main billboard

Ðức Tả Quân Lê Văn Duyệt là một nhân vật trong cận sử Việt Nam nên tài liệu chính xác về ông có rất nhiều kể cả các tài liệu của các thương nhân nước ngoài. Hầu hết các tác giả đều ca tụng tài đức của ông.


WESTMINSTER, California (NV) - Trưa Chủ Nhật, 4 Tháng Mười, năm nay, tổ chúc Lê Văn Duyệt Foundation sẽ cử hành Lễ Vía Ðức Tả Quân Lê Văn Duyệt tại hội trường VNCR, trên đường Moran, Westminster.

Lễ vía cũng là ngày giỗ mà tổ chức này đã cử hành hàng năm từ ngày tổ chức được thành lập do sự khởi xướng của Giáo Sư Nguyễn Thanh Liêm, Giáo Sư Nguyễn Trung Quân, Giáo Sư Trần Văn Chi và Ðốc Sự Châu Văn Ðể.

taquan levanduyetTượng Ðức Tả Quân Lê Văn Duyệt được đúc bằng đồng đặt tại Lăng Ông Bà Chiểu. (Hình: Bùi Thụy Ðào Nguyên/Wikipedia)

Giáo Sư Nguyễn Thanh Liêm cho biết: “Mục đích của tổ chức Lê Văn Duyệt Foundation là để vinh danh, nhắc nhở hàng năm công lao, đức độ của Ðức Tả Quân Lê Văn Duyệt, người đã hai lần giữ nhiệm vụ Tổng Trấn Gia Ðịnh thành. Lần thứ nhất từ 1812 đến 1815 dưới triều Gia Long. Lần thứ hai từ 1820 đến năm ông mất là năm 1832 dưới triều Minh Mạng. Cả hai lần trấn nhậm này, ông đã phát triển vùng Ðồng Nai, Cửu Long, trở thành một khu vực trù phú và phát triển, đem lại ấm no thịnh vượng cho người dân mà trước đó chưa ai làm được. Cho nên khi ông mất rồi người dân toàn vùng đã kính cẩn nhắc đến ông như một vị thần vô cùng linh hiển của miền Nam nước Việt.”

Ông Liêm cũng cho biết là bên cạnh đức Thượng Công, những anh hùng liệt sĩ khác như Phan Thanh Giản, Trương Công Ðịnh, Nguyễn Trung Trực... đã theo gương Ðức Thượng Công sống đời thanh liêm trong sạch, đem hết tài năng đức độ phụng sự quốc gia dân tộc, góp phần lớn vào việc bảo vệ, xây dựng cũng như bồi đắp vào nền văn hóa vùng đất mới ở miền Nam Việt Nam.

Lê Văn Duyệt Foundation còn chủ trương một tập san nghiên cứu văn hóa lịch sử khu vực Ðồng Nai, Cửu Long qua những bài viết nghiên cứu, tìm tòi rất giá trị của các tác giả vốn là những giáo sư, trí thức trong cộng đồng người Việt trong và ngoài nước. Rất tiếc là sau nhiều năm hoạt động, phát hành được hàng chục tập san, công việc phải tạm ngưng vì nhiều lý do mà lý do tài chính là chính và thứ hai là sức khỏe của Giáo Sư Nguyễn Thanh Liêm.

Ðức Tả Quân Lê Văn Duyệt là một nhân vật trong cận sử Việt Nam nên tài liệu chính xác về ông có rất nhiều kể cả các tài liệu của các thương nhân nước ngoài. Hầu hết các tác giả đều ca tụng tài đức của ông. Về đức, ông sống rất thanh liêm, luôn nghĩ đến hạnh phúc của người dân dưới sự cai quản của mình. Ông là một nhà kinh tế hiếm có trong lịch sử Việt Nam. Ông cho mở giao thương rộng rãi với nước ngoài, khuyến khích việc buôn bán với thương nhân ngoại quốc, trong khi lệnh triều đình ngăn cấm, hạn chế. Ông là một trong hai “tổng chỉ huy” công trình đào kinh Vĩnh Tế để làm biên giới với Cambodia, một cái nhìn rất xa của ông về an ninh xứ sở.

Vào thời đó, Trấn Gia Ðịnh trải dài từ Bình Thuận tới Cà Mau có nền kinh tế rất phát triển, an ninh vững chắc nên đời sống của người dân được yên ổn, no ấm. Lịch sử còn ghi lại lời nói chí tình của ông: “Ta muốn trở về quê ta, trở về Gia Ðịnh. Dân Gia Ðịnh là dân cùng đường chạy về đây. Chính đám dân này đã khai sáng đất Gia Ðịnh này. Họ sống hào hiệp, nghĩa khí lắm. Ðời ta nghĩ lại, có gì đâu. Không vợ, nhà vua cho cung phi làm vợ. Không con, lấy cháu làm con. Ta không ham hố điều gì. Ta coi thường mọi công danh. Phải, ta trở về với dân Gia Ðịnh thuở hàn vi...Bao giờ nhắc tới dân Gia Ðịnh ta cũng thấy mình mang nợ.” (trích trong tập “Từ nấm mồ oan khuất đến Lăng Ông”).

Tiếc rằng, sau khi ông mất, ông lại phải chịu một cái án đau thương. Nguyên do là do người con nuôi Lê Văn Khôi, thấy triều đình đối xử quá bất công với tôi tớ của ông, đã khởi binh chống lại triều đình, chiếm thành Phiên An. Bị quân triều đình dẹp tan trong cảnh đẫm máu, hàng ngàn người theo Lê Văn Khôi đã bị triều đình xử chém, tất cả được chôn chung vào một hố gọi là “Mả Ngụy” trên phần đất thánh tại Sài Gòn. Dù Ðức Tả Quân Lê Văn Duyệt đã mất nhưng cũng bị tội, mồ mả bị san bằng, xiềng xích khóa lại, dựng bia đá sỉ nhục (theo sử thì đây là những lộng hành của đám hoạn quan trong triều). Mãi tới khi vua Thiệu Trị lên ngôi mới ban lệnh tha tội cho các thân tộc của ông và phục hồi quan chức cho ông, nhổ cây bia có khắc tám chữ sỉ nhục và cho xây cất lại phần mộ của ông. Ít năm sau, bà vợ là bà Ðỗ Thị Phấn qua đời cũng được chôn cất bên cạnh.

Nay qua bao thăng trầm ngôi mộ của ông tại Bà Chiểu thuộc tỉnh Gia Ðịnh kế bên Sài Gòn đã trở thành địa điểm văn hóa, tâm linh với công trình kiến trúc đặc sắc. Hàng năm đến ngày lễ vía của ông và vào dịp Tết Nguyên Ðán, người dân Sài Gòn, Gia Ðịnh, Chợ Lớn thường đổ về chiêm ngưỡng, lễ bái, xin xâm có cả hàng trăm ngàn người.

Tổ chức ngày lễ này, Lê Văn Duyệt Foundation đả làm một công việc bảo tồn văn hóa Việt Nam, nhắc nhở con cháu nhớ đến công ơn của các danh nhân anh hùng đã dầy công vun bồi cho đất nước Việt Nam được trường tồn an lạc.