main billboard

Đặc biệt lần triển lãm này mang đến một phong cách hoàn toàn mới lạ trong hướng sáng tác của ông với 22 bức tranh khổ lớn, cách thể hiện vượt thoát ra khỏi những quy luật thông thường bằng sơn dầu và vải bố trong hội họa.


WESTMINSTER, California (NV) - Họa sĩ Nguyên Khai vừa khai mạc triển lãm tranh tại phòng triển lãm Việt Báo Gallery, Westminster, cuối tuần qua.

nguyenkhai trienlam 1
Họa sĩ Nguyên Khai bên tác phẩm “Bà Eva Thế Kỷ 20” (bên trái). (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Đây là cuộc triển lãm 55 năm lưu dấu thời gian cuộc đời nghệ thuật của ông qua nhiều thời kỳ sáng tác.

Đặc biệt lần triển lãm này mang đến một phong cách hoàn toàn mới lạ trong hướng sáng tác của ông với 22 bức tranh khổ lớn, cách thể hiện vượt thoát ra khỏi những quy luật thông thường bằng sơn dầu và vải bố trong hội họa.

Với phong cách “mixed media” (tranh hỗn hợp), 22 bức tranh khổ lớn 30x40, với kỹ thuật gắn kết những con “chip” trong máy điện toán, cùng với những mảng kim loại, gò, cắt, gọt, đục, đẽo, được gắn trên những mảnh vải bố.

Ngoài ra, còn có những bức tranh sơn dầu vẽ thiếu nữ và ngựa.

Những tác phẩm không cần giải thích, tự thân nó sẽ đến với người xem bằng những cảm nhận của từng người, ở đó mọi người sẽ tha hồ bay bổng với cảm xúc riêng của mình.

Trong góc phòng, bức “The Eva of 20th Century” (Bà Eva Trong Thế Kỷ 20) nổi bật, bắt người xem phải suy nghĩ và tìm ra câu trả lời. Cũng không khó lắm đâu khi một bên là bà Eva, cũng nguyên thủy như thuở hồng hoang, nhưng ở thế kỷ 20 đầy dẫy những khoa học, lại quay cuồng bên guồng máy của bánh xe kỹ thuật, người xem sẽ thấy hình như bánh xe thời gian cùng quay cuồng với bánh xe đưa con người về thời nguyên thủy. Cả một sự phối hợp tuyệt vời với một rừng bánh răng liên kết những nhông chuyền động của những con “chip,” quay cuồng đến một cách lạ lùng.

Bà Eva nằm phơi mình cuộn tròn trong một vòng tròn lớn, tất cả được hình thành bằng một tấm kim loại bạc và gò một cách khéo léo những đường nét căng tròn, đối diện với bên kia là hàng hàng lớp lớp những con “chip” điện tử sắp đặt một cách khéo léo trong một bánh xe tròn chuyển động trong thời gian quay tít.

nguyenkhai trienlam 2
Bên trong phòng triển lãm tranh Nguyên Khai. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Ở một nơi khác là bức “New Moon,” người xem dễ bắt gặp một hình ảnh của thành phố New York với những tòa nhà chọc trời, phảng phất đâu đây hình ảnh của tòa tháp đôi nổi tiếng. Dưới ánh trăng bạc, một gương mặt thiếu nữ bâng quơ nhìn vào không gian sâu thẳm của một đêm trăng.

Và đây là “Solar Field” (Cánh Đồng Năng Lượng Mặt Trời) với hàng hàng lớp lớp những mảng “pin” thiên nhiên kéo dài đến tận chân trời trong không khí màu xám rộng mở, hay như tác phẩm “Nguyệt Thực,” thật đơn giản trong bố cục với hai con người, một nam một nữ đang hấp thụ một dòng năng lượng bất tận đang tỏa sáng.

Cũng những chất liệu kim loại màu bạc, đôi chân dung nam nữ hình như đang yên lặng cuốn hút vào thế giới tâm linh hư ảo, cho người xem một cảm giác thật êm không chút gì khô cứng của thế giới toàn kim loại.

