main billboard

sau này chúng tôi có nghiên cứu lại chương trình huấn luyện để sao cho các em dễ hiểu và dễ tập luyện hơn, nên sau này, có mấy em ở đây chỉ học mới có sáu tháng, hoặc cao lắm một năm, thì đã hát và diễn được,”



WESTMINSTER, California (NV) - Vào lúc 3 giờ chiều Thứ Bảy vừa qua, Câu Lạc Bộ Văn Học Nghệ Thuật Hát Bội tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hát Bội tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, Westminster.

Ða số khán giả đến xem là gia đình và bạn hữu của các học viên của câu lạc bộ, cùng nhiều nghệ sĩ của các ngành ca diễn khác, và rất nhiều khán giả vẫn còn yêu thích bộ môn ca diễn cổ truyền này.


caulacbo gioto 1Học viên Câu Lạc Bộ Văn Học Nghệ Thuật Hát Bội rước linh vị tổ nghiệp. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Theo Giáo Sư Dương Ngọc Bầy, vị thầy đã đem cái nôi của Hát Bội ra hải ngoại, cho biết, hàng năm các văn nghệ sĩ thường làm lễ giỗ tổ nghiệp của mình, trong đó có tổ Hát Bội là tổ đầu tiên, sau này mới có thêm giỗ tổ ngành cải lương và những ngành ca diễn trên sân khấu.

Ngày chánh thức của giỗ tổ là ngày 11 và 12 Tháng Tám Âm Lịch, trong đó, ngày 11 thì cúng chay, ngày 12 thì cúng mặn. Tùy theo hoàn cảnh của hội hay nhóm, ngày cúng tổ có người cúng trước và có người cúng sau. Ở Việt Nam thường người ta cúng đúng ngày, nhưng ở hải ngoại, thường các nghệ sĩ vì phải đi làm nên việc cúng tổ tùy theo sự thuận tiện.

“Bộ môn nghệ thuật này, theo các học viên trẻ thì cho là khó khăn, khó học. Cũng vì vậy, sau này chúng tôi có nghiên cứu lại chương trình huấn luyện để sao cho các em dễ hiểu và dễ tập luyện hơn, nên sau này, có mấy em ở đây chỉ học mới có sáu tháng, hoặc cao lắm một năm, thì đã hát và diễn được,” nghệ sĩ Ngọc Bầy cho biết.

Bà nói thêm, “Chương trình tập luyện cho bộ môn Hát Bội được chia ra hai phần: Vũ đạo và hát cổ. Sau khi các học viên thấm nhuần về hai bài học này, rồi sau đó tôi mới kết hợp lại và tập luyện cho họ trở thành một diễn viên của Hát Bội.”

“Ở đây, quá trình truyền nghề này thì cũng thăng trầm lắm, tại vì cuộc sống phải bươn chải với thời gian, rồi còn phải lo cho gia đình. Vì thế, có những học viên đến học một thời gian, rồi có việc nhà, việc cửa phải bỏ đi. Nhưng rồi cũng có lớp khác thích học bộ môn này đến để xin học, cho nên để tập một tuồng Hát Bội có chất lượng tốt thì thật là một việc rất khó khăn,” vị giáo sư chia sẻ thêm.

Trước khi vào phần chánh lễ, ông Nguyễn Hùng, thành viên trong ban tổ chức, ngỏ lời chào mừng và cám ơn mọi đến tham dự.

Sau nghi thức khai mạc là nghi lễ rước linh vị tổ nghiệp rất trang nghiêm. Sau đó, các học viên của của câu lạc bộ múa hát bài “Chúc Tổ Nghiệp.” Kế đến, các văn nghệ sĩ lên thắp hương và khấn vái trước bàn thờ tổ.

Tiếp theo, học viên Lâm Phương nói về ý nghĩa của ngày Giỗ Tổ Hát Bội.

“Ngày xưa, Vua Ðường Minh Hoàng nằm mơ du nguyệt điện thấy Hằng Nga tiên nữ dạy cho ông vũ khúc Nghê Thường, đêm đó nhằm ngày 11 Tháng Tám Âm Lịch và đến ngày 12 thì vua mới trở về trần gian. Sau đó, vua dạy lại cho cung nữ vũ khúc Nghê Thường này. Kể từ đó, Vua Ðường Minh Hoàng phán lệnh là lấy ngày 11 và 12 Tháng Tám Âm Lịch làm ngày giỗ tổ chính thức cho toàn ngành nghề ca múa sau này,” cô Lâm Phương nói.


