main billboard

“Trong quá trình đó, nhóm chủ trương mong các em tìm hiểu được cội nguồn của mình là Việt Nam. Các em hiểu được ngôn ngữ của người bản xứ nên các em có thể chuyển tải qua được ngôn ngữ Việt của chúng ta sang Anh ngữ.


WESTMINSTER , California (NV) - “Thanh Âm Trẻ” là chủ đề của đêm ca nhạc do Câu Lạc Bộ Sân Khấu Nhỏ tổ chức vào tối Thứ Bảy, 19 Tháng Chín, tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, Westminster, được sự ủng hộ rất đông đảo của khán thính giả.

thanh am tre 1Các em trong Gia Đình Việt Ngữ Tự Lực đồng ca bài “Ngọn Nến Tình Yêu.”
(Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

“Khán giả đến đông đảo để yểm trợ tinh thần cũng như thưởng thức những tài năng trong thế hệ trẻ Việt, trong đó cũng có những anh chị em thân hữu của Sân Khấu Nhỏ đóng góp trong chương trình này. Vì thế, những chương trình của Sân Khấu Nhỏ được xem như một tụ điểm để đón chào những tài năng trẻ cũng như của người lớn qua các dòng nhạc quốc hồn quốc túy của dân tộc Việt và các tác phẩm tuyệt vời của thế giới,” ông Nguyễn Bá Thành, thành viên ban tổ chức, nói.

Ngoài ông Nguyễn Bá Thành, chương trình còn do Ly Ly, Hằng Ny và Đan Thư điều hợp.

Dàn dựng trên sân khấu là những nhạc cụ cổ truyền của dân tộc Việt và của Tây phương, cùng ban nhạc gồm nhạc sĩ Đinh Trung Chính (keyboard), Hùng Nguyễn (saxophone), Linh Nguyễn (acoustic guitar) và nhóm ACETTT.

Chương trình “Thanh Âm Trẻ” gồm 24 tiết mục ca diễn, hòa tấu, độc tấu, kịch... suốt khoảng thời gian gần 3 tiếng đồng hồ trình diễn, và khán giả vẫn còn đông đảo đến phút cuối cùng.

“Chủ đề ‘Thanh Âm Trẻ’ không phải là một chương trình song ngữ mà nó là một chương trình với những tiết mục song ngữ, vì Sân Khấu Nhỏ muốn đưa khán giả trải qua nhiều thời gian khác nhau từ thời cổ điển cho đến thời mới nhất ở bên này, và những tác phẩm nếu chưa có lời Việt thì các em sẽ soạn ra lời Việt, và nếu có những tác phẩm chưa có tiếng Anh, bởi vì mấy em lấy từ những ca khúc của Việt Nam, rồi các em tự soạn ra lời tiếng Anh,” cô Ly Ly, thành viên ban tổ chức, nói.

Cô nói thêm, “Trong quá trình đó, nhóm chủ trương mong các em tìm hiểu được cội nguồn của mình là Việt Nam. Các em hiểu được ngôn ngữ của người bản xứ nên các em có thể chuyển tải qua được ngôn ngữ Việt của chúng ta sang Anh ngữ. Thì đây là chương trình khó khăn nhất đối với các anh chị em trong nhóm chủ trương.”

Chương trình được mở đầu với bài nhạc bất hủ “Speak Softly, Love” của Nino Rota và Lary Kusik, bài nhạc trong phim God Father, với sự hòa tấu của Trần Cody (đàn bầu), Phạm David (guitar) và Kayla (nhịp phách). Tiếp theo, bài “Sakura, Chery Blossom” ca khúc này người Nhật đã ca ngợi nét đẹp rực rỡ của hoa Anh Đào, với phần song tấu của Tường Vi Vivian (đàn tranh Việt Nam) và Kayla (đàn tranh Nhật hay còn gọi là đàn Koto).

Bài hát kế tiếp ra đời vào năm 2006, và bài hát này đã kể nên thảm cảnh của những đứa bé mồ côi Việt Nam sống cuộc đời ăn xin lây lất ở ngoài đường. Nhạc phẩm này cũng đã từng được trình diễn trên Sân Khấu Nhỏ hồi năm vừa qua, cũng như đã được trình diễn trong chương trình “Ngọc Trong Tim” và nhiều ca sĩ Việt đã hát bài này. Đó là bài “Ngọn Nến Tình Yêu,” nhạc và lời của Đinh Trung Chính, và lời Mỹ là “Candles of Love” của Phạm Thị Vy do các em trong Gia Đình Việt Ngữ Tự Lực đồng ca.

thanh am tre 4Bài “Sakura, Chery Blossom” với phần song tấu của Tường Vi Vivian (phải)
và Kayla. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)


Một nhạc phẩm của Ý được sáng tác vào năm 1965, và chỉ trong vòng một năm sau đó thì nhạc phẩm này đã chắp cánh bay vào những trái tim của những người yêu nhạc tình trên thế giới. “You Don' t Have To Say You Love Me” (Không Cần Nói Yêu Em) của Pino Donaggio, lời Việt Phạm Duy, với tiếng hát của Đan Thanh.

