main billboard

Với ông, võ cổ truyện Việt Nam là một di sản thiêng liêng do tổ tiên để lại nên việc truyền giảng cần phải thận trọng.


vocotruyen vn 1
Ba vị võ sư võ dân tộc. Từ trái ông Nguyễn Đăng Khoa,ông Trần Văn Hòa , ông Nguyễn Minh (phải)

ORANGE COUNTY, California (NV) – Võ cổ truyền Việt Nam, tuy có một lịch sử uy nghi bất khuất lâu dài từ thời cổ sử và từng bao lần giúp các bậc tiền nhân xông pha trận mạc, xua tan bất cứ đạo quân ngoại xâm lăm le chiếm lấn giải non sông gấm vóc của chúng ta, mà vẫn chỉ được rất nhiều người biết đến một cách hết sức mơ hồ qua tên gọi bình dân là “Võ Bình Định” hay“võ ta”mà thôi.

Một điều trớ trêu là trải qua hàng ngàn năm tồn tại một cách kín đáo dưới ách thống trị của Trung Hoa, rồi hàng trăm năm được lưu truyền một cách bí mật dưới gót giày đô hộ của Pháp, mà môn võ cổ truyền hào hùng của người Việt Nam vẫn tồn tại; vậy mà, khi sự đàn áp không còn như xưa thì sự phát triển của môn võ dân tộc này lại không được sung mãn như ý nữa.

Để giữ cho bộ môn võ thuật di sản Việt Nam không bị mai một, các vị võ sư tại Orange County có tâm huyết với dân tộc phải quên mình mà âm thầm bỏ công, bỏ sức một cách bền bỉ và lâu dài để truyền bá môn võ thuật này.

Võ Sư Trần Văn Hòa (biệt hiệu Song Yến Phi)

Mở võ đường “Sa Long Cương Tiên Long Võ Đạo Bình Định” từ năm 1985 tại Stanton, ông Hòa đã đào tạo rất đông môn sinh mặc dù ông rất kén chọn người nhập môn. Với ông, võ cổ truyện Việt Nam là một di sản thiêng liêng do tổ tiên để lại nên việc truyền giảng cần phải thận trọng.

Ông nói: “Không phải ai muốn học võ, tôi cũng dạy. Tôi phải tiếp xúc với từng người để xem xét, nhận định và đánh giá coi có phải là người tốt hay không. Tôi chọn người tỉ mỉ vì lý do rất đơn giản. Tôi coi mọi môn sinh như anh em, như người trong gia đình nên không thể thu nhận một cách ồ ạt hay bừa bãi.”

Ông thêm: “Nhưng ngược lại, khi đã nhận ai rồi thì tôi sẵn sàng bỏ hết thời gian, khả năng và tâm trí để mà huấn luyện người đó sao cho thành đạt.”

Theo tôn chỉ của võ cổ truyền Việt Nam, một võ sư là người truyền bá môn võ này chỉ với mục đích là giúp đời khi thời bình và giúp nước khi loạn lạc chứ không phải như một kế sinh nhai nên ông không bao giờ đem về cho bản thân đồng nào.

“Lúc trước, tôi là kỹ sư nhu liệu cho hãng Boeing còn hiện nay tôi sống bằng lương hưu. Số tiền học phí $90 tôi thu từ môn sinh hàng tháng chỉ vừa đủ để trả tiền thuê võ đường, mua đồng phục và bù cho những người không có khả năng trả học phí. Những ai nghèo mà muốn học đều có thể đến với tôi,” ông cho biết.

Điểm đặc biệt của võ đường ông là khi bước vào, người ta không cảm thấy sự lạnh lùng như các võ đường khác mà chỉ thấy một không khí đầm ấm trên thuận dưới hòa như một xóm làng quê hương yên ổn giữa thời bình.

vocotruyen vn 2
Một sinh hoạt hàng tháng tại võ đường của ông Hòa. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Ông Hòa từng nhờ nhật báo Người Việt đăng tin nhận dạy miễn phí cho tất cả cựu quân nhân QLVNCH. “Đây là thể hiện tinh thần tương thân, tương ái của ông bà mình thôi,” ông nói.

Ông muốn mọi võ sinh do ông đào tạo phải trở thành những người ích nước lợi dân.

Ông Nguyễn Đức Vượng, một người theo học võ Bình Định khá lâu, nói: “Tôi theo học thày Hòa hơn 30 năm rồi. Trong thời gian qua đã bao nhiêu lần tôi bị người khác khiêu khích, gây hấn. Nhưng nhờ võ ta cho tôi một sự bình thản nên tôi luôn luôn cảm hóa những người này thành bạn. Có người sau này thành xếp tôi và giúp đỡ tôi rất nhiều.”

Ông Hòa chia sẻ: “Tôi luôn theo lời dạy của cha ông mà truyền lại cho đời sau là ‘Kiến nghĩa bất vi, vô dũng giả; lâm nguy bất cứu, mạt anh hùng.’ Nghĩa là thấy việc nghĩa mà không làm là người không có dũng khí; thấy người gặp nạn mà không cứu thì không phải là anh hùng.”

