main billboard

Xin vinh danh tất cả các đơn vị anh hùng của quân lực VNCH anh hùng, đã tạo nên lịch sử chiến thắng An Lộc, 44 năm chúng ta vẫn không quên chiến thắng đó, nó mãi mãi đi vào quân sử của VNCH và thế giới.


qd3 anloc 11
Nghi lễ chào quốc quân kỳ. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

WESTMINSTER, California (NV) – Buổi chiều hội ngộ đầy cảm động của các chiến sĩ đã từng tử thủ tại chiến trường An Lộc, để tưởng niệm 44 năm với chủ đề “Ngày Ghi Dấu 44 Năm Chiến Thắng An Lộc và Hội Ngộ Quân Đoàn III” đã được long trọng tổ chức lần đầu tiên tại thủ đô của người Việt tị nạn miền Nam California, ở nhà hàng Seafood Palace, Westminster, vào lúc 6 giờ chiều Thứ Sáu, 8 Tháng Bảy.

Nhà báo Bùi Quốc Hùng, đến từ tiểu bang Washington, và nhà báo Như Hảo cùng điều khiển chương trình với 29 tiết mục.

Đêm nay, tại buổi hội ngộ này, lần đầu tiên các đại diện của các binh chủng QLVNCH có buổi lễ truy điệu cho 10,000 quân dân cán chính đã bỏ mình tại mặt trận An Lộc, và ngày hôm sau, Thứ Bảy, 9 Tháng Bảy, có buổi lễ cầu siêu tại chùa Bảo Quang Santa Ana vào lúc 1 giờ 30, và nghi thức cầu nguyện tại nhà thờ Chánh Tòa Chúa Kitô (Nhà Thờ Kiếng), Garden Grove, lúc 6 giờ 30.

Toán quốc quân kỳ tiến vào vị trí hành lễ và nghi thức chào cờ, hát quốc ca Việt-Mỹ thật uy nghiêm do hải quân Đinh Quang Truật, sĩ quan nghi lễ Tập Thể Chiến Sĩ VNCH Hải Ngoại, chỉ huy.

qd3 anloc 12
Lễ truy điệu. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Sau giây phút mặc niệm, Nha Sĩ Lý Văn Quý trân trọng giới thiệu những chiến sĩ anh hùng của các binh chủng VNCH anh hùng, đã tham chiến tử thủ 93 ngày đêm tại mặt trận An Lộc, gồm các đơn vị: Quân Đoàn III, Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù, Lữ Đoàn 1 Sư Đoàn Nhảy Dù, Sư Đoàn 25 BB, Sư Đoàn 21 BB, Sư Đoàn 18 BB, SĐ 9 BB, Pháo Binh, Không Quân, Biệt Động Quân, Địa Phương Quân của tiểu khu Bình Long, phóng viên mặt trận An Lộc, Nghĩa Quân, và nhiều đơn vị khác nữa. Tham dự buổi hội ngộ đêm nay chỉ là một phần nhỏ các chiến sĩ còn sống sót lại của chiến trường An Lộc năm xưa.

Trên sân khấu, tiếng bom đạn nổ rền vang và khói bay mù mịt, gợi nhớ lại hình ảnh một thời kinh hoàng của 93 ngày đêm chiến đấu.

Tiếp theo, thi sĩ quân đội Quốc Nam, giám đốc đài Sài Gòn Radio 24/7, chủ tịch An Lộc Foundation, lên đọc diễn văn khai mạc.

Ông nói: “Xin vinh danh tất cả các đơn vị anh hùng của quân lực VNCH anh hùng, đã tạo nên lịch sử chiến thắng An Lộc, 44 năm chúng ta vẫn không quên chiến thắng đó, nó mãi mãi đi vào quân sử của VNCH và thế giới. An Lộc Foundation được thành lập với mục đích từ năm 2012 để chuyển dịch tác phẩm ‘Chiến Thắng An Lộc 1972’ sang Anh Ngữ để phổ biến cho tất cả các thư viện và các trường quân sự trên thế giới, để sau này có thể dựng thành một bộ phim lớn với kỹ thuật điện ảnh Hollywood.”

