main billboard

Ðây là lần thứ 26, cứ vào đầu năm Âm Lịch là đồng hương Bình Ðịnh lại làm sống lại phần lịch sử oai hùng của dân tộc trong việc giữ nước chống ngoại xâm phương Bắc.

WESTMINSTER (NV) - Mùng Tám Tết Quý Tỵ, nhằm ngày 17 Tháng Hai, 2013, Hội Xuân Quang Trung sẽ diễn ra tại nhà hàng Moonlight trên đường Beach Blvd., Westminster, do Hội Ái Hữu Tây Sơn Bình Ðịnh tổ chức.

aihuu tayson binhdinhHậu duệ của Quang Trung Nguyễn Huệ trong ngày lễ hội Quang Trung hàng năm. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Ðây là lần thứ 26, cứ vào đầu năm Âm Lịch là đồng hương Bình Ðịnh lại làm sống lại phần lịch sử oai hùng của dân tộc trong việc giữ nước chống ngoại xâm phương Bắc.

Năm nay trong ý nghĩa “Tưởng Niệm Ðại Ðế Quang Trung và kỷ niệm 224 năm Chiến Thắng Ðống Ða,” Hội Ái Hữu Tây Sơn Bình Ðịnh cũng sẽ linh đình làm lễ tưởng niệm vị anh hùng áo vải của miền đất Qui Nhơn, Quang Trung Nguyễn Huệ.

Theo ban tổ chức, gồm các đồng hương Bình Ðịnh, Bác Sĩ Nguyễn Chí Vỹ, ông Ðinh Kim Phượng, bà Trần Mỹ Tuyết, ông Huỳnh Giai, ông Nguyễn Hữu Cúc, ông Vũ Xuân Trinh, ông Trương Thiết Kế, ông Nguyễn Hữu Dốc, ông Ðặng Phú Phong, ông Phan Văn Chăng thì nội dung buổi lễ hội này có các phần chính là những nghi thức tưởng niệm và một chương trình văn nghệ mừng Xuân.

Phần nghi thức tưởng niệm sẽ bắt đầu vào lúc 11:30 AM với màn múa Lân của đội Lân Quang Trung mở đường để những Hậu Duệ Quang Trung rước Linh Vị Ðại Ðế vào lễ đài. Màn tế lễ cổ truyền được các cao niên trong hội phụ trách gồm những nghi thức chính trong việc tế lễ theo cổ truyền như Dâng Hương, Tiến Tửu, Ðộc Chúc trong tiếng chiêng trống đổ hồi nhắc đến những buổi tế lễ trọng thể diễn ra trong nhiều ngày tại quê hương Bình Ðịnh vào những năm xưa.

Sau những nghi thức tế lễ, Bác Sĩ Nguyễn Chí Vỹ, hội trưởng Hội Ái Hữu Tây Sơn Bình Ðịnh sẽ đọc một diễn từ nhắc đến công đức vị anh hùng của dân tộc, Quang Trung Nguyễn Huệ. Và, chắc chắn trong dịp này, bác sĩ hội trưởng cũng sẽ nhắc nhở chúng ta đến họa ngoại xâm đã và đang diễn ra trên đất nước thân yêu của chúng ta và kêu gọi mọi người dân Việt trong và ngoài nước hãy mở lại bài học người xưa để lại trong việc bảo vệ đất nước.

Ðó là bài học về Chiến Thắng Ðống Ða. Sử Việt ghi rằng: “Năm Mậu Thân 1788, xảy ra việc vua Lê Chiêu Thống vì không phục Tây Sơn cho người sang cầu cứu nhà Thanh bên Tàu. Vua nhà Thanh sai danh tướng Tôn Sĩ Nghị đem 20 vạn quân thuộc 4 tỉnh Quảng Ðông, Quảng Tây, Quí Châu và Vân Nam từ ba mặt Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn tràn quân ồ ạt tiến xuống đánh chiếm Thăng Long.

Nguyễn Huệ sau khi làm lễ cáo Trời Ðất tại núi Bần Sơn thuộc tỉnh Thuận Hóa, lên ngôi Hoàng Ðế, hiệu là Quang Trung, thống lĩnh thủy bộ đại binh Tây Sơn Bắc tiến đánh giặc Thanh.