Trong số môn đệ của ông Hòa, có hai người hiện nay theo gương ông truyền giảng môn võ dân tộc này tại Orange County là ông Nguyễn Đăng Khoa và ông Nguyễn Minh.

Võ Sư Nguyễn Đăng Khoa (biệt hiệu Song Phi Sa)

Ông Nguyễn Đăng Khoa theo học võ cổ truyền Việt Nam tại võ đường Sa Long Cương của võ sư Trương Thanh Đăng ở Sài Gòn, nhưng người trực tiếp giảng dạy ông là võ sư Trần Văn Hòa, hồi năm 1974.

Là môn sinh đai đen Nhu Đạo, ông Khoa say mê môn võ dân tộc này ngay vì ông thấy được sự thâm trầm và lợi hại của nó.

Sau khi sang Mỹ năm 1985, ông Khoa dạy võ cổ truyền Việt Nam tại Nam California mỗi tuần chín tiếng suốt 31 năm trời ròng rã không bỏ giờ nào, với hàng ngàn võ sinh mà cũng chưa bao giờ đem về đồng nào.

Hiện thời, Trung Tâm Huấn Luyện Võ Cổ Truyền Việt Nam của ông có ba lớp tại Tổ Đình Minh Đăng Quang, 3010 W. Harvard Street, Santa Ana, CA 92704.

vocotruyen vn 3
Những “anh hùng Tây Sơn” mới của ông Nguyễn Đăng Khoa. (Hình: Nguyễn Đăng Khoa cung cấp)

Mỗi môn sinh chỉ đóng có $30/tháng. Số tiền này, ông Khoa dùng để phụ trả tiền điện nước cho chùa rồi sau đó mua áo thun có in tên võ đường cho môn sinh.

“Mục đích của tôi khi truyền dạy môn võ này dứt khoát không phải để kiếm tiền,” ông khẳng định.

Nghề chính của ông là kỹ sư vi tính. Ông vướng mắc với nghiệp võ là vì một niềm đam mê dữ dội. Với ông, võ cổ truyền Việt Nam là văn hóa cha ông, là hơi thở dân tộc, là tim mạch quê hương.

“Võ cổ truyền Việt Nam gắn bó với vận mệnh dân tộc ngay từ những ngày đầu tiên tổ tiên mình lập quốc,” ông nói.

Ông nói tiếp một cách hăng say: “Rồi từ đó, võ cổ truyền Việt Nam thăng trầm cùng vận nước suốt mấy ngàn năm. Chính vì vậy mà môn võ này phát triển và biến đổi khôn lường. Là vì lúc nào, thời nào người dụng võ cũng có thể đóng góp thêm vào cho võ càng thêm phong phú và đa dạng.”

Theo nhận xét của ông Khoa, không giống với các môn võ khác trên thế giới, điểm đặc biệt của võ cổ truyền Việt Nam là nó không phải của riêng một ai hay một cá thể nào cả mà là của toàn dân Việt Nam. Võ cổ truyền không có sư tổ mà là một sự đóng góp của cả một dân tộc qua nhiều thế hệ.

Ông Khoa tâm sự: “Mục đích truyền dạy môn võ này cho các em là để dạy các em phải sống trong một khuôn khổ kỷ luật để trở thành một công dân tốt, biết yêu thương gia đình, yêu thương xã hội.

Tinh thần võ sĩ đạo này chính là điều mà ông cho là quan trọng nhất cho các môn sinh của mình.

“Tinh thần này quan trọng hơn là đoạt được cúp này, thắng được giải kia,” ông nói.

Theo ông, triết lý thâm thúy của võ đạo Việt Nam đi xa hơn là biết ra đòn để chiến thắng đối thủ. Điều này chỉ là bước sơ khởi của người học võ.

Ông nói: “Tôi muốn tặng cho các em một nền tảng vững chắc để các em tự luyện cho bản thân mình một dũng khí, một tinh thần tráng kiện biết tự thắng bản thân mình, không lười biếng, không ích kỷ, không tham lam và không hèn nhát.”

Lê Đan, một võ sinh trẻ của ông Khoa, nói: “Thày Khoa vừa dạy võ, vừa dạy tiếng Việt, vừa dạy lịch sử Việt. Vì võ dính liền đến những vị anh hùng và những biến cố lịch sử nên thày dạy một mà thành ba. Con rất hãnh diện vì nói được tiếng Việt Nam. Con là người Việt Nam mà.”

Trần Tuấn, một môn sinh khác, cũng nói bằng tiếng Việt sành sõi: “Từ ngày học võ, con không khoe ai hết nhưng tự nhiên, trong trường, không ai bắt nạt con nữa.”

Dạy võ cổ truyền Việt Nam mỗi tuần chín tiếng suốt 31 năm trời ròng rã không bỏ giờ nào, sự khó khăn nhất khiến đôi lúc ông phải nản lòng một cách cùng cực.

Ông nói: “Chính sự thờ ơ của bậc phụ huynh đối với môn võ văn hóa Việt Nam làm nhiều lần tôi muốn bỏ cuộc. Họ coi võ đường này của con em họ không hơn gì một nơi giữ trẻ.”

