main billboard

Những chiếc thuyền vượt biển không dừng lại mà đến ngày một nhiều hơn, và chúng tôi quyết định chọn đảo Pulau Bidong làm nơi trú ẩn tạm thời cho họ.


Lê Hữu Thành (Gởi cho Người Việt từ Philippines)

MALAYSIA (NV) - Tổ chức Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam vừa tổ chức chuyến “Về Bến Tự Do” trùng tu các di tích trên đảo Bidong từ 29 Tháng Ba đến 31 Tháng Ba, 2016. Khi ra bến tàu Redang để chuẩn bị ra đảo Bidong vào ngày thứ nhất, chúng tôi tình cờ gặp được ông Thammo, nhân viên y tế, một trong những người Malaysia đầu tiên cứu giúp thuyền nhân Việt Nam khi họ cập cửa sông Kuala Terengganu, Malaysia vào năm 1977.

Thật là một sự tình cờ, hiện nay ông là nhân viên an ninh của Resort Redang Island, chỉ cách đảo Pulau Bidong khoảng 30 phút tàu cao tốc, ông nghe những người thuyền nhân trong đoàn Văn Khố Thuyền Nhân nói tiếng Việt, vì vậy ông tới hỏi thử và bất ngờ khi gặp lại người xưa.

pulau bidong 11
Ông Thammo (trái) và ông Trần Ðông (phải), đại diện Văn Khố Thuyền Nhân, gặp nhau tại cầu cảng Redang. (Hình: Lê Hùng)

*Người Malaysia tham gia xây dựng trại tỵ nạn Bidong

Lê Hữu Thành: Chào ông Thammo, ông có thể cho biết một chút câu chuyện của ông với thuyền nhân Việt Nam?

Ông Thammo: Vào Tháng Tám năm 1977, chiếc thuyền đầu tiên chở 360 người tỵ nạn Việt Nam cập cửa sông Kuala Terengganu. Lúc bấy giờ tôi làm việc trong Văn Phòng Sĩ Quan Ðặc Biệt của bang Terengganu, từ đó tôi chuyển những thuyền nhân này đến một nơi tên là Chabang Tiga, nơi chúng tôi để cho họ ở.

Nhưng sau đó có nhiều chiếc thuyền nữa cập bến, chúng tôi chuyển họ đến đảo Pulau Besar ở Marang. Những chiếc thuyền vượt biển không dừng lại mà đến ngày một nhiều hơn, và chúng tôi quyết định chọn đảo Pulau Bidong làm nơi trú ẩn tạm thời cho họ.

Tôi đã ở trên chiếc thuyền đầu tiên tới đảo Bidong với khoảng 60 thuyền nhân. Chúng tôi mang theo dụng cụ chặt cây dọn những ngọn đồi và xây dựng nhà cửa. Từ con số 01 vào năm 1983, số lượng những người tị nạn Việt Nam có lúc lên đến 38 ngàn người.

Tôi đã thấy mặt tốt và mặt xấu của tất cả mọi chuyện, nhưng nói chung chúng tôi đã có một thời gian rất tươi đẹp.

Lúc đó tôi biết nói rất nhiều thứ tiếng, tôi biết nói tiếng Anh, tiếng Hoa và một số người Việt đã dạy tôi nói tiếng Việt, nhưng sau một thời gian dài không dùng tới, giờ tôi cũng quên hết rồi. (cười).

*Ra đi 60, khi đến chỉ còn 40

pulau bidong 12
Cầu Jetty và Cánh Buồm Tự Do trên đảo Bidong. (Hình: Lê Hữu Thành)

Lê Hữu Thành: Ông có kỷ niệm nào đáng nhớ đối với người thuyền nhân Việt Nam?

Ông Thammo: Một vài chiếc thuyền trước khi đến được đây họ đã bị cướp ở trên biển bởi ngư dân Thái Lan. Họ đã bị đày đọa dã man trên biển, phụ nữ bị tra tấn. Khi họ đến được đây họ đã ở trong tình trạng rất là thê thảm. Họ bị thương trên người, hầu hết phụ nữ đều bị hiếp ở trên biển bởi cướp biển Thái Lan. Cướp biển người Thái đã gây rất nhiều thiệt hại cho người tỵ nạn Việt Nam. Tôi làm việc rất lâu nhưng chưa bao giờ nghe đến việc ngư dân Malaysia chúng tôi làm điều tệ hại đó.

