main billboard

“Ðã 41 năm trôi qua, người cựu giáo sinh trẻ nhất của khóa 13 sau cùng cũng đã trên dưới 60 và quý thầy tóc cũng bạc đã nhiều. Sự hiện diện của đông đảo quý vị nơi đây chứng tỏ truyền thống tình nghĩa Sư Phạm thầy trò khắng khít, tình bằng hữu gắn bó.”

supham sg 41
Tặng hoa tri ân thầy cô. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

GARDEN GROVE, California (NV) – Với chủ đề “Hướng Về Quê Hương,” buổi hội ngộ thắm đượm tình nghĩa thầy trò của Gia Ðình Sư Phạm Hải Ngoại vừa diễn ra hôm Chủ Nhật, 24 Tháng Bảy tại nhà hàng Diamond Seafood, Garden Grove, với gần 200 người tham dự.

Ðây là lần họp mặt thường niên lần thứ 25 của Gia Ðình Sư Phạm Hải Ngoại, một tổ chức của các cựu giáo chức xuất thân từ trường Sư Phạm Sài Gòn, một trong những trường sư phạm lớn của VNCH trước năm 1975.

Mới đó mà đã một năm nữa trôi qua, thầy trò lại gặp nhau trong không khí thật ấm cúng và thân thương. Thầy cô với mái tóc trắng và trò thì cũng đã hoa râm, tay bắt mặt mừng chuyện trò rôm rả.

Từng nhóm chụp ảnh lưu niệm, hỏi han đủ mọi việc, tâm tình mãi không thôi, nhắc nhớ về những kỷ niệm xưa, vui cười tíu tít như thời còn chung học dưới mái trường Sư Phạm Sài Gòn.

Trong phần giới thiệu, cô Mai Minh, cựu giáo sinh sư phạm nói: “Ðã 41 năm trôi qua, người cựu giáo sinh trẻ nhất của khóa 13 sau cùng cũng đã trên dưới 60 và quý thầy tóc cũng bạc đã nhiều. Sự hiện diện của đông đảo quý vị nơi đây chứng tỏ truyền thống tình nghĩa Sư Phạm thầy trò khắng khít, tình bằng hữu gắn bó.”

supham sg 42
Gia Ðình Sư Phạm Hải Ngoại chụp ảnh kỷ niệm. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Hội trưởng đương nhiệm, Giáo Sư Dương Ngọc Sum là người nói lời chào mừng khai mạc cho buổi lễ.

Ông nói: “Ðây là lần họp mặt thứ 25 kể từ năm 1990. Ngược dòng thời gian, sau ngày 30 Tháng Tư 1975, Gia Ðình Sư Phạm chúng ta như bầy chim vỡ tổ, có một số ít vượt thoát được, phần đông còn bị kẹt ở lại, chịu sự đày ải áp bức của nhà cầm quyền mới áp đặt lên thầy cô chúng ta, bị kỳ thị, một số khác bị tù đày.”

Ông nói tiếp: “Khi vượt thoát sang miền đất tự do, Giáo Sư Nguyễn Quý Bổng là người đầu tàu, đã tập hợp lại được một số thầy cô trường Sư Phạm Sài Gòn thành một nhóm để liên lạc với nhau, trao đổi tin tức và tìm cách giúp đỡ những thầy cô còn ở lại đang gặp khó khăn. Từ đó đến nay, họp mặt hàng năm là một truyền thống của Gia Ðình Sư Phạm Sài Gòn, xin trân trọng chào mừng tất cả quý vị giáo sư có mặt ngày hôm nay, cũng như các vị giáo sư khác vì lý do sức khỏe không đến dự được.”

Tiếp theo, cô Huê Mỹ, thành viên ban tổ chức giới thiệu các thầy cô tham dự buổi họp mặt hôm nay gồm có các giáo sư: Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Hữu Phước, Trần Văn Chơn, Dương Ngọc Sum, Nguyễn Duy Linh, Nguyễn Tử Quý, cô Hiệp Hồ, và cô Ðoàn Kim Lan.

Cô Lương Thúy tiếp nối chương trình trong phần giới thiệu các cựu giáo sinh từ khóa 1 đến 13 đến từ Việt Nam, Úc Châu, từ các tiểu bang của nước Mỹ như Ilinois, Texas, Washington, Pensylvania, đông nhất là ở Nam California, San Jose, ngoài ra còn có sự góp mặt của Sư Phạm Ðà Lạt, Sư Phạm Quy Nhơn, các thân hữu Quốc Gia Hành Chánh, Gò Công, Hội Khuyến Học, các trường trung học Bưởi-Chu Văn An, Petrtus Ký Sài Gòn cùng đông đảo giới truyền thông báo chí cũng có mặt.

supham sg 43
Ra mắt ban chấp hành Gia Ðình Sư Phạm Hải Ngoại. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Tiếp theo, tất cả các thầy cô và các cựu giáo sinh cùng đứng lên hát vang bài “Việt Nam Việt Nam” sáng tác Phạm Duy.

