“Dù phải lao động khổ sai như vác củi, vác đá, đập đá, đi chặt cây… nhưng 13 năm đó cha không mất một lễ nào và trong lễ vẫn có bánh lễ, rượu lễ.”


lm dinhngocque 1
Linh Mục Đinh Ngọc Quế. (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)

LONG BEACH, California (NV) – Y Vân có lần viết “…60 năm cuộc đời… đời sống không được bao…,” nhưng với Linh Mục Đinh Ngọc Quế, con số “6” trong bản nhạc “60 năm cuộc đời” của cố nhạc sĩ bị “lộn ngược lại” thành con số “90,” trong đó có 60 năm tận hiến cuộc đời cho Chúa, cộng với 13 năm tù cải tạo sau ngày miền Nam Việt Nam rơi vào tay Cộng Sản.

Lần này cũng như mọi lần, tôi gọi điện thoại để xin một cuộc hẹn với các vị linh mục và chỉ nghe tiếng chuông reo. Cũng như những lần trước, sau hai, ba lần gọi như vậy, tôi để lại lời nhắn và cả nhắn tin. Tâm trạng tôi cũng như những lần vừa qua, đó là chờ vô vọng vì chưa lần nào nhận được hồi âm. Thế nhưng, lần này lại có ngoại lệ. “Cha Quế đây, cha xin lỗi vì lúc con gọi cha không hay có điện thoại.”

Khỏi phải nói, tôi mừng đến dường nào khi nhận được điện thoại từ Linh Mục Đinh Ngọc Quế, đồng ý gặp tôi để trò chuyện nhân dịp thượng thọ 90 tuổi của ông. Đặc biệt hơn nữa, ngày thượng thọ này cũng tròn đúng 60 năm ông chịu chức linh mục, mà người phương Tây thường gọi là “Diamond Anniversary” (Lễ Ngọc Khánh), một thành tựu rất hiếm có linh mục nào đạt được.

Phải mất gần 45 phút tôi mới đến được Dòng Chúa Cứu Thế Long Beach, nơi Linh Mục Quế được đón tiếp và làm công việc mục vụ khi chính thức sang Mỹ sau hơn 13 năm lao tù Cộng Sản và sau nhiều năm làm bề trên, rồi quản nhiệm ở các cộng đoàn. Tôi chưa kịp xin lỗi vì đến trễ do bị kẹt xe, thì linh mục từ tốn nói: “Thương con quá, giờ này kẹt xe nhưng cũng đến với cha. Hôm nay con tới với cha, con mừng cha, là cha vui rồi.”

1. Từ xa, Linh Mục Đinh Ngọc Quế đã nhận ra và gọi tôi, rồi ông đón tôi bằng một cái ôm. Thú thật, tôi chưa từng biết ông, vì tôi là người ngoại đạo, nên những gì tôi chuẩn bị để khi gặp ông thì giờ đây đã thừa thãi. Bằng một thái độ cởi mở, một lối nói chuyện hóm hỉnh, tự nhiên, không câu nệ, màu mè, Linh Mục Quế kể về cuộc đời làm linh mục của ông trong suốt một đời người – 60 năm!

Quãng thời gian đó ông nhớ nhất là 13 năm trong tù Cộng Sản, từ năm 1975 đến năm 1988: “Dù phải lao động khổ sai như vác củi, vác đá, đập đá, đi chặt cây… nhưng 13 năm đó cha không mất một lễ nào và trong lễ vẫn có bánh lễ, rượu lễ.”

Vị linh mục 90 tuổi kể: “Trước biến cố 30 Tháng Tư, 1975, em họ cha ở San Francisco, miền Bắc California, là nhân viên Tòa Lãnh Sự Việt Nam Cộng Hòa, chuyên trách về sinh viên Việt Nam du học, đã viết thư cho cha và quả quyết Việt Nam sẽ hoàn toàn lọt vào tay Cộng Sản, và nói rằng cha là người làm việc của chế độ Việt Nam Cộng Hòa thì không thể sống với Việt Cộng được. Sau đó thì hàng loạt tin làm chấn động dân chúng, như tin đổi chính phủ, tin ông Thiệu sẽ rời khỏi Việt Nam, tin các quân nhân và dân sự Mỹ phải rút khỏi Việt Nam trong vòng 48 tiếng.”

