Từ những đóng góp đơn lẻ (mua áo ấm, chăn mền, đồ gia dụng đến hiến tặng các gia đình tị nạn Syria) đến các nhóm, hội đoàn tổ chức khác nhau đang tổ chức các đợt quyên góp tài chính, giúp người tị nạn Syria qua hình thức bảo trợ tư nhân.


OTTAWA, Canada (NV) - Tri ân đất nước, xã hội Canada đã cưu mang mình trong đợt di tản thuyền nhân lớn nhất trong lịch sử đất nước này, người Canada gốc Việt từ khắp các tỉnh bang Canada đang mở rộng tay giúp tị nạn Syria trong tinh thần đền ơn đáp nghĩa.Những ngày qua, kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng tị nạn Syria vốn có thể xem như cuộc khủng hoảng tị nạn lớn thứ nhì sau đợt tị nạn thuyền nhân Việt Nam trong thập niên 1970, trên truyền hình quốc qia, truyền thông Anh ngữ tại Canada đều nhắc lại những câu chuyện thuyền nhân. Đặc biệt, không phải chỉ nhắc đến ký ức bi hùng của những thuyền nhân, lòng nhân đạo của Canada mà còn cả những bàn tay, tấm lòng rộng mở của các thế hệ thuyền nhân người Việt ở khắp các tỉnh bang, từng đến Canada trong 35 năm trước đây, đang lặng lẽ chia sẻ, giúp xoa dịu cuộc khủng hoảng tị nạn Syria.

inan syria canada
Hình ảnh những người tị nạn Syria. (Hình: Thao Choi)

Từ những đóng góp đơn lẻ (mua áo ấm, chăn mền, đồ gia dụng đến hiến tặng các gia đình tị nạn Syria) đến các nhóm, hội đoàn tổ chức khác nhau đang tổ chức các đợt quyên góp tài chính, giúp người tị nạn Syria qua hình thức bảo trợ tư nhân.

Ở Alberta, phía Tây Canada, khi được biết sẽ có từ 2,500 đến 3,000 người tị nạn Syria đến định cư tại đây, theo ước tính của thính quyền tỉnh bang, một số cựu thuyền nhân tại Calgary tổ chức một bữa ăn tối gây quỹ hôm 6 Tháng Mười Hai, 2015.

Đó là Hiếu Ngô, trốn khỏi Việt Nam vào năm 1990, hiện là giáo sư về công tác xã hội tại đại học Calgary; Quang Trinh, chủ tịch Hội Thanh Niên Việt Nam Calgary (CVYA); Bác Sĩ Judy Lưu, chào đời tại trại tị nạn ở Indonesia, hiện đang làm việc tại bệnh viện Saskatoon; cùng các cựu thuyền nhân trong cộng đồng như Peter Phan, Thạch Nguyễn...

Ở Ontario, nơi tập trung người Việt đông nhất Canada, một thuyền nhân khác đến Canada với cha mẹ mình 34 năm trước đây, muốn “trả nợ ân nghĩa” bằng cách tài trợ 14 người tị nạn Syria, với chi phí ước tính khoảng $64,000.

“Tôi muốn tôn vinh, không chỉ những nỗ lực hy sinh của cha mẹ mình mà con là sự hào phóng của người dân Canada ngày ấy,” Triệu Nguyên, một kỹ sư tại Hamilton, Ontario, nói với đài CTV News, giải thích lý do tại sao họ tài trợ cho gia đình Al Rahmo, có 14 người trong đó có 12 trẻ em từ 1 đến 20 tuổi.

Từ Sudbury, Ontario, Bác Sĩ Ewing-Bùi cho biết ông rất khó chịu khi nghe về những loại suy diễn kết hợp người Hồi Giáo với chủ nghĩa khủng bố và nghi ngờ về cam kết chấp nhận người tị nạn Syria của chính phủ Canada.

“Bản thân tôi là một người tị nạn và tôi đã nhìn thấy sự hào phóng đáng kinh ngạc của người dân Canada vào thời điểm đó,” ông nói. “Chúng ta có thể giúp lập lại lòng hào phóng ấy một lần nữa. Họ (những người tị nạn) sẽ trả lại đất nước này trong nhiều cách khác.”

