main billboard

“Chương trình tự soạn, nhưng bảo đảm bé nói được hai ngôn ngữ Việt-Anh và hiểu biết hai nền văn hóa Việt-Mỹ."


GARDEN GROVE, California (NV) - Khi có người lạ vào thăm lớp học, cô giáo nói: “Các bạn nói chào chú đi,” tức thì giọng non nớt, ngọng nghịu của 11 học sinh lứa tuổi 4-6, bao gồm Việt có, Mỹ gốc Việt có, Hoa gốc Việt có, Tây Ban Nha gốc Việt có, cùng cất lên: “Chào chú.”

tt phudong 1
Cô giáo Julie Ngân Trần trong giờ dạy tiếng Việt ở lớp song ngữ Việt-Anh. (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)

Và lớp học tiếp tục rộn ràng, sống động với các động tác của cô giáo: “Nào các bạn cùng nhìn cô và nghe cô. Mắt đâu, miệng đâu, lỗ tai của con đâu, tóc đâu, bụng đâu...” Lâu lâu cô giáo phải nói “Mắt-Eye đâu, Tóc-Hair đâu...” để vài học sinh không kịp làm theo sẽ bắt kịp các bạn.

Đây là một trong những giờ học song ngữ Việt-Anh dành cho trẻ mầm non tại Trung Tâm Phát Triển Ấu Nhi Phù Đổng thuộc Hội Cộng Đồng Người Việt Orange County (VNCOC) ngay tại Little Saigon, tiểu bang California.


Những bài học đầu đời


Cô giáo Trần Thị Như Ngọc cho biết: “Thường phụ huynh gửi con tại trung tâm đều muốn con cái giữ được ngôn ngữ tiếng Việt. Hơn nữa, trẻ biết thêm một thứ tiếng thì sau này lớn lên sẽ có tương lai hơn. Các cô giáo ở đây đều thông thạo tiếng Việt, tiếng Anh, và văn hóa của hai nơi này để dạy các bé.”

Một ngày của trung tâm bắt đầu từ 7 giờ 30 sáng đến 6 giờ chiều, xuyên suốt từ Thứ Hai đến Thứ Sáu.

“Thực tế đến 9 giờ sáng mới bắt đầu học, nhưng nhiều phụ huynh đi làm sớm, nên từ 7 giờ 30 sáng trung tâm đã mở cửa để nhận các em. Tùy vào độ tuổi mà trung tâm có các cách dạy khác nhau, tuy nhiên, các hoạt động trong một ngày tương tự nhau,” cô Ngọc nói.

Theo đó, tới trước 9 giờ sáng, học sinh ăn sáng nhẹ với ngũ cốc và sữa, đồng thời chơi một số trò chơi vận động. Từ 9 giờ trở đi thì cô giáo sẽ dạy các chữ cái, ca hát, kể chuyện, hoạt động ngoài trời, đóng kịch, cắt, dán, vẽ... Sau đó học sinh sẽ nhắc lại những gì mà các em đã tham gia, đến 11 giờ thì rửa tay và ăn trưa.

“Bắt đầu 12 giờ học sinh sẽ vệ sinh cá nhân và ngủ trưa. Cùng với sự trợ giúp của cô giáo, bé phải tự kéo gối, mền để ngủ và khi thức dậy phải tự dọn dẹp ngăn nắp. Đến 2 giờ 30, sau khi thức dậy, bé chuẩn bị ăn xế với trái cây tươi, bánh, và sữa. Các hoạt động buổi chiều sẽ tương tự như lúc sáng. Riêng các hoạt động ngoài trời sẽ tùy vào thời tiết mà sẽ điều chỉnh cho phù hợp để không ảnh hưởng đến sức khỏe của bé. Chẳng hạn, nếu trời lạnh thì cho bé hoạt động trong lớp nhiều hơn, hay buổi chiều trời nóng quá thì cũng không cho bé ra ngoài...” cô Ngọc cho hay.

Cô Ngọc cho biết: “Luôn luôn trong ngày của các bé đều được các cô nhắc đi vệ sinh, rửa tay, dọn vệ sinh sạch sẽ. Đối với bé 2-2.5 tuổi thì cô giáo phải giúp bé khi đi vệ sinh. Nhưng từ 2.5 tuổi thì sẽ huấn luyện dần để bé bỏ tã. Khi đó, cứ nửa tiếng đến 45 phút thì cô sẽ nhắc bé đi vệ sinh, bé đi được hay không thì cô cũng phải ghi lại để nhắc bé. Kiên trì như vậy cho đến khi 3 tuổi trở lên thì bé tự làm mọi thứ, nhằm tập cho bé tự lập.”

