main billboard

Trong phần khai mạc, Giáo Sư Dương Ngọc Sum, hội trưởng, nói lời chào mừng ngày họp mặt năm nay, cũng là đánh dấu lần hội ngộ năm thứ 40 của Gia Ðình Sư Phạm Hải Ngoại.


GARDEN GROVE, California (NV) - Gia Ðình Sư Phạm Hải Ngoại vừa tổ chức một buổi họp mặt tại nhà hàng Diamond Seafood, Garden Grove, hôm Chủ Nhật, 19 Tháng Bảy.

Dù đây là lần họp mặt thường niên của Gia Ðình Sư Phạm Hải Ngoại, mới có một năm, mà như đã xa cách nhau từ lâu. Mọi người hàn huyên tâm sự mãi không thôi, vui cười tíu tít như thời còn học chung dưới mái trường Sư Phạm Sài Gòn.


supham 4Giáo Sư Dương Ngọc Sum (phải) giới thiệu Ban Chấp Hành Gia Ðình Sư Phạm. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Trong phần khai mạc, Giáo Sư Dương Ngọc Sum, hội trưởng, nói lời chào mừng ngày họp mặt năm nay, cũng là đánh dấu lần hội ngộ năm thứ 40 của Gia Ðình Sư Phạm Hải Ngoại.

Sau nghi thức khai mạc, chị Huê Mỹ giới thiệu thành phần tham dự gồm có các giáo sư Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Hữu Phước, Nguyễn Tử Quý, Dương Ngọc Sum, và đặc biệt có Giáo Sư Nguyễn Duy Linh từ Việt Nam cũng đến dự.

Các vị khách quý, hội đoàn được mời gồm có Gíáo Sư Dương Ngọc Bày, trường Quốc Gia Kịch Nghệ Sài Gòn, bà Ngọc Nữ, giám đốc đài truyền hình KVLA 56.5, Hội Ái Hữu Sư Phạm Quy Nhơn, Hội Ái Hữu Gò Công...

Tham dự đông nhất là những cựu giáo sinh Gia Ðình Sư Phạm các khóa, từ khóa 1 đến khóa 13, đến từ Canada, Pháp, Việt Nam và nhiều tiểu bang Hoa Kỳ.

Văn nghệ khai mạc với phần thơ nhạc giao duyên nhạc phẩm “Chiến Sĩ Vô Danh” sáng tác Phạm Duy, hòa điệu với bài thơ “Anh Hùng Vô Danh” của Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy qua phần trình diễn Thầy Phước, Thầy Sum, các cựu giáo sinh Ðặng Trần Hoa, Anh Ngọc, Hồng Mai, Bích Thủy và Quốc Dũng.

Kế tiếp, Giáo Sư Nguyễn Tử Quý, hội phó Gia Ðình Sư Phạm, nói vài lời tâm tình chia sẻ. Ông nói trong đời, ông luôn biết ơn cha mẹ và các thầy dạy mình từ các môn học thường thức đến những tâm tình với tổ quốc, đồng bào, dạy lòng yêu quê hương, đất nước, dạy biết thương yêu đồng bào, cùng nhau giữ gìn bờ cõi trước nạn ngoại xâm.

Rồi ông mọi người cùng nhau hát bài “Lời Cảm Ơn,” nhạc Ngô Thụy Miên, phổ thơ Hạ Ðỏ Bích Phượng. Bài hát như một lời cảm ơn gởi đến tất cả mọi người.

Giáo Sư Nguyễn Duy Linh, từ Việt Nam sang tham dự, là một vị thầy được nhiều cựu giáo sinh thương mến, được mời lên phát biểu.


supham 5Thầy cô được các học trò tặng hoa tri ân. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Ông nói rất vui khi được gặp lại mọi người hôm nay, và ngâm bài thơ “Viết Cho Em” do ông sáng tác để tặng mọi người. Bài thơ mang dấu ấn kỷ niệm, một sợi dây vô hình ràng buộc với Gia Ðình Sư Phạm hơn nửa thế kỷ. Bài thơ này ông sáng tác vào dịp trở lại nước Mỹ đúng 25 năm sau khi mất miền Nam, và nói đó là một chuyến đi lịch sử nhớ đời và cảm động nhất của ông.

