Ông là người dày công nghiên cứu về trống đồng, đã bỏ hơn 30 năm nghiên cứu một quốc bảo của Việt Nam, nên có những minh chứng cụ thể, có rất nhiều cái hay, bất ngờ, khám phá độc đáo và nhiều điều mới lạ trong bài thuyết trình này,”


vannghe lachong
Ban hòa tấu, hợp xướng Đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng. (Hình: Nguyễn Châu cung cấp)

WESTMINSTER, California (NV) – Buổi truyết trình văn hóa Việt Nam với chủ đề “Trống Đồng Đông Sơn, Trống Biểu Của Hùng Vương, Vua Mặt Trời” do diễn giả Bác Sĩ Nguyễn Xuân Quang và chương trình ca vũ nhạc dân tộc do Đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng thực hiện, sẽ diễn ra lúc 2 giờ chiều Chủ Nhật, 14 Tháng Tám, tại hội trường Trung Tâm Minh Đức, 14072 Chestnut St., Westminster, CA 92683.

Đây là một sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật do Đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng phối hợp với Hội Phát Triển Nghệ Thuật Truyền Thống Việt Nam, Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam Miền Nam California, Hội Bảo Tồn Văn Hóa Đông Sơn Việt Nam thực hiện.

Giáo Sư Nguyễn Châu, trưởng đoàn Lạc Hồng, cho biết: “Buổi sinh hoạt văn hóa này nhằm mục đích phổ biến lịch sử, gìn giữ và phát triển nền văn hóa nghệ thuật truyền thống của dân tộc Việt Nam đến cộng đồng, nhất là cho thế hệ trẻ Việt Nam tại hải ngoại.”

“Đề tài nghiên cứu về trống đồng Đông Sơn của Bác Sĩ Nguyễn Xuân Quang rất thú vị. Ông là người dày công nghiên cứu về trống đồng, đã bỏ hơn 30 năm nghiên cứu một quốc bảo của Việt Nam, nên có những minh chứng cụ thể, có rất nhiều cái hay, bất ngờ, khám phá độc đáo và nhiều điều mới lạ trong bài thuyết trình này,” ông nói.

Bác Sĩ Nguyễn Xuân Quang chia sẻ: “Với đề tài ‘Trống Đồng Đông Sơn, Trống Biểu Của Hùng Vương, Vua Mặt Trời,’ tôi sẽ chứng minh trống đồng là bộ sử tộc của Việt Nam. Do buổi thuyết trình có sự phối hợp tổ chức của Tổng Hội Sinh Viên, nên sẽ có nhiều sinh viên đến tham dự, vì vậy tôi sẽ nói tất cả những gì căn bản nhất. Chẳng hạn, tại sao vua Hùng Vương sinh ra từ bọc trứng, tại sao bọc trứng đó nở ra 100 vua Hùng, tại sao chúng ta gọi là Tiên-Rồng, tại sao vua Hùng Vương đóng đô tại Châu Phong, rồi Bạch Hạc, Việt Trì…”

“Tôi sẽ có những minh chứng, bởi vì trên trống đồng đã ghi lại tất cả những truyền thuyết, cổ sử, và những gì về vua Hùng Vương. Tôi muốn cho các em và tất cả mọi người biết được cốt lõi văn hóa Việt Nam mình là dựa trên Tiên và Rồng. Văn hóa của mình có đặc trưng hết sức đặc biệt, theo vũ trụ giáo dựa trên âm, dương và dựa trên dịch riêng của Đông Sơn, khác hẳn với nền văn hóa của Trung Hoa,” ông nói.

Vị bác sĩ tâm sự: “Tôi đã đầu tư một phần đời để đi tìm cái căn cước Việt, cái sắc thái Việt, cái bản sắc Việt và đã viết ba bộ sách chính mà tôi gọi là ba bộ sử là sử sách, sử miệng và sử đồng.”

Theo đó, quyển thứ nhất sử sách là “Khai Quật Kho Tàng Cổ Sử Hừng Việt” dựa vào các tài liệu sử sách. Quyển thứ hai sử miệng là “Ca Dao Tục Ngữ Tinh Hoa Dân Việt” dựa vào các tài liệu văn chương truyền khẩu và truyền thuyết. Quyển thứ ba sử đồng là “Giải Đọc Trống Đồng Nòng Nọc, Âm Dương Đông Nam Á” dựa vào tài liệu khảo cổ học, chính yếu là trống đồng nòng nọc, âm dương của đại tộc Đông Sơn.

Đối với quyển sử đồng, Bác Sĩ Quang đã “viết gần 30 năm mới hoàn tất. Một khai phá độc đáo về trống đồng nòng nọc, âm dương Đông Sơn. Từ trước tới nay chưa một học giả nào trong nước cũng như trên thế giới hiểu thấu được ý nghĩa đích thực của trống đồng. Sự khai phá về trống đồng nòng nọc, âm dương Đông Sơn, nhất là sự khám phá ra chữ viết Nòng Nọc của tác giả sẽ mở ra một cánh cửa giúp cho các nhà nghiên cứu các nền văn minh cổ thế giới.”

