“Ngày hôm nay, chúng ta từ khắp nơi trên thế giới và các tiểu bang Hoa Kỳ, gặp nhau nơi đây để ôn lại chặng đường đã gắn bó và sau năm 1975, mỗi người mỗi ngả chia lìa để rồi cùng nắm tay từng bước tiến đến tổng hội ngày hôm nay, trong tình huynh đệ, tình niên trưởng, và đồng môn."



GARDEN GROVE, California (NV) - Đại hội kỷ niệm 50 năm thành lập đại học Chiến Tranh Chính Trị Đà Lạt vừa tổ chức trọng thể lúc 7 giờ Chủ Nhật, 29 Tháng Năm, tại nhà hàng Seafood Place, Garden Grove.

ctct 21
Lễ chào quốc quân kỳ. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Buổi hội ngộ đoàn viên của sáu khóa sinh viên sĩ quan cùng một trường mẹ, từ Nguyễn Trãi 1 đến Nguyễn Trãi 6, từ khắp nơi trên thế giới đã tề tựu về sum họp.

Đặc biệt, có Đề Đốc Lâm Ngươn Tánh, cựu chỉ huy trưởng của trường, cùng phu nhân, và nhiều sĩ quan cơ hữu, sĩ quan phụ khảo văn hóa vụ, sĩ quan bộ chỉ huy, các niên trưởng và đồng môn SVSQ của trường cũng về tham dự.

Mọi người đến tham dự được nhìn những hình ảnh xưa của trường đại học CTCT Đà Lạt được trưng bày trước cửa nhà hàng, cùng hình ảnh các vị giáo sư khả kính của trường, các SVSQ trong những ngày đầu gia nhập, các sĩ quan CTCT tại các chiến trường miền Nam Việt Nam, những kỳ họp đại hội CTCT, các chương trình văn nghệ CTCT trên thế giới…

Hai MC chính của chương trình là hai cựu SVSQ Vũ Trọng Khảo và Lê Quốc Hùng chào mừng tất cả mọi người tham dự bằng một bài diễn văn đầy cảm động.

Kể từ 50 năm trước, năm 1966, có những chàng trai trẻ đã từ bỏ giảng đường, gia đình và phố thị để nghe theo tiếng gọi non sông, lên đường bắt đầu một hành trình mới của những người trai thời chinh chiến. Trường đại học CTCT Đà Lạt mới được thành hình đã đón chào họ như những người con yêu và họ bắt đầu bước vào trường, thổi những hơi thở đầu tiên làm thành sự sống cho trường mẹ. Họ là những người đầu tiên, là những viên gạch lót đường mở đầu cho một thời hào hùng và gian khổ với tên gọi “Hành trình SVSQ,” tiếp theo là các khóa đàn em cho đến Khóa 6 cuối cùng.

ctct 22
Lễ truy điệu anh linh chiến sĩ. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Với những thăng trầm đổi thay của lịch sử, với những oan nghiệt của vận nước, trường xưa không còn nữa. Giờ đây, 50 năm đã trôi qua, những SVSQ ấy cũng từng là những sĩ quan chỉ huy, những sĩ quan tham mưu ưu tú của quân lực VNCH.

Họ đã trở thành những người lính già, ngày một nhạt phai theo thời gian, đã chạm đến hoàng hôn của cuộc đời, nhưng trong họ, hình ảnh và kỷ niệm của những ngày cùng nhau sống trong thời SVSQ vẫn còn đậm nét và sống mãi theo thời gian.

Trong họ, đất nước vẫn còn sống, trường mẹ vẫn còn sống bởi vì những chuyện ngày xưa của trường mẹ từ ngày có tên đến ngày không còn, vẫn được họ cùng nhau làm sống lại trong mỗi kỳ họp mặt, đại hội, và nối kết họ lại với nhau chỉ bằng tên gọi, một danh xưng bừng sáng. Trong trái tim họ vẫn còn một nhịp đập chung và hơi thở chung, danh xưng ấy là SVSQ trường đại học CTCT Đà Lạt.

Tiếp theo, trưởng ban tổ chức, ông Phạm Văn Long, cựu SVSQ Khóa Nguyễn Trãi 3, tổng hội trưởng Tổng Hội Ái Hữu Cựu SVSQ trường đại học CTCT Đà Lạt, nói lời chào mừng đại hội
.
Ông nói: “Ngày hôm nay, chúng ta từ khắp nơi trên thế giới và các tiểu bang Hoa Kỳ, gặp nhau nơi đây để ôn lại chặng đường đã gắn bó và sau năm 1975, mỗi người mỗi ngả chia lìa để rồi cùng nắm tay từng bước tiến đến tổng hội ngày hôm nay, trong tình huynh đệ, tình niên trưởng, và đồng môn. Sự lớn mạnh của tổng hội hôm nay, nhiệm kỳ thứ 18, là công sức của đại gia đình Nguyễn Trãi.”

