main billboard

California có thể nói là thị trường luôn đi đầu trong các thay đổi để thích ứng với tiêu chuẩn sức khỏe và an toàn cho người làm nail.


WESTMINSTER (NV) - Ngay sau hai bài phóng sự của nhật báo New York Times về tình trạng trả lương sai luật, ngược đãi nhân viên, và điều kiện làm việc thiếu an toàn cho người làm nail tại các tiệm nail ở New York, thống đốc tiểu bang, Andrew Cuomo, ngay lập tức ra lệnh thành lập các nhóm đặc nhiệm để chỉnh đốn ngành nail tại tiểu bang này.

lamnail 1Vì nghề nghiệp, người thợ làm nail thường xuyên phải tiếp xúc với các hóa chất trong ngành thẩm mỹ. (Hình: Getty Images)

Lực Lượng Ðặc Nhiệm bao gồm nhân sự kết hợp từ các Bộ Nội Vụ, Bộ Lao Ðộng, Bộ Y Tế, Sở Thuế và cơ quan Bảo Hộ Lao Ðộng của New York.

Cùng thời điểm, thị trưởng New York City, Bill De Blasio, cho tiến hành “Ngày Hành Ðộng,” gởi 500 nhân viên thành phố, thiện nguyện viên, quan chức chính quyền, đi vào gần 1,000 tiệm nail trong số 2,000 tiệm trong thành phố, phổ biến thông tin để người làm nail biết quyền của mình; đồng thời nói với giới chủ tiệm nail về trách nhiệm pháp lý của họ.

New York của người Hàn Quốc

Theo tờ New York Times số ra ngày 11 Tháng Năm, trong số những biện pháp khẩn cấp mà Thống Ðốc Cuomo đề xướng, có điều khoản buộc giới chủ tiệm nail coi lại vấn đề môn bài, đồng thời thu xếp việc truy trả tiền lương cho nhân viên cho phù hợp với luật lệ hiện hành. Nếu không tuân phục việc truy trả hoặc không có môn bài, tiệm sẽ bị đóng cửa.

Bài phóng sự của New York Times viết rằng phần lớn người làm nail tại thành phố New York được trả lương thấp hơn mức lương tối thiểu do chính phủ quy định. Có trường hợp, người đi làm không được trả lương. Nhân viên làm việc chịu nhiều tình huống làm mất nhân phẩm, kể cả việc chủ tiệm cắt tiền “tip” vì những lỗi sai phạm nhỏ. Giới chủ thì gần như không hề bị phạt vì những vi phạm tương tự.

Giới làm nail ở New York tuyệt đại đa số là di dân đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc, và các quốc gia khác.

Theo Hiệp Hội Nail Người Mỹ gốc Hàn, thị trường nail tại thành phố New York do cộng đồng Hàn Quốc thống lĩnh, chiếm đến 70%-80%. Kế tiếp là người Trung Quốc và đứng cuối bảng là người Tây Ban Nha cùng một số sắc dân không phải Á Châu khác. Theo New York Times.

Những tai tiếng xảy ra đối với ngành nail tại New York, do người Hàn Quốc thống lĩnh khác xa với tiêu chuẩn của ngành nail California, do người gốc Việt làm chủ.

Một trong những nhà chuyên môn về hóa chất trong các sản phẩm ngành nail mà tờ New York Times phỏng vấn và đăng trong bài là ông Doug Schoon, đồng Chủ Tịch Hội Ðồng Cố Vấn Về An Toàn Ðối Với Thẩm Mỹ Chuyên Nghiệp Ngành Nail (Professional Beauty Association’s Nail Manufacturers Council on Safety).

Một trong những điều mà ông Schoon nhấn mạnh trong cuộc trả lời phỏng vấn của Người Việt, là “bài báo trên New York Times không hề đề cập đến những gì liên quan đến giới làm nail gốc Việt.”

Một số nghiên cứu cho thấy có bằng chứng để kết nối các hóa chất dùng trong sản phẩm ngành nail với sức khỏe của người làm nail. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có những nghiên cứu đủ sâu và chi tiết về mối quan hệ nhân-quả này. Một đoạn trong bài viết trên New York Times: “Kết quả chắc chắn vẫn chưa được nắm vững, một phần vì cuộc nghiên cứu còn giới hạn. Có rất ít sự tìm tòi nhắm vào người làm nail một cách cụ thể. Không ai biết nhiều về việc có tầm mức ảnh hưởng của các độc tố hoặc kết quả cộng hưởng dài hạn hoặc có sự liên quan giữa sức khỏe của người làm nail với các độc tố hay không.”

lamnail 2
Liên Hiệp Nail Lành Mạnh đang phổ biến khắp California. (Hình:cahealthynailsalons.org)

Ðiều này được một thành viên Liên Hiệp Ngành Nail Lành Mạnh (California Healthy Nail Salon Colaborative - CHNSC), Tiến Sĩ Thu Quách, nói với báo chí: “Hiện giờ chưa có những nghiên cứu sâu về ảnh hưởng của những tiệm nail với người làm nail.” Bà chỉ khuyên mọi người hãy bắt đầu hạn chế những hóa chất xấu.