Ông giải thích: “Ta thấy rất rõ các chim, thú biểu của đại tộc Việt, của Hùng Vương đều là những loài sống trong địa bàn rừng mưa, vùng sông biển nhiệt đới Đông Nam Á mà ở địa bàn của người Trung Hoa cổ ở phương Bắc không có. Những chim thú ngành mặt trời này đều có tên hàm nghĩa là nọc, vật nhọn (Việt, mặt trời, có gốc từ nọc, cọc, bộ phận sinh dục nam) giống như danh xưng của tổ tiên Lang, Hùng, của nòi giống đại tộc Việt.”

“Hầu hết trống đồng nòng nọc, âm dương của đại tộc Đông Sơn đều có hình cò cho thấy trống đồng nòng nọc, âm dương là trống biểu của Hùng Vương. Liên bang Văn Lang có hai ngành nòng nọc, có nhiều đại tộc, tộc, chi tộc nên hình cò trên trống đồng nòng nọc, âm dương khác nhau như đã thấy ở trên. Ví dụ con cò Gió, bờm phướn gió rất cách điệu, thấy trên trống đồng âm dương Ngọc Lũ I là con cò Gió, cò Lang chứ không phải là cò Lạc như các nhà khảo cổ học và các nhà làm văn hóa Việt Nam hiện nay gọi nhầm là như vậy. Đó là lý do tại sao vua Hùng Vương lại đóng đô tại Châu Phong, ‘phong’ tức là gió. Còn cò Lạc là chim nước, chân có màng,” ông nói.

nguyenxuanquang
Bác Sĩ Nguyễn Xuân Quang tại một buổi nói chuyện về trống đồng. (Hình: Nguyễn Xuân Quang cung cấp)

Ông khẳng định: “Một khi nhận ra bản sắc của mình thì chúng ta mới không bị Trung Hoa đồng hóa. Và nhất là lúc này, các em sinh viên, cũng như tất cả mọi người phải biết căn bản của mình, căn cước của mình, bản sắc của mình để chống chọi lại cái sự Hán hóa hiện tại bây giờ. Trống đồng nòng nọc, âm dương của đại tộc Đông Sơn là bộ sử đồng của đại tộc Việt, và hiển nhiên là trống biểu của Hùng Vương, tuyệt nhiên không phải là trống có nguồn gốc Trung Hoa.”

Giáo Sư Nguyễn Châu cho biết thêm: “Sau phần thuyết trình văn hóa là chương trình ca, vũ, hợp xướng và hòa tấu các nhạc cụ cổ truyền do các thành viên trẻ của Đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng trình diễn. Các em trẻ sẽ hát những bài dân ca ba miền, nhạc tài tử miền Nam; các thành viên lớn sẽ hát những bài tình tự quê hương và hợp xướng.”

“Đặc sắc nhất, các em trẻ nhưng sẽ trình bày các tác phẩm hòa tấu, tam tấu, với hình thức phối khí mới, khán giả sẽ thấy các em không chỉ giữ gìn mà còn biết phát triển nhạc cụ của mình, để các em có thể ra ngoài trình diễn chung với các đoàn văn nghệ của các sắc dân khác. Ban hòa tấu sẽ có các nhạc cụ Việt Nam như đàn tranh, đàn bầu, đàn tì bà, đàn kìm, sáo trúc, trống, chiêng…” ông cho hay.

Theo vị trưởng đoàn, chương trình văn nghệ có khoảng 10-12 tiết mục. Đầu tiên sẽ là hòa tấu đàn tranh “Chiều Trên Cao Nguyên” cùng với dàn trống đệm để nói lên tính chất hào hùng của dân tộc. Kế đến là hát bài “Trưng Nữ Vương” để nói về ý nghĩa của việc dựng nước và cứu nước của các anh hùng dân tộc. Sau đó là độc tấu đàn bầu bài “Cung Đàn Đất Nước,” tam tấu với đàn tì bà, đàn tranh, đàn bầu cho bài dân ca “Người Ơi Người Ở Đừng Về.” Tiếp theo là hát quan họ như “Dọn Quán Bán Hàng,” hợp ca “Con Đường Cái Quan”…

“Chương trình vào cửa miễn phí, hội trường có 250 ghế, nên chỗ ngồi có hạn. Xin quý vị tham dự đến sớm và chương trình sẽ được khai mạc đúng giờ,” Giáo Sư Châu nhắn gửi.

Mọi chi tiết xin liên lạc Giáo Sư Nguyễn Châu (714) 240-0475, Luật Sư Michelle Mai Nguyễn (714) 725-6553, Kỹ Sư Tạ Trung (714) 642-9590, Giáo Sư Quỳnh Giao (714) 371-6770, Billy Lê (714) 643-6123.