main billboard

“Đến đây, gặp bạn cũ thì tốt. Nếu không gặp được thì có thêm bạn mới. Cái nào cũng tốt hết."



WESTMINSTER, California (NV) – Thứ Bảy, 9 Tháng Giêng, Khu Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị Việt Nam Nam California vừa tổ chức một đêm văn nghệ ‘Lính và Quê Hương’ tại Thư Viện Việt Nam, Westminster.

Ngay từ lúc mới đến gần, tiếng reo mừng vui vẻ của chiến hữu chào chiến hữu đã làm vang dậy một góc lầu. Rồi không cần phải tinh ý, vừa bước chân vào hội trường thư viện, ai cũng thấy ngay được bầu không khí ấm áp tình thân mà chỉ có những người đã từng chung vai, sát cánh, nhường cơm, sẻ áo, đem máu, đem xương để chống lại kẻ thù chung mới có được.

vannghe tuchinhtri 1

Nhạc phẩm "Ly Rượu Mừng" của nhạc sĩ Phạm Đình Chương mở màn đêm văn nghệ. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Đêm văn nghệ kỷ niệm hàng năm của Khu Hội Cựu Tù Nhận Chính Trị Việt Nam Nam California bắt đầu từ năm 1995, ông Lê Anh Dũng, chủ bút báo Trách Nhiệm Online, cho hay.

Từ xa mới dọn về Anaheim, ông Đỗ Đạt cho biết ông mới đến đây dự văn nghệ lần đầu tiên. “Nhưng tôi hoàn toàn không hề thấy lạc lõng chút nào cả. Trước đây, tôi thuộc Trung Đoàn 8 Sư Đoàn 5 Bộ Binh và hôm nay chưa thấy ai quen nhưng tôi cảm thấy rất thoải mái trong không khí này,” ông cho hay.

Ông nói một câu có thể thu tóm được tinh thần huynh đệ chi binh: “Đến đây, gặp bạn cũ thì tốt. Nếu không gặp được thì có thêm bạn mới. Cái nào cũng tốt hết."

Cũng có một số người mặc quân phục Việt Nam Cộng Hòa, nhưng tựu chung, tất cả mọi cựu quân nhân đều đến với nhau như con dân Lạc Hồng, chung nhau một dòng máu đỏ da vàng.

Ông Lê Tử Hà, cư dân Santa Ana, chia sẻ: “Toàn thể chúng tôi đến đây vì cùng là những người chung chí hướng. Nay phải xa nhà nhưng lòng luôn luôn hướng về quê hương.”

“Phần tôi, tôi muốn các anh em thương phế binh còn ở trong nước biết rằng chúng tôi không bao giờ quen họ và mong một ngày phục hồi đất nước,” ông nói thêm.

Cũng từ Santa Ana, bà Huỳnh Ngọc Ánh, một người chuyên làm thiện nguyện tại Thư Viện Việt Nam, cho biết: “Chỗ nào có lính là có tôi. Hôm trước tôi cũng tham dự Hội Cựu Tù Suối Máu.”

Bà tâm sự: “Hồi còn là nữ sinh, tôi là ‘em gái hậu phương’ chuyên viết thư, thêu khăn, đan áo gởi ra chiến trường cho các anh chiến sĩ nơi chiến trường. Hôm nay đến đây, tôi cũng không ngoài mục đích cùng các anh chống kẻ thù thuở xưa.”

Cụ Nguyễn Thị Phước, ngụ tại Garden Grove, cười tươi và nói bằng giọng sang sảng: “Mười hai năm liên tiếp, tôi chưa hề bỏ lỡ cơ hội đến dự đêm văn nghệ này. Phải đến đây thì mới thấy tinh thần chống Cộng vẫn còn sống trong lòng người dân Việt."

Cụ tiếp: “Chúng ta cần hải có những hội đoàn như thế này để chứng minh rằng mình qua đây chỉ là một sự di tản chứ không phải là một cuộc tháo chạy”

Khai mạc chuong trình, ông Lê Anh Dũng tuyên bố đêm văn nghệ này là để kỷ niệm 40 năm lưu vong, 25 năm thành lập chương trình H.O. và  để mừng xuân Bính Thân.