Với chiến thuật chuyển quân thần tốc, chỉ hơn 10 ngày, đại quân đã đến núi Tam Ðiệp gần Thăng Long, cho quân ăn Tết trước, hẹn ngày 7 Tết Kỷ Dậu thì quan quân sẽ vào Thăng Long ăn Tết.

Ðúng Mùng Năm Tết, kịch chiến ở Ngọc Hồi, quân Nam thắng lớn. Tại Ðống Ða, tướng nhà Thanh là Sầm Nghi Ðống phải thắt cổ tự tử, hàng vạn quân giặc chạy bạt vào phía Ðầm Mực bị voi dầy mà chết. Thừa thắng, Nguyễn Huệ cho quân tiến vào Thăng Long như vũ bão, danh tướng Tôn Sĩ Nghị hốt hoảng vì không ngờ được sự hành quân thần tốc của Quang Trung nên đã hoảng sợ chạy về mạn Bắc, đến địa phận huyện Phượng Nhãn, bị quân Nam truy đuổi sát nách, phải vứt bỏ cả ấn tín để thoát lấy thân. Quan quân nhà Thanh cũng tranh nhau qua cầu phao làm cầu sập, chết hại vô số.

Trận chiến kết thúc nhanh chóng. Quân nhà Thanh đã chạy hết về Tàu.

Bài học lịch sử do Ðại Ðế Quang Trung viết để lại cho con cháu là ý chí và quyết tâm bảo vệ đất nước. Hai mươi vạn quân giặc so với quân nam lúc ấy theo sử chép chỉ có chưa đầy 10 vạn quân với 300 thớt voi. Số quân này mà tới được gần 10 vạn là trong khi chuyển quân từ nam ra bắc, Quang Trung Nguyễn Huệ đã cho tuyển quân ngay trên đường hành quân. Và vì lòng yêu nước chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta lúc bấy giờ quá cao nên việc tuyển mộ quân sĩ đã nhanh chóng có được gần cả 10 vạn quân để chống giặc.

Ðến nay, các nhà sử học và các nhà chiến thuật quân sự vẫn nhắc nhở đến tài năng sáng tạo của Nguyễn Huệ trong việc hành quân khiến chưa đầy 10 ngày mà cả vạn quân đã vượt qua hàng ngàn dặm đường từ Nam ra Bắc.

Cũng phải kể đến lòng tự tin tuyệt vời của Quang Trung Nguyễn Huệ khi định được ngày chiến thắng. Chắc chắn ngài đã dựa vào nhiều yếu tố khách quan như lòng yêu nước của người dân Việt, tính toán khoa học trong những chiến thuật dụng binh và tâm lý quân ta và quân địch.

Ðã 224 năm qua, trên phần đất Thăng Long còn ghi dấu chiến thắng oai hùng này. Ðó là Gò Ðống Ða trong thành phố Hà Nội ngày nay. Ðó là nơi chôn xác giặc sau trận chiến thắng này. Xác giặc đã được người dân chất lên đắp đất trở thành một ngọn đồi nhỏ nên gọi là Gò trên đó người dân Việt với lòng nhân ái đã dựng lên một Ðền Thờ những quan quân nhà Thanh đã tử trận trong trận đánh long trời lở đất của Quang Trung Nguyễn Huệ.

Hàng năm cứ vào ngày Mùng Năm Tết là dân quanh vùng Hà Nội lại nô nức kéo nhau đến dự lễ hội chiến thắng Quang Trung tại Gò Ðống Ða cho mãi tới ngày nay vẫn còn lễ hội này.

Hậu duệ của ngài nay tản lạc khắp 4 phương trời vì nạn Cộng sản cai trị toàn đất nước, nay trước họa mất nước vào tay Tàu Cộng, người dân Việt không khỏi nhẩm lại bài học Quang Trung Nguyễn Huệ để sẵn sàng đối phó với ngoại xâm từ phương Bắc qua bao thế kỷ giữ nước của cha ông. (N.H.)