main billboard

Công ty không có Giáng sinh chị ạ. Vẫn đi làm bình thường. Giáng sinh vẫn bắt đi làm, nó không có cho nghỉ đâu….Không cho nghỉ cái gì cả, không có tết Tây, không có gì cả…Không có năm nào nghỉ hết cả chị ạ.


giangsinh malai 1
Cây thông được trang trí trước Trung tâm Hội nghị Kuala Lumpur, Malaysia. AFP photo

Đêm Giáng sinh là dịp mà mọi gia đình sum họp để mừng ngày Chúa hài đồng ra đời. Công nhân Việt Nam ở Malaysia đón Giáng Sinh ra sao?

Trong khi hàng tỉ người công giáo trên thế giới náo nức mừng ngày Chúa giáng sinh và Việt Nam tưng bừng trong không gian ồn ào náo nhiệt. Nhà thờ, đường phố đèn hoa rực rỡ. Mọi người, dù công giáo hay tôn giáo khác cũng vui vẻ, phấn khởi trong không khí rạo rực của mùa Giáng sinh thì cách xa nơi đó 1300 cây số đường chim bay, hàng chục ngàn người Việt lao động tại Mã Lai đón Giáng sinh trong âm thầm, lặng lẽ như tâm trạng buồn chán của chị Mùi, công nhân một công ty điện tử ở Penang:

Có gì đâu, chẳng có gì cả, mấy chị em ăn cơm thân mật thôi, có gì đâu…

Và đó cũng là tâm sự của chị Nhàn ở Melaka:

Giáng sinh bên này cũng bình thường thôi, trong nhà cũng thế, ra ngoài cũng thế thôi. Bọn em cũng tổ chức ăn trong phòng thôi. Còn đi chơi thì đường xá xa xôi, bọn em cũng không đi được. Nhà thờ thì bọn em không đi, bọn em chỉ tổ chức ăn trong phòng, bây giờ mấy chị em vẫn đang ngồi ăn đây.

    Nhà thờ thì bọn em không đi, bọn em chỉ tổ chức ăn trong phòng, bây giờ mấy chị em vẫn đang ngồi ăn đây.
    - Chị Nhàn

Nhưng đó vẫn còn là điều may mắn cho các công nhân được nghĩ một  ngày để đón Giáng sinh. Còn với những công nhân không được nghĩ thì năm nay, cũng lại thêm một năm nữa không biết Giáng sinh là gì. Anh Quý, làm công nhân xây dựng đã 3 năm nay tại Johor Barhu nói :

Công ty không có Giáng sinh chị ạ. Vẫn đi làm bình thường. Giáng sinh vẫn bắt đi làm, nó không có cho nghỉ đâu….Không cho nghỉ cái gì cả, không có tết Tây, không có gì cả…Không có năm nào nghỉ hết cả chị ạ.

Dịp mà mọi người vui chơi, đến Mã Lai ăn Giáng sinh cũng là lúc công việc trong nhà hàng bận rộn nên với chị Lê cũng là những ngày đầu tắt mặt tối để phục vụ trong quán ăn.

Em cứ đi làm suốt , không có thời gian được nghỉ nên cũng không đi đâu được chị ạ. Mưa suốt, năm nay bên này mưa tầm tã suốt 5-6 ngày. Trời hôm nay mới hơi tạnh tạnh một tí thôi. Đến lúc nó tạnh thì lại hết mất Giáng sinh rồi…(cười..).

Mã Lai là một quốc gia có gần 80% dân chúng theo đạo Hồi trong khi sân số theo đạo công giáo chỉ chiếm chưa đến 10%. Tuy nhiên, với 22,6 % người Trung quốc sinh sống tại đây và người Singapore từ biên giới sang nghĩ lễ thì mùa Giáng sinh ở Mã Lai cũng là những ngày tưng bừng, nhộn nhịp. Chị Lê, nhân viên nhà hàng cho biết :

Người Mã Lai theo đạo Hồi nên họ không đón Giáng sinh. Người Mã không đón Giáng sinh nhưng người Trung có người cũng theo đạo Thiên Chúa nên Giáng sinh họ tổ chức đông lắm, bắn pháo hoa cũng đông vui lắm. Người Singapore sang bên này làm ăn người ta nổ pháo to lắm, đốt pháo toàn pháo hoa thôi, đẹp lắm….

Khi pháo hoa rực rỡ một góc trời Kuala Lumpur thì trong căn gác nhỏ, buổi tiệc Giáng sinh với công nhân Việt chỉ là một buổi cơm đạm bạc, bình thường như bao buổi tối khác. Chị Lê cho biết :

Tối đến thì nhà nào về nhà nấy chứ không có ăn uống gì cả. Có mấy chị em người làm ca đêm, người làm ca ngày cho nên cũng không có thời gian nữa. Giáng sinh bọn em ở nhà chả đi đâu cả. Ở nhà nấu nướng ăn cơm bình thường thôi chị ạ.

