main billboard

Cuộc hội ngộ thú vị, đa dạng đầy màu sắc với 56 tác giả tham gia, gồm các bộ môn hội họa, điêu khắc, nghệ thuật trình diễn, thi họa, nhiếp ảnh, tất cả đều cùng một chủ đề liên quan đến Việt Nam.


SANTA ANA, California (NV) - Một cuộc triển lãm do Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt-Mỹ (Vietnamese American Arts & Letters Association - VAALA) kết hợp với Trung Tâm Mỹ Thuật Ðương Ðại Orange County (Orange County Center for Contemporary Art - OCCCA) vừa được khai mạc tại thành phố Santa Ana, chiều Thứ Bảy, 6 Tháng Mười Hai.

mausac 40nam 1
Tác phẩm trình diễn “Auspicious Meal for Though” của họa sĩ Tiffany Lê. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Cuộc hội ngộ thú vị, đa dạng đầy màu sắc với 56 tác giả tham gia, gồm các bộ môn hội họa, điêu khắc, nghệ thuật trình diễn, thi họa, nhiếp ảnh, tất cả đều cùng một chủ đề liên quan đến Việt Nam.

Trong lần triển lãm này, ngoài các họa sĩ Việt Nam và Mỹ, còn có sự góp mặt của các tác giả từ các quốc gia khác như Pháp, Canada, Việt Nam và các nghệ sĩ khắp các tiểu bang, từ New York, Virginia, North Carolina, Indiana, Texas,... và cả các họa sĩ khách mời nữa.

Họa sĩ Ann Phong, chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị VAALA, cho biết, trong kỳ triển lãm này, các họa sĩ Việt-Mỹ và thế giới sẽ có dịp trao đổi, hiểu biết lẫn nhau giữa hai nền văn hóa, do đó có thể coi đây là một cuộc triển lãm quốc tế.

Có những họa sĩ sống ở Việt Nam trước 1975, đã thấm đượm những cảm xúc của họ tại quê hương và những họa sĩ trẻ, sinh ra và lớn lên tại Mỹ, không hề biết gì về Việt Nam, nhưng khi diễn tả, họ hiểu về đất nước, ông bà tổ tiên Việt Nam của mình, qua báo chí, học đường, và nhất là qua lời kể lại hoặc nếp sống của gia đình.

Chỉ hai chữ Việt Nam thôi, 56 nghệ sĩ diễn tả tác phẩm của mình với nhiều cái nhìn khác nhau, mỗi người diễn tả theo như cảm nhận qua cái nhìn rất thật trong cuộc sống của mình, đôi khi rất phũ phàng. Và tất cả các tác phẩm trong triển lãm này cũng sẽ cho người xem thấy và cảm nhận thật như vậy.

Lara Nguyễn, một họa sĩ rất trẻ, bằng nghệ thuật trình diễn với chủ đề “Bưởi-Grapefruit,” cô diễn tả sự thương nhớ về người cha của cô, khi mẹ và các anh em cô bỏ chạy khỏi Việt Nam năm 1975. Với những trái bưởi chung quanh mình, cô đã gọt từng trái, tách từng múi bưởi, để vào những chiếc thuyền nhỏ xếp bằng giấy để mời mọi người cùng chia sẻ khi đến xem triển lãm của cô.

Mỗi người một cảm nghĩ, sẽ diễn tả rất khác về những suy tư của mình. Tác phẩm “Clothes in the Sea” (Những Mảnh Áo Trong Ðại Dương), của họa sĩ Ann Phong, thì tràn ngập trong một màu xanh. Vì là một thuyền nhân, cô đã chứng kiến những nỗi kinh hoàng khi con người ở giữa đại dương mênh mông trên những chiếc thuyền tả tơi, giữa cái sống và sự chết, nhục nhằn khi chứng kiến cảnh phụ nữ bị hãm hại, áo quần bị xé rách nát, lột trần,...

mausac 40nam 2
Nghệ thuật trình diễn với chủ đề “Bưởi-Grapefruit” của họa sĩ Lara Nguyễn. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Chủ đề chính của tác phẩm này là quần áo của những phụ nữ, những thiếu nữ, tầng tầng lớp lớp chồng lên nhau, xoắn chặt vào nhau, buông rủ xuống như những phận đời thê thảm, điều đã khiến cho quốc tế động lòng, lên tiếng và cứu vớt những thuyền nhân Việt Nam. Bức tranh đưa mọi người vào một cảm xúc thật phũ phàng đau đớn qua những mảnh quần áo rách bươm giữa một màu xanh nước biển.

