Xâm hình trên mặt? Nên hay không?


xamhinh trenmat 1
Anh Tyson Lê, người thích xâm hình và “chỉ còn có một cái giò là chưa xâm" nhưng không hề có ý định xâm hình trên mặt. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

WESTMINSTER, California (NV) – Càng lúc, xâm hình càng trở nên phổ biến và cách nhìn của nhiều người về vấn đề này cũng thay đổi theo thời gian, không gian. Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, chuyện của anh Mark Cropp, một cư dân New Zealand, không tìm được việc làm vì có hình xâm trên mặt, gây ra nhiều tranh cãi.

Xâm hình trên mặt? Nên hay không? Người dân Orange County nghĩ gì về điều này? Nhật báo Người Việt làm một cuộc thăm dò nhỏ để tìm hiểu về ý kiến của người dân trong vùng.

Mark Cropp, 19 tuổi, đã làm cha, tha thiết muốn có việc làm để giúp đỡ gia đình nhưng đi đến đâu cũng bị từ chối vì trên nửa mặt của anh có một hình xâm với hàng chữ to tướng “DEVAST8″ (hủy diệt)

Đài Fox News trích nguồn tin của báo The Sun tường thuật rằng, Cropp đã đăng hình của mình lên Facebook và cầu xin ai đó cho anh cơ hội có được việc làm để giúp đỡ gia đình, đồng thời có thể chứng tỏ mình là người có trách nhiệm sau khi vừa mãn hạn tù.

Chỉ trong vài giờ Cropp được khá nhiều lời mời đi làm. Không chỉ vậy, anh còn chấp nhận luôn lời đề nghị đi tẩy hình xăm trên mặt.

xamhinh trenmat 2
Hình trên Facebook của anh Mark Cropp. (Hình: từ Facebook của anh)

Với những người trẻ tuổi, họ dường như không có thành kiến gì với việc xâm mình. Họ cho rằng xâm mình là một cách để bày tỏ bản thân. Một số người còn nói hình xâm cũng là một hình thức nghệ thuật như vẽ tranh.

Anh Dave Jones, một sinh viên tại trường Đại Học Cộng Đồng Golden West ở thành phố Huntington Beach cho biết suy nghĩ của mình: “Tôi là một thợ xâm tập sự, nên tôi rất thích hình xâm. Tôi coi cơ thể như là một bức vẽ.”

Thế nhưng khi được hỏi về chuyện xâm lên mặt, anh Dave lại cho rằng: “Cho dù tôi là thợ xâm, nhưng tôi thấy xâm lên mặt ghê ghê sao ấy, không biết phải nói thế nào.”

Nhiều sinh viên trẻ khác tại Golden West College cũng có cùng suy nghĩ với anh Dave. Họ hoàn toàn không ác cảm với hình xâm, nhưng xâm trên mặt thì họ không chịu được.

Một sinh viên nói đùa: “Tôi mà thấy ai xâm hình trên mặt đi ngang qua là tôi khóa cửa xe ngay. Xâm trên mặt nhìn như tội phạm ấy.”

Tuy nhiên, không phải người trẻ tuổi nào cũng thấy xâm mình là chuyện bình thường.

Anh Johnny Nguyễn, một sinh viên gốc Việt đang học tại đại học Cal State Fullerton, cho biết: “Hình xâm nhìn thấy ghê! Tôi mà thấy ai xâm mình thì tôi né ngay.”

“Xâm trên tay tôi đã thấy sợ rồi, huống gì xâm trên mặt,” anh nói thêm.

Dân của một số nước Á Châu có truyền thống xâm hình từ nhiều trăm năm nay, nhất là ngư dân, để tạo thuận lợi khi ngụp lặn đánh bắt dưới biển, khiến các loài sinh vật biển tưởng họ cùng đồng loại.  Nhưng xâm hình như một phong trào hiện nay tại Hoa Kỳ, thì dân Mỹ có cái nhìn phóng khoáng hơn các nước Á Châu. Người Mỹ xem xâm hình là một nghệ thuật, còn thợ xâm được xem như là họa sĩ. Tìm người có hình xâm trên cơ thể không có gì là quá khó khăn, hiếm thấy với dân Mỹ.

Một anh thợ xâm người Mễ Tây Cơ, có biệt danh “Ryback” làm việc tại tiệm Red Buddha Tattoo trên đường Brookhurst nói: “Tôi rất thích nghề mình làm. Mỗi ngày, tôi đều suy nghĩ về những mẫu xâm mới để giới thiệu cho khách hàng.”

Tuy nhiên, khi được hỏi về việc xâm mặt, anh trả lời: “Thật sự trong nghề cũng lâu rồi, nhưng tôi chưa thấy ai dám xâm mặt. Xâm trên người thì tôi còn hiểu, chứ điên hay sao mà đi xâm lên mặt?”

“Tôi biết nước Mỹ ‘thoáng’ với việc xâm hình, nhưng nhìn cái mặt mà có hình xâm thì làm sao mà có thiện cảm được,” anh nêu suy nghĩ.

Trong khi đó, ở Nhật hiện nay, người dân thường hay né những người có hình xâm. Hình xâm thường hay được gắn liền với hình ảnh của “yakuza”, tức là các thành viên trong băng đảng. Vì lý do đó, các suối nước nóng, hồ bơi, và nhà tắm công cộng thường cấm những người có hình xâm bước vào.

Mà ngay cả “Yakuza” thì họ cũng xâm khắp lưng và vai nhưng không dám xâm mặt.

xamhinh trenmat 3
Bảng cấm người có hình xâm tại một nhà tắm ở Nhật. (Hình: kashiwaya.org)

Còn ở Nam Hàn, xâm hình được coi là bất hợp pháp. Chỉ có bằng bác sĩ mới được phép xâm cho người khác. Thế nên các thợ xâm ở Nam Hàn phải hành nghề “chui”.

Một phụ nữ trung niên người Nam Hàn sống tại Garden Grove cho biết: “Chúng tôi đồng tình với quyết định của chính quyền Nam Hàn, bởi xâm bậy bạ nhiễm trùng thì sao?”

Còn người Việt nghĩ gì về xâm mình và xâm mặt?

Bà Thúy Võ, một người hay đi mua sắm ngoài khu chợ ABC, nói: “Về việc xâm mình thì tôi không có vấn đề, nhưng cũng tùy là xâm hình gì lên người. Xâm các hình ảnh dễ nhìn như hoa cỏ, cá chép, hay Thánh Giá thì không sao. Với lại, cũng đừng xâm nhiều quá.”

“Còn xâm mặt thì dẹp đi, ai mà chịu được. Tôi mà gặp ai xâm mặt thì tôi không bao giờ dám nhận vào làm việc,” bà nói rất rõ ràng.

Ông Trần Hòa, từng là một thầy giáo ở Việt Nam, cho biết: “Tôi hoàn toàn không có vấn đề với chuyện xâm mình. Nhưng xâm mặt thì phải tùy trường hợp.”

“Tôi thấy như người Maori ở New Zealand họ xâm mặt thì không sao, tại đó là văn hóa của họ. Còn trong các xã hội hiện đại, xâm mặt khó mà chấp nhận được,” ông nói.

Nhìn chung, với người Orange County, chuyện xâm mình được nhiều người dễ dàng chấp nhận, nhưng không phải là xâm hình lên mặt. Bởi, hình xâm trên người còn giấu được, chứ xâm trên mặt thì làm sao mà giấu?