main billboard

“Làm xây dựng cực quá, đủ kiểu bị bắt chẹt. Mỗi khi làm lại thì lại tốn tiền, tốn công sức. Thấy người ta làm cắt cỏ, cắt cây tuy cũng cực nhưng không bị bắt chẹt vì công việc rất rõ ràng, không tỉ mỉ, tủn mủn như làm xây dựng. Thế là tôi chuyển nghề.”


Nhiều người Việt sang Mỹ từng có làm một nghề gì đó khi còn ở quê nhà. Sau thời gian ổn định tại xứ người, người may mắn thì được làm nghề cũ mình yêu thích. Có người đi học nghề khác phù hợp hơn, nhưng cũng có người chọn những nghề ít ai chọn.

catco toanhuynh
Anh Toàn Huỳnh, từ một người làm gỗ giờ làm nghề cắt cỏ cây rất thành công. (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)

Tuy nhiên, chọn được nghề là một chuyện, có yêu thích và thành công với nghề đó hay không là chuyện khác.

Nhân vài lần đi công tác ở Little Saigon, tôi gặp một vài người làm nghề cắt cỏ cây, một nghề có thể nhiều người nghĩ đa số do người gốc Hispanic làm.

Hai người mà tôi tiếp xúc, tuy thời thế khác nhau, nhưng đều có điểm chung là từng có cuộc sống thành đạt tại Việt Nam, sang Mỹ ở tuổi 30 và đến với nghề cắt cỏ, cắt cây từ một sự tình cờ. Để rồi đó là duyên, là nợ, là cuộc sống của chính họ.

Một người từng là ông chủ xưởng xẻ gỗ ở Việt Nam, một tháng thu nhập trung bình vài ngàn đô la. Một người sống trong sang giàu, có kẻ đón người đưa.

Đó mới là chuyện đáng nói ở vùng đất đầy cơ hội mà nhiều người vẫn thích đến, dù sau đó, ai cũng mang tuổi “trâu,” nghĩa là “đi cày” liên miên để chi trả nhiều thứ trong cuộc sống hàng ngày.

Bỏ làm ông chủ lớn, tập làm ông chủ nhỏ!

Gần 10 năm làm ông chủ, quản lý xưởng xẻ gỗ với hàng chục công nhân, nhưng vì gia đình, anh Toàn Huỳnh, 31 tuổi, sang Mỹ để đoàn tụ cùng vợ con. “Tôi sang đây mới hơn bốn năm, nhưng để có tiền nuôi con, lo cho gia đình, tôi phải làm nhiều việc mà trước đây chưa từng làm và chưa bao giờ nghĩ đến.”

Anh Toàn nhớ lại, từ nhỏ anh đã theo cha học cách quản lý và điều hành xưởng gỗ, đến năm 17 tuổi bắt đầu tập tành kinh doanh gỗ cùng cha. Học xong trung học, theo bạn bè, anh ghi danh thi vào trường đại học Thể Dục Thể Thao Sài Gòn. Nhưng rồi lớn lên từ gỗ, sống nhờ gỗ đã ăn sâu vào máu, anh không học mà quyết định trở về Bà Rịa theo cha kinh doanh.

“Từ xưa đến giờ kinh doanh gỗ ít gặp rủi ro hơn các mặt hàng khác nên đời sống của người kinh doanh gỗ khá ổn định. Nói như vậy không có nghĩa là sung sướng đâu. Để có được gỗ đẹp, tôi phải thường xuyên liên lạc với kiểm lâm để có được một cây tốt trong rừng. Đôi khi nhiều chủ cùng mua thì phải đấu giá mới giành được cây,” anh Toàn cho biết.

Theo anh Toàn, trong ngành chế biến gỗ, xưởng xẻ có vị trí rất quan trọng trong việc chuyển gỗ nguyên liệu từ dạng tròn sang dạng ván, thanh, hoặc hộp để cung cấp cho các cơ sở sản xuất.

