Cho đến đầu thế kỷ thứ 21, khiêu vũ đã dần trở thành một môn thể thao không chỉ cho tuổi trẻ vui chơi mà còn là một thể loại dưỡng sinh cho người lớn tuổi.


caonien khieuvu
Giờ thực tập khiêu vũ dưỡng sinh của Lớp Vẽ Cao Niên tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

WESTMINSTER (NV) – Tại Little Saigon người ta thường thấy có ít nhất là dăm ba địa điểm tập khiêu vũ dưỡng sinh cho người cao niên. Đó là những buổi sinh hoạt dưỡng sinh do ban đại diện Cộng Đồng người Việt quốc gia Nam Cali hoặc do Hội Cao Niên Á Mỹ tổ chức hàng tuần. Một vài tổ chức khác như CLB Văn Hóa Việt Nam tại trụ sở của mình hay nhạc sĩ Nam Hưng tại lớp học nhạc của nhạc sĩ cũng có những buổi sinh hoạt tương tự.

Đó là chưa kể đến những buổi khiêu vũ cho cao niên thường được tổ chức vào cuối tuần tại hội trường sinh hoạt của các thành phố như Garden Grove hay Westminster. Nghị Sĩ Janet Nguyễn khi còn là Giám Sát Viên quận Cam cũng từng chủ trương một lớp khiêu vũ dưỡng sinh cho người cao tuổi tại một trung tâm sinh hoạt cao niên.

Điều đáng ghi nhận là tại những buổi sinh hoạt này, số người đến tham dự lúc nào cũng đông đúc. Không chỉ có những cao niên mà còn có cả tuổi trung niên và một vài bạn trẻ nữa.

Khiêu vũ, một thú vui của giới thượng lưu người Việt vào những năm đầu thế kỷ 20 song song với phong trào cải cách xã hội của Nhóm Tự Lực Văn Đoàn đến giữa thế kỷ 20 vào cuối thập niên 50, nhất là sau chính biến 1 Tháng Mười Một năm 1963 thì khiêu vũ đã trở nên thú tiêu khiển của tuổi trẻ tại các đô thị lớn của miền Nam Việt Nam như Sài Gòn. Cho đến đầu thế kỷ thứ 21, khiêu vũ đã dần trở thành một môn thể thao không chỉ cho tuổi trẻ vui chơi mà còn là một thể loại dưỡng sinh cho người lớn tuổi.

Trong nhiều bài viết của các tạp chí y tế, y học thường thức và đặc biệt là của các nhà hướng dẫn trong những lớp dưỡng sinh, người ta đã có những kết luận được ghi nhận từ những y chứng và những bệnh nhân tim mạch, tiểu đường, trầm cảm…

Theo những tài liệu này thì: “Khi cơ thể vận động thì tim đập mạnh, hơi thở gấp, khí huyết lưu thông nên sự nuôi dưỡng các tế bào trong cơ thể được tăng lên và loại thải các chất cặn độc từ tế bào ra ngoài được nhanh hơn đồng thời kích thích sự sinh sản thêm các tế bào mới như tế bào máu, thượng bì và niêm mạc. Điều này làm cho nước da hồng hào, mịn màng làm chậm quá trình lão hóa ở người cao tuổi.”

Nhiều tài liệu còn giải thích cặn kẽ “Khi khiêu vũ, cơ thể phải tăng cường đốt cháy lượng đường và mỡ trong máu. Vì thế mà cơ thể nóng lên, toát nhiều mồ hôi và nhịp thở cũng tăng lên. Điều này làm lượng đường và mỡ trong máu sẽ giảm đi. Do đó rất tốt cho sự phòng chống bệnh béo phì, tiểu đường, bệnh xơ vữa động mạch và bệnh tăng huyết áp.”

Sự vận động trong khiêu vũ cũng tăng cường hoạt động của cơ bắp, cơ tim và mọi cơ trơn trong các nội tạng nên sẽ phòng ngừa tốt cho chứng suy hô hấp, suy thận, táo bón, trĩ, giãn tĩnh mạch chi dưới giúp cơ thể thích nghi với hoàn cảnh bất lợi của môi trường như thay đổi thời tiết đột ngột. Những bệnh như đau khớp, nhức lưng, đau đầu, mất ngủ, kém trí nhớ, nhờ khiêu vũ đều đặn cũng làm giảm những căn bệnh này.

Bác Sĩ Phạm Gia Cổn, một võ sư hiện chủ trương một CLB có tên Hoàng Hạc, được hỏi về khiêu vũ dưỡng sinh, ông cho biết: “Nói chung thì cứ vận động cơ thể đều đặn là việc tốt. Nhưng vận động như thế nào, tình trạng cơ thể, bệnh tật mỗi cao niên ra sao là chuyện rất phức tạp không thể tổng quát hóa mà nói trong một vài câu được.”

Những hướng dẫn viên khiêu vũ dưỡng sinh trong các Trung Tâm Cao Niên như nghệ sĩ Ngô Văn Quy của lớp Khiêu Vũ Dưỡng sinh trong Hội Vẽ Cao Niên cho biết: “Tập khiêu vũ dưỡng sinh cho cao niên không phải là tập khiêu vũ như tại các lớp khiêu vũ thường lệ. Phải chọn lựa những điệu vũ nhịp nhàng uyển chuyển nhẹ nhàng, không có nhiều những cử động phức tạp sao cho thích hợp với sự vận động của người cao tuổi. Rất nên tránh những ‘fan’ (fantesy) như ‘a terre’ hay vung tay múa chân theo thời thượng vì nó không thích hợp với tuổi già sẽ thành ra lố bịch, bị chê cười làm người tập dễ sinh mặc cảm mà chán ghét.”

Theo những vị cao niên thường xuyên đến tập khiêu vũ dưỡng sinh thì đây là một môi trường sống rất tốt. Vừa được vui chơi tập luyện cho sức khỏe, vừa mở rộng giao tiếp xã hội.

Nói về vui chơi, một vị cho biết: “Tai nghe tiếng nhạc êm đềm, chân nhịp bước theo lời thầy chỉ dẫn, trí óc phải luôn làm việc để sao cho chân bước hòa vào điệu nhịp bài nhạc. Chưa có môn thể thao nào mà phối hợp được nhiều sự vận hành trong cơ thể như khiêu vũ.”

Còn về việc mở rộng giao tiếp xã hội thì ở những lớp khiêu vũ dưỡng sinh, cụ ông tên Nhuận trong lớp vẽ cao niên cho biết: “Ta có thể được gặp gỡ nhiều thành phần trong xã hội. Những người cô đơn trong cuộc sống, nhưng qua những san sẻ vui buồn trò chuyện với nhau ‘cùng một lứa bên trời lận đận’ thì những lớp khiêu vũ dưỡng sinh đã trở thành như một gia đình cho nhiều người phải sống quạnh hiu trong tuổi già nơi xứ người.”