“Nhiều người không thích nước mắm Việt Nam, chỉ thích mua của Thái Lan hay Hồng Kong. Mà Hong Kong tức là Trung Quốc, là China chứ còn gì nữa. Ai cũng nói sợ đồ Tàu, mà lại đi mua nước mắm Hồng Kông thì kể cũng lạ.”


Chiều Chủ Nhật, sau khi từ chợ T.P trở về, tôi “thất thểu” leo lên Facebook để trịnh trọng trong đau khổ mà thông báo rằng: Nước mắm trong chợ đã hết!

Làm sao có thể tin được là ở xứ này, vào một chiều giữa Tháng Năm, khi hân hoan cùng chồng con đi chợ mua thịt cá, rau cỏ, sẵn đó định mua luôn chai nước mắm để dành cho có phong trào với người ta, mà nước mắm đã không còn.


***
nuocmam 1
Khách mua nước mắm để dành tại chợ Á Đông (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)


Hổm rày cứ nghe râm ran người này người kia kháo nhau đi mua nước mắm để dành không thôi kẻo hết, tôi cảm thấy “thần hồn nát thần tính.” Một đứa bạn, cách đây chừng hai tuần, khi nghe nói vậy đã cười khảy, “Mỹ này mà nói chuyện thiếu đồ ăn thức uống là không thể. Nếu nói lên giá một vài đồng thì còn tin được, hơi đâu mà đi mua trữ trong nhà.”

Ừ, thì thôi, khi nào hết thì mua, như xưa nay.

Chừng chục ngày trước, nghe người bạn ở Ohio kể chồng và con bản đi chợ rinh về thùng nước mắm dự phòng khiến bạn hỡi ôi, tôi lại tự trấn an mình, “dân chơi sợ gì mưa rơi,” có chi phải lo một ngày không còn nước mắm!

Đến tuần rồi, ông sếp “ba con” vô chỗ làm nói một cách trịnh trọng, “Bà vợ tui nói làm gì làm cũng phải thủ chục chai nước mắm. Nước mắm sẽ lên giá và sẽ hết trong nay mai.”

Một đồng nghiệp khác cũng hưởng ứng, “'Sư tử' nhà tui hôm trước cũng mua về mấy chai để dành rồi.”

Nghe vậy, tôi lại hơi chột dạ, “Thiệt là phải mua nước mắm để dành sao ta?” Nhưng khi nghe vài người bảo, “Tào lao, đi ra chợ coi có bao nhiêu người sếp hàng mua nước mắm?” Thế là tui lại tự trấn an, “Nước mắm thôi mà, ai mà mua trữ, và làm gì có chuyện ngoài chợ không còn nước mắm.” (Nghĩ lại thấy mình chẳng giống kiềng ba chân gì hết, ai nói nghe cũng có lý!)

Cách đây bốn ngày, một ông bạn “méc” rằng, “Má vợ tui đi chợ mua hai chục thùng nước mắm để dành. Hai chục thùng tức 120 chai, nhà chỉ có mấy người, không biết ăn đến khi nào mới hết!”

Hai ngày trước, mấy nàng phòng tài chánh hỏi, “Nghe nói nước mắm lên giá quá trời hả chị? Em định mua mà chưa đi mua nè.”

Tôi cũng buôn dưa lê, “Ừ, nghe thiên hạ nói quá, thôi chắc để đi chợ mua… một chai để dành cho có với người ta.”

Vừa lúc đó, một anh nhân viên cùng sở, có thêm một “job” phụ việc ngoài chợ buổi tối, đi ngang nghe đám phụ nữ bàn chuyện mắm muối, cũng góp lời, “Nước mắm lên giá, và sắp hết rồi. Đi mua đi.”

Ui chao, điệu này coi bộ phải mua chai nước mắm thôi. Về nhà nói với chồng, “Mai đi chợ nhắc em mua nước mắm.”

Thế là chiều Chủ Nhật trời trong nắng đẹp, diện đồ láng cóng đi chợ chơi.

Lạng qua đây mua cái này. Xề qua kia mua cái kia. Lượn trở lại mua cái nọ. Ông chồng được phân công thì cứ luôn miệng nhắc “Mua nước mắm. Mua nước mắm.”

Thế là dừng lại ở hàng nước mắm.

Ui trời đất cha mẹ ơi.

Mới hôm nào, nước mắm các loại cứ phải gọi như là bướm bay bướm lượn, đủ thứ nhãn hiệu, đủ thứ giá tiền, từ ngót nghét $1, đến hơn $6, giá nào cũng có.

Vậy mà giờ đây, gian hàng nước mắm trong cái chợ bự nhất, đẹp nhất ở vùng Little Saigon này trụi lũi như con dế nhũi!