Anh nói: “Chúng tôi là nơi sơ chế để cung cấp đủ các loại gỗ như keo, xoan, quế, bạch đàn, hương, sao, trắc, dầu... cho các cơ sở chế biến, sản xuất gỗ xây dựng, sản xuất đồ gỗ nội thất, sản xuất ván các loại, và mộc dân dụng. Khách cần loại gỗ nào, gỗ đó dùng để làm gì... xưởng của tôi đều cung cấp đủ và hàng luôn có sẵn vì xẻ gỗ đều có quy cách của nó.”

Không chỉ quản lý xưởng xẻ gỗ, anh còn mua đất để trồng cây, chủ yếu là tràm.

“Cây này dễ sinh trưởng và cho thu nhập khá tốt ở bất cứ thành phần nào của cây. Chẳng hạn gỗ dùng trong xây dựng, trụ mỏ, nguyên liệu giấy sợi và đóng đồ gia dụng; lá và tinh dầu tràm dùng để trị bệnh. Chưa kể đất mình mua trồng cây mà nằm trong vùng quy hoạch thì còn được đền bù nữa,” anh Toàn kể.

Ngoài ra, trong những lần đi rừng để chọn cây, anh còn mang về những cây lạ, độc, và đẹp để làm hòn non bộ, bán cho khách thích chơi cây kiểng.

“Trả lương cho thợ, rồi tự trả lương cho mình, hằng tháng cũng được 30-40 triệu đồng (khoảng $1,500-$2,000), cuộc sống khá là sung túc, công việc làm ổn định. Nhưng rồi giấy tờ đi Mỹ gửi về, chần chừ rồi cũng phải qua vì vợ, vì con,” anh Toàn kể.

Anh kể tiếp: “Năm 2005 vợ tôi từ Mỹ về quê cô ấy ở Vũng Tàu chơi. Tình cờ chúng tôi gặp nhau, mến nhau, thấy không thể thiếu nhau nên cưới. Con gái đầu của tôi sinh ở Mỹ, đến khi cháu được ba tuổi thì tôi mới qua Mỹ. Hai năm sau khi ở đây thì chúng tôi sinh thêm một cháu nữa. Giờ thì đứa đầu bảy tuổi, đứa sau hai tuổi. Cũng từ khi có đứa thứ hai, tôi mới quyết định sự nghiệp ở xứ này.”

“Lúc đầu qua đây tôi xin làm nhà hàng, nhưng thấy không ổn nên xin làm công nhân lắp ráp dây chuyền ở hãng xưởng. Rồi lại thấy giờ giấc gò bó quá mà lương không được bao nhiêu nên xin đi làm hãng tiện, rồi xin làm ở mấy dịch vụ giao hàng trang trí nội thất và dọn nhà. Cũng từ khi làm cho hai dịch vụ này, tôi mới bắt đầu nhìn cách người khác làm để học lóm. Và từ đây, tôi học thêm nghề cắt cỏ, cắt cây, dời cây...” anh Toàn tâm sự.

Vậy là sau hơn hai năm ở Mỹ và sinh thêm đứa con thứ hai, thì giữa năm 2013 anh quyết định “ra riêng,” tức không đi làm công nữa mà làm ông chủ. Với số tiền dành dụm được, anh mua một xe tải lớn (16 feet) để làm nghề cắt cây, đào lỗ cọc, dời trồng, làm cỏ giả, đá giả, dọn nhà, lắp ráp tháo đồ trang trí nội thất, patio, đập phá sơn lót gạch, điện, tủ...

