main billboard

Chúng tôi đã thu góp được một số sách của các nhà yêu nước, cách mạnh như của Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng. Về văn chương nghệ thuật có tác phẩm của các nhà văn Võ Phiến, Cung Tích Biền, Thanh Huy và nhiều nhà văn nhà thơ trẻ mới gia nhập văn đàn ở hải ngoại sau 1975.


Vào ngày Thứ Bảy, 4 tháng 7, các cựu học sinh thuộc các khối lớp 58, 59, 60 của trường trung học công lập Trần Cao Vân tại thị xã Tam Kỳ tỉnh Quảng Tín, sẽ có cuộc họp mặt và triển lãm sách báo văn hóa Quảng Tín tại Hội Trường VNCR, trên đường Moran, thành phố Westminster.

hocsinh trancaovanCác thầy cô vui mừng tham dự trong một cuộc họp mặt của cựu học sinh
 Trần Cao Vân Tam Kỳ Quảng Tín. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Nhà văn Trần Yên Hòa, người đứng tổ chức cuộc hội ngộ và triển lãm này cùng một đồng môn là anh Diên Nguyễn trên San Jose cho biết, “Sở dĩ có buổi hội ngộ này, trong khi cựu học sinh Trần Cao Vân cũng đang tổ chức một cuộc họp mặt lớn trong cùng ngày nhưng khác giờ, là vì cái khối ba niên khóa 1958, 1959 và 1960 nay phần lớn đã vào tuổi gần 80 cả rồi. Nhớ lại vào thời gian ấy ba niên khóa này chúng tôi đã có những tâm tư khá khác biệt với anh chị em đồng môn thuộc các niên khóa sau. Đó là thời kỳ sau biến cố chia đôi đất nước, miền nam thuộc chế độ tự do, không chấp nhận cộng sản nên không thừa nhận Hiệp Định Geneve 1954. Đó cũng là thời kỳ Việt Nam Cộng Hòa mở mang phát triển. Ngành giáo dục được mở rộng, các trường học được xây cất nhiều giúp cho thế hệ chúng tôi có điều kiện theo học lên cao ngay tại địa phương. Trong bối cảnh ấy, anh em chúng tôi sớm có được ý thức chính trị, ý thức tự do và những tình cảm sâu sắc về quê hương đất nước.”

Qua cuộc điện đàm ngắn, anh Diên Nguyễn, dân cư San Jose, cho phóng viên báo Người Việt biết, “Họp mặt riêng nhưng không phải là ba khối lớp ấy có tinh thần chia rẽ mà chì vì một lý do duy nhất là cùng chung cảnh ngộ một thời nên có nhiều tâm tình trao đổi được với nhau. Với tôi thì nhận đứng tổ chức cùng anh Trần Yên Hòa là chỉ mong được gặp lại anh em đồng môn cũ để hàn huyên cho bõ những ngày tháng cách xa, còn mọi chuyện triển lãm sách báo văn hóa Quảng Tín thì anh Hòa lo cùng với một số tác giả gốc Quảng Tín.”

Cho biết về cuộc triển lãm này, nhà văn Trần Yên Hòa giới thiệu, “Quê hương Quảng Tín, danh xưng thời Việt Nam Cộng Hòa, sau 1975 đã bị sát nhập luôn vào tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng, vốn là nơi đã sinh ra các bậc hào kiệt, các nhà yêu nước. Các vị này đã để lại những sách vở ghi lại những ý kiến, những mong muốn của mình về đất nước làm sao đánh đuổi được thục dân Pháp, làm sao cho dân tộc được ấm no hạnh phúc. Chúng tôi đã thu góp được một số sách của các nhà yêu nước, cách mạnh như của Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng. Về văn chương nghệ thuật có tác phẩm của các nhà văn Võ Phiến, Cung Tích Biền, Thanh Huy và nhiều nhà văn nhà thơ trẻ mới gia nhập văn đàn ở hải ngoại sau 1975. Nhà văn Trần Hoài Thư là một giáo sư của Trần Cao Vân cũng có những tác phẩm trong cuộc triển lãm này.”

Nhắc về Trần Cao Vân thời nào, nhà văn Trần Yên Hòa bùi ngùi, “Nay đã mất cả rồi anh ạ, từ danh xưng tại các địa phương như Tam Kỳ, Quảng Tín, Quế Sơn v.v... nhà cầm quyền Hà Nội đã đổi tên hết. Trường Trần Cao Vân thì nay đổi tên là Trần Quốc Toản, dành cho các cán bộ học tại chức. Chúng tôi là những lớp lớn tuổi xưa muốn có buổi gặp gỡ riêng để tâm tình cho dễ chứ không có ý định gì. Trong quá khứ cũng đã có một vài lần anh em chúng tôi cũng đã tổ chức gặp gỡ riêng như thế này. Năm nay lại có cuộc hội ngộ toàn trường nên anh em chúng tôi sẽ gặp gỡ nhau vào buổi trưa và chiều tối sẽ quần tụ với toàn trường lại càng thêm vui vẻ.”

Quí độc giả cần liên lạc với cựu học sinh Trần Cao Vân Tam Kỳ Quảng Tín, có thể gọi tới (714) 360-7356 hay (408) 912-6988.