“Hello” của Lionel Riche, lời Việt “Hỡi Em Yêu“của Tường Vi và Trần Quy qua tiếng hát của Trần Quy.

“Let It Be” là album cuối cùng của ban nhạc huyền thoại The Beatles. Đó cũng là cột mốc đánh dấu sự tan rã sau 10 năm vinh quang vẫn còn đọng lại trong tâm trí các fan hâm mộ. “Let It Be” đứng thứ 86 trong danh sách “500 album vĩ đại nhất mọi thời đại” của tạp chí Rolling Stone phát hành vào Tháng Mười Một, 2003.

Và bài “Let It Be” của Beatles, lời Việt “Hãy Yêu Đi“của Tường Vi, được trình bày qua phần song ca của Lily và Nguyễn Phong.

Khúc nhạc “Wer Uns Getraut” cùng với nhiều bài nhạc khác của Johann Strauss đã được Hollywood đưa vào phim “The Grart Waltz,” với nội dung là một cốt truyện hư cấu về cuộc đời tình ái và sự nghiệp của nhạc sĩ tài hoa này. Bài “Wer Uns Getraut” bị Dimitri Tiomkin cắt bớt đi một chút và từ một khúc song ca nhịp 6/8 nó biến thành một bài đơn ca với nhịp Valse 3/4, lời Anh ngữ do Oscar Hammerstein ll đặt với tựa là “One Day When We Were Young.” Giọng hát của danh ca soprano kiêm tài tử Miliza Korjus đã làm cho các khúc này được nhiều người yêu thích và được phổ biến rộng rãi hơn.

Và bài hát này được Phạm Duy chuyển sang lời Việt với tựa là “Khúc Hát Thanh Xuân,” được Hana Trần và Nam Trân song ca.

thanh am tre 5Đông đảo đồng hương đến xem chương trình “Thanh Âm Trẻ.”
(Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)


Kế đến là tiếng hát của Bé Hiếu Hugo, một trong những “thần đồng” ca nhạc của người Việt tại Little Saigon qua bài nhạc “Seasons In The Sun” của Jacques Brel, lời Việt “ Những Mùa Nắng Đẹp” của Phạm Duy.

“A Time For Us” là bài hát được viết riêng cho bọ phim trong phim Romeo and Juliet, chuyển từ tiểu thuyết của đại văn hào Williams Shakespeare. Bộ phim ra mắt năm 1968, đạo diễn Franco Zefirelli. Hai diễn viên chính trong vai Romeo và Juliet là Leonard Whiting và Olivia Husey. Lời bài nhạc do Lary Kusik và Eddie Snyder đảm nhiệm, phần nhạc của Nino Rota. Ngay sau khi bộ phim ra mắt, “A Time For Us” đã trở thành bài hát thông dụng về tình yêu của giới trẻ.

Bài nhạc “A Time For Us” trong tình sử Romeo và Juliet, lời Việt của Phạm Duy, được trình diễn qua hai tiếng hát của Ngọc Diệp và Mạnh Hùng.

“La Comparsita” của Rodriguez, Contursi do Toàn Tommy (trong nhóm ACE TTT) độc tấu Tây Ban Cầm.

Bài nhạc “Serenate” của Enrico Toseli và lời Việt “Chiều Tà” của Phạm Duy với tiếng hát của Nam Trân với phần phụ họa của Vĩ cầm thủ Hoàng Thi Thao.

“Chỉ cần nhìn qua những tiết mục vừa rồi thì quý vị cũng như tôi đây đều đi đến một nhận xét là quá hay và hấp dẫn, và những cái thiếu sót, khuyết điểm nào đó thì không đáng kể. Mà chuyện quan trọng nhất là cái tâm, cái lòng, cái ý muốn của các cháu. Các cháu nói được tiếng Việt, đàn được những bài Việt, đó là điều rất đáng quý. Cái quý hơn nữa là các bậc phụ huynh, các bậc cha mẹ đã yểm trợ và ủng hộ các em từ tinh thần đến vật chất,” nhạc sĩ Hoàng Thi Thao chia sẻ.

Ông nói thêm, “Một điều nữa là chúng ta có cái may mắn rất lớn, là tại miền Nam Việt Nam từ năm 1954 đến 1975, chúng ta có một văn hóa rất tuyệt vời. Sau đó chúng ta ra đi và cũng mang những văn hóa tuyệt vời đó cùng sang đây để cho các con cháu của chúng ta.”