Nhiếp ảnh gia Genevieve Erin O'brien, cha Mỹ mẹ Việt, cho thấy một cái nhìn thật độc đáo qua bộ ảnh 12 tấm chụp tại Sài Gòn, tất cả được chụp từ phía sau, cho thấy người dân mặc áo khoác đều có mang những chữ tiếng Anh, mang tên những thương hiệu đắt tiền như Rolex, Calvin Klein, Playboy, Apple, hoặc lá cờ Mỹ với chữ USA,...

Chia sẻ với nhật báo Người Việt, nhiếp ảnh gia này cho biết cô đặt tựa đề cho tác phẩm này là “Snake Eats Itself in Saigon.” Cô giải thích, theo lý thuyết Karl Max mà người Cộng Sản tin tưởng thì tư bản giống như một con rắn, sẽ ăn cái đuôi của mình bằng chính cái đầu của mình, do đó tư bản sẽ tự chết. Trớ trêu thay, con rắn tư bản này đang ăn thịt chính người dân Việt Nam đang sống trong xã hội chủ nghĩa qua sự hướng ngoại, đang mơ về tương lai Mỹ quốc của họ. Bộ ảnh gây sự thích thú qua cái nhìn diễn tả cảm nghĩ thật sâu sắc này.

Ðể thực hiện bộ ảnh, cô đã ở Sài Gòn trong ba tháng, ngồi ở quán bên lề đường chờ đợi, hoặc ngồi xe ôm nhờ chở đuổi theo những người trên đường phố.

Một nghệ sĩ trẻ khác,Tiffany Lê, với tác phẩm trình diễn “Auspicous Meal for Though.” Với chất liệu gốm sứ, cô trình bày một mâm cơm với những mảnh vỡ của chiếc dĩa, chén ăn cơm, đôi đũa, tách trà,...

Cô muốn diễn tả mối quan hệ gia đình, liên hệ rất chặt chẽ của những thành viên trong gia đình qua những bữa ăn. Những mảnh vỡ của chén dĩa giống như những câu chuyện cha mẹ kể lại cho con cái nghe trong bữa ăn, mà vì bất đồng ngôn ngữ không thể hiểu hết được khi con cái sinh ra và lớn lên ở Mỹ, và những mảnh vỡ này chính là sự ngăn cách trong gia đình, do đó những câu chuyện giữa thế hệ thứ nhất khó truyền đạt cho thế hệ thứ hai, thứ ba.

Qua tác phẩm này, Tiffany muốn đi tìm lại những gì thuộc về quá khứ của những gia đình, như những mảnh vụn vặt của những thế hệ trước, làm sao suy tưởng, để nối lại những nhịp cầu tan vỡ đó. Cô muốn viết, vẽ lại những câu chuyện của người đi trước, với lời kể của một thuyền nhân, cô muốn tìm một câu trả lời, tuy rất mơ hồ mà ngay chính cô cũng đang đi tìm.

mausac 40nam 3
Nhóm múa Embart Dance Theatre với điệu múa vẽ bằng đôi chân. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Một kết hợp tuyệt vời giữa thơ và hình ảnh, nghệ sĩ trẻ Christine Yen Tran Phan, đã trình bày một loạt các bài thơ của mình với tựa đề “What Is The Dark?” (Bóng Tối Là Gì?).

Mỗi bài thơ là sự kết hợp với hình ảnh của bà cố, ông bà nội, bác, mẹ, cô, cậu, dì, và gia đình của mình. Cô đã nghe từ bé lời kể của bà cố về những đau khổ mà gia đình cô phải chịu đựng khi còn ở Việt Nam cho đến khi vượt biên sang Mỹ, và gia đình cô đã vượt qua bóng tối, chính nhờ bà cố là sợi dây liên kết những chuỗi sự kiện mà cô thể hiện thành bài thơ này.