Bà Thu Quách giải thích: “Nhất là vì những chứng ung thư có thể mất từ 20 đến 30 năm để phát bệnh.”

New York Times viết, giới khoa học tin rằng có ba loại hóa chất được sử dụng trong sản phẩm ngành nail có liên quan đến các vấn đề sức khỏe của người làm nail nhất. Ðó là diabutyl phtahalte, toluene và formaldehyde.

Diabutyl phtahalte (DBP) là chất giúp tăng độ dẻo và dính cho sơn. Chất này được xem là ảnh hưởng đến thai nhi và phụ nữ đang mang thai.

Toluene là chất làm sơn mau cứng và mau khô; được cho là gây hại cho thận nơi người lớn và nguy hiểm cho thai nhi.
Chất thứ ba, formaldehyde, cũng được cho là chất gây ung thư.

Trả lời Người Việt, ông Schoon nói rằng, trên thực tế, “người ta không dùng chất diabutyl phtahalte trong sơn móng tay ít nhất là 10 năm rồi.”

Nói về chất toluene, vẫn theo ông Schoon, “Toluene đã được một tổ chức uy tín là Ủy Ban Thẩm Ðịnh Mỹ Phẩm (Cosmetic Review Panel - CIR) duyệt xét. Và sau khi nhóm bác sĩ và khoa học gia có thẩm quyền kiểm nghiệm, họ cho rằng toluene an toàn ở mức 50% trong các sản phẩm ngành Nail.” Trong khi đó, ông Schoon dẫn giải, “thường thì sơn móng tay chỉ có toluene ở nồng độ 25%.”

Ông kết luận: “Những ai tuyên bố rằng sơn móng tay, dù có chứa ít hơn 0.1% toluene vẫn là có hại, thì đó là một sự dối trá và hoàn toàn phản khoa học.”

Về formaldehyde, ông Schoon nói với Người Việt rằng chất này “chỉ hiện hữu ở mức vài phần ngàn của một phần trăm trong sản phẩm Nail. Ở mức này, formaldehyde an toàn và gần bằng số lượng tìm thấy trong hơi thở chúng ta.”

California của người Việt Nam

Cho dù tác dụng của các chất trên, ở các điều kiện sử dụng khác nhau, vẫn còn nằm trong vòng tranh luận, ở hướng nhìn khác, người làm nail gốc Việt không cần phải âu lo, vì họ dùng sản phẩm của các hãng mỹ phẩm lớn, không chứa các chất này.

Bác Sĩ Tâm Nguyễn, giám đốc trường thẩm mỹ Advanced Beauty College (ABC), khẳng định điều này. “Hiện nay, người mình không cần lo chuyện này vì họ đã dùng những loại sơn móng tay rất mới, không có độc tố lâu rồi. Hơn nữa, các tiệm nail cũng không cần lo lắng vì khách hàng thời này rất tinh ý và hiểu biết; họ đòi hỏi phải dùng hiệu lớn như CND của Revlon hay ESSE của Loreal. Theo những hãng bào chế, mấy hiệu này không có độc tố.”

Cô Tracy Nguyễn, làm nail ở Santa Monica, nói “Cũng có nghe về sự độc hại của hóa chất làm nail, nhưng trong tiệm làm tám năm nay chẳng thấy ai bị gì hết. Hồi trước, chị chủ tiệm và một cô thợ khác có bầu rồi sanh con. Bây giờ mấy đứa nhỏ lớn khỏe mạnh, xinh đẹp.”

California có thể nói là thị trường luôn đi đầu trong các thay đổi để thích ứng với tiêu chuẩn sức khỏe và an toàn cho người làm nail. Chẳng hạn, Liên Hiệp Ngành Nail Lành Mạnh (California Healthy Nail Salon Colaborative - CHNSC) được thành lập năm 2005 với mục đích ngăn chận những “bệnh dịch” mà người làm nail có thể gặp phải, và cũng để bảo vệ môi trường.

Theo website của CHNSC, hội có hơn 40 nhân viên hành chánh và các thành viên quan tâm đến môi trường cũng như vấn đề sanh sản. Ngoài ra, hội còn được sự đóng góp của nhiều cơ quan khác nhau.

Thị trường nail tại California, theo lời bà Julia Liou đại diện CHNSC, nói với Huffington Post: “Chúng ta có thể cùng nhau chung sức đóng góp để kỹ nghệ móng tay lành mạnh và an toàn hơn.”