Thi sĩ Trạch Gầm, lại một lần nữa, oang oang đọc bài thơ ‘Lời Trước Nghĩa Trang,” với những ngôn từ quen thuộc mà vừa nghe lần đầu, người ta có cảm tưởng như đã nghe đâu đó rồi:

“Tao sống đến ngày cuối cùng cuộc chiến
Được cái hơn mầy nhìn thấy đau thương
Đành làm người ngu đổ thừa vận nước
Uổng cả tháng ngày gối đá nằm sương

Mầy đã hơn tao vì mầy đã chết
Hưởng chút lễ nghi hưởng chút ân cần
Có được người thân cho lời nuối tiếc
Còn tao bây giờ sống cũng như không…”

Cựu Trung Úy Lê Tùy, cư ngụ tại Fountain Valley, nhẹ ngàng nói: “Gọi Trạch Gầm là thi sĩ thì cũng được. Tôi thì cho rằng ông ấy chỉ viết lại những câu nói đời thường với một con tim sôi sục tư duy. Vì thế chưa nghe mà người ta đã thấy quen thuộc. Đặc biệt là những gì ông đã viết ra là không bao giờ thay đổi.”

vannghe tuchinhtri 2

Song ca Ly Ly và Mai Chi tươi mát trong bài "Lính Đa Tình" của nhạc sĩ Y Vân. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)


Đúng với chủ trương ‘lính hát, lính nghe’, đêm văn nghệ được sự dóng góp của những giọng ca thiện nguyện của những người lính và những người yêu lính nên tuy là những ca sĩ nghiệp dư mà chương trình vẫn chan chứa một tình cảm thiết tha đối với tình quê, tình người và tình Xuân.

Lão luyện nhất trong đêm nhạc là giọng ca Yên Ly qua nhạc phẩm "Một Lần Nhắc Nhở," nhạc Hoa Sông Kiên và bài thơ nữa của Trạch Gầm "Nếu Không có Anh." Giọng bà tuy mộc mạc nhưng đầy ắp tâm sự của một người đã trải qua chiến tranh và những tì vết do chiến tranh để lại trong bà như mới hôm qua.

“Bài nào tôi cũng đem hết lòng mình để trinh diễn. Tôi chỉ biết vậy thôi. Mình lên đây chỉ để giúp vui thôi mà,” bà Yên Ly khiêm tốn nói.

Trẻ trung nhất chương trình là cặp song ca Ly Ly và Mai Chi. Hai ca sĩ này đã đem đến những phút giây tưng bừng, nhộn nhịp qua nhạc phẩm ‘Lính Đa Tình’ của Y Vân.

Và đặc biệt nhất và nhiều màu sắc nhất của đêm văn nghệ "Lính và Quê Hương" là tiết mục hát bội "Bình Tây Đại Nguyên Soái" do ông Hồ Ngọc An tự biên soạn và tự trình diễn.

vannghe tuchinhtri 3

Ông Hồ Ngọc An trong "Bình Tây Đại Nguyên Soái" trước lúc cởi áo quan. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Ông giải thích: “Đây là đoạn khi ngài Trương Công Định, người con ưu tú quê hương vùng Quảng Ngãi, cầm đầu nghĩa quân chống Pháp giai đoạn 1859-1864. Ông sống dưới triều vua Tự Đức, ông từng giúp triều đình chống lại việc quân Pháp tấn công vào Gia Định. Từng được phong quan rồi sau đó bị giáng chức vì triều đình ký hoà ước với Pháp và ra lịnh cho ông phải cởi áo bãi binh."

“Tiết mục vừa qua là nói về tâm tư ngài lúc đó, đúng lúc ngài vừa nhận lịnh vua. Mặc dù sau đó, ông đã cưỡng lại lịnh vua. Ông rút quân về Gò Công tiếp tục chống Pháp và được nhân dân tôn là Bình Tây Đại Nguyên soái,” ông Hồ Ngọc An cho biết.