Ngay trên phố Bolsa, dễ dàng tìm đọc được báo Xuân của nhật báo Người Việt, Viễn Ðông, Việt Báo, tạp chí Trẻ, VietStream, tuần báo Sống, Chí Linh Thời Mới...


WESTMINSTER, California (NV) - Ðọc báo Xuân là một thú vui tao nhã, là món ăn tinh thần thượng thặng không thể thiếu mỗi khi Tết Nguyên Ðán về. Với người Việt hải ngoại, thị trường báo Xuân có lẽ phong phú nhất là tại Little Saigon, miền Nam California.

Ngày Tết không có gì tao nhã bằng việc ngả lưng đọc từng trang báo Xuân với những nội dung được ban biên tập các báo chắt lọc cả năm trời với những bài vở tinh túy nhất, lạ nhất, độc đáo nhất; vừa nhâm nhi từng ngụm trà, vừa nhai chút kẹo mứt.

baoxuan ltsg 1
Giai Phẩm Xuân Bính Thân vùng Little Saigon. (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)

Ngay trên phố Bolsa, dễ dàng tìm đọc được báo Xuân của nhật báo Người Việt, Viễn Ðông, Việt Báo, tạp chí Trẻ, VietStream, tuần báo Sống, Chí Linh Thời Mới... Ðiểm nổi bật ở những tờ báo Xuân này là nhìn lại một năm vừa qua, tổng hợp những sự kiện nổi bật trong năm, những hướng đổi mới sắp tới, những bài viết văn thơ, phóng sự đậm đà hương vị Tết...

Ðặc biệt, không hẹn mà gặp, chủ đề Tết năm nay của tuần báo Sống và nhật báo Việt Báo đều là “Thân Dậu niên lai kiến thái bình.”

Sống

Trong Thư Chủ Nhiệm, tác giả Khánh Hòa viết: “Liệu có thái bình thực sự cho Việt Nam trong hai năm tới không? Ðể làm sáng tỏ chủ đề 'Thân Dậu niên lai kiến thái bình?'” (nghĩa là “Ðến năm khỉ năm gà mới thấy thái bình”). Và tác giả ước mong: “Theo các nhà phân tích Sấm Trạng Trình, năm Bính Thân (2016) sang năm Ðinh Dậu (2017) nước ta mới thấy thái bình [...] Chúng ta cùng đón Xuân mới trong niềm hy vọng Sấm Trạng Trình sẽ đúng, để đất nước có một cái Tết thanh bình thật sự.”

Theo chủ đề trên, nổi bật là bài viết “Cơ hội tự do cho Việt Nam” của Toàn Như với nhận định: “Tự do không ai có thể ban tặng cho miễn phí nếu chúng ta không tranh đấu đòi hỏi. Chúng ta không thể cứ ngồi đó than trách Việt Nam độc tài, thiếu dân chủ, không có tự do...” Kế đến là bài “Bao giờ Việt Nam hết bệnh?” của Nguyễn Xuân Nghĩa, tác giả viết: “Các thế hệ đi trước thì đã cúi đầu rồi. Duy nhất có khả năng thay đổi là lớp trẻ về sau. Việt Nam chỉ có tương lai là ở thành phần này. Nhưng họ chỉ có tương lai khi ý thức được hiện tượng tâm thần phân liệt ở ngay trong trí não của mình.”

Ngoài ra, bạn đọc sẽ thú vị khi đọc “Tranh cử tổng thống Hoa Kỳ 2016” của Nguyễn Văn Khanh, “Ðêm thành phố, nghe tiếng Bolero” của Tuấn Khanh, “Sinh hoạt văn nghệ hải ngoại 2015: Một năm thịnh vượng nhiều hơn” của Hồ Văn Xuân Nhi, “Làng bóng tròn Hoa Kỳ đi về đâu?” của Thao Trường... cùng nhiều thơ, truyện ngắn, tạp bút của các tác giả Tôn Nữ Thu Dung, Mường Giang, Nguyễn Âu Hồng, Nguyễn Thị Khánh Minh, Lê Giang Trần, Nguyễn Lương Vỵ... Báo dày 192 trang.

