main billboard

Như năm ngoái chúng tôi có chủ đề 'Tổ Quốc và Quê Hương' thì năm nay chúng tôi chọn chủ đề là 'Tri Ân người lính VNCH-Vinh danh người vợ lính.'”


WESTMINSTER, California (NV) - Đã qua 23 lần họp mặt, nhưng những cựu giáo sinh Sư Phạm Quy Nhơn vẫn thấy chưa đủ để chan hòa cho nhau những tình cảm sâu lắng một thời từng chung nhau dưới mái trường nên năm nay họ lại đang nao nức chờ ngày Chủ Nhật, 9 Tháng Tám tới tại nhà hàng Paracel Seafood, 15583-89 Brookhurst Street, Westminster, CA 92683, để một lần nữa vui đùa hàn huyên tâm sự và để nhắc nhau sẽ còn gặp lại nhau nhiều lần nữa.

supham quynhon 1Một số cựu giáo sinh Sư Phạm Quy Nhơn trong ban tổ chức ngày hội ngộ lần
thứ 23 hồi năm 2014. (Hình: Ban tổ chức cung cấp)

Tâm tình sâu lắng ấy được cựu giáo sinh Đặng Thu Hiên bày tỏ, “Tuổi mới lớn vừa ra khỏi các lớp trung học đậu xong Tú Tài thì chúng tôi đã có một hướng đi đang làm xôn xao tuổi trẻ bấy giờ. Đó là sự phát triển giáo dục của chính phủ đang cấp tốc mở rộng mạng lưới giáo dục tại các tỉnh miền Trung mà nhiều tỉnh trong thời gian chiến tranh Việt Pháp trước đó đã không lo được. Hai năm được đào tạo để trở thành các cô giáo, thầy giáo hướng dẫn, dạy dỗ cho cả một thế hệ sau chiến tranh đang được hưởng sự an bình dưới chế độ Cộng Hòa tại một nửa đất nước. Ai cũng mong muốn được góp công sức vào công việc đội đá vá trời này. Vì thế mà anh chị em giáo sinh chúng tôi từ khóa I vào năm 1962 cho đến khóa 13 vào năm 1975, khóa này mới học được có nửa chừng thì đứt gánh, ai nấy đều có chung một tâm tình nên rất dễ gần nhau để kết lại thành một khối vững chắc trong sinh hoạt cộng đồng ở hải ngoại.”

Đương kim hội trưởng Ái Hữu Sư Phạm Quy Nhơn là cựu giáo sinh khóa 6 Phạm Nghĩa Hùng, tức nghệ sĩ Vũ Hùng trong ban Tù Ca Xuân Điềm, cũng tâm tình, “Hai mươi ba lần họp mặt đã qua, anh chị em cựu giáo sinh chúng tôi đều họp mặt với nhau dưới một chủ đề được ban tổ chức chọn lựa. Như năm ngoái chúng tôi có chủ đề 'Tổ Quốc và Quê Hương' thì năm nay chúng tôi chọn chủ đề là 'Tri Ân người lính VNCH-Vinh danh người vợ lính.'”

“Chủ đề này được thể hiện rõ nét trong chương trình văn nghệ giúp vui trong suốt buổi hội ngộ. Bài hùng ca 'Anh Đi Chiến Dịch' sẽ mở đầu chương trình văn nghệ mà cũng là nhắc nhở đến hùng khí của anh chị em giáo sinh chúng tôi khi gia nhập trường để tiếp tay chính phủ chống giặc dốt, nâng cao trình độ dân trí theo những phương châm mà chính phủ đề ra là 'Dân Tộc-Nhân Bản-Khai Phóng.' Nói riêng về giới cựu giáo sinh chúng tôi thì cái hùng khí tuổi trẻ lúc ấy đã là chất keo dính kết chúng tôi cho đến ngày nay,” ông Hùng nói tiếp.

Ông thêm, “Còn để vinh danh những người vợ lính, những phụ nữ Việt Nam kiên trung đã nuôi chồng trong suốt thời gian chồng bị tù cải tạo, còn đứng vững để nuôi nấng đàn con. Bài hát trong mục này là bài 'Lần Đầu Đi Thăm Ba' do tôi sáng tác nhắc đến tâm tình của người vợ lính khi dẫn con thăm chồng để cho con tận mắt nhìn được sự đầy đọa mà cha mình phải chịu để con có được một chí hướng sau này. Ngoài ra chương trình văn nghệ còn nhiều tiết mục ca múa khác nữa mà những nữ giáo sinh Sư Phạm Quy Nhơn thường tiềm tàng máu văn nghệ trong người từ thời còn trẻ nay sẽ lại được dịp thi thố. Nói chung, lần hội ngộ nào trước đây cũng để lại những ấn tượng khó quên với chúng tôi.”

Sư Phạm Quy Nhơn là một trường lớn không chỉ của Quy Nhơn mà của chung của các tỉnh miền Trung suốt từ Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên, Bình Định, Phú Yên. Học sinh ở các tỉnh này sau khi tốt nghiệp trung học đã đổ về Quy Nhơn ghi danh vào trường Sư Phạm để rồi sau hai năm được thụ huấn, sẽ trở thành những thầy cô giáo tại khắp các vùng thôn quê xa xôi, hẻo lánh, thiếu tiện nghi để mang những kiến thức thời đại mở mang dân trí, đóng góp vào việc xây dựng một nửa nước Việt Nam theo kịp bước tiến hóa, văn minh của nhân loại.

Đây là một nỗ lực của các chính phủ VNCH từ thời Đệ I cho đến Đệ II mặc dù chiến tranh phá hoại của Cộng Sản đã ngăn trở không ít đến chương trình giáo dục này.

Vì là một trường thu hút giáo sinh từ khắp các tỉnh miền Trung nên nhà trường đã tổ chức nội trú cho người ở xa nên các giáo sinh có được một không khí thân thiết nghề nghiệp ngay từ những ngày đầu. Trong chương trình giảng huấn, các giáo sinh còn được thực tập môn Giáo Dục Cộng Đồng tại những trại Nghiên Cứu Địa Phương. Từ đó, tiếp cận được cộng đồng, phát hiện được những nhu cầu của dân chúng cần phải cải thiện, đặt những kế hoạch để thực hiện những cải thiện ấy qua những cuộc tổ chức các hoạt động xã hội mà phổ biến cách thức cải thiện đời sống của họ.

Nhiệm vụ được trao cho các giáo viên tốt nghiệp từ Sư Phạm Quy Nhơn đã vượt qua lãnh vực của một nhà giáo mà còn là một chiến sĩ xã hội giúp cải thiện đời sống người dân các tỉnh miền Trung có được đời sống văn minh tốt đẹp hơn.

Quý độc giả cần biết thêm chi tiết có thể liên lạc (714) 728-6503, (714) 724-9591.