main billboard

Bác Sĩ Larry Ward lúc đó đã cùng với cựu Trung Tá Không Quân Jack Bailey thành lập Weimar Hope Village ở Sacramento, chỗ ở tạm thời cho những người tị nạn.


WESTMINSTER, California (NV) - Bốn mươi năm trước, nhiều người tị nạn Việt Nam rời bỏ quê hương đặt chân lên nước Mỹ, trong đó có nhóm người Việt được tập trung ở Weimar Hope Village (Làng Hy Vọng Weimar) ở Sacramento, California. Bốn thập niên sau, nhóm người tị nạn năm xưa lại có dịp gặp lại nhau, ôn lại kỷ niệm cũ tại buổi họp mặt thân tình, được tổ chức vào lúc 12 giờ trưa Chủ Nhật, 26 Tháng Bảy, tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, 14771 Moran Street, Westminster, CA 92683.

Đặc biệt, đến với buổi họp mặt, bà Kim Dung, một trong  những người tị nạn tại Weimar Hope Village và là người đưa ra ý tưởng tổ chức buổi họp mặt này, chia sẻ với nhật báo Người Việt rằng, đây là dịp để bản than bà cũng như những người Việt tị nạn năm xưa được gửi đến lời cám ơn tổ chức “Food For the Hungry”- một tổ chức từ thiện đã đứng ra giúp đỡ, cưu mang và tạo công ăn việc làm cho những người Việt “chân ướt, chân ráo” đến Mỹ.

weimar hope village
Trẻ em tị nạn tại Weimar Hope Village. (Hình: Facebook của Weimar Hope Village)

“Food For The Hungry” là tổ chức từ thiện do Bác Sĩ Larry Ward thành lập năm 1971, với mục đích giúp đỡ trẻ em đói nghèo có cái ăn, cái mặc. Trong những ngày cuối Tháng Tư, 1975, Sài Gòn loạn lạc, tổ chức này đã đưa những nhân viên của tổ chức và gia đình của họ lên đường sang Mỹ tị nạn.

Sau khi sống một thời gian ở Camp Pendelton, California, họ cư ngụ tại các thành phố lân cận. Bác Sĩ Larry Ward lúc đó đã cùng với cựu Trung Tá Không Quân Jack Bailey thành lập Weimar Hope Village ở Sacramento, chỗ ở tạm thời cho những người tị nạn.

Tại đây, những người tị nạn được học tiếng Anh, trẻ em được đi học.

Bà Kim Dung kể, họ còn dạy cho những người tị nạn cả cách đếm và xài tiền Mỹ như thế nào.

Chuyện đặc biệt mà ai cũng biết đến đó là chính tại Weimar Hope Village, nữ tài tử Hollywood Tippi Hersen, một trong những người tham gia tình nguyện ở “Food For The Hungry,” đã mang thợ làm móng riêng của mình đến để dạy cho 20 người Việt về nail, để từ đó 20 người này có công ăn việc làm ổn định, mở đầu cho nghề nail rộng khắp với người Việt sau này.

weimar hope village nailTấm hình nổi tiếng chụp bà Tippi Hedren và nhóm 20 người Việt học làm nail. (Hình: Facebook của Weimar Hope Village)

Còn biết bao nhiêu kỷ niệm khác mà những người này đã làm cho nhóm người tị nạn ở Weimar Hope Village năm xưa. Họ mở rộng vòng tay giúp đỡ những người bỡ ngỡ nơi xứ người.

Buổi họp mặt này sẽ là dịp để những người tị nạn ngày ấy có cơ hội được gặp lại những người Mỹ từng giúp đỡ mình và được nói lời cám ơn chân thành. Và đây cũng là dịp để mọi người có thể đóng góp cho “Food For The Hungry” để tổ chức ngày càng phát triển hơn, có nhiều cơ hội để giúp đỡ nhiều người hơn như chính tổ chức đã từng làm năm xưa.

Cô Bội Ngọc, một người được sinh ra ở Weimar Hope Village, cho nhật báo Người Việt biết rằng, cô may mắn có được danh sách những người từng tị nạn ở làng này, do nhân viên ở đó cung cấp. Cô đã dùng danh sách đó để tìm kiếm, liên lạc với mọi người để có thể đến với buổi họp mặt Chủ Nhật này.

“Là một trong các đứa bé được sinh ra ở Weimar Hope Village, mặc dù còn quá nhỏ để có thể nhớ chuyện ngày xưa, nhưng tôi biết một điều rang, nếu không có Bác Sĩ Larry Ward, nếu không có tổ chức “Food For The Hungry," nếu không có chỗ trú chân ở Weimar Hope Village, chắc chắn gia đình tôi và những người tị nạn khác sẽ không có được như ngày hôm nay,” cô chia sẻ.

Ngoài ra, tại buổi họp mặt, theo bà Kim Dung, ban tổ chức sẽ thực hiện một phóng sự ngắn kể về cuộc sống của người tị nạn ở Weimar Hope Village, để thế hệ trẻ sau này có thể hiểu thêm ông bà, cha mẹ của họ đã có một lịch sử như thế nào với sự giúp đỡ của “Food For The Hungry.”

Mọi chi tiết, xin liên lạc qua địa chỉ email This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it..