Việt Báo

Giới thiệu về chủ đề cho báo Tết năm nay, chủ biên Nguyễn Xuân Nghĩa viết: “Khủng bố ISIL có thể khiến dư luận chú ý, chứ khủng bố của Bắc Kinh và Hà Nội thì vẫn còn, lại tinh vi hơn, nên đang lên tới mức tận cùng. Nhưng, tận cùng cũng là tắc biến. Không biến bằng bom đạn như đang thấy ở vùng đất có khủng bố ISIL thì gọi là 'diễn biến hòa bình.' [...] Trong khi ấy, quy luật vận hành khách quan của xã hội con người đều tự diễn biến và vạch ra một trật tự mới mà chẳng nhà nước nào cưỡng nổi. Trong tinh thần ấy, Việt Báo Xuân Bính Thân kính chúc quý vị gần xa một mùa Xuân thái hòa và một Việt Nam có tương lai chắc chắn huy hoàng hơn nhưng bi thảm vừa qua: ‘Việt Nam toàn cầu tự diễn biến’ nên ‘Thân Dậu niên lai kiến thái bình!’ Cứ như tiêu đề truyện võ hiệp chương hồi, nhưng cũng là ước vọng.”

Ðặc biệt, báo Xuân Việt Báo năm nay có phần trân trọng tưởng nhớ những nhà văn, nhà thơ Việt Nam đã chết vì nhà tù Cộng Sản. Mở đầu là bài “Tưởng nhớ người đã mất” của Nhã Ca viết về Nguyễn Mạnh Côn, Hồ Hữu Tường, Hiếu Chân, Trần Việt Sơn, Như Phong, Mặc Thu. Kế đến là bài “Nhà văn chết trong tù: Hiếu Chân... Dương Hùng Cường” của Hoàng Hải Thủy. Ông viết: “Tám anh em chúng tôi bị bắt, bị khép cùng một tội. Sau bốn năm tù, hai trong tám anh em đã chết trong tù.” Sau cùng là truyện ngắn “Lời nguyện trong không” của nhà văn Nguyễn Mạnh Côn, ông bị bắt đêm 3 Tháng Tư, 1976, và từ trần trong trại tù ngày 1 Tháng Sáu, 1979.

Ngoài thơ, truyện, ký, biên khảo, báo còn có nhiều bài “Viết về nước Mỹ,” là một cuộc thi thường niên của báo. Báo cũng có một số bài chính luận và nhân vật, như “Ðệ Nhị Cộng Hòa bị vu khống” của Keith W. Taylor, “Khủng bố và bầu cử: Tổng thống Mỹ 2016?” của Linh Hương, “Miến Ðiện dân chủ nhìn người nghĩ ta” của Vũ Linh, “Tippi Hedren - bà mẹ đỡ đầu Việt Nam nail” của Kiều Chinh, “Nguyễn Ðức Sơn thơ và người” từ các bài viết của Tuệ Sĩ - Ðinh Cường - Phạm Cao Hoàng - Nguyên Minh... Báo dày 320 trang, giá $9.

Viễn Ðông

Là Giai Phẩm Xuân của một nhật báo, nhưng nội dung của Viễn Ðông khá nhẹ nhàng, vì phần lớn đều là truyện ngắn, tản văn, tạp bút, biên khảo,... và một bài bình luận “Mưu cầu hạnh phúc ở Việt Nam” của Nguyễn Phương. Bài viết có đoạn: “Tự do đã không có, lời hứa ấm no cũng không thành hiện thực sau bản tuyên ngôn của ông Hồ [...] Cho đến nay, mưu cầu hạnh phúc ở... nước ngoài vẫn là một động cơ mạnh mẽ cho nhiều người Việt. Từ phong trào lấy chồng ngoại quốc (thật hay giả), cho đến danh sách dài những người chờ ‘đoàn tụ gia đình,’ đến những lao động xuất khẩu hoặc du học sinh tìm hết cách để ở lại ngoại quốc...”

baoxuan ltsg 2
Ba Giai Phẩm Xuân chuyên về văn hóa, vui chơi, giải trí. (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)

Kế đến là cụm bài viết về ca trù của Anvi Hoàng và Băng Huyền, gồm “Ca trù, vẻ đẹp tinh tế của nhạc thính phòng Việt cổ,” “Một lần ca trù: Một bộ phách, một cây đàn đáy, một giọng ca.” Bạn đọc sẽ biết được nguồn gốc của ca trù, nghệ sĩ hát ca trù, nét văn hóa của ca trù qua: “Nghệ thuật ca trù, một lối chơi tao nhã, lịch lãm của các văn nhân tài tử xưa nay, là nghệ thuật uyên bác nhất của nhạc thính phòng Việt cổ, thịnh hành từ thế kỷ 15.”

Còn lại là các bài “Má rất tự hào về đứa con đồng tính của má!” của Phượng Vũ, “Hương vị bốn mùa” của Cao Thu Cúc, “Mâm cơm của mẹ” của Như An, “Làm một món nữ trang với hạt trai Baroque” của Trân Hương, “Tình yêu... giờ thứ 25” của Quỳnh Anh, “Quê tôi, Quảng Nam-Ðà Nẵng” của Âu Tinh, “Ðền Thái Vi” của Trần Công Nhung, “Hang sữa và... em!” của Vũ Hằng, “Chân cứng đá mềm” của Eric Trần, “Ngày xuân, hồi tưởng những bước chân lưu lạc” của Phạm Tín An Ninh, “Xóm tôi, một góc Chợ Lớn” của Nguyễn Văn Tân... Báo dày 272 trang, giá $8.