Họa sĩ Long Nguyễn, một người thuộc thế hệ thứ hai trưởng thành tại Việt Nam, trình bày tác phẩm điêu khắc của mình với tựa đề “Table #1, 2.” Bàn là một vật để đồ đạc, hai chiếc bàn dài trong đó một bàn có chứa những chiếc đầu người với nhiều khuôn mặt khác nhau, bàn còn lại chứa ngũ tạng con người. Hai chiếc bàn này chứa những ý tưởng về những gì con người đã thu thập được, những yêu thích, tóm tắt lại trong một thế giới quan.

Anh đang thực hiện một loạt tác phẩm có tên “Câu Chuyện Da Vàng,” ghi lại những gì anh đã từng trải qua. Hiện nay bộ tranh này đã lên tới 51 bức khổ lớn, nói về chiến tranh Việt Nam, những kinh nghiệm và triết lý trong cuộc sống, và thuyền nhân là ý tưởng chính.

Có 138 tác phẩm gởi đến, và 44 tác phẩm được ban giám tuyển chọn. Ban giám tuyển gồm hai người, họa sĩ Lê Quang Ðính, người đã từng có tác phẩm triển lãm tại Venice Biennale 2003, Carnegie International 2013, Tokyo 2015, và ông Stephen Anderson, giám đốc điều hành OCCCA, đã có nhiều triển lãm quốc tế và ở Mỹ.

Những tác phẩm trong triển lãm “Thế Hệ: 40 Sắc Màu Giữa Ðen Và Trắng” trình bày những mối quan tâm của các nghệ sĩ, gồm cả người Việt lẫn ngoại quốc, đã cảm nhận được những biến động của người Việt Nam trong vòng 40 năm qua, gồm có sự thay đổi bản sắc và trí nhớ, bị bứng khỏi gốc rễ, sự di dời.

Ngoài những họa sĩ khách mời là những người đã thành danh trước 1975, nay đang định cư ở ngoại quốc như Nguyễn Phước, Ðinh Cường, Cao Bá Minh, Nguyên Khai, Hugo Nguyễn, còn có những họa sĩ thế hệ kế tiếp như Ann Phong, Long Nguyễn, Vi Lý,... hiện đang giảng dạy tại các trường đại học mỹ thuật cũng góp mặt, và đông nhất là thế hệ thứ ba tiếp nối là những họa sĩ trẻ sinh ra và lớn lên tại Mỹ như Lara Nguyễn, Tiffany Lê, Trinh Mai, Khang Nguyên, Genevieve Erin O'Brien, Rachel Hayes,... kết hợp cùng với các họa sĩ Mỹ, tất cả đều hòa quyện tuyệt vời.

Triển lãm cũng có một tiết mục đặc biệt, đó là nhóm Embark Dance Theatre đã cống hiến những màn múa sinh động, bằng những động tác điêu luyện, hai vũ công đã uyển chuyển vẽ trên nền trắng một bức tranh trừu tượng thật lớn trên đôi chân với mực đen.

Họa sĩ Ann Phong cho biết bà rất vui mừng khi thấy cuộc triển lãm này được sự hưởng ứng rất đông của họa sĩ các thế hệ ở Mỹ, cả các họa sĩ các nước khác. Sở dĩ VAALA chọn OCCCA làm nơi triển lãm vì không gian nơi đây thật rộng lớn, có nhiều khách đến xem, qua hai lần cùng nhau triển lãm đều rất thành công.

Bà cũng cho biết rất muốn đưa những triển lãm như thế này về gần với cộng đồng người Việt, như là ở khu Little Saigon, nhưng chưa tìm ra được một địa điểm thích hợp, nhất là VAALA lại không đủ tài chánh cho những triển lãm quy mô, nếu có những nguồn tài trợ từ cộng đồng thì rất tốt.

Triển lãm tiếp tục mở cửa cho đến ngày 19 Tháng Mười Hai tại địa chỉ OCCCA, 117 N. Cycamore St., Santa Ana, CA 92701.

Giờ mở cửa: Từ Thứ Năm đến Chủ Nhật: 12PM - 5PM.

Có thể xem giới thiệu qua hai trang web: www.occca.org và www.vaala.org.