“Hôm đó là ngày 28 Tháng Tư, cha quyết định bỏ Việt Nam ra đi, theo lời khuyên của em cha. Sau khi từ giã bà con và chuẩn bị gọn hành lý, cha có thể đi từ Tòa Đại Sứ Mỹ bằng trực thăng bay ra ngoài Hạm Đội 7 đậu sẵn ngoài khơi, nhưng cha lại xuống tàu hải quân. Nhưng đêm đó cha thức trắng đêm, vì lương tâm linh mục không để cha yên chút nào. Cha nghĩ, mình là linh mục, là chủ chiên, bỏ anh em, bỏ con chiên lại bơ vơ trong lúc khó khăn nhất như thế này, coi có được không?” ông hồi tưởng.

Linh Mục Quế tâm sự: “Cha thấy lương tâm hoang mang, bị cắn rứt đến cực độ. Đi thì tương đối sướng, nhưng ích kỷ quá, thẹn với lương tâm và không xứng đáng là một chủ chiên lành như tinh thần linh mục đòi hỏi. Cuối cùng, cha quyết định ở lại. Và 10 giờ sáng ngày 30 Tháng Tư, ông Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng Cộng Sản vô điều kiện. Từ đó mất nước. Mất nước là mất hết, nên trong lúc tranh tối tranh sáng, cha ở yên trong phòng riêng ở nhà dòng trên đường Kỳ Đồng, quận 3.”

“Khi Cộng Sản tiếp thu trọn vẹn thủ đô Sài Gòn, dân chúng hùa nhau ăn mặc đen để để tang. Cha ở nhà một tuần lễ, đến Chủ Nhật thì ra dâng Thánh Lễ công khai đầu tiên sau ‘giải phóng’ Sài Gòn. Khi đó, nhiều anh chị em về báo tin cho bạn bè biết là ông cha Quế vẫn còn ở 38 Kỳ Đồng, không đi Mỹ như người ta đồn. Bởi vì ai cũng tưởng là cha đã đi thoát thân trên chiếc trực thăng sáng 30 đến đậu ngay sân trước nhà thờ. Nên khi thấy cha xuất hiện dâng Thánh Lễ thì ai cũng lấy làm lạ,” ông kể tiếp.

Nhưng từ cuối Tháng Năm, 1975, hàng ngàn, hàng vạn, kể cả triệu người miền Nam, trong hàng ngũ quân cán chính, đều bị bắt đi trình diện để được gọi là “học tập cải tạo.” Từ đây, mọi người phải chết dần chết mòn trên rừng thiêng nước độc, bị tước hết quyền công dân, bị chà đạp nhân phẩm, bị bóc lột đến tận xương tủy sức lao động hằng ngày… mà vẫn được tiếng là “Cách Mạng khoan hồng tha chết!”

Vị linh mục chịu chức được 60 năm cũng không ngoại lệ. Bởi vì từ năm 1965 đến 1969, ông đã là tuyên úy trưởng Tiểu Khu Phước Tuy. Rồi từ 1970 đến 1975, ông là tuyên úy trưởng Tuyên Úy Biệt Khu Thủ Đô; rồi hạt trưởng Hạt Quân Đội Tổng Giáo Phận Sài Gòn; và là hiệu trưởng, giám đốc trường trung học Tinh Thần Sài Gòn.

Xem thêm phóng sự: Bệnh ung thư tăng nhanh tại Việt Nam

Đáng chú ý, đầu Tháng Tư, 1975, ông lãnh nhận chức vụ tổng giám đốc Nha Tuyên Úy Toàn Quốc do Giám Mục Lê Văn Ân đại diện Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trao phó. “Khi đó cấp bậc của cha là đại tá. Và vì cha có đi học ở Mỹ nên dự trù cha sẽ trở thành thiếu tướng, sẽ lo tất cả mọi chuyện trong nha,” ông cho biết.

lm dinhngocque 2
Linh Mục Đinh Ngọc Quế kể về những năm tháng trong lao tù Cộng Sản. (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)

2. Ngày 15 Tháng Sáu, 1975, Linh Mục Đinh Ngọc Quế đi trình diện, vì “Sống ở chế độ nào phải hiểu chế độ ấy thì mới sống nổi. Bụng bảo dạ, đi học có một tháng thôi, ráng học cho tốt, sau này về phục vụ có ích hơn. Nhưng không ngờ đến những 13 năm.”