caulacbo gioto 2Trích đoạn “Quang Trung Bắc Tiến.” (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Giáo Sư Dương Ngọc Bầy bổ túc biết thêm, “Sau trận đánh quân Mông Nguyên của Ðức Trần Hưng Ðạo, ngài đã bắt được một nghệ sĩ của quân Nguyên là Lý Nguyên Cát. Ông này rất tài giỏi về những bộ môn nghệ thuật, mà ngày xưa Việt Nam ta cũng chưa có tân nhạc hay cổ nhạc. Ðức Trần Hưng Ðạo mới lưu giữ Lý Nguyên Cát vào cung đình để huấn luyện cho cung nữ những bài ca múa trong đó có nghệ thuật Hát Bội, nên ngày xưa người Việt Nam mình thường gọi là Hát Bội Cung Ðình, bởi vì lúc bấy giờ chỉ có vua quan trong cung đình được xem Hát Bội mà thôi. Sau này thì ngành Hát Bội mới được lưu truyền ra nhân gian.”

Chương trình văn nghệ có ba trích đoạn rất hay, do các nghệ sĩ của Câu Lạc Bộ Văn Học Nghệ Thuật Hát Bội trình diễn.

Trích đoạn 1: “Quang Trung Bắc Tiến” do Võ Ngọc Uyển và nghệ sĩ Ngọc Bầy biên soạn.

Trích đoạn kể rằng, năm 1778, sau khi mở mang đất miền Nam xong, Bắc Bình Vương-Nguyễn Huệ hay tin ở Bắc Hà, Lê Chiêu Thống đã dâng biểu cầu hòa và rước quân Mãn Thanh sang đất Việt. Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, lấy hiệu là Quang Trung, để xuất quân ra giải cứu thành Thăng Long. Ngài đã độ binh thần tốc trong 15 ngày, từ 20 Tháng Chạp đến 7 Tháng Giêng năm Kỷ Dậu 1779.

Trích đoạn này diễn lúc Ðại Ðế Quang Trung tiến quân ra Bắc, và đóng quân tại Tam Hiệp, đêm đó ngài nằm mộng thấy Công Chúa Ngọc Hân ra Tam Ðiệp động viên và chúc Quang Trung thành công chiến thắng.

Các vai diễn: Ngọc Ân vai Quang Trung, Ái Liên vai Ngọc Hân, Lâm Phương vai Ngô Văn Sở, Bội Phương vai Bùi Thị Xuân, và một số vai quân lính của Quang Trung.

Trích đoạn 2: “Anh Hùng Liệt Nữ Việt Nam” hay “Trưng Vương Khởi Nghĩa” của hai soạn giả Thân Văn và Nguyễn Văn Quý.

Trích đoạn kể rằng, sau khi nhà Triệu Ðà làm vua nước ta, lấy hiệu là Nam Việt, rồi bị quân nhà Tây Hán xâm lăng. Nước ta bị lệ thuộc vào nước Tàu, và chính sách hà khắc của các thái thú làm cho dân tình khổ sở, nên ông Thi Sách và bà Trưng Trắc đã dấy binh đánh đuổi giặc Tàu giành lại quyền độc lập cho dân tộc Việt Nam. Mặc dù chỉ có ba năm, nhưng đã nói lên tinh thần yêu nước của phụ nữ là “giặc đến nhà, đàn bà phải đánh.”

Các vai diễn: Hạnh Dung vai Trưng Trắc (1), Ngọc Bầy vai Trưng Trắc (2), Lâm Phương vai Thi Sách, Ngọc Ân vai hồn Thi Sách, Ái Liên vai Trưng Nhị, Mỹ Dung vai Thánh Thiên Công Chúa, và các vai quân lính của Hai Bà Trưng.

Trích đoạn 3: “Ðiêu Thuyền Bái Nguyệt.”

Trích đoạn kể rằng, “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách,” có nghĩa là nước nhà trong cơn suy yếu, bọn quan ỷ quyền thân vua chúa làm dân tình khổ sở. Nàng Ðiêu Thuyền chạnh lòng tại sao mình là gái không thể ra gánh vác việc nước non. Vào một buổi trăng tròn nàng đã cầu khẩn van vái và nói lên tâm sự của mình. Tình cờ cha của nàng là quan Từ Ðồ nghe biết nên ông đã tương kế tựu kế một lúc gả Ðiêu Thuyền cho Lữ Bố và Ðổng Trác để phân chia thế lực của hai cha con nhà họ Ðổng.

Các vai viễn: Ngọc Bầy (nữ) vai quan Từ Ðồ (nam), và Trần Tường Nguyên (nam) vai Ðiêu Thuyền (nữ).

Chương trình còn có phụ diễn văn nghệ với tiếng hát của Triệu Mỹ Ngân, Ái Liên và Ngọc Nga (múa), và phần hát cải lương của hai nghệ sĩ Kim Thoa và Minh Hiền.

Buổi tổ chức có sự hiện diện của các hai giáo sư Trần Văn Chi và Dương Ngọc Sum, và nhiều nhân vật tiếng tăm khác.