Trong bài phát tiểu tiếp sau đó, Giáo Sư Nguyễn Tử Quý tâm sự: “Nhớ lại ngày trước thời VNCH, con người và nhất là nền giáo dục dựa trên nền tảng dân chủ, nhân bản và khai phóng đã đào tạo biết bao thế hệ đã làm rạng danh nước Việt, ngày nay sang đến nước Mỹ lại tiếp tục phát huy truyền thống ấy, nhiều nhân tài đã và đang tiếp tục góp công sức vào việc xây dựng một quốc gia hùng cường. Nhưng hiện nay đất nước và con người Việt Nam đang chết dần mòn bởi nhà cầm quyền cộng sản, nguyện xin hồn thiêng sông núi sai khiến anh hùng đứng lên cứu nước, giành lại quê hương.” Trong nỗi niềm xúc động ấy, thầy Quý đã hát tặng mọi người nhạc phẩm “Việt Nam Tôi Ðâu” sáng tác Việt Khang.

Với phần vinh danh các thầy cô của trường Sư Phạm Sài Gòn được xướng lên, tất cả những tình cảm thân thương của các cựu giáo sinh với thầy cô, những chuyện vui buồn thời đi học được anh Nguyễn Khanh gợi nhớ lại qua lời kể thật có duyên đã làm mọi người bồi hồi cảm xúc.

Cảm động nhất khi các bó hoa nồng thắm ân tình được các cựu giáo sinh kính dâng lên các thầy cô, để nhớ đến công ơn dạy dỗ bao thế hệ đã nên người, những nụ cười rạng rỡ, những giây phút sum vầy ấy được ghi nhận lại khi toàn thể các cựu khóa sinh và thầy cô chụp chung một bức ảnh kỷ niệm.

Tiếp nối chương trình, Giáo Sư Dương Ngọc Sum giới thiệu thành phần ban tổ chức, đã làm việc tích cực trong nhiều tháng qua để mọi người có được buổi họp mặt ngày hôm nay.

supham sg 44
Nhạc cảnh “Ghé Bến Sài Gòn.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Tiếp theo, các cặp đôi “Cộng Chỉ Số” là những giáo sinh yêu nhau trong thời đi học, lập gia đình và sống chung đến hôm nay, gồm có 4 cặp được mời lên sân khấu nhận những tràng pháo tay nồng nhiệt chúc mừng.

Phần phát biểu do anh Phạm Nghĩa Hùng, hội trưởng Hội Sư Phạm Quy Nhơn nói lời cảm ơn vì những công lao dạy dỗ của thầy cô và xin hát tặng mọi người nhạc phẩm do anh soạn nhạc theo lời bài thơ “Ðất Nước Mình Ngộ Quá Phải Không Anh,” sáng tác của cô giáo Trần Thị Lam ở Hà Tĩnh, Việt Nam.

Phần văn nghệ thật độc đáo bắt đầu với nhiều tiết mục vui tươi, những nhạc phẩm được trình diễn qua các màn đơn ca, hợp ca, ngâm thơ và màn trình diễn fashion show với các tà áo dài Việt Nam thật duyên dáng, cảm động và vui nhộn nhất là hoạt cảnh diễn lại một lớp học ngày xưa do thầy Dương Ngọc Sum và các cựu giáo sinh thủ diễn.

Khi đất nước bị chia đôi năm 1954, từ vĩ tuyến 17 trở vào Nam, nhu cầu phát triển giáo dục rất cần thiết, cùng với việc xây dựng trường học và đào tạo giáo chức.

Do đó, trường Quốc Gia Sư Phạm được thành lập năm 1955, tuyển dụng các giáo sinh từ Bến Hải tới Cà Mau để đào tạo giáo chức dạy hai cấp tiểu học và trung học. Sau thời gian cải tổ lại, Sài Gòn có hai trường Cao Ðẳng Sư Phạm và Ðại Học Sư Phạm, huấn luyện được 13 khóa với nhiều giáo chức ra trường, từ đó các địa phương khắp miền Nam lần lượt mở ra 19 trường sư phạm nữa.

Từ sau năm 1975, một số giáo sư, cựu giáo sinh đã ra khỏi nước và quy tụ lại, Gia Ðình Sư Phạm Hải Ngoại được thành lập đến nay đã 41 năm, và Tháng Bảy hàng năm là dịp hội ngộ để tâm tình, giúp đỡ nhau nơi xứ người, giữ gìn truyền thống sư phạm luôn khắng khít nghĩa tình.