Ông giải thích: “'Em' ở đây có thể là một người bạn thường uống cà phê chung, có thể là cô nữ sinh học rất giỏi hay là tất cả những người bạn, hiện diện ở đây hay còn ở Việt Nam, hoặc cả những người đã vắng mặt...”

Bài thơ nói lên những kỷ niệm khi ông được bổ nhiệm về dạy Sư Phạm Sài Gòn cho đến ngày cuối của cuộc chiến, đã từng lo lắng cho học trò của mình lên đường ra trận trong thời chinh chiến loạn ly, và cả những nỗi nhục nhằn gánh chịu khi mất nước, đến khi cầm được sổ thông hành, đến được Little Saigon là thấy cả hết những bạn bè xưa.

Lời bài thơ qua diễn ngâm của ông Nguyễn Duy Linh làm cả hội trường bồi hồi xúc động.

Hai cựu học sinh Sư Phạm Thực Hành, Doãn Xuân Hương và Doãn Hưng, trình diễn bài hát toàn những chữ có vần bằng các mẫu tự nguyên âm rất dễ thương, dành để dạy cho thiếu nhi tập đánh vần.

Phần cảm động nhất trong buổi hội ngộ là tri ân thầy cô.

Các giáo sư Doãn Quốc Sỹ, Dương Ngọc Sum, Nguyễn Hữu Phước, Nguyễn Duy Linh, Nguyễn Tử Quý được mời lên sân khấu để các học trò trao tặng những đóa hoa nồng thắm ân tình. Giây phút xúc động này được tán thuởng nồng nhiệt qua những tràng pháo tay không dứt.

Tiếp theo, cô Thu Hiền, đại diện Ban Chấp Hành Sư Phạm Qui Nhơn, phát biểu cảm tưởng nói lên lời tri ân sâu sắc nhất xin gởi đến các thầy cô, những người đã miệt mài đào tạo những thế hệ giáo sinh sư phạm cho xã hội. Rồi cô hát nhạc phẩm “Ðường Xưa Lối Cũ” sáng tác Hoàng Thi Thơ.


supham 6Hợp ca “Chiến Sĩ Vô Danh.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Phần văn nghệ sôi động hẳn lên với nhạc phẩm “Ghé Bến Sài Gòn” sáng tác Văn Phụng qua phần hợp ca của Ban Văn Nghệ Sư Phạm Sài Gòn.

Kế đến, ban tổ chức vinh danh các thầy cô vào thành viên ban chấp hành hội, đã bỏ công sức tổ chức buổi hội ngộ năm nay.

Không khí như trầm lắng lại khi các cựu giáo sinh khóa 9 thực hiện nghi thức tưởng niệm bạn đồng môn, anh Phạm Vũ Hòa, vừa từ trần tại Louisiana hồi Tháng Tư. Anh là một người rất năng động được bạn học và các giáo sư quý mến.

Chị Thu Giang đơn ca và đệm guitar hát bài “Cát Bụi” sáng tác Trịnh Công Sơn, những người khác quây quần chung quanh một chiếc ghế trống để ở giữa, trong khi chị Thái Huệ đọc lời tưởng niệm.

Tiếp nối là các màn văn nghệ độc đáo, bao gồm nhạc cụ dân tộc và các mục đơn ca, song ca, kịch, hát bội...

Khi đất nước bị chia đôi năm 1954, từ vĩ tuyến 17 trở vào Nam, nhu cầu phát triển giáo dục rất cần thiết, kéo theo nhu cầu xây dựng trường học và đào tạo giáo chức.

Do đó, trường Quốc Gia Sư Phạm được thành lập năm 1955, giáo chức ra trường được dạy hai cấp tiểu học và trung học, thu dụng các giáo sinh từ Bến Hải tới Cà Mau. Sau thời gian cải tổ lại, Sài Gòn có hai trường Cao Ðẳng Sư Phạm và Ðại Học Sư Phạm, huấn luyện được 13 khóa với nhiều giáo chức ra trường, từ đó các địa phương khắp miền Nam lần lượt mở ra 19 trường sư phạm nữa.

Từ sau năm 1975, một số giáo sư, giáo sinh đã ra khỏi nước và quy tụ lại, và Gia Ðình Sư Phạm Hải Ngoại được thành lập đến nay đã 40 năm, thường hẹn nhau gặp nhau vào Tháng Bảy hàng năm như là dịp hội ngộ để tâm tình, hàn huyên, giúp đỡ nhau nơi xứ người.