Đảo mắt qua, lượn mắt lại. Chỉ còn đúng hai loại, một thứ hiệu Newtown, một thứ hiệu Hải Ngư. Nhìn tới nhìn lui, tôi chợt nhận ra, có thể hai thứ này còn sót lại là vì nó “Made in Vietnam”! Chứ những em 3 con cua, 9 con cua, một bầy cua, hay 7 con mực, 5 con bạch tuột gì gì đó, được ghi là “Made in Thailand,” “Made in Hong Kong”... thì hết nhẵn rồi.

Làm sao đây?

Thôi thì ẵm đại một em Hải Ngư về tạm vậy, cho yên tâm với người ta. (Phải công nhận tâm lý 'lây lan' của dân mình ghê thiệt!)

Chưa ra hết cửa chợ, gặp một bà bác đi vào, hỏi, “Cô ơi, ở chợ này nước mắm ở gian nào? Tui chưa đi chợ này bao giờ nên không biết.”

“Dạ, hết trơn rồi bác, còn có hai loại 'Made in Vietnam' à,” tôi bép xép.

“Không, tui muốn kiếm nước mắm Thái Lan kìa, nhà ăn nước mắm Thái Lan quen rồi,” bà bác lắc đầu nói.

Vừa lúc đó, có thêm một bà thiếm nữa đẩy xe vô, cũng góp lời, “Ủa, vậy chợ này cũng hết nước mắm hả?”

Ra là họ đã đi những chợ quen thuộc của họ, mà chắc cũng ‘vườn không nhà trống nước mắm’ nên đi lùng sục những chợ khác đây.

Eo ôi

Cá chết. Nước mắm hết.

Nghe người ta nói “thằng Formosa” chỉ mới thải ra có 1/4 lượng chất thải mà mấy cha mấy mẹ con cưng của ông Quân bà Cơ cho phép thôi mà cá đã lăn quay ngưng thở vậy rồi. Lại thêm hậu quả của mớ chất thải đó là tới… 50 năm lận.

Nếu vậy, chẳng lẽ đến lúc tôi về bên kia thế giới, vẫn chưa có dịp nhìn lại chai nước mắm có hình một bầy cua sao?

Không được, đã trót sinh ra là dân da vàng mũi tẹt giờ không có nước mắm làm sao mà sống! Phải đi tìm hiểu tình hình mới được.

nuocmam 2
Nước mắm được bán với số lượng hạn chế tại chợ Á Đông (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

***



Gọi cho một chị bạn làm “cashier” của một chợ ở Fountain Valley, chị nói, “Đúng rồi, người đi chợ mua nước mắm nhiều lắm từ khoảng hai tuần nay. Mua một thùng có, chục thùng có, hơn chục thùng có. Mà không phải chỉ những người nội trợ bình thường hay những người cao tuổi hay lo xa mua không thôi đâu, mà có cả những người trí thức bác sĩ, dược sĩ cũng mua nhiều nữa. Họ nói mua để dành, có người nói mua rồi chia cho con cháu mỗi đứa một thùng.”

“Vậy chị mua mấy thùng rồi?” Tôi hỏi. Chị ngúng nguẩy, “Nhân viên trong chợ chả ai mua. Bản thân tôi cũng không mua vì thấy không cần thiết. Mình đâu có ăn nhiều nước mắm đâu, mà không có nước mắm thì dùng cái khác chứ mua chi để đầy nhà đầy cửa chật chội, không cần thiết.”

“Mà cũng vì mua nhiều quá nên họ tăng giá đó, bình thường nước mắm Ba Con Cua chỉ $3.59, nhưng giờ là $4.19, mà cũng hết rồi. Giờ thấy họ mua hiệu Red Boat. Những hiệu khác cũng còn,” chị bạn cho biết.

Chị nói thêm, “Mà mua nước mắm về để lâu quá sẽ bị chuyển màu đó. Ngày xưa ở Việt Nam làm nước mắm đúng, thì để càng lâu càng ngon. Giờ thì tôi không có tin tưởng đâu. Ngay cả loại 40 độ đạm mắc nhất mà còn đóng cặn ở dưới đáy đó, nên đừng có ham mà mua cho nhiều rồi đến khi lấy ra ăn không được.”

Nghe chị bạn nói, tôi ra chiều yên tâm chút chút. Nhưng cũng gọi tiếp cho ông Quới Phạm, đại diện ban quản lý chợ Saigon City Market Place, để nghe thêm ý kiến.

Ông Quới xác nhận, “Người ta mua nước mắm nhiều hơn bình thường, chắc do tâm lý thấy cá chết bất thường ở Việt Nam nên người ta sợ. Nhưng giá cả ở chợ tôi không thay đổi. Hàng hóa vẫn đầy đủ, không có thiếu.”