“Mặc dù kế hoạch làm việc có sẵn nhưng các cô cũng tùy từng trình độ của bé để ‘nương’ theo bé. Chẳng hạn có những bé đi học trễ hơn, như 3-4 tuổi mới vào học, thì kỹ năng của bé chắc chắn không bằng những bé đã học lâu. Để bé quen với môi trường mới, tất cả phải là sự nỗ lực, ân cần, tỉ mỉ của cô giáo. Chính vì vậy, một lớp học luôn có hai cô, gồm một cô giáo chính và một cô trợ giúp,” cô Ngọc nói.


Chương trình học theo học khu địa phương


Về chương trình học, cô Trần Thị Như Ngọc cho biết: “Chương trình tự soạn, nhưng bảo đảm bé nói được hai ngôn ngữ Việt-Anh và hiểu biết hai nền văn hóa Việt-Mỹ. Mặc dù tự soạn nhưng vẫn theo chương trình của học khu địa phương, để sau khi hết tuổi học tại trung tâm, trường tiếp theo của bé học sẽ biết được trình độ, cũng như khả năng mà bé đã đạt được trước đó.”

Theo đó, kết thúc khóa học tại trung tâm, bằng cả hai thứ tiếng Việt và Anh, học sinh đều biết xác định màu sắc cơ bản; biết đếm và đọc từ 1 đến 10 và hơn nữa; biết nói những câu nói cơ bản về giao tiếp như chào hỏi người lớn tuổi; biết hát vài bài hát tiếng Việt hay làm thơ; biết hỏi hoặc trả lời các câu hỏi về các nhân vật, đồ vật trong quyển sách quen thuộc; nghe được các hướng dẫn bình thường...

Cô Ngọc cho hay: “Tiếng Việt và tiếng Anh được dạy song song để các bé ghi nhớ và quen dần với ngôn ngữ. Chẳng hạn, bài giảng tuần này học chữ cái 'E' thì mình vẫn dạy 'E là Elephant, là con Voi.' Rồi mình cho bé nhìn hình và hỏi bé tiếng Việt của 'Elephant' là con gì, hay 'con Voi' tiếng Anh là gì.”

tt phudong 2
Cô giáo Trần Thị Như Ngọc trong giờ cho học sinh chơi ngoài vườn. (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)

“Hoặc tuần trước học chữ cái 'D,' tuần này ôn lại 'Duck' là 'con Vịt', rồi tiếp theo hát và múa theo bài hát 'Một con vịt xòe ra hai cái cánh...', sau đó cho bé cắt hay vẽ hình, tô màu con vịt... Mọi hoạt động đều phải vui nhộn để bé cảm thấy được giải trí, và do đó dễ học, dễ nhớ hơn,” cô Ngọc chia sẻ.

Theo cô, trung bình hai tuần học sinh sẽ học xong một chữ cái. “Riêng các bé 4-6 tuổi học nhanh hơn, vì theo yêu cầu của phụ huynh là cho bé làm bài tập về nhà vào cuối tuần, vừa giúp bé tiếp thu nhanh, vừa giúp bé quen với việc làm bài tập để khi vào mẫu giáo bé không quá bỡ ngỡ,” cô Ngọc cho biết.

Tuy vậy, cô Ngọc cho hay: “Khó khăn nhất khi dạy là cách cư xử với bé, đôi khi các cô phải cố gắng nhiều với các bé hiếu động hơn các bé khác. Nhiều bé lúc đầu không chịu ngồi học, chỉ thích chơi, cô giáo phải làm cách nào để chính bé thấy được các bạn ngồi học thì mình cũng ngồi học luôn.”

“Mỗi bé phát triển khác nhau, nên những bé nào mình nói bằng tiếng Việt mà bé trả lời tiếng Việt được là thành công. Vẫn có một số bé quen nói tiếng Anh nên đôi khi cô giáo buộc phải dùng thêm tiếng Anh trong lớp để bé có khái niệm cô giáo đang nói cái gì, sau đó cô mới chuyển qua làm mẫu tiếng Việt. Tuy nhiên, các bé có khả năng đổi hai thứ tiếng rất giỏi,” cô Ngọc chia sẻ.


