Vào năm 1881-1882, những đội quân chống Pháp của ba tỉnh miền Đông về tụ nghĩa dưới ngọn cờ của Bình Tây Đại Nguyên Soái Trương Công Định, chống lại cuộc tấn công của liên quân Pháp-Tây Ba Nha. Đây cũng là nơi an nghỉ cuối cùng của người anh hùng Trương Công Định.


WESTMINSTER (NV) - Hàng năm, cứ vào khoảng đầu Tháng Tám Dương Lịch, Hội Ái Hữu Gò Công lại làm lễ giỗ Đức Bình Tây Đại Tướng Quân Trương Công Định để đồng hương cùng ghi nhớ công ơn những anh hùng đã xả thân bảo vệ đất nước.

hoingo gocong 9Một cảnh trong buổi hội ngộ đầu năm của hội Ái Hữu Gò Công.
(Hình Linh Nguyễn)

Năm nay lễ giỗ sẽ được tổ chức vào ngày Chủ Nhật, 9 Tháng Tám, tại nhà hàng Diamond Seafood Palace, Garden Grove.

Theo ông Đặng Văn Thinh, hội phó nội vụ, thì “đây là một trong hai sinh hoạt chính của hội từ hơn 20 năm nay. Một là vào dịp tân niên hội ngộ để bà con Gò Công xa xứ cùng chung vui đón một mùa xuân mới trên đất khách. Hai là lễ giỗ Đức Bình Tây Đại Tướng Quân Trương Công Định, người anh hùng chống thực dân Pháp.”

Theo ban tổ chức, Hội Ái Hữu Gò Công thành hình khá sớm. Lúc đầu chỉ là một hội tương trợ mục đích là liên lạc, giúp đỡ những bạn bè thân hữu còn kẹt lại bên nhà đang phải sống khó khăn chật vật. Đến năm 1994 theo đề xướng của cựu Trung Tá Nguyễn Tấn Hưng, nguyên quận trưởng Hòa Tân, các thân hữu Gò Công lập nên Hội Ái Hữu Gò Công để quy tụ bà con Gò Công kể cả những dâu rể Gò Công và những quân cán chính từng làm việc tại đây. Nhiệm kỳ đầu do ông Lê Thiện Tùng làm hội trưởng, sau đó là thương gia Nguyễn Minh Chiêu. Kế đó là bà Võ thị Mộng Thu và nay là ông Nguyễn Tấn Đời.

Ông Nguyễn Minh Chiêu qua 6 năm trong chức vụ hội trưởng đã bỏ nhiều công sức phát triển hội, đặc biệt là làm bừng dậy phong trào cổ nhạc miền nam qua những cuộc thi tuyển lựa giọng ca cổ vào năm 2000 và 2001 tại Little Saigon.

Kế đó bà Võ thị Mộng Thu cũng đóng góp vào việc phát triển hội, liên kết chặt chẽ với các hội đồng hương khác khiến sinh hoạt hội đoàn phong phú hẳn lên.

Gò Công chỉ là một tỉnh nhỏ nằm ven biển chỉ có diện tích khoảng 55 ngàn mẫu tây nhưng lại là một miền đất xẩy ra nhiều sự kiện lịch sử.

Vào năm 1881-1882, những đội quân chống Pháp của ba tỉnh miền Đông về tụ nghĩa dưới ngọn cờ của Bình Tây Đại Nguyên Soái Trương Công Định, chống lại cuộc tấn công của liên quân Pháp-Tây Ba Nha. Đây cũng là nơi an nghỉ cuối cùng của người anh hùng Trương Công Định.

Vào những năm đầu thế kỷ 20, các nhà yêu nước Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh cũng từng đến Gò Công để khơi dậy lòng yêu nước của nhân dân miền Nam.

Gò Công còn nổi danh là vùng đất địa linh nhân kiệt sản sinh những nhân vật như Võ Tánh, Ngô Tùng Châu, Phạm Đăng Hưng, bà Từ Dũ Phạm thị Hằng (thân mẫu vua Tự Đức), Nam Phương Hoàng Hậu Nguyễn Hữu thị Lan, Đức cha Nguyễn Bá Tòng, nhà văn Hồ Biểu Chánh. Thời cận đại, đệ I và đệ II Cộng Hòa có Luật Sư Vương Quang Nhường, Giáo Sư Thạc Sĩ Nguyễn Văn Bông, các tướng lãnh như Đồng Văn Khuyên, Văn Thành Cao...

Quí độc giả cần biết thêm chi tiết về ngày giỗ anh hùng Trương Công định, xin liên lạc Hội Ái Hữu Gò Công (714) 376-7797, (714) 823-5160. (N.H.)