Kế tiếp, ông Lâm Ngươn Tánh được mời khai mạc buổi lễ.

Sau đó, nghi thức chào quốc quân kỳ và phút mặc niệm với lời ai điếu được cử hành thật long trọng.

Lễ tưởng niệm những người đã bước vào cửa tử sinh bằng tình yêu đất nước và dâng hiến. Máu của họ đã đổ trên đồi 46, 48 và  khắp mọi miền đất Việt thân yêu, họ đã vĩnh viễn nằm xuống trong nghĩa cử cao cả nhất của đời trai, vị quốc vong thân, tổ quốc, danh dự và trách nhiệm. Những người đã vùi thây trong lao tù đày ải, bỏ mình trên đường tìm tự do, rừng sâu núi thẳm, biển rộng muôn trùng, đã nhắm mắt trên miền đất quê hương thứ hai, hay chính trên quê hương mà vẫn hoài vọng về tổ quốc Việt Nam với cờ vàng ba sọc đỏ linh thiêng.

Trong không khí thiêng liêng, những ngọn nến được thắp lên để tưởng nhớ đến anh linh cố đại tá chỉ huy trưởng Nguyễn Quốc Quỳnh, cố đại tá chỉ huy phó Đỗ Văn Sáu, cố trung tá tham mưu trưởng Nguyễn Quang Vinh, cố trung tá trưởng văn hóa vụ Hoàng Minh Hòa, và 224 SVSQ đã mãi mãi ra đi.

ctct 23
Cùng nhau ôn lại kỷ niệm qua các hình ảnh. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Một cảnh thật hào hùng bi tráng với ngọn súng cắm ngược bên cạnh chiến nón sắt và đôi giày trận, để tưởng nhớ anh linh các tử sĩ trong nền nhạc bài “Thắp Cho Anh Một Ngọn Đèn” và “Nguời Tình Không Chân Dung” sáng tác Hoàng Trọng do cô Mai Phương, hậu duệ của Nguyễn Trãi 3 Nguyễn Đức Tiến, đến từ Oklahoma, cất lên cùng với tiếng kèn truy điệu.

Một slide show về hành trình SVSQ được chiếu trên màn ảnh rộng, giới thiệu về lịch sử hình thành của trường, từ khi mới thành lập với cổng Lam Sơn, với khung cảnh giảng đường, thư viện, câu lạc bộ, cho đến những cảnh huấn luyện gian khổ, mùa văn hóa quân sự và chuyên môn,…do cựu sinh viên Nguyễn Trãi 3 Nguyễn Văn Quang tại Las Vegas và chị Thoại Anh, phu nhân của cựu sinh viên Nguyễn Trãi 3 Diệp Văn Oánh, ở Úc, cùng thực hiện.

Kế tiếp, nghi thức chúc thọ do ông Trịnh Tùng, cựu sinh viên Nguyễn Trãi 2, trong ban cố vấn của tổng hội, chúc mừng thượng thọ cựu Đề Đốc Lâm Ngươn Tánh cùng với các vị cao niên thân phụ, thân mẫu các cựu SVSQ hiện diện.

Tiếp theo, ông Lâm Ngươn Tánh dùng thanh kiếm lệnh cổ truyền của trường cắt chiếc bánh kỷ niệm 50 thành lập, và mọi người cùng quây quần hát bài hát “Happy Birthday.”

Trong dịp này, đặc san “Ức Trai” của tổng hội được phát hành với nhiều bài vở thật đặc sắc của các cựu sinh viên sĩ quan CTCT Đà Lạt trên toàn thế giới.

Chương trình văn nghệ được tiếp tục với các tiết mục của hậu duệ cựu SVSQ các khóa.

Truờng đại học Chiến Tranh Chính Trị Đà Lạt thoát thai từ trường Quân Báo-Tâm Lý Chiến Cây Mai (1956). Sau vì nhu cầu cán bộ chiến tranh tâm lý ngày một gia tăng, trường Quân Báo Cây Mai được tách ra để trở thành Trung Tâm Huấn Luyện Chiến Tranh Chính Trị trực thuộc Nha Chiến Tranh Tâm Lý, Bộ Quốc Phòng.

Theo đà phát triển của QLVNCH, đòi hỏi một tầng lớp cán bộ có trình độ văn hóa cấp đại học để cung ứng cho ngành CTCT và các quân binh chủng, trường được biến cải thành đại học Chiến Tranh Chính Trị theo sắc lệnh số 18/SL/QP ngày 18 Tháng Ba, 1966.