main billboard

Máu chảy ruột mềm, ban tổ chức xin được đóng góp một chút tình đồng hành cùng với những người dân oan tại quốc nội, để nói lên tiếng nói chung kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam phải trả lại nhà cửa ruộng đất cho dân và các tôn giáo,

nuocmat danoan 1
Trích đoạn “Nước Mắt Dân Oan.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)

WESTMINSTER, California (NV) – Chương trình ca nhạc với chủ đề “Nước Mắt Dân Oan” vừa ra mắt khán thính giả Little Saigon tại hội trường nhật báo Người Việt lúc 6 giờ chiều Chủ Nhật, 25 Tháng Chín.

“Chủ đề văn nghệ đêm nay với tinh thần đoàn kết và trách nhiệm của những người Việt yêu quê hương tổ quốc. Máu chảy ruột mềm, ban tổ chức xin được đóng góp một chút tình đồng hành cùng với những người dân oan tại quốc nội, để nói lên tiếng nói chung kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam phải trả lại nhà cửa ruộng đất cho dân và các tôn giáo, trả tự do ngay cho bà Cấn Thị Thêu và những người dân oan đang bị tù tội vì muốn bảo vệ môi trường sạch, đòi tống cổ Formosa ra khỏi Việt Nam.”

Ðó là lời phát biểu khai mạc của nghệ sĩ Tuyết Nga, trưởng nhóm văn nghệ đồng thời cũng là trưởng ban tổ chức đêm diễn.

Chương trình văn nghệ rực lửa đầy hào khí đấu tranh, tuy kén chọn người thưởng thức nhưng cũng đủ để ủng hộ tinh thần, kịp thời đấu tranh tiếp lửa cho dân oan đang bị trù dập tại quê nhà. Những người tham dự đã đến từ sớm, thưởng thức cho hết chương trình để ủng hộ tinh thần của đêm diễn.

Ðây cũng là chương trình văn nghệ khởi động lòng yêu nước với 8 tiết mục, qua lịch sử những anh hùng hào kiệt với các trích đoạn cải lương “Tiếng Trống Mê Linh,” “Thái Hậu Dương Vân Nga,” cổ nhạc “Trống Giục Khai Ðàng” theo điệu dạ cổ hoài lang, cùng với những bản tân nhạc được sáng tác và biểu diễn bởi những thân hữu ca nhạc sĩ trẻ thuộc thế hệ thứ hai và thứ ba, đầy tài năng gồm có Tuyết Nga, Ðan Phượng, Ngọc Hà, Ðình Hiếu, Kendy Ngô, Lâm Khoa, Nhật Hạ, Minh Hùng, Thùy Chi, Ái Liên và Gia Huy.

Tiếng la hét kêu gào, tiếng quát nạt, tiếng súng nổ vang hòa lẫn trong tiếng rên xiết kêu vang, những biểu ngữ “Trả Lại Ruộng Ðất Cho Dân,” “Formosa Hủy Diệt Mội Trường Là Tội Ác,” “Demand Vietnam Government Stop Violating Human Rights” đưa cao qua trích đoạn “Nước Mắt Dân Oan” với bài vọng cổ “Tiếng Gọi Non Sông” của tác giả Tâm Nguyên và Ðan Phượng, do nghệ sĩ Ðan Phượng trình bày và “Nước Mắt Dân Oan” của tác giả Kendy Ngô do toàn ban trình bày, đã mở đầu đêm diễn.

nuocmat danoan 2
Trích đoạn “Tiếng Trống Mê Linh.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Tiếp theo là trích đoạn “Nhụy Kiều Tướng Quân” (Vị tướng yêu kiều) tức Bà Triệu, với câu nói đầy dũng khí “Tôi muốn cỡi cơn gió mạnh, đạp ngọn sóng dữ, chém cá kình ngoài biển Ðông, đánh đuổi quân Ngô, cởi ách nô lệ cho nhân dân chứ quyết không chịu khom lưng làm tì thiếp người ta.”

Trích đoạn này do nghệ sĩ Ngọc Hà và Ðình Hiếu trình diễn đã khiến nhiều khán giả rơi lệ khi dũng tướng Lê Minh giã từ chủ tướng để xung trận, kết quả đã giữ vẹn được câu thề lấy đầu giặc thù và anh dũng hy sinh đền nợ nước.

Tiếp nối chương trình là nhạc phẩm “Con Sẽ Quay Về” do nghệ sĩ trẻ Lâm Khoa trình diễn.

Ðặc biệt là bài “Trống Giục Khai Ðàng” sáng tác của soạn giả Phạm Văn Phú, do nghệ sĩ Ái Liên trình bày theo điệu vọng cổ hoài lang. Bài này lấy trong lịch sử đời vua Tự Ðức, Tháng Mười năm Mậu Thân 1848, tại rạch Láng The, huyện Trà Vang, tỉnh Vĩnh Long, đã xảy ra vụ kiện dân oan người Khmer bị một số địa chủ gốc Tàu chiếm đoạt quyền lợi khai thác thủy sản, do lo lót tiền bạc cho cả quan bố chánh tỉnh lẫn quan tổng đốc để được cấp giấy phép độc quyền.

Dựa vào chiếu chỉ cũ của tiên vương Gia Long, đồng thời xét việc làm của 2 quan trên là sai trái nên quan huyện thanh liêm Bùi Hữu Nghĩa đã xử cho dân oan Khmer thắng kiện. Khi họ trở lại rạch Láng The, việc xung đột giữa họ và nhóm địa chủ gốc Tàu đã xảy ra, dẫn đến đổ máu nên bọn quan trên liền ghép tội xúi giục, bắt giam ông Bùi Hữu Nghĩa giải về Gia Ðịnh chờ xử tử.

