhưng đành phải vậy chứ biết làm sao. Vô lề thì không có tiền,” ông Larry than thở. “Dân ‘homeless’ đâu được lựa chọn.”

Ông Larry năm nay 60 tuổi và bà Laurie 63 tuổi. Họ chưa hề có tiền án bao giờ.

Cả hai người đang đợi một người quen mở tiệm bán gia súc ở Stanton để về đó làm việc. Ông Larry có thể làm việc trên computer, còn bà Laurie đã từng làm việc về quảng cáo.

“Nhanh thì trong vòng nửa tháng, chậm thì chừng hai tháng là ông ấy lo xong mọi thủ tục mở tiệm,” bà Laurie nói với niềm hy vọng.

Lý do để cặp vợ chồng không chán nản và tuyệt vọng trong những năm “homeless” vừa qua là nhờ vào niềm tin tôn giáo. Họ đi nhà thờ bất cứ khi nào được.

“Người Việt Nam dễ cho chúng tôi tiền. Họ cho và không bao giờ mắng chửi hay bảo chúng tôi phải đi làm,” bà Laurie nói. “Chắc họ thương dân ‘homeless.’”

Khi hỏi ông nghĩ sao mỗi khi nhận tiền từ tay người khác, ông Larry trả lời vỏn vẹn: “Xấu hổ lắm!”

Jeff Wolfe: ‘Người Việt dễ dãi với ‘homeless’

homeless 3
Ông Jeff Wolf: “Hồi trẻ, tôi tưởng ‘homeless’ là lãng mạn.” (Hình: Ðằng-Giao/Người Việt)

Từ 3 giờ chiều trở đi, ông Jeff Wolfe thế chỗ của bà Laurie. Ông là người luôn luôn có nụ cười tươi tắn trên môi.

Khác với vợ chồng ông Larry, ông Jeff là người có tiền án.

Ông đến khu này cũng vì người Việt thường “dễ dãi hơn với tiền lẻ và dễ dãi với dân ‘homeless.’”

Hãy nghe ông Jeff nói về mình: “Năm nay tôi 39 tuổi. Sinh ra ở Florida nhưng sau nhiều lần trôi dạt, tôi ở California đã nhiều năm. Ngay từ hồi 13 tuổi, tôi đã ngỗ nghịch, phá làng, phá xóm.”

Ông Jeff cho biết ông sẵn sàng nói thật về quá khứ không hay vì ông nghĩ rằng đây là cách để ông tỏ bày lòng hối hận về những việc làm sai trái của mình.

Ông bắt đầu cuộc đời bằng sự đua đòi chúng bạn. Ông bỏ nhà ra đi năm 14 tuổi mặc dù cha mẹ ông không hề ngược đãi.

Ông nhìn nhận: “Tất cả là do tôi. Tôi cũng không biết vì sao tôi thích đi bụi đời. Có lẽ vì tôi ham vui thôi. Hồi trẻ, tôi tưởng ‘homeless’ là lãng mạn.”

Rồi ông phạm phải những lỗi lầm như trộm vặt nhiều lần và bị đưa vào trại cải huấn cho thanh thiếu niên. Ðến năm 16 tuổi, ông cùng một người bạn lấy chiếc xe trốn trại và bị bắt ngay sau đó. Ông bị buộc tội ăn trộm xe và kết án 18 tháng tù.

Mãn tù, ông không tìm được việc làm vì có tiền án. Ông sống lây lất, nay đây, mai đó, từ Floria đến Louisiana, đến Nevada, rồi California.

Hiện thời, cha và em gái ông đang ở Newport Beach, nhưng họ không thể đưa ông về ở chung vì không muốn ông gần mấy đứa cháu.

“Tôi không hề oán trách cả cha lẫn em tôi. Họ không tin tôi là đúng rồi. Ai mà ưa được thằng ‘homeless.’ Từ xưa, tôi đã có những lỗi lầm mà ngay cả tôi cũng còn xấu hổ.”

Lần cuối ông gặp cha là vào dịp Giáng Sinh. Ông cũng có gọi điện thoại hỏi thăm cha một tháng đôi lần. Mẹ ông vẫn sống ở Florida và đã quá mệt mỏi nên giờ không dám đưa ông về.

“Thôi cũng được. Tôi có tội thì bây giờ tôi phải chịu đời ‘homeless.’ Tôi chỉ mong Thiên Chúa chứng giám cho sự hối cải của tôi bây giờ,” ông nói khẽ.

Mỗi ngày ông cần $20. Mười lăm đô-la là để mua cần sa trị bệnh. Không có, tôi bị động kinh. Tôi có giấy bác sĩ. Biết nhiều người sẽ mất thiện cảm đối với tôi nghe nghe nói đến cần sa, nhưng tôi không muốn nói dối. Rồi tôi cần thêm $5 nữa để mua thức ăn, nước uống là đủ rồi. Dư ra, tôi mua thuốc 555.”

Ông nghiện thuốc 555 từ lúc về khu Little Saigon. Có một ai đó cho ông nửa gói thuốc. Hút vào, ông thích quá và lần tìm mua hút từ đó.

Cư dân Việt nói gì?

Ông Nguyễn Quang Ánh, ở Fountain Valley, nói: “Tôi tuyệt đối không cho bất cứ gì cho những người ‘homeless’này. Nghèo, bên này có chính phủ. Bệnh, cũng có chính phủ. Họ phải làm gì thì mới phải ra đứng đường.”

Ông Nguyễn Phước Tùng, cư dân Garden Grove, thừa nhận: “Thỉnh thoảng tôi cho họ chút tiền lẻ, hoặc thẻ mua thức ăn của Del Taco hay McDonald’s. Chừng $5 hay $10 thôi. Tôi nghĩ làm phúc ở ngay trong cộng đồng mình là tiện nhất và thiết thực nhất.”

Bà Nancy Hồ, cư dân Westminster, nói: “Hôm nào qua đây thấy họ, tôi mừng trong lòng. Họ đủ lương thiện để xin tiền là tốt rồi. Còn hơn là họ trộm cắp khi mình vắng nhà.”