“Là người lính VNCH, chúng tôi nhận lãnh sứ mạng rất cần thiết cho chính nghĩa quốc gia, đó là dự án chuyển dịch bộ sử liệu chính thống này và vận động để đưa vào dòng quân sử chính của thế giới. Đảng CSVN đã đưa chủ thuyết Mác-Lê vào đất nước Việt Nam gần 90 năm qua và gây ra biết bao tội ác. Trong cuộc đấu tranh Quốc-Cộng đó, bọn chúng đã thổi phồng trận chiến Điện Biên Phủ 55 ngày đêm năm 1954 là vĩ đại nhất, nhưng trận này phần lớn là do Hồng Quân Trung Cộng giúp đỡ. Trong khi đó, chiến trường An Lộc 93 ngày đêm tử chiến, quân số CSVN đông hơn bốn lần VNCH, với xe tăng đại pháo tối tân do Nga Sô và Trung Cộng viện trợ, nhưng cuối cùng vẫn thua chạy nhục nhã.”

“Quân lực VNCH dũng mãnh, tinh thần và kỹ thuật tác chiến rất cao, không kém bất cứ quân đội nào trên thế giới. Chiến thắng An Lộc 1972 dưới quyền chỉ huy của danh tướng Lê Văn Hưng quả là một chiến công thần thánh, cả khối Cộng Sản quốc tế đã thua chạy trước sự tự vệ kiên cường của các chiến sĩ VNCH,” ông Quốc Nam nói thêm.

qd3 anloc 13
Bán đầu giá bức tranh “An Lộc Địa.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Ông cho biết, quân nhân các cấp, đồng bào chiến sĩ VNCH bỏ mình tại An Lộc đã ngăn chặn được Cộng Quân không thể tắm máu nhân dân đô thành Sài Gòn mùa Hè 1972, để hàng triệu đồng bào ta được sống tự do tại hải ngoại như ngày nay.

“Nguyện cầu Thượng Đế và hồn thiêng sông núi phù hộ cho nước Việt Nam được hưởng ánh sáng tự do, dân chủ trong một ngày gần đây,” ông Quốc Nam nói tiếp.

Tiếp theo, cựu phi công trực thăng Đào Anh Tuấn, SĐ2 KQ/Phi Đoàn 215 Thần Tượng, người đã từng lao vào vùng lửa đạn An Lộc trong những phi vụ hiểm nguy, trình bày nhạc phẩm “Người Rời Cuộc Chiến,” lời Quốc Nam, nhạc Ngọc Sơn. Lời nhạc nói lên tâm trạng của những chiến sĩ, tuy đã rời cuộc chiến nhưng vẫn không quên những đồng đội, bạn bè, người dân Việt Nam vẫn đang còn đau khổ lầm than nơi quê nhà.

Tiếp theo, niên trưởng Nguyễn Ngọc Ánh, K16 Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, phụ tá hành quân của trung tướng tư lệnh Quân Đoàn III, Quân Khu 3, đặc trách chiến trường An Lộc và ngoại biên, cựu tỉnh trưởng kiêm chi khu trưởng Bình Tuy, lên nói về trận chiến An Lộc.

Ông nói: “Trong đêm nay, chúng tôi thành kính tưởng nhớ đến các vị thần tướng đã mãi mãi ra đi gồm tư lệnh mặt trận, cố Thiếu Tướng Lê Văn Hưng, cố Trung Tướng Nguyễn Văn Minh, cố Chuẩn Tướng Lê Quang Lưỡng, và cố Chuẩn Tướng Trần Văn Nhật.”

