main billboard

Ngày nay, trong khuôn viên của trại, chính phủ Philippines cho thành lập một viện bảo tàng lưu giữ rất nhiều vật dụng, hình ảnh,… của người tị nạn Việt.


MANILA – PHILIPPINES (NV) - Hơn 30 năm trước, hàng ngàn người Việt từng đặt chân đến trại tị nạn Bataan ở Philippines trước khi đến các quốc gia thứ 3. Để rồi nay, dấu tích của họ vẫn in đậm trên mảnh đất này.
tinan vn phi 1
Trại tị nạn Bataan, cách thủ đô Manila của Philippines chừng 150 km về phía Đông Bắc cách đây hơn 30 năm có tên Philippines Refugee Processing Center (Trung tâm Tiến hành Thủ tục Tị nạn Philippines) hay thường gọi là 'Home of the Boat People'. Nay với tên gọi mới Bataan Business and Leisure Park, nơi đây trở thành một khu du lịch sinh thái với nhiều dịch vụ khác nhau trong đó có cả bảo tàng thuyền nhân, giữ lại nhiều dấu tích của người tị nạn cộng sản đến từ Việt Nam và các nước Đông Dương.
tinan vn phi 2
Thành lập năm 1980, với diện tích rộng khoảng 3km vuông của Barangay Sabang, Morong thuộc tỉnh Bataan, đây là nơi được dùng như trạm dừng chân cuối cùng của người tị nạn Việt Nam, Cambodia và Lào trên đường đến các quốc gia nhận người tị nạn như Canada, Na Uy, Úc, Pháp, và phần lớn là Hoa Kỳ. Lúc đông nhất, trại có thể chứa đến gần 20,000 người.

tinan vn phi 3
Con đường nhỏ dẫn vào trại tị nạn Bataan bắt đầu từ vịnh Subic Bay quanh co qua qua đồi núi. Phong cảnh ở đây đẹp đến nao lòng. Nếu như 30 trước đây, từ trại Bataan muốn đến thủ đô Manila phải đi mất gần 1 ngày thì nay chỉ còn 4 tiếng. Người tài xế taxi Philippines 36 tuổi đã không hề biết từng có hàng chục ngàn người Việt tị nạn sống ở đây, bởi theo anh, khi đó còn quá nhỏ.
tinan vn phi 4
Ngồi rất lâu ở chỗ này trong một buổi trưa tháng 11 đầy nắng, tôi tưởng tượng về cảnh những em bé ngày xưa từng chơi đùa, giờ đây họ đã ở tuổi trên dưới 40 và đa số thành đạt ở những miền đất mới.
tinan vn phi 5
Đây là đài tưởng niệm Việt Nam Cộng Hòa, một công trình xây dựng kiên cố, nơi diễn ra hầu hết các sinh hoạt văn hóa, chính trị, xã hội của người tị nạn. Trại tị nạn từng được chia thành 10 vùng, với mỗi vùng có từ vài trăm cho đến vài ngàn người.
tinan vn phi 6
Ngày nay, trong khuôn viên của trại, chính phủ Philippines cho thành lập một viện bảo tàng lưu giữ rất nhiều vật dụng, hình ảnh,… của người tị nạn Việt. Đến đây người ta được hồi tưởng lại các hoạt động như phân chia thực phẩm, phổ biến thông tin, thư tín, học tiếng Anh, tập làm việc nhà...
tinan vn phi 7
Một bức tranh do một người Việt tị nạn vẽ hiện còn trưng bày trong bảo tàng. Theo nhạc sĩ Vũ Thành An, người mới về thăm lại trại Bataan hồi tháng 10 năm nay cho biết, ông từng ở đây 6 tháng vào năm 1991, và trong thời gian này ông đã viết thêm lời 2 cho 10 Bài Không Tên nổi tiếng.
tinan vn phi 8
Những vật dụng làm bếp quen thuộc của người tị nạn. Nhạc sĩ Vũ Thành An cho hay, ông đã rất xúc động khi trở lại đây và được nhìn thấy những hình ảnh này.
tinan vn phi 9
Mô hình Bunk House (bên phải) là nơi trú ngụ của nhiều gia đình người tị nạn. Nhạc sĩ Vũ Thành An nói rằng, ông thật bất ngờ vì không thể tưởng được 'nó lại quá nhỏ mà chứa cả gia đình.' Còn 'Monkey House' là chữ của người tị nạn gọi 'nhà tù' của trại, nơi giam giữ những người vi phạm kỷ luật.
tinan vn phi 10
Ông Clement M. Zaragoza, người Philippines, từng là cựu nhân viên của trại, nay làm nghề hướng dẫn viên của khu di tích. Ông làm việc ở đây từ năm 2003 và 'luôn cảm thấy vui và tự hào vì giúp được rất nhiều người tị nạn Việt Nam.'
tinan vn phi 11
Bên trong bào tàng trưng bày nguyên bản con tàu Phú Khang. Ngày 12 tháng Năm, năm 1981, tàu rời Nha Trang chở theo 65 người vượt biển (trong đó có 34 đàn ông, 20 phụ nữ và 11 trẻ em.) Nó cập bờ biển Bataan vào ngày 18 tháng 5, sau 6 ngày vượt qua phong ba và bão tố.
tinan vn phi 12
Chùa Vạn Hạnh từng là nơi sinh hoạt tôn giáo của người Việt tị nạn. Hơn 30 năm trước, nơi đây như một 'thành phố nhỏ' với trường học, trạm xá, thư viện, tiệm ăn, sân đá banh, chợ, chùa, nhà thờ và những nơi thờ phượng.
tinan vn phi 13
Ngay dưới chân tượng Phật Bà Quán Thế Âm ở chùa Vạn Hạnh là dòng suối nhỏ, nơi quen thuộc với rất nhiều người Việt tị nạn khi đến tắm ở nơi này.
tinan vn phi 14
Nghĩa trang của trại tị nạn. Từ năm 1980 đến năm 1994, đây là nơi tạm cư của hơn 350 ngàn người tị nạn và người di dân theo Chương trình ra đi trong vòng trật tự (ODP) và Chương trình con lai được Chính phủ Hoa Kỳ bảo trợ. Tuy nhiên, nhiều người không may mắn đã vĩnh viễn nằm lại mảnh đất này.
tinan vn phi 15
Nghĩa trang là nơi an nghỉ của hơn 200 người. Nhiều năm gần đây, nhiều thân nhân đã đến tu bổ bia mộ hay bốc hài cốt người quá cố. Cỏ tranh luôn che phủ các ngôi mộ vì nó mọc rất nhanh và thường cao quá đầu người.