Nhận trẻ từ 2 đến 6 tuổi, cho cả gia đình thu nhập thấp


Cô giáo Trần Thị Như Ngọc cho biết: “Trung Tâm Phát Triển Ấu Nhi Phù Đổng nhận trẻ từ 2 đến 6 tuổi, chú trọng để các bé dùng song ngữ và song văn hóa. Hiện trung tâm có 29 học sinh và chia làm ba lớp, gồm lớp 2-3 tuổi, lớp 3-4 tuổi, và lớp 4-6 tuổi. Riêng những bé 6 tuổi chỉ học buổi chiều, vì buổi sáng còn học mẫu giáo ở nơi khác, sau giờ học thì các bé đến đây để các cô kèm bài tập về nhà.”

Cô Ngọc nói: “Các giáo viên của trung tâm đều thông thạo cả hai ngôn ngữ và văn hóa Mỹ, Việt nhằm chăm sóc các bé phát triển tốt nhất trước tuổi đi học. Trong những năm đầu đời của các bé, trung tâm chú trọng vào khả năng nhận thức của bé, kế đến là khả năng diễn tả ngôn ngữ và tiếp nhận bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt, rồi phát triển thể chất, phát triển thẩm mỹ, và phát triển giá trị bản thân cũng như lòng tự trọng.”

Theo cô Ngọc, trung tâm động viên và khuyến khích các gia đình trong cộng đồng Việt Nam ghi danh cho con theo học tại trung tâm.

“Học tại trung tâm phải đóng một khoản học phí, tuy nhiên các gia đình có thu nhập thấp không phải lo lắng vì trung tâm có sự hỗ trợ của chính phủ, nên gia đình sẽ được hỗ trợ. Phụ huynh thắc mắc nên gọi điện thoại đến trung tâm (714) 534-9049 hoặc đến 12421 Magnolia St., Garden Grove, CA 92841 để được hướng dẫn chi tiết,” cô Ngọc cho hay.

Học phí áp dụng từ năm 2010 đến nay, gồm học trọn năm ngày, giá một tuần $155 và một tháng $600. Kế đến là trọn bốn ngày thì $140 và $540; trọn ba ngày thì $125 và $480, trọn hai ngày thì $105 và $400. Riêng những học sinh học cả năm ngày nhưng mỗi ngày chỉ học nửa buổi, tức từ 7 giờ 30 sáng đến 12 giờ 30 trưa hoặc 1 giờ chiều đến 6 giờ chiều, thì một tuần $110 và một tháng $420.

Về sức khỏe của học sinh, cô Ngọc cho biết: “Các bé vô trường đều được chích ngừa hết, và được kiểm tra lao. Trường hợp bé bị bệnh, có thể lây nhiễm thì phải nghỉ ở nhà, chẳng hạn bệnh đau mắt đỏ. Còn bé bị cảm, sổ mũi nhẹ thì phụ huynh sẽ đưa thuốc và phải ký giấy hướng dẫn và giao quyền cho cô giáo là thuốc này sử dụng như thế nào, cho bé uống lúc mấy giờ, khi đó cô giáo sẽ theo giấy này cho bé uống thuốc.”


Gìn giữ tiếng Việt


Hiện nay, Trung Tâm Phát Triển Ấu Nhi Phù Đổng có sáu cô giáo và ba người phụ giúp việc hâm cơm, mở cổng, dọn dẹp, và có một số tình nguyện viên gốc Việt là giáo viên đã về hưu hay sinh viên các trường đại học đến nói tiếng Việt trong lớp học, nhờ đó giúp học sinh nói tiếng Việt được nhiều hơn.

Chị Ashley Lê Boyd, ở Garden Grove, có con học tại trung tâm, cho biết: “Tôi qua Mỹ hơn 30 năm, khi mới 3 tuổi. Ở nhà mẹ tôi nói tiếng Việt nên tôi nói được đến hôm nay. Tôi từ Seattle ở Washington chuyển về đây ở. Tôi nói tiếng Anh là chính và có chồng là người Mỹ, nhưng vì muốn giữ tiếng Việt, và vì con tôi là người gốc Việt mà không biết nói tiếng Việt thì hơi uổng, nên tôi cho con học tại đây.”

tt phudong 3
Chị Ashley Lê Boyd cùng hai con gái. (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)

“Tôi lên Google để tìm trường preschool thì thấy được trung tâm này, là trung tâm dạy chương trình Mỹ nhưng chương trình học có dạy văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam. Cháu nửa người Mỹ nên tôi quyết định cho học trường Việt Nam để biết tiếng Việt và tiếng Anh luôn. Tôi thấy mấy cô giáo ở đây rất giỏi, cô đã dạy cháu biết đọc, biết viết, biết làm toán cộng trừ, đi học về biết thưa cô, thưa ba, thưa mẹ, đáng yêu lắm,” chị Ashley Lê Boyd vui vẻ kể.