Tái khẳng định điều này trong cuộc trả lời Người Việt, bà Liou nói: “Tôi nghĩ thời điểm này là cơ hội tốt để California dẫn đầu toàn quốc trong việc bảo vệ sức khỏe của giới làm nail bằng chương trình chứng nhận ‘Healthy Nail Salon.’”

Bà Liou cho biết, “Healthy Nail Salon” là chương trình đang lan rộng toàn tiểu bang trong việc đặt sức khỏe người làm nail cũng như khách hàng lên hàng đầu bằng cách buộc công ty bào chế phải liệt kê các hóa chất trong sản phẩm của họ. Việc này cần đòi hỏi nhiều cơ quan như chính phủ, công ty sản xuất, đại lý... cùng phối hợp hoạt động. Chỉ như thế thì ngành Nail mới vững mạnh hơn và phát triển đươc.”

Vẫn theo Huffington Post, CHNSC còn cấp giấy xác nhận “Healthy Nail Salon” cho những tiệm nail đạt tiêu chuẩn lành mạnh. Giấy xác nhận này đã được yết thị ở nơi dễ thấy để cả nhân viên và khách hàng đều đọc được.

Một bằng chứng khác cho thấy ngành nail California biết tự chấn chỉnh điều kiện vệ sinh an toàn cho mình là cách theo dõi kết quả nghiên cứu của các tổ chức uy tín. Chẳng hạn, đèn cực tím đã được sử dụng nhằm mục đích giảm thiểu thời gian làm khô móng tay đã có lúc bị cho là có thể gây ung thư.

Tạp chí Time, ngày30 Tháng Tư, 2014, có một bài viết về loại đèn này. Trong đó, Bác Sĩ Lyndsay Shipp, đại học Georgia Regents University, công bố rằng chỉ cần hơ tay bằng đèn cực tím 24 lần là đủ để kích hoạt ung thư.

Thế nhưng, theo báo cáo của Hiệp Hội Thẩm Mỹ Chuyên Nghiệp (The Professional Beauty Assiciation - PBA), Hội Ðồng Cố Vấn Về An Toàn Ngành Nail (Nail Manufacturers' Council on Safety - NMC) xác nhận đèn cực tím không hề gia tăng nguy cơ ung thư. Vì thế mà loại đèn này vẫn còn được thấy tại các tiệm nail ở California.

Thêm một ví dụ nữa về ý thức tự cải thiện cho ngành nail California: Trước khi bất cứ cơ quan nào ra lệnh phải có quạt cho mỗi bàn làm móng tay như lệnh mới ban hành tại New York, tiểu bang California đã, chẳng những tự có quạt, mà còn đi xa hơn nữa, gắn máy hút bụi.

Bác Sĩ Tâm Nguyễn nói: “New York bây giờ mới bắt ra lệnh dùng quạt để bàn thì trễ quá. Người mình ở California đã có máy hút bụi từ móng tay và mùi từ hóa chất từ lâu rồi.”

Josie Huang, phóng viên của đài phát thanh KPCC, trong bài tường thuật về tiệm nail hồi Tháng Ba, 2014, viết về khuynh hướng mới của một số tiệm nail do người Việt làm chủ ở miền Nam California: “Họ đã tham gia Liên Hiệp Ngành Nail Lành Mạnh California - California Healthy Nail Salon Colaborative. Họ đồng ý thay đổi hệ thống thông hơi, xử dụng bao tay nitrile và dùng sơn móng tay không có độc tố.”

Bà Thuần Lê, cư dân Brentwood, một trong những người đi tiên phong trong ngành nail tại California từ 1975, cho hay: “Trong suốt thời gian 40 năm làm nghề này, tôi chỉ thấy một cô nhân viên nail, người Mỹ, rất mập, bị ung thư, nhưng không ai biết vì lý do gì cả. Bản thân tôi thỉnh thoảng ngửi mùi hóa chất thì nhức đầu một lúc chứ chẳng thấy ai bị ảnh hưởng lâu dài.”

Hiện nay, CHNSC còn đi xa hơn, khuyến khích các tiệm nail sử dụng loại thuốc chùi sơn móng tay không có chất ethyl hay butyl, là hai chất có acetone, cũng là chất thường gây dị ứng cho người làm nail, để phòng ngừa bệnh tật. Chưa có luật hoặc quy định nào từ các cơ quan công quyền đòi hỏi điều này!

Bà Thuần Lê, một người thâm niên trong ngành, nói sư tâm sự: “Những người làm nail ở California thời này đã được nâng cao trình độ hơn đẳng cấp ‘thợ’ nên ngoài việc làm đẹp cho khách họ còn biết cách bảo vệ sức khỏe cho chính họ và cả khách nữa.”

“Nên gọi họ là Nail Professional hay Nail Technician.” Bà Lê kết luận.