Thoạt tiên, David nhận tài trợ cho một gia đình Syria, nhưng sau khi nhận ra điều này quá nặng nề đối với mình, một bác sĩ giải phẫu, một người cha bận rộn với bốn đứa con, anh đã tìm đến bạn bè, khuyến khích họ quyên góp chung vào nỗ lực bảo trợ và tham gia Sudbury Project Hope, một nhóm các tình nguyện viên đang làm việc để mang chuẩn bị đón hai gia đình tị nạn tới Sudbury vào cuối mùa đông.

Tại Toronto, Liên Tang là một trong số những gia đình thuyền nhân. Khi trốn khỏi Việt Nam với người em trai, cô chỉ mới 11 tuổi. Hai chị em đến trại tị nạn ở Malaysia và được Clayton và Rosemary Connell, một cặp vợ chồng người Canada ở Ontario, bảo lãnh. Không máu mủ, huyết thống nhưng gia đình Connell đã giúp bảo trợ cả gia đình sang đoàn tụ, trong đó có Tom Tang, hiện đang cùng Liên Tang và những cựu thuyền nhân khác dẫn đầu một nỗ lực trong cộng đồng Việt Nam thông qua tổ chức Lifeline Syria để giúp tài trợ cho các gia đình tị nạn Syria sắp đến Canada.

Trong những câu chuyện thuyền nhân, nhật báo Globe and Mail vừa có bài viết về Đỗ Kỳ Anh, cựu chủ tịch Hội Người Việt Toronto, chủ tịch VOICE Canada, người đang cùng Tom Tang, James Nguyễn, Lê Lương, tổ chức quyên góp $100,000 giúp tị nạn Syria.

Đỗ Kỳ Anh, người đã rời Việt Nam ở tuổi 17 vào Tháng Mười Hai, 1978, trong bốn đêm đen trên chiếc thuyền đánh cá nhỏ đến Malaysia, nói với Globe and Mail: “Nỗi sợ lớn nhất là không biết những gì sẽ xảy đến với mình, không biết có được nước nào nhận để có thể ra khỏi trại tị nạn đi định cư.”

Nhớ lại hoàn cảnh của mình cùng khoảng 300 người khác phải ẩn mình trong chiếc thuyền gỗ dài 18 mét, rộng 3 mét rưỡi, anh nói: “Đó là những đêm đen sợ hãi, hoàn toàn là bóng tối, không thể nhìn thấy bất cứ thứ gì. Khi đến được trại tị nạn, điều đầu tiên tôi viết về khuyên người thân còn lại là nhà là đừng đi, nhiều rủi ro lắm.Tôi may mắn đến nơi an toàn nhưng xin mọi người đừng làm theo tôi.”

Đời sống khổ cực tại trại tị nạn, ám ảnh của cướp bóc, hãm hiếp trên biển và nỗi lo của việc phải đối phó với sự bất định là những dấu ấn giờ đây đang sống lại với Đỗ Kỳ Anh khi anh đọc những câu chuyện về tình cảnh hiện tại của người tị nạn Syria trong những gì được coi là cuộc khủng hoảng tị nạn lớn nhất kể từ sau Thế Chiến 2. Anh đã huy động cộng đồng Việt Nam tại Canada để giúp tài trợ người tị nạn Syria như người Canada từng giúp mình trước đây,

Đỗ Kỳ Anh, Lê Lương, Tom Tang và James Nguyễn chỉ biết chút ít về ba gia đình mà họ bảo trợ, một số là người thân của Loae Almously, một kỹ sư 34 tuổi, người tị nạn Syria đến Canada vào Tháng Sáu mà Lương tình cờ gặp. Những người còn lại là người thân của một người bạn của Almously.