Sau một tháng đi “học tập cải tạo,” ông và các vị linh mục khác bắt đầu có những suy luận chẳng lành.

“Riêng cha, cái mà cha cho là nguy cấp là lấy đâu ra bánh và rượu lễ để dâng lễ hằng ngày, bởi vì cha chỉ chuẩn bị các thứ cho hơn một tháng là cùng. Đồng ý Thiên Chúa ở khắp mọi nơi, ở ngay trong lòng chúng ta, nhưng một linh mục mỗi ngày không dâng Thánh Lễ, không được hiệp thông cùng Chúa Giêsu hiến mình làm của lễ tiến dâng lên chúc tụng ngợi khen Chúa và kéo ơn phù trợ xuống cho anh em… cha thấy thiếu thốn cái gì ấy,” ông tâm sự.

“May mắn thay, một ông cán bộ có đạo muốn xin xưng tội. Biết ông là người Bùi Chu, cha nhờ ông ra xứ bên cạnh, xứ di cư báo cho các cha biết là có các cha ‘học tập cải tạo’ ở trong trại muốn xin giúp cho có bánh và rượu lễ. Được giúp đỡ, cha chia sớt cho các cha cần tới và căn dặn phải tiết kiệm tối đa để đề phòng những bất trắc có thể xảy đến. Riêng cha từ đó mỗi lần làm lễ chỉ có một giọt và như thế làm trong suốt cả thời gian còn lại trong tù,” linh mục kể.

Đến Tháng Mười Một, 1975, “học tập” chưa đâu vào đâu, tương lai càng ngày càng cảm thấy bế tắc, cảm thấy mình bị vào tròng, bị phản bội, bị lừa đảo, không thấy lối thoát, và càng ngày càng bị xiết chặt. “Cha có phần hối hận, vì đã quyết định ở lại với anh em, không đi Mỹ như lời khuyên của em họ. Lúc đó cha đã mất hết và không còn lối thoát. Trong lúc bối rối đến cực độ này, cha có sáng kiến làm tuần chín ngày kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp để xin ơn soi sáng, sức mạnh và an ủi. Cuối cùng, cha nghĩ, chết trong tù cũng được,” ông kể tiếp.

“Cộng Sản cấm gọi các linh mục là cha, nên mọi người chuyển sang gọi là bố. Không được dâng Thánh Lễ công khai, nên đều dâng lễ chui nhưng vẫn ý nghĩa lắm. Vào mỗi Chủ Nhật, hay có người báo cáo, nên mỗi khi dâng lễ phải hết sức cẩn thận và phải thay đổi giờ hay chỗ luôn. Lợi dụng tối đa yếu tố ‘bất ngờ’ để làm việc Chúa,” linh mục cho biết.

Trong 13 năm lao tù dù phải đổi 11 trại tù khác nhau, nhưng ở đâu Linh Mục Đinh Ngọc Quế cũng cố sống và sinh hoạt tinh thần với mọi người. Mỗi lần đổi trại như vậy đều bị khám tư trang và đều bị “bóc lột.” Đối với các linh mục thì lúc nào cũng bị khám xét kỹ lưỡng hơn, bởi vì đây là “Thành phần cực kỳ phản động.”

Ông kể: “Mỗi khi khám từng món một thì cha lo cho mấy ve rượu lễ. Ông cán bộ khám từng lọ thuốc tây và bắt cha phải cắt nghĩa từng lọ, rồi ông chăm chú vào chai thuốc bổ, cứ ngửi đi ngửi lại, thừa cơ cha đem tráo mấy ve rượu lễ vào đống thuốc đã khám rồi. Thấy ông cán bộ thích chai thuốc bổ, cha xin biếu để được khám nhanh, vì mất chai thuốc bổ đổi lấy mấy ve rượu lễ cũng đáng.”