Nhưng vì mục đích truyền võ cổ truyền Việt Nam cho các em là đào tạo một thế hệ anh hùng Tây Sơn tại hải ngoại, ông Khoa đã vượt qua mọi thử thách để tiếp tục ý nguyện của mình.

Võ Sư Nguyễn Minh (biệt hiệu Song Phi Thân)

Bắt đầu dạy võ năm 1990, cũng như ông Hòa và ông Khoa, ông Minh không dùng việc dạy võ để kiếm tiền dù thời gian ông bỏ ra cũng là chín tiếng mỗi tuần, 36 giờ mỗi tháng.

Hiện thời ông dạy võ Bình Định dưới tên “Lớp Thể Dục Võ Thuật Truyền Thống Việt Nam” tại Viện Việt Học, 15355 Brookhurst St., Suite 222, Westminster, CA 92683.

“Tôi dạy võ Bình Định vì, như thầy Hòa, như cha ông hồi xưa, tôi muốn tạo một đại gia đình, một nơi mà mọi người cùng giúp đỡ lẫn nhau,” ông nói.

Đã dạy võ Thái Cực Đạo từ trước, nhưng khi được biết về võ Bình Định, ông Minh, như ông Hòa, cũng mê ngay. Nhưng ông Minh có những lựa chọn riêng cho võ đường của mình.

Với ông, điều quan trọng mà ông muốn môn sinh lớn tuổi có được là thể lực tốt. “Thể lực là nền tảng của cuộc sống. Muốn thành công trong bất cứ lãnh vực nào, người ta phải có thể lực thật dồi dào.”

“Học võ có giỏi đến đâu mà thiếu sức khỏe, thiếu sức dẻo dai bền bỉ thì cũng như một chiếc xe được trang bị đầy đủ phụ tùng để chạy đua mà lại thiếu xăng,” ông so sánh.

Trước khi bắt đầu tập võ, ông cùng lớp học làm nóng và tập thể lực 30 phút với những thao tác nặng nhọc đến nỗi chỉ trong vài phút là cả thày lẫn trò đã chảy mồ hôi ròng ròng. Nhưng với những người mới nhập môn, họ không nhất thiết phải theo kịp với mọi người.

“Có người cần một tháng, có người cần ba tháng để theo lớp. Tôi để tùy sức khỏe từng người. Quan niệm của tôi là chỉ khuyến khích chứ không hối thúc hay ép buộc,” ông nói.

Ông Minh luôn chia sẻ mọi kiến thức về sức khỏe với lớp, từ việc nên ăn gạo lức đến tác động của chất đạm trên cơ thể con người. Mọi môn sinh của ông đều thấy sức khỏe tăng lên một cách rõ rệt so với ngày đầu nhập học.

vocotruyen vn 4
Sức khỏe là trên hết tại võ đường của ông Nguyễn Minh. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Ông Nguyễn Hùng, cư dân Long Beach, nói: “Hồi mới vô, tôi phải tập tới ba tháng mà chỉ có thể theo nổi phân nửa các động tác thể lực. Hồi đó, làm việc chừng sáu tiếng là tôi đuối sức rồi. Bây giờ, tôi có thể làm liên tiếp 12 tiếng mà vẫn không thấy mệt mỏi gì cả. Tôi có thể chạy 5 km thoải mái.”

Ông cười rồi nói thêm: “Nói thật, năm nay 61 tuổi mà tôi thấy mình khỏe như hồi 30, 40 tuổi vậy.”

Bà Trần Minh Nguyệt, cư dân Orange, một môn sinh khác, nói: “Chỉ cần tập với thày Minh vài tháng là tôi thấy trong người dẻo dai hẳn lên, không còn cảm vặt như trước nữa. Không phải riêng gì tôi mà ai cũng nói vậy. Thày lại rất tốt với mọi người. Với ai, thày cũng rất ân cần và thật tình giúp đỡ.”

Ông Minh nói: “Tuy nhiên, với những môn sinh trẻ hơn, ngoài một thể lực thật tốt, tôi muốn hun đúc cho các em một tinh thần bất khuất trước những sức mạnh. Sau đó, tôi muốn cho các em phải biết hãnh diện với nền văn hóa Việt Nam do cha ông để lại mà môn võ này là một thí dụ.”

Từ võ đường của ông Hòa đến võ đường của ông Khoa, ông Minh, như một tập quán, các phụ huynh chở con em đến tập võ rồi cùng vào tập luôn nên không khí bắt buộc phải mang hơi hướng gia đình ấm cúng.

Học võ để có một tinh thần tự tin và luôn lạc quan, một thể chất khỏe mạnh và lòng nghĩa hiệp để người khác phải kiêng nể và muốn kết bạn với mình là những gì các võ sư này muốn truyền đạt.

Học võ để không cần phải dụng võ, đó là triết lý thâm thúy của võ cổ truyền Việt Nam.

Mọi chi tiết, xin liên lạc các võ sư: Trần Văn Hòa (714) 403-5563; Nguyễn Đăng Khoa (714) 260-8882; Nguyễn Minh (714) 837-0047.