Vợ ông Bùi Hữu Nghĩa là bà Nguyễn Thị Tồn thấy chồng quá oan ức liền quá giang ghe bầu, ra tận triều đình Huế đánh trống kêu oan cho chồng, vừa vạch tội tham nhũng của quan tham. Sau khi tra xét, vua Tự Ðức xóa bỏ án tử hình nhưng đày ông ra biên cương để lấy công chuộc tội.

Vô cùng cảm phục gương can đảm, liều mình đấu tranh vì nhân quyền của người phụ nữ miền Nam nên mẹ vua Tự Ðức là bà Từ Dũ đã ban cho bà Nguyễn Thị Tồn bốn chữ vàng “Liệt Phụ Khả Gia.”

Bài “Trống Giục Khai Ðàng” đã nói lên hết tâm trạng của người dân oan thời bấy giờ, không những người dân bị hà hiếp oan ức, tệ nạn tham nhũng cũng đàn áp cả hệ thống quan lại thanh liêm cấp dưới, và luật đánh trống kêu oan tại sân triều đình Huế là một điểm son của nền luật pháp thời bấy giờ, mà đến tận ngày nay cũng chưa có được, điển hình như tình trạng cướp đất, bắt bớ giam cầm dân oan tràn lan tại Việt Nam hiện nay mà người dân không cách gì kêu oan được.

nuocmat danoan 3
Trích đoạn “Thái Hậu Dương Vân Nga.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Ông Nguyễn Văn Lực, chủ tịch cộng đồng Việt Nam tại San Diego và là hội phó Hội Cổ Nhạc Miền Nam tại Hoa Kỳ do nhà báo Ngành Mai sáng lập, đến dự đêm nhạc này đã cho biết: “Thực hiện mục đích bảo tồn văn hóa Việt Nam tại hải ngoại rất khó, và bộ môn cải lương với tinh thần yêu nước từ xưa đến nay mà thế hệ trẻ đã mang qua hải ngoại, đó là điều đáng quý, nhất là trong hiện tình đất nước hiện nay tại quê nhà. Các nghệ sĩ trẻ đã diễn lại những tuồng tích yêu nước, chống ngoại xâm, chống lại nạn tham nhũng cường hào ác bá, thật đáng khâm phục.”

Với sự ủng hộ của mọi người, ông hy vọng những tấm lòng yêu nước của thế hệ trẻ hải ngoại sẽ tiếp tục cho ra những vở tuồng mới phù hợp với tình hình Việt Nam hiện nay.

Một cụ bà tên Ðồng Thanh ở Foutain Valley, cho biết khi ngồi xem bác rất xúc động, không cầm được nước mắt suốt buổi diễn, vì ở Việt Nam hiện nay người dân không còn được quyền làm người mà còn bị đàn áp rất khổ sở. Bác cho biết được ở Mỹ mà đất nước mình còn bị đau khổ như thế thì cũng không sung sướng gì, sau đó bác có ủng hộ một số tiền cho dân oan tại Việt Nam.

Bà Kim Lan, thành viên của Hội Văn Bút Nam California, cho biết mỗi khi đoàn cải lương của nghệ sĩ Tuyết Nga diễn, bà đều đi xem ủng hộ hết mình. Ðặc biệt hôm nay là một đề tài rất mới để nói lên tiếng nói của dân oan, bà rất xúc động và đến để yểm trợ tinh thần của giới nghệ sĩ, cần nhất là giới trẻ để tiếp nối con đường tranh đấu của thế hệ đi trước, kêu gọi mọi người hãy cùng nhau đoàn kết để ủng hộ phong trào tranh đấu cho dân oan tại quê nhà.

Ông Lê Tất Giao, nguyên cựu y sĩ giải phẫu trong QLVNCH tại tổng y viện Duy Tân Ðà Nẵng trước 1975, ông cho biết đêm nay là một sự thành công lớn vì tiếng nói âm nhạc của lớp người trẻ Việt Nam yêu nước tại hải ngoại vẫn còn, ông rất mừng khi thế hệ trẻ đã nói lên tiếng nói yêu nước, chống lại những áp bức của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đang cam tâm làm nô lệ cho giặc thù phương Bắc, giam cầm những tiếng nói yêu tổ quốc đồng bào.

Chia sẻ với nhật báo Người Việt, nghệ sĩ Tuyết Nga cho biết những nghệ sĩ trẻ Việt Nam ở hải ngoại phải nói lên tiếng nói của người dân oan tại quê nhà, bị cướp đất, cướp tài sản mà ở trong nước người dân không nói được. Hôm nay tự cô một mình đạo diễn, dàn dựng một chương trình cổ nhạc “Nước Mắt Dân Oan” để chứng minh cho mọi người thấy rằng bất cứ một người Việt Nam nào có tinh thần đấu tranh, yêu quê hương đất nước đều có thể dùng bất cứ phương tiện nào mình có sẵn trong tay để chiến đấu chống lại nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, để những người dân oan ở Việt Nam còn có một niềm tin được mọi người ở hải ngoại cùng đồng hành trong bước đường cứu nguy dân tộc.

Tuy chương trình đêm diễn này không bán vé, nhưng có rất nhiều khách đến xem đã ủng hộ và số tiền này sẽ được chuyển trực tiếp về để cứu giúp tận tay cho dân oan tại quê nhà đang ngày đêm đấu tranh cho dân chủ nhân quyền.