Năm 1981, Linh Mục Đinh Ngọc Quế kỷ niệm Lễ Ngân Khánh Linh Mục – 25 năm chịu chức – trong trại Nam Hà. “Cha cứ nhớ hoài lễ dâng trong đơn sơ, trong sự nghèo nàn tuyệt đối, nhưng lại làm nổi bật cái tinh túy của Thánh Lễ Misa, tình yêu của Thiên Chúa hiện thực qua thời gian và không gian cho đến muôn đời.”

3. Đến năm 1987, sau khi chuyển về trại Thanh Cẩm, Thanh Hóa, chưa được một tuần lễ thì ông bất ngờ được cha của mình đến thăm. Ông kể, ông rã rời cả chân tay, vì quá xúc động và vì quá bất ngờ. Hai cha con ôm nhau nức nở. “Ba của cha chỉ nói một câu ‘Ba cố ra nhìn thấy con lần chót để nếu Chúa có cất về, ba cũng yên lòng. Tại sao họ đày đọa con tôi như thế này.’ Lúc đó cụ đã 87 tuổi rồi, không biết Chúa định sống chết thế nào,” ông kể.

Ngày 13 Tháng Giêng, 1988, Linh Mục Đinh Ngọc Quế được thả về Sài Gòn. Nhưng rồi, vì hoàn cảnh chẳng đặng đừng, đầu năm 1993 ông phải từ giã cha mẹ già để lên đường sang Mỹ theo tiếng gọi của lương tâm linh mục.

“Cụ buồn lắm, nhưng cụ đã hiến con cho Chúa. Đến Tháng Chín cùng năm thì mẹ kế của cha qua đời. Còn lại một mình ông cụ, ngoài yểm trợ tài chánh để nuôi và săn sóc ông, anh em của cha ở Mỹ có chương trình thay phiên nhau về Việt Nam thăm cụ và đại gia tộc, vì nhận thấy mấy năm sau này sức khỏe của cụ yếu dần,” linh mục hồi tưởng.

Giữa Tháng Ba, 1996, cha của ông có vẻ kiệt sức, nhưng khi mọi người báo tin cho ông thì cha của ông nói: “Hãy để cho ngài yên tâm làm việc Chúa. Đừng làm chia trí ngài.” Và rồi, một ngày trước cuối Tháng Ba, ông cố (danh từ giáo dân Công Giáo gọi những người đàn ông có con làm linh mục) qua đời tại giáo xứ Bùi Chu, Hố Nai, Biên Hòa, hưởng thọ 96 tuổi.

Kể đến đây, mắt Linh Mục Quế ngấn lệ. Nhớ về cha, ông không quên nhắc về mẹ ruột (dân Công Giáo gọi là bà cố) của mình. Bởi vì, nhờ có mẹ năn nỉ với cha ông nên ông mới được đi tu. “Lúc bấy giờ trong gia đình có mỗi mình cha là con trai, mà cha là con nối dòng, con đích tôn, nên gia đình lớn khó cho con đi tu lắm.” ông kể.

Vậy là từ năm 11 tuổi, ông bắt đầu đi tu. Sau khi đi tu thì như ông bảo “Chúa thương nên cho mẹ của cha hai người con trai. Cha có tất cả bảy anh chị em.” Nhưng rồi, năm năm sau, tức năm 1942, mẹ ông qua đời vì bệnh gan khi mới 42 tuổi.