Almously cho biết ngôi làng của mình, Khirbet Ghazaleh, đã bị đánh bom, nhà của gia đình ông bị phá hủy. Tất cả mọi người trong làng đều phải chạy trốn, một số người chạy sang Jordan. Bây giờ, thị trấn của ông là một căn cứ quân sự cho chính phủ. Ông mong muốn được tái hợp với các thành viên trong gia đình của mình. “Tôi rất mừng khi thấy mọi người rộng lòng bảo trợ cho cho những người mà họ không quen biết,” ông nói với tờ Toronto Star. “Tôi thực sự hạnh phúc vì gia đình mình sẽ được đến đây nhờ những người tốt bụng.”

Và, trong nhiều bàn tay đóng góp hiện nay, đa phần từ lòng trắc ẩn và mối đồng cảm sau khi nhìn thấy bức ảnh của bé Allan Kurdi chết đuối trên biển, có một cô gái trẻ đặc biệt hơn, người chưa từng hoạt động cộng đồng, nhưng sau khi tận mắt nhìn thấy một con thuyền nhỏ chở người tị nạn trong một chuyến đi du lịch hè cùng gia đình, đã quyết định phải làm một điều gì đó để giúp “những con người đồng cảnh ngộ với mình trong hơn 30 năm trước.”

Nói chuyện với phóng viên Người Việt tại Toronto, Thao Choi kể lại: “Khi ấy là Tháng Bảy, cả gia đình đi du thuyền trong vùng biển Địa Trung Hải. Một buổi sáng từ cảng Taormina, Ý, em tình cờ nhìn thấy một con tàu của những người tị nạn Syria. Đó là một chiếc thuyền nhỏ, những người Syria ngồi trên khoang thuyền, họ ngước nhìn lên con tàu du hành sang trọng, tất cả cùng đưa tay vẫy. Ánh mắt của họ, đặc biệt là của những đứa trẻ ngước nhìn lên, khiến em bật khóc.”

“Em đã suy nghĩ suốt chuyến đi chơi Hè và buồn khi thấy lịch sử lặp lại một lần nữa. Hình ảnh những người tị nạn ngồi trên khoang tàu mang về hình ảnh của chính em 35 năm trước, cũng đã ngồi trên khoang tàu vô định, tự hỏi số phận của mình sẽ về đâu? Ngay lúc đó, em muốn cho họ biết rằng, họ không đơn độc.”

Trước khi đặt chân đến Canada, gia đình của Thao đã vượt biển tám lần trước khi thành công vào Tháng Năm, 1980. Trong những lần vượt thoát đó, là một lần tưởng bỏ mạng trong lòng đại dương.

Hết chuyến đi chơi Hè, khi ký ức về con tàu tị nạn chưa tan trong thì bức ảnh bé Kurdi chết đuối trên bãi biển xuất hiện trên báo chí, khiến Thao Choi quyết định phải làm một điều gì cụ thể hơn. Cô thành lập Families In Deeds, sử dụng mạng xã hội và những mối quen biết từ chồng, đồng nghiệp để bắt đầu một chương trình gây quỹ giúp tị nạn Syria. Ngày 9 Tháng Giêng này, từ một người “chưa bao giờ tổ chức một sự kiện công cộng nào,” (cô thú nhận) nhóm Families In Deeds của cô tổ chức một đêm vũ hội hóa trang (New Year Masquerade Gala) gây quỹ giúp tị nạn Syria.

Khi được hỏi cô nghĩ gì về một số ý kiến còn chần chừ trong dư luận lo ngại làn sóng tị nạn Syria có thể mang đến những nguy cơ về an ninh, Thao nói ngay: “Đứng trước người chết đuối, mình hãy cứu họ ngay chứ không nên băn khoăn hỏi gì về thành phần, tôn giáo, chính trị của họ.”

Hơn 35 năm đã qua đi kể từ cuộc di tản thuyền nhân, ngày nay, từ mọi miền đất nước Canada, nơi từng cưu mang mình, nhiều người Việt đang mở rộng tay với người tị nạn Syria. Như Đỗ Kỳ Anh đã nói với tờ Globa anh Mail: “Đó là điều tối thiểu mà chúng ta có thể làm.” (L.Q.T.)