Chí Linh Thời Mới

Muốn tìm hiểu về văn hóa, món ngon Việt Nam, bạn đọc không thể bỏ qua Giai Phẩm Chí Linh Thời Mới Xuân Bính Thân. Ngay từ những trang đầu, những bài viết đậm vị Xuân không thể nào bỏ qua được. Theo quan niệm của dân gian, chuẩn bị năm hết Tết đến, các gia đình thường dọn dẹp, lau chùi bàn thờ thổ công, gia tiên để mời các cụ về ăn Tết. Thế nhưng, làm thế nào để “Tỉa bát nhang bàn thờ như thế nào để ông bà chứng giám?” Hãy tìm đọc bài này của Nhật Thanh.

Ðối với người Việt, năm hết Tết đến dù ai muốn mua gì, sắm gì trước sau cũng tập trung vào mâm cỗ Tết. Giáo Sư Nguyễn Trọng Ðàn sẽ hướng dẫn chuyện này qua bài viết “Cỗ cúng tổ tiên ngày Tết.” Bạn đọc có bao giờ thắc mắc, vì sao người miền Bắc thường ăn bánh chưng với dưa hành hay bánh tét lại ăn kèm với củ kiệu (người miền Nam) và dưa món (với người miền Trung)? Bài viết “Vì sao bánh chưng lại ăn với dưa hành?” của Vy Ka sẽ cho bạn đọc câu trả lời.

Và, trong ký ức mỗi người, ai cũng có những món ăn kỷ niệm, những món ăn mà có thể đối với người khác rất bình thường, nhưng với họ lại vô cùng đặc biệt. Hàng loạt món ngon không thể bỏ qua như “Dưa Tết ba miền đầy hương sắc” của Giang Vũ, “Món Tết miền Nam: Củ kiệu tôm khô” của Trần Tiến Dũng, “Bánh tằm se bắp vế” của Trần Kim Chi, “Chè xôi món ăn ký ức” của Quang Thái, “Nhớ bánh Tết - nhớ quê” của KG, “25 món bún Việt” của Ký Ðiệu, “Sứa đỏ mắm tôm, món ngon kỳ lạ của Hà Nội” của Thúy Hằng, “Bánh khoái cá kình xứ Huế” của Lê Anh Tuấn - Quốc Anh...

Ðặc biệt, báo có chuyên đề “Sài Gòn, một thời quá vãng” với “Cầu Ba Cẳng, cầu đi bộ đầu tiên” của Sơn Hòa, “Chuyện Ông Lãnh và 5 bà vợ nức tiếng Sài Thành” của Sơn Hòa, “Giải thích tên vài địa danh nổi tiếng ở Sài Gòn” của Tứ Quý, “Bí ẩn mồ chôn tập thể lớn nhất Sài Gòn” của Trung Sơn, “Tên đường phố Sài Gòn xưa” của Nguyên Trần...

Ngoài ra còn có nhiều bài viết đặc sắc như “Ngày xưa, Ải Nam Quan” của Thanh Nhân Trần, “Chuyện sống sót của người lênh đênh trên biển 438 ngày” của Hồng Hạnh, “Những bãi tắm khỏa thân nổi tiếng thế giới” của Vĩnh Bùi, “Câu chuyện phía sau những chiếc hộp quẹt Zippo” của Nguyễn Ngọc Chính, “Kỳ lạ loại nấm 'của quý' trên đỉnh Tây Côn Lĩnh” của Dương Phạm, “Nyotaimori, nghệ thuật sushi khỏa thân” của Y.D.L., “Văn hóa ngày Xuân của người Việt” của Lê Quang Ðức, “Nhớ mùi xác pháo” của Xu Miami, “Thú thưởng trà xưa - nay của người Việt” của Tiêu Dao, “Ðộc đáo bộ tượng Thập Bát La Hán bằng gỗ 100 năm tuổi” của Huỳnh Hải, “Tín ngưỡng thờ gia thần ở Nam Bộ” của Tạ Ðức Tú... Báo dày 240 trang.

Trẻ

Tất cả các bài viết trong tạp chí Trẻ đều tập trung vào văn nghệ, vui chơi, giải trí, mà không bàn tới vấn đề chính trị. Bạn đọc sẽ tò mò khi đọc: “Nhạc tiền chiến, danh từ này xuất hiện từ lúc nào và ai là người dùng nó lần đầu tiên?” Ðể giải đáp câu hỏi này, mời bạn đọc đọc bài viết “Một cái nhìn về nhạc tiền chiến” của tác giả Bùi Bảo Trúc.