Cô giáo Julie Ngân Trần kể về cơ duyên gắn bó với trung tâm: “Em mới 23 tuổi thôi, sinh ra và lớn lên tại Mỹ. Ở nhà mẹ em nói tiếng Việt vì mẹ không biết nói tiếng Anh, nên em chỉ nói tiếng Việt với mẹ. Với lại từ nhỏ ‘luyện’ phim Tàu rồi phim Việt Nam với mẹ không hà, không có ‘luyện’ phim Mỹ nên từ đó em hiểu được tiếng Việt, nhưng chỉ biết nói thôi chứ không biết viết, biết đọc nhiều đâu. Em hơi bị ngọng khi nói tiếng Việt đối với người chưa quen. Còn gặp người quen hay bạn thân thì em nói tiếng Việt ‘xả láng’ luôn.”

“Em dạy ở đây được bảy tháng rồi. Em học ngành Tâm Lý Trẻ Em (Child Development) và Dịch Vụ Nhân Sinh (Human Services) ở đại học Cal State Fullerton. Hồi đó em không cảm thấy mình thích con nít đâu. Khi vào đại học, người ta có hỏi muốn làm gì, em mới suy nghĩ tới suy nghĩ lui nhưng không biết mình nên làm gì. Rồi em lấy đại lớp tâm lý trẻ em và rồi em thấy khoái quá, nên em suy nghĩ chắc mình phải vô ngành này quá. Từ đó em biết mình thích con nít, thích giữ trẻ, và hiểu được con nít,” cô giáo Julie tâm sự.

Cô Julie chia sẻ: “Để dạy cho bé hiểu, em phải tự rèn kỹ năng và tự học rất nhiều. Với kinh nghiệm từng trải qua của mình, mỗi khi dạy cái gì mới cho bé, mỗi ngày em phải nói, nói nhiều để bé nhớ. Người ta nói mưa dầm thấm lâu là vậy!”

Cô giáo Ngô Kim Anh dạy tại trung tâm được 10 năm cho biết: “Tôi vào đây dạy cũng nhờ có bạn giới thiệu, vả lại thấy trẻ nhỏ nên thích và gắn bó khá lâu tại đây. Năm nay tôi 63 tuổi rồi, qua Mỹ theo diện HO. Hồi mới qua tôi cũng đi may một thời gian rồi vừa làm vừa học ngành Tâm Lý Trẻ Em ở trường Long Beach City College. Vì tôi có kinh nghiệm nên trung tâm giao dạy các bé 2-3 tuổi, đây là giai đoạn tập các bé bỏ tã nên khá cực. Rồi mỗi khi cho ăn phải dỗ để bé ăn no, nếu không phụ huynh trách, mà mình cũng xót nữa.”

Còn cô giáo Trần Thị Như Ngọc sang Mỹ được tám năm khi vừa 20 tuổi, đã dạy tại trung tâm được hai năm.

“Ở Việt Nam em học piano ở nhạc viện, rồi qua đây học ngành Tâm Lý Trẻ Em ở trường Cal State Long Beach và hiện đang học cao học ngành Giáo Dục Song Ngữ (Bilingual Education) cũng tại trường này. Em rất thích con nít, vì đã dạy piano cho con nít từ 4 tuổi trở lên được khoảng 10 năm rồi, nên chọn ngành này học. Thêm nữa là ngành này rất ít người Việt Nam học,” cô cho biết.

“Dạy ở đây vui lắm, nhất là vào giờ ăn trưa. Buổi trưa trường không cung cấp thức ăn cho bé, mà chỉ cung cấp bữa sáng và xế chiều thôi. Phụ huynh phải chuẩn bị thức ăn cho bé ở nhà trước, đến giờ ăn các cô sẽ hâm lại cho bé. Đến giờ ăn là các bé thích nói tiếng Việt lắm, vì các món ăn đều là món Việt Nam. Các bé thuộc hết các món ăn Việt Nam như thịt kho, thịt kho trứng, cá, cơm chà bông, canh cải, xúc xích, trứng... Cứ mỗi khi nghe bé nào nói tròn trịa tiếng Việt là vui không thể tả, bởi vì hiện nay biết thêm một thứ tiếng là điều rất tốt,” cô Ngọc chia sẻ.