"Ái Tử là nơi nơi phần đông anh em chúng tôi gặp nhau khi mới bắt đầu cuộc sống tù đày ... Còn Bình Điền là trại tập trung cuối cùng trước khi chúng tôi được trả về với gia đình,” ... Ái Tử thuộc tỉnh Quảng Trị và Bình Điền là thuộc tỉnh Thừa Thiên. Hai địa danh này không hề gần nhau.

aitu binhdien hopmat
MC Nguyễn Văn Hòa (Trái) và nhóm hợp ca Bình Điền trong ca khúc “Ngàn Thu Áo Tím.” (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

WESTMINSTER, California (NV) – Lúc 10 giờ sáng Chủ Nhật, 3 Tháng Chín, Hội Gia Đình Cựu Tù Nhân Chính Trị Ái Tử – Bình Điền tổ chức cuộc hội ngộ lần thứ 20 tại nhà hàng Paracel Seafood, Westminster.

Ông Nguyễn Thi, trưởng ban tổ chức, cho biết: “Thông báo là cuộc họp mặt của anh em chúng tôi vào lúc 10 giờ sáng tại nhà hàng nhưng trên thực tế, theo thông lệ hàng năm, chúng tôi đã có mặt tại Đài Chiến Sĩ Việt-Mỹ để đặt vòng hoa tưởng niệm những người đã khuất, những anh hùng, liệt sĩ từ lúc 8 giờ đến 9 giờ rồi mới về nhà hàng.

Đông đảo nam nữ hội viên hiện hiện trong buổi lễ đặt vòng hoa, ông Thi cho biết.

Ông tiếp: “Tại nhà hàng, trước khi mọi người ngồi bên nhau để hàn huyên tâm sự thì tất cả sẽ cùng nhau niệm hương trước bàn thờ tổ quốc, trên đó danh sách của các tù nhân Ái Tử – Bình Điền đã chết trong trại tù cùng một danh sách các cựu tù đã ra đi sau ngày được định cư tại hải ngoại, được treo ở hai bên bàn thờ. Nghi thức tưởng niệm này đã được ban tổ chức thực hiện liên tiếp trong 20 năm qua để giữ được như một thủ tục phải có trong các cuộc gặp gỡ của cựu tù Ái Tử – Bình Điền.”

Lần này, ông Trương Văn Hân, thuộc ban nghi lễ, lại đọc bài văn triệu hồn những chiến hữu đã bị bức tử trong trại tù bằng giọng đọc ngân nga trầm bổng, khi khoan thai như trò truyện, khi đanh thép như lời buộc tội kẻ thù chung, khi ai oán làm xúc động lòng người.

Ông Thi nói: “Như tiên liệu, kỳ này số người tham dự buổi hội ngô này có giảm đi vì họ phải tham dự cuộc gặp mặt của cựu chiến sĩ các sư đoàn 1, 2 và 3.”

Ông Ngô Dư, cựu trưởng ban tổ chức từ năm 2010 đến 2015, nói: “Những năm trước có khoảng 300 người tham dự, Năm nay, tôi nghĩ có khoảng 200 người thôi vì chúng tôi tổ chức bữa hội ngộ hàng năm còn các anh em bên sư đoàn 1, 2 và 3 thì mới tổ chức lần đầu.”

Các thành viên nam giới trong ban tổ chức mặc áo sơ mi trắng đeo cà vạt tím trong lúc các thành viên nữ giới đều mặc áo dài tím.

Ông Dư cho biết: “Với chúng tôi, màu tím là màu tang tóc. Chúng tôi chọn màu này để không bao giờ quên được những mất mát do chiến tranh gây ra.”

Mới 10 giờ mà những hội viên đã bắt đầu đến mừng rỡ chào hỏi lẫn nhau, người choàng vai, bá cổ, thân mật hỏi han, người tay bắt mặt mừng trong không khí gia đình, cởi mở. Ở đây, các ông cười nói oang oang, ở kia, các bà xúm xít chuyện trò hoặc chụp hình lẫn nhau.

Rải rác đó đây là những khuôn mặt trẻ trung của các thanh niên, thiếu nữ con cháu của hội viên.

Ông Hồ Trọng Thuyên, cư dân Rancho Cucamonga, nói: “Hàng năm cứ đến ngày này là tôi có mặt. Phải có ngày này thì bà con mới có dịp mà gặp nhau, nhất là tôi ở xa.”

Bà Nguyễn Thị Phố, cư dân Garden Grove, chia sẻ: “Mỗi năm nhìn những khuôn mặt chung quanh ngày một già đi nên vui thì có vui nhưng không tránh được nỗi buồn buồn trong ruột,”

Ái Tử thuộc tỉnh Quảng Trị và Bình Điền là thuộc tỉnh Thừa Thiên. Hai địa danh này không hề gần nhau.

“Chúng tôi chọn tên ‘Ái Tử – Bình Điền’ vì lý do rất đơn giản. Ái Tử là nơi nơi phần đông anh em chúng tôi gặp nhau khi mới bắt đầu cuộc sống tù đày, trước khi bị phân chia tứ tán đi khắp nơi để tiếp tục bị Việt Cộng hành hạ, lao đày. Còn Bình Điền là trại tập trung cuối cùng trước khi chúng tôi được trả về với gia đình,” ôngDư nói.

Trước năm 1975, khi quân đội VNCH triệt thoái khỏi Vùng I Chiến Thuật thì có một số rất đông binh sĩ cùng gia đình kẹt lại, bị Cộng quân bắt làm tù binh nhốt tại trại Ái Tử.


Cho đến năm 1977, Cộng Sản tập trung tất cả về trại giam Bình Điền, tiếp tục giam giữ trong sự khắc nghiệt, đày đọa, buộc phải lao động nặng nhọc, chịu đói chịu khát, chịu chấp nhận những bài học sỉ vả chế độ và quân đội miền Nam. Uất ức chồng chất nên nhiều cuộc chống đối đã nổi lên trong các phân trại của trại Bình Điền mà vụ chống đối can cường nhất là vụ kỷ niệm ngày mất Huế, mọi người  hát nhạc quân hành và cùng không đi lao động. Cộng Sản đã phải điều động toàn thể lực lượng công an Bình Trị Thiên đến bao vây trại, sẵn sàng đàn áp, tiêu diệt. Dù cuộc chống đối không kéo dài được vì bị đàn áp khốc liệt, tinh thần những người tù càng bốc cao, cố gắng nín nhịn để chờ một dịp khác.

Lần này, những câu chuyện mang tính chất bất khuất trước bạo lực của kẻ thù như thế vẫn được các cựu tù Ái Tử – Bình Điền nhắc lại với nhau, chia sẻ từng chi tiết để những tháng ngày tối tăm, tù đày luôn sống mãi trong lòng họ .