Anh cho biết: “Cũng nhờ trước đây làm nghề xẻ gỗ có đi rừng tìm cây, rồi trồng cây nên tôi biết cách cắt cây như thế nào, đào lỗ cọc ra sao để dời cây. Chẳng hạn, theo kinh nghiệm thì nhìn độ cao của cây, cây to hay nhỏ mà mình biết lỗ đào sâu bao nhiêu để đặt cây. Trước khi làm phải dùng máy dò để biết ống gas, ống nước ở đâu rồi mới tiến hành đào lỗ cọc. Riêng cắt cây thì ngoài đồ bảo hộ an toàn, phải rất cẩn thận khi làm việc, vì treo lơ lửng trên cao nếu sơ sẩy rất dễ bị tai nạn.”

Chia sẻ về công việc hiện tại, anh nói: “Hiện nay tôi đang đẩy mạnh việc làm cỏ giả, trước hết là vì California đang tiết kiệm nước, kế đến là cỏ giả rất tiết kiệm và có giá trị đến 15-25 năm. Cỏ trồng sân vườn cần chế độ cắt tỉa, tưới nước, bón phân đặc biệt đúng quy trình, chưa kể phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe của các thành viên trong gia đình mà lại tốn kém quá nhiều công sức và chi phí. Trong khi đó cỏ nhân tạo được chứng minh an toàn tuyệt đối với sức khỏe của con người và vật nuôi, giá thành lại rẻ. Điều đặc biệt ở cỏ nhân tạo là không cần phải tưới nước, bón phân, cắt tỉa, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà vẫn duy trì được màu sắc xanh vốn có.”

Nói về thu nhập hiện nay, anh cho biết: “Một tháng tôi cũng được hơn $3,000, cũng ổn định để nuôi con. Trước khi làm tôi luôn thỏa thuận với khách, vì nhiều khách đòi hỏi rất nhiều nên phải sòng phẳng giá cả ngay từ đầu để dễ làm việc, vì tôi làm đúng nguyên tắc. Chẳng hạn cắt cỏ, cắt cây, đào lỗ cọc, thì các phần là rác như cây, lá, khách phải chịu tiền bỏ rác tại sở rác, vì sở rác lấy tối thiểu một xe rác nhỏ là $35, còn xe lớn đến $170.”

Theo anh Toàn, một ngày dịch vụ Tony Huynh Moving của anh làm việc đến trưa hoặc xế chiều đã xong, nhưng có khi làm đến 10-12 tiếng mới xong việc. Nếu dọn nhà thì 7 giờ bắt đầu, còn làm vườn thì 9 giờ. Một tuần anh làm 4-6 ngày, công việc chính là cắt cây, đào lỗ cọc, trồng cây, dời cây...  Riêng dọn nhà thì một tháng cũng làm 7-8 lần, hay đồ trang trí nội thất cũng 3-4 lần.


Công tử bột bươn chải vào đời


Trong thời Đệ Nhất Cộng Hòa, gia đình ông Sơn Nguyễn là một gia đình có của ăn của để. Cha mẹ ông là nhà buôn có tiếng ở Sài Gòn, chuyên kinh doanh xuất nhập cảng các mặt hàng máy công nghiệp và máy nông nghiệp ở Chợ Lớn.

Gia đình giàu có, lại là con một, nên từ bé ông Sơn đã được chăm sóc chu đáo, có kẻ hầu người đón, được đi học trường Pháp. Nhưng rồi những biến cố dồn dập đổ xuống cuộc đời ông.

Năm 1964, khi ông được 12 tuổi, cha ông bị bệnh nặng qua đời. Mẹ ông, vì quá thương chồng, cũng bỏ ông lại một mình một năm sau đó.

Nước mắt cạn khô. Cảm xúc lụi tàn. Hạnh phúc vỡ tan.