“Chuyện nước mắm mà hết thì là chuyện không thể. Vì nếu Việt Nam hết thì bên Thái Lan vẫn còn chứ, làm sao mà hết được. Đa số nước mắm đều để là sản phẩm của Thái Lan,” ông Quới khẳng định.

Vậy là chợ này còn nước mắm. Còn chợ khác thì sao? Tôi gọi thêm ông Bùi Thọ Khang, một thành viên trong Hội đồng quản trị của hệ thống chợ Á Đông, Đà Lạt, Green Farm, Saigon City, Mom's, để hỏi.

“Đúng là bà con mua nước mắm nhiều lắm mà chúng tôi không có đủ hàng để bán,” ông Khang xác nhận.

Theo ông Khang, “Trước đây khi cần mình cứ đặt một container thì họ chở tới liền. Giờ gọi thì họ nói hết hàng, phải chờ. Mình cũng không biết là họ hết thật hay sao nữa, không hiểu. Tóm lại là mình không mua được nhiều như trước nên không có đủ để bán. Thành ra cũng phải giới hạn lại số lượng ở một số loại như chỉ bán cho mỗi người một thùng.”

“Mà khổ cái là trong gian bếp của người Việt Nam mình thì cỡ nào cỡ cũng phải có chai nước mắm. Nấu món gì đi nữa cũng phải có chút nước mắm, cho nên sợ cá bị nhiễm độc nên họ phải mua để dành, có lẽ vậy,” ông Khang nói thêm.


***

nuocmam 3
Nước mắm sẽ không bao giờ là chuyện nhỏ trong bếp nhà người Việt khắp năm châu (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)


Với những lời trấn an trên, hôm sau tôi trở lại chợ T.P xem, thì tình hình có khác hơn. Nhiều loại nước mắm đã được mang thêm ra, nào là Phan Thiết, Một Con Cua, Red Boat, Phú Quốc... Nhưng hiệu Ba Con Cua, Made in Thailand, thì không.

Tôi lạng qua chợ Á Đông. Cũng có nhiều loại, và nhiều người đứng suy nghĩ chọn. Trong đó có những hiệu như Sư Tử Bay và Một Con Cua chỉ giới hạn cho mua một thùng.

Một ông bác đẩy xe vô để chất thùng nước mắm Sư Tử Bay lên. “Bác cũng mua nước mắm để dành hả bác?” Tôi hỏi làm quen.

Ông bác cười, “Tôi thì không có quan tâm đến những chuyện này, mà toàn là bị người ta nhờ đi mua dùm. Họ nhờ mua hai thùng. Mà ở đây chỉ cho mua mỗi lần một thùng, làm tôi phải mua một lần rồi trở vô mua thêm thùng nữa, mắc công quá!”

Một ông khách khác trong lúc cùng đứng vợ lựa nước mắm mới, cũng góp lời, “Nhiều người không thích nước mắm Việt Nam, chỉ thích mua của Thái Lan hay Hồng Kong. Mà Hong Kong tức là Trung Quốc, là China chứ còn gì nữa. Ai cũng nói sợ đồ Tàu, mà lại đi mua nước mắm Hồng Kông thì kể cũng lạ.”

Nói thì nói vậy, cuối cùng thấy cũng thấy vợ chồng ông cầm mấy chai Phú Quốc-Sư Tử Bay, Made in Hong Kong.

Tôi đứng nghe thiên hạ nói chuyện một lúc rồi quyết định chọn chai nước mắm hiệu Sơn “Made in Vietnam” theo lời giới thiệu của một người thân, rằng, “Nước mắm đó ngon lắm nhưng vì mới nên người ở đây chưa biết.”

Lên xe đi về, chợt nhớ đến lời khuyên của một chị bạn ở Seattle, “Tập ăn nước tương đi. Nước tương Kikkoman của Japan ngon và an toàn, nước tương Maggi ngon và phải có chữ 'Europe' mới đúng chứ không coi chừng là của China.”

Một ông độc giả ở Oregon nghe đề nghị đổi qua nước tương, hốt hoảng, “Tôi ăn Maggi với nước tương Kikkoman cũng nhiều lắm. Nhưng để coi, cá kho nước tương xì dầu, eh eh chắc không quá. Bún thịt nướng với Maggi chanh tỏi, eh eh không thể ăn rồi. Xoài tượng chấm xì dầu đường, nghe muốn... ói quá, không được. Canh chua chấm xì dầu dầm ớt, lộn quẻ rồi, không được.”

Ừ, không thế được đâu. Nước mắm đã thấm vào máu người dân Việt rồi.

Nên chuyện con cá chết và chuyện nước mắm hết, sẽ không phải là chuyện nhỏ của các bà nội trợ, mà là chuyện cái bếp của không chỉ 90 triệu người Việt trong nước, mà còn của bao nhiêu người Việt nơi xứ người nữa.