main billboard

Một cuộc khảo sát của U.S. Census Bureau với hơn 2,000 thanh niên trong lứa tuổi 25-34 gần đây cho thấy nhiều em đã quay về sống với gia đình vì lý do kinh tế.

sinhvien totnghiep2Nhiều thanh niên quay về sống với cha mẹ vì chưa có việc làm sau khi tốt nghiệp. (Hình minh họa: Butch Dill/AP)

Tuổi 25 tại Hoa Kỳ được coi là mốc đánh dấu sự trưởng thành của thanh niên. Khác với cảm giác hân hoan trong sinh nhật lần thứ 21, các em bắt đầu nhìn lại những gì mình đã và đang có để chuẩn bị cho đời sống khi tuổi đời đạt tới mốc “một phần tư thế kỷ”, theo lối nói của các em. Dọn ra sống riêng là một trong những tiêu chuẩn mà thanh niên Hoa Kỳ đặt ra cho bản thân trong quá trình trưởng thành. Tình trạng suy thoái kinh tế những năm gần đây đã khiến cho nhiều em phải từ bỏ điều này.

Sau khi học xong trung học, thanh niên ở Hoa Kỳ bắt đầu nghĩ tới việc dọn ra sống riêng. Ở độ tuổi 18 các bạn trẻ chuyển lên học ở cao đẳng hay đại học. Các em dọn từ nhà tới sống ở gần trường. Nhiều em khác không lên đại học thì đã đủ tuổi bắt đầu đi làm fulltime và đủ khả năng nuôi sống bản thân. Sau khoảng thời gian 18-24 tuổi, hầu hết thanh niên Mỹ sống xa gia đình. Tài liệu của U.S. Census Bureau năm 2000 cho thấy 85% thanh niên Hoa Kỳ trong lứa tuổi 25-34 sống tự lập. Con số này của năm 2012 giảm xuống còn 78%.

Ryan Gussif, một sinh viên vừa tốt nghiệp Ðại Học Cal Poly Pomona vào Hè năm ngoái, cho biết “Em đang kiếm việc. Tạm thời em dọn về nhà. Khi nào kiếm được việc em sẽ dọn ra ở riêng.” Ryan dọn về sống tại nhà ba mẹ tại Laguna Hills đã hơn một năm. Em hiện làm việc tại tiệm Pizza Hut trong khi đi kiếm việc làm hợp với ngành học của mình. Với số tiền nợ hàng chục ngàn sau 4 năm học, mức lương tối thiểu $8/giờ khó mà giúp được em chi trả những hóa đơn mỗi tháng. Ryan dùng cụm từ “khủng hoảng” để miêu tả khoảng thời gian sống với bạn bè sau khi tốt nghiệp.

Vẫn theo tài liệu của U.S Cencus Bureau, vào năm 2010, ở vào lứa tuổi 25-34, cứ 10 thanh niên sống riêng thì có 2 người sống dưới mức nghèo, gấp đôi tỉ lệ so với những thanh niên sống với cha mẹ. Sống với gia đình giúp những thanh niên chưa có việc làm ổn định, vượt qua được quãng thời gian “khủng hoảng” của việc đi kiếm việc làm, nhất là trong những năm suy thoái kinh tế hiện nay.

Việc dọn về chung sống với ba mẹ không những giúp cho tình hình tài chính cho các bạn trẻ mà còn giúp cho gia đình họ. “Tiền nhà ở đây mắc mỏ quá. Nó về nó phụ tiền nhà cũng đỡ được gánh nặng cho tôi” - Cô Mai Ðoàn, hiện sống ở Santa Ana, mẹ của một cựu sinh viên UC Berkeley nói con bà về nhà sống một khoảng thời gian ngắn trước khi kiếm được việc làm và dọn ra ngoài.

Khảo sát cho thấy hầu hết thanh niên ở độ tuổi trưởng thành nếu ở chung với ba mẹ sẽ phụ giúp ít nhiều công việc hằng ngày với gia đình. 75% các bạn trẻ trong cuộc khảo sát trả một hay nhiều hóa đơn của gia đình. 96% nói phụ làm vườn, nấu nướng hay dọn dẹp.

Một người khác trong gia đình cô Mai cũng bày tỏ việc hy vọng cháu mình dọn về nhà. Cô Hằng Vũ, em dâu của cô Mai, nói “Nó giúp được nhiều thứ, chở mình đi chỗ này chỗ khác khi cần.” Qua Mỹ khi đã lớn tuổi và gặp các vấn đề sức khỏe, cô Hằng không lái được xe. Khi cháu cô ở nhà, cô không phải đón xe bus nếu có cháu mình đưa đón.

Ðối với các bậc phụ huynh, lợi ích của việc tiết kiệm chi phí khi các thế hệ sống chung vẫn không thể sánh được việc gia đình gắn bó tình cảm. Bà Hân Nguyễn, 86 tuổi, dân cư Westminster, tâm sự, “Bà muốn nó sống ở đây với bà. Bố nó có mình nó. Mấy năm trời nó đi học xa bà chỉ mong nó về nhà cho gần gũi. Có cơm ăn cơm có cháo ăn cháo.” Bà Hân từng sống với con và cháu trước khi cháu bà chuyển lên học đại học ở miền Bắc. Tuy cháu nội của bà, 25 tuổi, đã tốt nghiệp, hiện đang sống và làm việc ở nơi khác, bà Hân luôn mong cháu về nhà sống chung với gia đình. Về phần cha và mẹ em, cả hai đều cho biết rằng họ tôn trọng quyết định sống tự lập của em. Tuy vậy, họ bày tỏ sự lo lắng khi không còn theo dõi được đời sống của cô con gái của mình như trước kia.

Tài liệu thống kê không cho thấy sự khác biệt giữa tỉ lệ của nam và nữ trong hiện tượng quay về sống chung với gia đình. Mức thu nhập của các bạn trẻ là động cơ lớn nhất dẫn đến sự khác biệt giữa họ. Những thanh niên có bằng cấp cao hơn và công việc ổn định hơn có tỉ lệ sống với cha mẹ thấp nhất.

Sắc dân cũng tạo ra một số khác biệt trong cuộc khảo sát. Trong giai đoạn suy thoái kinh tế hiện nay, số thanh niên Mỹ 25-34 tuổi da trắng, gốc Phi và gốc Latin trở về sống với cha mẹ tăng lên nhanh hơn so với thanh niên gốc Á. Tuy vậy, thanh niên gốc Á vẫn là nhóm người có tỉ lệ sống với cha mẹ cao nhất trong các sắc dân. Khả năng học vấn và tài chính của thanh niên gốc Á hiện nay không thấp hơn những thống kê của 10 năm trước đây.

Nói về việc sống với gia đình trong lúc kiếm việc, Ryan Gussif nói “Gia đình không gò bó mình như lúc mình còn nhỏ. Thỉnh thoảng cũng thấy bị kiểm soát nhưng nói chung là cũng thoải mái.”

Những thanh niên đang sống với cha mẹ không than phiền về cuộc sống hiện tại. Tuy vậy, hầu hết các em đều mong sớm có đủ khả năng tài chính để ra ở riêng. Tài liệu của U.S. Cencus Bureau cho thấy cứ 10 thanh niên được hỏi sẽ có 9 em mong muốn hoặc chuẩn bị cho cuộc sống tự lập của mình.

_________