Câu chuyện giản dị nhưng mang đầy tính nhân bản đó gây được sự chú ý đặc biệt với độc giả khắp nơi. Và mọi người cùng bắt tay vào tìm kiếm thông tin giúp ông Lee.


hieutruong 11
Từ trái: Bà Lê Thị Yến Tuyết, hiệu trưởng Trương Văn Quảng, Trương Lê Đạo, và ông Lee Lagda. (Hình: Lee Lagda cung cấp)

CYPRESS, California (NV) – Cựu quân nhân Lee Lagda, 82 tuổi, từng tham chiến tại Việt Nam, hiện sống ở Cypress, Orange County, vừa tìm được vị hiệu trưởng trường làng Phú Lễ, người tặng ông một bức tranh sơn dầu cách đây gần nửa thế kỷ, bằng sự giúp đỡ nhiệt tình của độc giả báo Người Việt từ khắp nơi trên thế giới.

Câu chuyện liên quan đến cựu quân nhân người Mỹ muốn tìm lại ông hiệu trưởng người Việt được đăng trên báo Người Việt vào Thứ Bảy 1 Tháng Bảy có thể được tóm lược như sau: Ông Lee Lagda, một sĩ quan Quân Y Hải Quân Mỹ, đến Quảng Trị giúp đỡ trẻ em trường làng vào khoảng năm 1968. Để cám ơn, vị hiệu trưởng trường làng Phú Lễ tặng ông một bức tranh sơn dầu. Bức tranh và cách biểu lộ lòng biết ơn của vị hiệu trưởng này đã làm ông Lee không thể nào quên được trong suốt gần nửa thế kỷ qua. Trước đây vài tuần, ông Lee dự trù đầu năm 2018 sẽ về Việt Nam tìm vị hiệu trưởng này dù chỉ biết vỏn vẹn tên qua chữ ký trên tranh mà ông đọc thành “Quan.”

Câu chuyện giản dị nhưng mang đầy tính nhân bản đó gây được sự chú ý đặc biệt với độc giả khắp nơi. Và mọi người cùng bắt tay vào tìm kiếm thông tin giúp ông Lee.

Với sự nhiệt tình giúp đỡ của độc giả khắp nơi trên thế giới , ngay lập tức, ông Lee nhận được rất nhiều thông tin về vị hiệu trưởng mà ông muốn tìm. Và đã liên lạc được với gia đình này.

Có rất nhiều độc giả ở Mỹ và các nước khác, mặc dù không quen biết vị hiệu trưởng ở Quảng Trị từ hồi 1968, cũng vội vàng liên lạc bạn bè, thân nhân ở Việt Nam để nhờ tìm giúp.

Ông Lee kể: “Tôi rất vui khi thấy chuyện tôi và con trai tôi sắp về Việt Nam tìm ông hiệu trưởng được nhật báo Người Việt đăng tin.”

Ông nói: “Thú thật, tôi nghĩ rằng nếu từ giờ đến cuối năm mà nhận được tin tức gì đó, cho tôi chút manh mối về gia đình này ở Việt Nam thì đã là quá may mắn cho tôi rồi.”

“Không ngờ chỉ vài ngày sau, con trai ông hiệu trưởng đã liên lạc với tôi qua Facebook,” ông tươi cười nói. “Anh ấy tên Trương Lê Đạo, hiện là bác sĩ giải phẫu ở Sài Gòn. Người hiệu trưởng tặng tôi bức tranh tên Trương Văn Quảng. Tiếc quá, ông đã qua đời năm 2012,” ông tiếp.

Trong lúc ấy, độc giả Đặng Hòa Bình liên lạc với phóng viên Người Việt với một thông tin rất chi tiết, được thu thập từ Facebook của một người tên Phụng Hoàng Ngọc, xác nhận rằng người trong hình đúng là ông Quảng, thầy mình.