“Trong suốt cuộc chiến Việt Nam, từ 1945 đến 1975, đã diễn ra hơn 3,000 trận đánh lớn nhỏ giữa hai miền Nam Bắc, tuy nhiên, chỉ có hai trận đánh tàn khốc và đẫm máu nhất, làm rung chuyển cả đất nước Việt Nam và vang động khắp thế giới là trận Điện Biên Phủ năm 1954 giữa quân đội Liên Hiệp Pháp và bộ đội Việt Minh do Trung Cộng chỉ đạo, và trận An Lộc năm 1972 giữa QLVNCH và quân Cộng Sản Bắc Việt được viện trợ tối đa của khối Cộng Sản quốc tế, lại được sự thỏa hiệp của cường quốc Hoa Kỳ, tạo cơ hội cho Cộng Sản miền Bắc dốc toàn lực đánh chiếm miền Nam,” ông Ánh nói tiếp.

Ông Ánh tiếp: “An Lộc đứng vững nhờ vào tinh thần cương quyết chiến đấu tử thủ của toàn thể quân dân cán chính, tạm thời đập tan mưu đồ xâm lăng của bọn đồ tể Cộng Sản Bắc Việt, để kéo dài đến Tháng Tư, 1975.”

Tiếp nối chương trình, cựu Đại Tá Phan Văn Huấn, cựu Liên Đoàn Trưởng LĐ 81 Biệt Cách Dù, được mời kể chuyện về An Lộc.

Ông nói đây là lần đầu tiên An Lộc Foundation tổ chức dịch ra Anh ngữ quyển sách nói về cuộc chiến An Lộc, để người Mỹ hiểu biết thêm về trận chiến này, nhất là đơn vị Biệt Cách Dù với lối đánh lấy ít đánh nhiều nhất là đánh đêm, cùng với tinh thần hiệp đồng chiến đấu tuyệt vời của tất cả các quân binh chủng VNCH, đã góp phần tiêu diệt những đợt tấn công của Cộng Sản.

Lễ truy điệu 10,000 dân quân cán chính đã thảm tử tại An Lộc được cử hành. Các chỉ huy những đơn vị chiến trường An Lộc tiến lên bàn thờ tổ quốc, thắp nén hương tưởng nhớ đến anh linh anh hùng tử sĩ trong lời truy điệu hùng hồn thống thiết, được nhà báo Bùi Quốc Hùng soạn ngay tại chỗ.

qd3 anloc 14
Hợp ca bài “Ta Là Lính.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)

“Người chiến đấu oai hùng trong chiến trận. Đồi Đồng Long, đồi Gió vẫn còn đây. Người kiêu hùng ngẩng mặt với trời mây. Lũ Việt Cộng kinh hoàng tan nát mật. Người là ai-Người là ai-Người là ai. Tinh hoa trên chiến địa. Trong 93 ngày đêm tử chiến. Người chính danh là Chiến Sĩ Cộng Hòa. Hôm nay giữa đất trời Nam California. Chúng tôi đồng đội của người. Mái đầu điểm sương cùng nhau tụ hội. Nhằm tôn vinh người, vị quốc vong thân.”

Kế đến, Thị Trưởng Westminster Tạ Đức Trí có đôi lời phát biểu và trao tặng một bằng tưởng lục để vinh danh An Lộc Foundation đã làm sống động lại những chiến tích oai hùng trong trận chiến.

Ban tổ chức cũng mời bà quả phụ cố Chuẩn Tướng Trần Văn Nhật, thời đó là tỉnh trưởng Bình Long, để trao tặng bà một bằng tưởng lục để tưởng nhớ đến người anh hùng vị quốc vong thân.

Chương trình bán đấu giá bức tranh “An Lộc Địa,” do điêu khắc gia Phạm Thông, người đã tạo dựng tượng Trần Hưng Đạo đặt ngay sông Bạch Đằng trước năm 1975, được cô Minh Hạnh, chị gái của Chuẩn Tướng Lương Xuân Việt, thực hiện, và người mua được là Bác Sĩ Alan Thái Trần, một hậu duệ của Sư Đoàn Dù trong trận An Lộc.

Chương trình được tiếp tục với phần văn nghệ do CLB Tình Nghệ Sĩ, Ban Tù Ca Xuân Điềm và các nghệ sĩ khác thực hiện.