“Một đứa trẻ đang lớn phải bị cú sốc quá lớn. Lúc đó tôi quá chơi vơi. Mỗi lần đi học về nhìn lên bàn thờ thấy di ảnh ba mẹ mà tôi khóc không lên tiếng. Nhưng tôi phải sống tốt để ba mẹ an lòng,” ông Sơn tâm sự.

catco sonnguyen
Ông Sơn Nguyễn, dù có con lớn, học hành thành tài, vẫn làm nghề cắt cỏ cây. (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)

Nhờ cô bác giúp đỡ nên ông giữ được cơ nghiệp của cha mẹ cho đến Tháng Bảy, 1975, thì tài sản, nhà cửa đều bị tịch thu do bị đánh tư sản.

“May mà tôi để dành được một mớ, chứ không thì trắng tay,” ông Sơn chua chát nói.

Tiền dành dụm thì ông cất đó để lo cho tương lai. Còn hiện tại lúc đó, ông chính thức “lăn lộn” vào xã hội, bắt đầu đứng bán “chợ trời,” tức buôn bán đủ loại hàng hóa đã sử dụng.

“Đây là thời kỳ người dân phải mua hàng hóa bằng tem, phiếu. 'Chợ trời' ra đời chính từ nhu cầu thiết yếu, khi lượng cung không đáp ứng đủ với nhu cầu của người dân. Những mặt hàng không được 'tem phiếu hóa,' không có chỗ đứng tại các cửa hàng mậu dịch thì được tiêu thụ tại đây,” ông Sơn kể.

Năm 1979 ông lập gia đình, đến năm 1982 thì ông quyết định vượt biên để mong có được cuộc sống tốt hơn. Để vợ và hai con gái ở lại, ông vượt biên bằng đường bộ.

“Cũng vài lần tôi đi bằng tàu nhưng tất cả đều bị gạt lấy tiền. Quyết phải đi bằng được nên tôi đón xe đò ra Quảng Trị, qua cửa khẩu Lao Bảo, để qua Lào. Học tiếng Lào một thời gian thì tôi được đưa qua Thái Lan. Tại đây tôi được phỏng vấn và ở Philippines thêm sáu tháng. Mãi đến cuối Tháng Tám, 1984, thì mới đặt chân đến Mỹ,” ông cho biết.

Ở Mỹ, sau khi làm hãng được một năm, ông đi học nghề xây dựng. Làm một thời gian từ 1985 đến 1989 thì ông học nghề cắt cỏ.

Ông nói: “Làm xây dựng cực quá, đủ kiểu bị bắt chẹt. Mỗi khi làm lại thì lại tốn tiền, tốn công sức. Thấy người ta làm cắt cỏ, cắt cây tuy cũng cực nhưng không bị bắt chẹt vì công việc rất rõ ràng, không tỉ mỉ, tủn mủn như làm xây dựng. Thế là tôi chuyển nghề.”

Cùng thời gian đó ông bảo lãnh vợ và hai con gái.

Ông Sơn kể: “Hồi đó tôi chuyển nghề là sáng suốt vì cắt cỏ thôi mà đã kiếm vài ba ngàn sống khỏe. Lúc đó, nhà nào cũng có một sân cỏ phía trước, một sân có phía sau. Quanh năm suốt tháng xe tải cắt cỏ hết lui tới cắt nhà này lại kéo tới nhà kia mà không hết việc. Cắt cỏ có hai loại, một là làm “hàng tháng” (monthly), tức một tháng cắt đều đặn hai đến bốn lần, mỗi lần được vài chục đồng. Còn loại kia là “làm một lần” (one-time cleanup). Đây là loại có ăn, một mối này làm xong được vài ba trăm đồng, một tháng chỉ cần năm, sáu mối là đủ no.”

Ông cho biết, đồ nghề cắt cỏ đủ các loại máy, từ máy cạp cỏ, đến máy xén cạnh, máy thổi bụi, máy tỉa cành, chưa kể cuốc, xẻng, chổi... Khi cắt phải coi loại cỏ nào, có ngắn hay cỏ cao mà chọn máy cắt cho phù hợp. Nhà nào không thích dùng máy thổi bụi ồn ào thì phải dùng chổi quét để dọn dẹp bụi rác. Nhà nào không muốn bỏ rác cỏ vô thùng rác họ thì phải bỏ bịch nhựa để mang đi chỗ khác bỏ.