“Thật xúc động! Khi đọc nội dung tìm bạn cũ của người cựu binh Mỹ! Cộng đồng mạng ca ngợi Thầy Cô. Và lại là Thầy và Cô mình nữa chứ!”

Độc giả Đặng Hòa Bình còn cung cấp cho Người Việt những chi tiết chuẩn xác: “Thầy hiệu trưởng trong hình là thầy Trương Văn Quảng, người làng Phú Lễ, xã Quảng Phú, Quận Quảng Điền, Thừa Thiên. Thầy dạy tôi lớp nhì năm 1964. Cô Tuyết vợ của Thầy dạy tôi lớp ba, năm 1963…”

Độc giả Hồ Mai, vì cảm kích câu chuyện ân nghĩa hiếm có, đã đưa hình ông Lee lên Facebook của bà để quảng bá thông tin. Bằng cách đó, bà có được số điện thoại của con trai ông Quảng ở Sài Gòn, và gửi cho Người Việt số phone đó.

Độc giả Trương Đình Liêm ở Việt Nam cũng liên lạc và cung cấp cho Người Việt những thông tin hữu ích.

Độc giả Lâm-Mỹ Hòang Anh, cư dân Anaheim, tình nguyện sẽ đi cùng ông Lee từ Sài Gòn ra Quảng Trị.

Quan trọng nhất, cô Trương Lê Đoan Trang, con gái ông Quảng, hiện đang sống tại California với mẹ là bà Lê Thị Yến Tuyết, cũng đã gọi điện thoại chào ông Lee.

Qua câu chuyện trao đổi, cả hai bên cùng biết rằng họ đã để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm khảm nhau, và họ vẫn nghĩ về nhau trong những năm tháng qua.

Ông Lee reo vui: “Trời ơi. Tôi không ngờ là đứa bé tôi bế trên tay hồi đó, nay trở thành một vị bác sĩ giải phẫu. Chưa hết, cả ba anh em trai họ Trương này đều là bác sĩ cả.”

Bốn cô con gái của ông Quảng cùng là giáo viên trung học và hiện ở nước ngoài.

hieutruong 12
Một trong bốn người này là Trương Lê Đoan Trang. Cô kể: “’Uncle Lee’ đã làm được bao nhiêu việc cho dân mình ở miền Trung mà mình không hay biết.”
Y tá kiêm hiệu trưởng Quảng khám bệnh cho trẻ em và con ông (áo ca rô) (Hình: Facebook của Lee Lagda)

Cô cho biết, vì ông Lee lập trạm y tế tại trường của cha cô mà cả cha lẫn mẹ cô đều học khóa y tá để cũng giúp dân làng như ông. Sau đó, làng có một nhóm y tá, khoảng trên dưới 10 người, và đã họ giúp được rất nhiều dân, trẻ em cũng như người lớn. “Người đứng ra huấn luyện ba mẹ tôi là Bác Sĩ Miller, nhưng tôi nghĩ do ảnh hưởng của ‘Uncle Lee mà cha mẹ tôi muốn thành y tá,’” cô nói.

Vợ chồng ông Quảng còn làm rất nhiều việc khác để giúp làng, nhưng vì bản tính gia đình, cô không muốn nói đến những điều tốt họ làm.

Thế nhưng, dù họ không kể, nhưng những gì ông Quảng, bà Yến Tuyết đã làm vẫn có người ghi nhớ.

Ông Nguyễn Hữu Anh Tài viết trên Facebook về người thầy mình: “Phía sau tấm huân chương? Phía sau bức tranh sơn dầu của 49 năm… Phía trước là chữ ký thầy hiệu trưởng, là trí thức, là nhân văn. Câu chuyện từ trái tim đến trái tim vẫn luôn nhớ và biết ơn thầy cô trường làng Phú Lễ bên sông Bồ… Phú Lễ: Giàu lễ nghĩa, nhân tình, nhân ái, nơi làng quê nguyên quán của thầy…”

Giữ những điều tốt đẹp mà cha mẹ mình đã làm vào trong lòng, như một niềm tự hào riêng, giờ đây cô Đoan Trang chỉ muốn nhấn mạnh đến những ảnh hưởng tốt đẹp mà ông Lee để lại ở làng cô cho biết bao nhiêu người.