Ở Trẻ, bạn đọc sẽ được khám phá “Phụ nữ Sài Gòn xưa đẹp và sành điệu như thế nào?” Loạt phóng sự ảnh quý hiếm này sẽ cho bạn đọc biết được váy suông bó sát, váy xòe... du nhập vào các đô thị miền Nam những năm 1960, 1970 và được phụ nữ đón nhận như thế nào? Những người Sài Gòn lúc ấy tỏ vẻ như thế nào về nét đẹp hiện đại và ăn mặc hợp mốt của những quý cô thành thị này?

Tâm linh một chút, Trẻ sẽ cho bạn đọc biết về “Sự thần kỳ của các đồ vật phong thủy,” rồi “10 kiêng kỵ cho sức khỏe ngày Tết,” đến “10 phong tục đón năm mới độc tháo nhất thế giới,” hay “Những món ăn đặc trưng Tết cổ truyền Châu Á.”

Về giải trí trong năm 2015, nổi bật các bài: Tổng kết văn nghệ trong năm, 5 đám cưới ồn ào nhất làng giải trí Châu Á, 5 đôi chân dài hơn 1 mét nổi tiếng nhất Vbiz, Những cặp đôi “yêu lại từ đầu” hot nhất trong phim Hàn Quốc, Top 10 phim điện ảnh Việt có phản hồi tích cực nhất...

Dự đoán phim ảnh, thể thao trong năm 2016 là gì? Mời bạn đọc đến với các bài: Top phim Hollywood được mong đợi nhất, 4 bộ phim Hàn Quốc hay nhất được mong chờ nhất, 9 phim cổ trang không thể bỏ lỡ, Những câu chuyện bóng tròn đáng chú ý trong năm... Báo dày 176 trang, giá $5.

VietStream

Ðiểm khác biệt của VietStream Xuân Bính Thân là in hoàn toàn trên giấy láng, đẹp, nhiều màu, nhiều bài vở và hình ảnh độc đáo. VietStream mang đến hình ảnh nét đẹp văn hóa Việt Nam, hình ảnh làng nghề Việt Nam, cùng những món ăn, cách làm đẹp cho gia đình.

Ðáng chú ý là cụm “Nét đẹp văn hóa” với nhiều câu chuyện và hình ảnh bắt mắt. Trong “Xuân huê tình” tác giả Huy Trường viết: “Bên cạnh những khuôn nếp trong truyền thống Việt Nam, từ dân gian chúng ta cũng tìm thấy những nét văn hóa... huê tình, những tình cảm trai gái trêu đùa, ỡm ờ chọc ghẹo nhau...” Và, trong nét huê tình này là những câu chuyện như: Ðêm đụ đị... tình... phộc, Ội ại... đùng đà..., Chen cho... văng cái “nam nữ thụ thụ bất thân,” “Roa lữ Giàng ơi!” Những câu chuyện này là gì? VietStream sẽ “kể” để bạn đọc biết!

Chùm “Ảnh đẹp làng nghề mùa Xuân” vừa giới thiệu cho bạn đọc một số làng nghề Việt Nam trải dài từ Bắc vào Nam ở các tỉnh Hà Nam, Nam Ðịnh, Thái Bình, Huế, Quảng Ngãi, An Giang, Bạc Liêu, Ðồng Tháp, Long An, Sóc Trăng, Tây Ninh; vừa giới thiệu nét đẹp lao động của “hơn sáu mươi làng lớn và hàng trăm... xóm nghề nhỏ, là những cụm gia đình cùng làm một loại sản phẩm dựa theo nguồn nguyên liệu địa phương, hay đơn giản chỉ là nghề gia truyền, hoặc... ‘xóm truyền’ chỉ dạy nhau” như lò gạch, làng muối, làng đay, làng nhang...

Bên cạnh đó, ấn phẩm còn có những bài nhận định về tình hình chính trị-xã hội của những tác giả, học giả tên tuổi như Lê Mạnh Hùng với “Canh bạc nguy hiểm của Trung Quốc,” Nguyễn Mạnh Hùng với “Triển vọng chính trị kinh tế cho Việt Nam,” Nguyễn Gia Kiểng với “Ði tìm chân dung thế hệ Việt Nam mới,” Gia Lộ với “Thời sự qua phát ngôn của quan chức nhà nước: Miệng quan, lời dân,” Lê Phan với “Nhìn lại những sự kiện trong năm,” Vũ Uyên với “Những nguy cơ đe dọa thế giới,” Toàn Chân với “Những nhân vật đáng ghi nhớ trong năm vừa qua...” Báo dày 216 trang.