Khi người tỵ nạn đến, chúng tôi phải tiếp tế rất nhiều thuốc men cho họ, họ đã ở trong tình trạng hết sức tồi tệ.

Những chiếc thuyền khi họ cập bến, họ không có thức ăn, không có cả nước uống. Khi họ đến được trại Pulau Bidong họ thậm chí không thể đứng được nữa vì chiếc thuyền chỉ có sức chứa 20 người nhưng có đến 60 người trên thuyền và đi từ 7-10 ngày.

Có cả những người trẻ ở trên thuyền, họ quá yếu để đi xuống, chúng tôi đã phải khiêng họ từ thuyền xuống. Và từ từ họ mới có thể duỗi thẳng chân ra được và bắt đầu những bước đi đầu tiên. Họ không có thức ăn, một vài người thậm chí còn uống nước biển. Tất cả đồ ăn mà họ mang theo từ Việt Nam chỉ là vài cái bánh quy mỏng manh và một lọ nước. Họ lúc nào cũng cầu nguyện cho có mưa xuống để có nước uống. Một vài người trong số họ đã chết giữa biển, họ phải ném xác xuống biển. Ðó là lý do tại sao đôi khi có những chiếc thuyền ra đi với 60 người nhưng khi cập bến còn chỉ có 50, hoặc thậm chí là 40 người.

Khi họ cập bến Pulau Bidong, nó giống như là thiên đường. Chúng tôi đã chuyển bị mọi thứ sẵn sàng cho họ. Dần dần ở nơi này mọc lên những sàn nhảy, rồi tiệm cắt tóc, chùa chiền, nhà thờ, tất cả mọi thứ,... Nó là một ngày tươi đẹp ở Pulau Bidong đối với họ cho đến khi người cuối cùng rời khỏi và chúng tôi nói lời chia tay.

*Thương xót thuyền nhân Việt Nam

pulau bidong 13
Những người trong đoàn Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam sơn lại Cánh Buồm Tự Do. (Hình: Lê Hữu Thành)

Lê Hữu Thành: Vì sao ông lại cứu giúp thuyền nhân Việt Nam?

Ông Thammo: Bởi vì tôi cảm thấy thương xót cho họ, hồi đó tôi mới chỉ là một cử nhân thôi, chưa phải là một bác sĩ. Trong thực tế vào những ngày cuối tuần, tôi thường mua thuốc men và đem xuống cho những người tỵ nạn và tôi giúp đỡ họ bằng mọi cách có thể.

Ngày hôm nay tôi thật bất ngờ, bạn có thể thấy tôi trào nước mắt khi thấy người tỵ nạn trở về Bidong. Bởi vì tôi đã gắn bó với họ một thời gian dài, đối với tôi thuyền nhân Việt Nam giống như gia đình của mình vậy.

Ngày hôm nay tôi thực sự bất ngờ vì gặp được họ. Họ còn khỏe mạnh và về thăm lại Pulau Bidong. Tôi thấy thật tuyệt vời.

***

Theo Wikipedia, Pulau Bidong trong tiếng Malaysia, nghĩa là “đảo Bidong.” Ðây là hải đảo nhỏ ở phía Nam biển Ðông, thuộc bang Terengganu của Malaysia.

Ðảo Bidong là trại tạm cư cho người Việt tỵ nạn trong những đợt vượt biên liên tiếp của thuyền nhân từ năm 1975 đến năm 1991.

Trại tỵ nạn do Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) điều hành từ 8 Tháng Tám năm 1978, được dùng làm nơi chuyển tiếp cho những người đợi đi định cư sang các nước thứ ba, phần lớn là đi Mỹ, Canada, Úc và Pháp.

Ðến ngày 30 Tháng Mười năm 1991 khi trại đóng cửa thì nơi đây đã tiếp đón 250,000 người tỵ nạn. Vào thời điểm đó, khoảng 9,000 người với hồ sơ không giải quyết được đều bị buộc trở về Việt Nam.