“’Uncle Lee’ tưởng mình chỉ gieo một hạt giống thôi mà không biết nó đã mọc thành một khu rừng,” cô nói.

Để gởi lời cám ơn độc giả Người Việt bốn phương, bà Yến Tuyết viết trong phần “Comment” ở cuối bài:

“Gia đình chúng tôi xin chân thành cảm ơn bài viết về người quân nhân Mỹ 82 tuổi tìm người thầy Hiệu Trưởng ở Việt Nam của ông. Nhờ đó, chỉ trong một vài ngày, gia đình chúng tôi đã nhận được bài viết này từ rất nhiều người ở mọi miền trên thế giới (Ý, Việt Nam, Úc, Canada, Mỹ..). Gia đình chúng tôi đã nhanh chóng liên lạc được với vị quân y này.”

“Cuộc gặp gỡ trên điện thoại xúc động vô ngần! không ngăn được nước mắt, tưởng dường như chồng, cha của chúng tôi vẫn đang hiện diện đâu đây, bên cuộc nói chuyện với ông Lee Lagda. Thật cảm động khi biết rất nhiều người tốt bụng đã liên lạc với tòa soạn để đưa tin về gia đình của chúng tôi. Xin chân thành cảm tạ những tấm lòng nhân ái, thông cảm, và đầy yêu thương trong dòng đời bận rộn này.”

Cô Đoan Trang cũng nhắc đến những người có công báo tin về ông Lee cho cô.

Người đầu tiên cho cô hay tin là Võ Sư Bảo Lan ở Ý, rồi Bác Sĩ Thanh Thảo ở Huế. Sau đó là bao nhiêu học trò cũ của ông Quảng từ Anh, Pháp, Đức.

“Những người ở Việt Nam cũng rất có lòng. Người trong nước không đọc tin trên báo Người Việt trực tiếp được, nhưng nhờ có người đã copy bản tin rồi gởi email từ Mỹ về Việt Nam rồi họ chuyền cho nhau. Có người chạy ngay đến gia đình tôi ở Sài Gòn để báo tin,” cô nói.

Cũng để cám ơn sư tận tình giúp đỡ của độc giả Người Việt, cô Jeanette Lagda, con gái ông Lee, viết trong email: “Tôi xin cám ơn bài báo về cuộc tìm kiếm ông hiệu trưởng mà cha tôi được gặp gần 50 năm trước giữa cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Tôi xin cám ơn TẤT CẢ những ai đã đọc bài báo này và nhanh chóng liên lạc phóng viên Người Việt với những tin tức về gia đình ông Quảng. Cuộc tìm kiếm của cha tôi đã chấm dứt và ông hiện đang trông đợi ngày hội ngộ với gia đình ông Quảng tại Mỹ cũng như với những người hiện còn ở Việt Nam.”

Ông Lee cho biết rằng ông vẫn về Việt Nam như dự tính để nhìn lại đất nước này lần nữa và để thăm thân nhân ông Quảng.

Trong điện thoại, cô Đoan Trang hỏi ông Lee: “’Uncle Lee’ có biết vì sao cả ba người đàn ông trong gia đình cháu cùng thành bác sĩ không? Vì cả ba người cùng muốn có cơ hội đi giúp người khác như ‘Uncle Lee’ đó.”

Như một chuyện cổ tích với kết thúc thật có hậu, gia đình ông Lee ở miền Nam đang nóng lòng mong đợi ngày gia đình bà Yến Tuyết từ miền Bắc Cali xuống thăm, dự tính là cuối tháng này.