Những tác phẩm tranh hỗn hợp của họa sĩ Nguyên Khai cũng đầy màu sắc lung linh khi đứng xa nhìn ngắm, nhưng muốn thấy rõ hơn cái “bổn tâm” của sự việc, phải đến thật gần, nhìn ngắm các con “chip” điện tử ở một thế giới khác với nhiều góc cạnh trong không gian ba chiều, thì mới cảm nhận được điều kỳ lạ như bức “Buddha's Smile” (Nụ Cười Đức Phật) hay bức “Mặt Trời” với một chùm tia sáng rực rỡ phản chiếu từ tranh tỏa sáng và ánh sáng rơi rớt đầy chung quanh người xem, lung linh nằm dưới đất.

Họa sĩ Nguyên Khai cho biết loại tranh hỗn hợp này được thực hiện từ các vật liệu kim loại phế thải, được thu gom từ những lần nhặt nhạnh trong đống sắt cũ, hoặc mua về từ chợ trời hoặc Goodwill, còn những con “chip” điện tử loai bỏ đầu tiên là do một người bạn cho. Kim loại bằng đồng hoặc sắt rất cứng, phải cắt gọt đục khoan, chạm nổi cho ra hình thể, còn những mạch điện tử thì sắp xếp và dán trên nền vải bố, loại vải thô ráp làm bao gạo, rất gần với hiện thực đời sống người Việt, đây là một loại chất liệu đẹp thay thế cho nền vải bố trong tranh sơn dầu.

nguyenkhai trienlam 3
Những con “chip” trong tác phẩm của Nguyên Khai. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Từ năm 1992, ông mày mò để thực hiện loại tranh hỗn hợp này, rất mất công sức và rất nặng theo đúng nghĩa kim loại. Và những con “chip” điện tử với những mớ dây nhợ rối rắm, tuy lộn xộn nhưng cũng có hình thể đặc trưng của nó, rất chính xác khi dùng để diễn tả một thế kỷ mới đầy tính khoa học kỹ thuật.

Khi được hỏi về mối tương tác giữa tác giả, tác phẩm và người xem, ông nói họa sĩ không cần phải giải thích tranh, nhưng khi tác phẩm của mình tạo được ấn tượng cho người xem, chính là sự tiếp nối tư tưởng từ tác giả đến người thưởng lãm, qua những nỗi niềm, những rung động riêng tư, đó mới là cảm xúc chân thật nhất. Trong hội họa, tranh chính là người vậy.

Trong loại tranh này, theo đúng nghĩa của nó, phải cân bằng qua những trải nghiệm tâm linh.

Ông cũng giải thích trong tranh của ông thường xuất hiện hình ảnh ngựa, nó đã nhập vào tiềm thức là vì tuổi thơ của ông ở nơi rất gần bến xe ngựa, và thiếu nữ Việt Nam với tà áo dài trắng tinh khôi cũng thường được ông đưa vào tranh.

Đến dự trong giờ khai mạc triển lãm, có nhiều người hâm mộ tranh Nguyên Khai, cùng giới thân hữu nghệ sĩ như nữ tài tử Kiều Chinh, họa sĩ Trịnh Cung, họa sĩ Nguyễn Đình Thuần, điêu khắc gia Dương Văn Hùng, v.v...đến thưởng lãm.

Họa sĩ Nguyên Khai tên thật là Nguyễn Phước Bửu Khải, sinh năm 1940 tại Huế, học Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế và Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định, tốt nghiệp năm 1963, ngay sau đó có một huy chương đồng trong triển lãm Hội Họa Mùa Xuân. Ông cũng là thành viên sáng lập Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam năm 1960.

Ông đã tham dự nhiều triển lãm hội họa quốc tế: Tunis 1964, Pháp 1965, Tokyo 1967, New Delhi 1968, Sao Paulo 1969 và thường xuyên triển lãm tại Mỹ trong nhiều trường đại học, các gallery tư nhân ở California, Texas, Florida, Virginia...