“Sau đó một thời gian, khi cha đang học ở Đà Lạt thì ông cụ viết thư cho cha nói rằng ‘Con ạ, bây giờ ba đang làm rất nhiều việc, nhưng nhà thì không ai lo cả, không ai giúp cho các em của con. Mẹ con trước khi chết có giới thiệu cho ba một người cũng trong dòng tộc, rất thân với mẹ.’ Cha mới nói tùy ý cụ, cha chỉ biết cầu nguyện cho ông cụ. Cuối cùng, mẹ kế của cha là bạn thân của mẹ ruột cha, và bà cũng là chị ruột mẹ của Đức Cha Mai Thanh Lương (cựu giám mục phụ tá Giáo Phận Orange – NV). Thành ra, cha là anh của Đức Cha Lương,” ông chia sẻ.

lm dinhngocque 3
Mắt Linh Mục Đinh Ngọc Quế ngấn lệ khi nhắc về cha mẹ. (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)

4. Theo dòng tâm sự nhân dịp kỷ niệm 60 năm chịu chức linh mục, Linh Mục Đinh Ngọc Quế cho biết ông sinh ngày 20 Tháng Tám, 1926, tại miền Bắc Việt Nam. Năm 1945 ông vào nhà tập. Sau năm nhà tập thứ hai, ông làm thừa sai đi giảng đại phúc khắp nơi.

Ngày 20 Tháng Tám, 1951, ông khấn trong Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam. Sau ba năm khấn tạm thì ngày 16 Tháng Mười, 1954, ông khấn trọn đời. Sau đó ông tiếp tục học triết học và thần học.

Ngày 8 Tháng Chín, 1956, ông thụ phong linh mục tại Đà Lạt, Việt Nam. Từ năm 1961 đến 1965, ông là giáo sư đệ tử Dòng Chúa Cứu Thế, Việt Nam. Từ năm 1965 ông làm tuyên úy cho đến sau ngày 30 Tháng Tư, 1975, bị Cộng Sản cầm tù 13 năm và bị bắt làm lao động khổ sai trên các vùng rừng núi miền Bắc, và tiếp tục hoạt động tông đồ trong các nhà tù Cộng Sản.

Năm 1988 ông được thả về Sài Gòn và ngày 12 Tháng Giêng, 1993, theo ý kiến của Tổng Giám Mục Sài Gòn Nguyễn Văn Bình, và Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, ông định cư tại Hoa Kỳ diện HO 14.

Từ năm 1993 đến năm 1998, ông được cử làm bề trên Nhà Dòng Majella Baldwin Park, California; quản nhiệm cộng đoàn Thánh Giuse, giáo xứ Christopher, West Covina, California; bề trên nhà tập Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam Hải Ngoại.

Từ năm 1998 đến năm 2001, ông là thừa sai đi giảng khắp nơi trên thế giới, tiếp tục làm linh mục quản nhiệm cộng đoàn Thánh Giuse, giáo xứ Christopher.

Từ năm 2001 đến năm 2010, ông là chủ tịch Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam Miền Tây Nam Hoa Kỳ, một miền lớn nhất của Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam Hải Ngoại. Và từ 2010 đến nay, ông là linh mục linh hướng của Trương Bửu Diệp Foundation.

Chia sẻ về lý do sang Mỹ, Linh Mục Đinh Ngọc Quế cho biết: “Năm 1988 cha được thả về nhưng hoàn toàn không được ở nhà mình, tức Dòng Chúa Cứu Thế, còn bị cấm không được sinh hoạt tôn giáo như dâng Thánh Lễ, giảng giải, cử hành các phép bí tích. Cha cứ phải sống chui và hoạt động lén lút, nên cha mới có ý nghĩ đi tìm tự do. Thứ nhất là để cho mình được thoải mái thi hành mục vụ. Thứ hai là cũng có dịp thăm bà con, anh em, bạn hữu, thăm đồng bào xa quê hương.”

“Trong 13 năm ‘học tập cải tạo’ cha học được ở Việt Cộng là cái nói láo. Việt Cộng không thể làm bất cứ gì để lại cho đời, mà chỉ làm hại thôi. Vì vậy, cần phải giải thể đảng Cộng Sản Việt Nam để cứu nguy dân tộc, hầu giúp nước Việt Nam chúng ta có được một nền dân chủ, độc lập, tự do và hạnh phúc; có được sự toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải mà cha ông chúng ta đã trải qua bao nhiêu ngàn năm, đổ ra không biết bao nhiêu xương máu, để lại cho chúng ta,” ông khẳng định.