“Làm nghề cắt cỏ phải chấp nhận dơ. Nhiều lúc cắt cỏ trúng phân chó sền sệt, bắn vung vãi lên mũi lên miệng là điều không tránh khỏi,” ông nói.

Từ cắt cỏ ông bắt đầu làm luôn cắt cây, đào gốc.

Ông cho biết: “Cây cao vời vợi nhưng phải leo chặt lá, tỉa cành, cắt cây là chuyện bình thường mà người làm công việc này phải biết. Ngoài kinh nghiệm thì sự cẩn thận luôn được đặt lên hàng đầu để tránh rủi ro xảy ra.”

Ông chia sẻ thêm: “Đến nay đã hơn 25 năm tôi làm nghề cắt cỏ, cắt cây, trồng cỏ và sửa, làm và sửa hệ thống tưới nước tự động, hàng rào gỗ, dọn rác, nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ mình biết hết tất cả. Đến giờ phút này tôi vẫn học những cái hay từ thợ, chứ không tự hào mình làm chủ.”

Ông Sơn hiện có sáu thợ cùng làm, tất cả đều là người Mexico, vì “Người Mexico họ cao, to, mới có sức khỏe để làm việc lâu dài. Nhưng nhiều lúc cũng kiếm thợ thêm vì nhiều việc quá.”

Ông Sơn Nguyễn cho hay, nhờ làm nghề cắt cỏ mà ông đã cất được căn nhà khang trang do tự tay ông thiết kế và xây dựng trên đường Hewitt ở Garden Grove. Một phần đất còn lại ông cất nhà cho thuê để có tiền ra tiền vào cho con đi học. Và cũng nhờ nghề cắt cỏ mà ông đã cho ba người con học hành thành tài. Con gái lớn thì làm nha sĩ, con gái thứ thì làm ở Sở Di Trú, còn con trai út thì đang học đại học Cal Poly Pomona.

“Tôi không hướng con hay ép con học ngành gì, tôi luôn để các cháu phát triển theo sở thích của mình. Tôi để các con mình sống tự lập, như chính tôi đã tự lập từ lúc bé, để từ đó các cháu tự định hướng tương lai cho mình. Có lẽ thấy cha mẹ cực khổ nên các cháu luôn tự học và biết phải làm gì, làm như thế nào,” ông chia sẻ.

Ở tuổi 63, ông vẫn làm công việc như mấy chục năm nay ông đã làm. Nhưng nay thì ông khỏe hơn vì con cái đã lớn, vợ chồng ông có dịp về Việt Nam để thăm họ hàng nhiều hơn.

“Sau này tôi lấy lại được căn nhà ba mẹ để lại ở đường Pasteur, thuộc khu tứ giác Pasteur - Tôn Thất Đạm - Huỳnh Thúc Kháng - Tôn Thất Thiệp ngay giữa trung tâm Sài Gòn. Dự định sắp tới sau khi nghỉ hưu thì mùa lạnh sẽ về Việt Nam để dưỡng già, khoảng sáu tháng bên này, sáu tháng bên kia để thư giãn,” ông cho biết.

Còn hiện tại, 6 giờ sáng ông chuẩn bị đi rước thợ để 7 giờ bắt đầu làm việc. Dịch vụ Sunshine của ông làm suốt trong tuần, chỉ nghỉ khi không có khách hẹn.

“Tôi trả tiền theo ngày nên hôm đó làm tới trưa xong thì thợ về, còn hôm nào việc nhiều hơn thì làm hết ngày. Nói chung, công việc này cũng thoải mái chứ không gò bó. Nhưng tôi có nguyên tắc làm là phải đúng giờ hoặc sớm hơn chứ không dùng ‘giờ dây thun,’” ông nói.