Cùng với 2 bạn đồng nghiệp khác, ba nam công nhân quây quần bên buổi cơm tối trong sự lãng quên của mọi người, anh Quý nói :

Ba anh em người Việt Nam, Giáng sinh thì tổ chức cái gì sơ sơ đấy… Công ty thì không có…

Nhà thờ, Giáng sinh, Chúa hài đồng là những danh từ xa lạ với người công nhân xuất thân từ ruộng đồng như chị Mùi :

Bọn em có biết tôn giáo là cái gì đâu. Có đi theo đạo đâu mà biết những cái đấy. Sang bên này chưa đi nhà thờ bao giờ nên cũng chả biết ca Giáng sinh như thế nào.

Đường phố Kuala Lumpur những ngày này tấp nập du khách. Chị Lê cho biết :

Như bọn em làm quán, người Trung với người Ấn độ, họ khác hơn, họ ra đường ăn uống, người ta đi chơi rất là nhộn nhịp. Có mỗi người Mã là người ta không đi chơi, người ta cứ ở trong nhà thôi.

Là dịp nghỉ ngơi

giangsinh malai 2
Một công nhân Việt Nam chụp hình bên cây thông Giáng Sinh ở Malaysai. Hình do công nhân gửi RFA

Với công nhân xuất khẩu lao động Việt Nam, ngày Giáng sinh chỉ là một cơ hội hiếm hoi để nghỉ ngơi, chuẩn bị cho những ngày làm việc cực nhọc sắp tới. Chị Mùi nói :

Bọn em ở nhà thôi, chả đi đâu, chỉ có đi làm, chơi bời về mệt lắm, chả muốn đi làm, sang bên này đất khách quê người cũng sợ lắm, chả biết sao được mà đi.

Ngoài không khí lặng lẽ trong đêm Giáng sinh, còn là nỗi nhớ nhà của chị Mùi :

Ai mà chẳng nhớ nhà. Vui ở đâu thì vui, những cũng nhớ nhà chứ, có gia đình, con cái, Bố Mẹ...

Ở đâu cũng chẳng bằng quê hương, chị Nhàn nói :

Bên này vui đâu thì vui vẫn không bao giờ bằng được Việt Nam mình. Việt Nam mình có gia đình thì thấy vui hơn còn bên này thì chỉ có bạn bè.

Tổng số lao động nhập cư tại Mã Lai khoảng trên 2 triệu. Với khoảng 80.000 công nhân, Việt Nam là quốc gia có số lao động nhập cư đứng thứ tư trong 8 quốc gia đang có người lao động tại Mã Lai. Con số này vào khoảng năm 2008 đã có lúc lên tới trên 100.000 người, nhưng do chế độ lương thấp, điều kiện lao động không đảm bảo nên dần dần Mã Lai không còn là một thị trường lao động hấp dẫn. Sau hơn 2 năm làm việc, hợp đồng sắp hết, nhưng anh Quý không muốn gia hạn hợp đồng, anh cho biết lý do :

Không có chế độ gì hết, không có bảo hiểm … nói chung là cái gì cũng không có, mình đau thì mình tự túc hết. Có cái gì đâu mà ở lại.

Cuộc điều tra kéo dài 2 năm (2012-2014) của tổ chức phi chính phủ Verité do Bộ Lao Động Hoa Kỳ tài trợ cho biết 32% lao động tại Mã lai làm việc trong tình trạng cưỡng bức. Thế nhưng, trên báo Lao Động ngày 25/9/2014, ông Tống Hải Nam, Phó cục trưởng Quản lý Lao động Ngoài nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng :

Đấy là một báo cáo nghiên cứu khoa học dựa trên một mẫu nhỏ, không đồng đều, chưa mang đầy đủ tính đại diện. Do vậy, cần phải làm tốt hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền để người dân hiểu rõ về thị trường này và tự quyết định lựa chọn thị trường làm việc phù hợp với khả năng và yêu cầu của bản thân.

    Bọn em ở nhà thôi, chả đi đâu, chỉ có đi làm, chơi bời về mệt lắm, chả muốn đi làm, sang bên này đất khách quê người cũng sợ lắm, chả biết sao được mà đi.
    - Chị Mùi

Thế nhưng, trên thực tế, lao động xuất khẩu vẫn chưa được thông tin đầy đủ để có thể tự chọn lựa như ông Phó cục trưởng đề nghị. Anh Quý cho biết chưa bao giờ được thông báo rõ ràng về hợp đồng của mình :

Không biết đâu, không biết hợp đồng gì đâu. Bảo sang bên đây làm công ty thì đi thôi…Công ty khác thì có chế độ, công ty em không có…

Và làm sao có thể nhận được thông tin đầy đủ, khi mà phần lớn những công nhân xuất khẩu lao động này chỉ là những nông dân quê mùa, chữ nghĩa không thông thì làm sao đọc được hợp đồng. Như trường hợp chị Mùi, trước khi đặt chân đến Mã Lai, chị chỉ là một nông dân của huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, cả đời chỉ quen làm ruộng :

Bọn em làm nhà nông , đâu có… (đi học)… nên làm sao bọn em biết đọc được …

Ngoại tệ hàng năm thu được từ nguồn nhân lực xuất khẩu lao động lên đến gần 2 tỉ đô la mỗi năm. Cho đến khi nào nhà nước vẫn không quan tâm đúng mức đến nguồn tài lực này thì Giáng sinh đối với những công nhân xa xứ sẽ tiếp tục là những Giáng sinh buồn.