main billboard

Là sự góp nhặt đây đó những hoài niệm, những nỗi nhớ.  Là sự liên tưởng, bắt gặp trong hiện tại những trái khuấy, những chông chênh để rồi chùng chình so sánh với những gì mình từng bước qua trong đời, để cảm nhận, để chiêm nghiệm.



WESTMINSTER, California (NV) - Có lẽ do “sơ sài” nên ngay từ khi lật trang đầu tiên ra đọc “Làng Non Tiên, quê tôi, nằm ven con sông con chảy ra sông Vu Gia tạo thành ngã ba sông, có đò ba bến nơi làng Hà Tân...” tôi lại phải cố đọc tiếp, đọc thêm, đọc cho đến hết “Ký Ức Sơ Sài” của Nguyễn Anh Khiêm để xem mình có thể hiểu được vì sao cái “sơ sài” của ký ức lại cứ miên man qua hơn 350 trang giấy như thế.

Khi con người bước qua nhiều thăng trầm, chứng kiến nhiều đổi thay của cuộc đời sẽ dễ đưa đến những so sánh, những hoài niệm được đánh thức khi thực tế chạm phải, đụng vào, gợi nhớ những miền sâu thẳm. “Ký Ức Sơ Sài” của nhà giáo Nguyễn Anh Khiêm nằm trong sự va chạm đó, theo tôi.


***

kyuc sosai nguyenanhkhiem
Tùy bút "Ký Ức Sơ Sài" của Nguyễn Anh Khiêm. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Ký ức của tác giả, người con của làng Non Nước, Đại Lộc, Quảng Nam, bắt đầu từ chính quê hương mình, nơi có “dòng sông trong veo trườn ngoằn ngoèo dưới chân núi, ngồi trên đò ngang có thể nhìn thấy con tôm bơi lững lờ trong lòng cát trắng”, nơi “hình như là làng giàu nhất xứ nhờ thiên nhiên ưu đãi.”

Rồi từ làng quê này của những ngày thơ bé, lại dẫn đưa tác giả nhớ đến ông bác họ, người không chịu treo lên vách nhà câu “Bác Hồ sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta” với lý do “sự nghiệp của bác tệ quá, chỉ có mỗi tấm phênh rách, Bác Hồ sống ở đây chi cho cực khổ, Bác nên đi chỗ nhà giàu để 'sống mãi' khỏe hơn.” Hay khi “gió bấc nhiêm tím núi rừng, thổi lao xao trong buồi chiều u ám, nhìn bông lúa xác xơ cúi rạp trong giá lạnh, bác lẩm bẩm: “Gió kiểu này thì rồi ra chỉ còn Bác Hồ sống mãi thôi, ai cũng chết tiệt hết.”

Từ ông bác tâm đắc với chữ “sống mãi”, tác giả lại đẩy ký ức mình về thị xã Hội An, nơi có “những ngôi chùa Tàu diêm dúa, cửa nhà cũ kỹ mái ngói rêu phong, thấp lè tè, rệu rã như muốn đổ nhào trong cơn lụt sóng vỗ bập bềnh, nước ngập gần tới nóc phố dọc sông Hoài,” nơi có “mì bà Đợi xã Cẩm Châu loe hoe vài con tôm sông giã giập phảng phất mùi cua biển,” nơi có “món Cao Lầu đặc trưng nấu bằng thịt heo xá xíu ăn với cọng bánh giòn giòn cán từ bột mì ngâm nước tro nước vôi gì đó.”

Chưa đi hết Hội An thì tác giả lại lang thang nhớ Sài Gòn, nơi khi ông vào đến thì “cuộc lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm đã xong, chỉ còn vết tích bom đạn trên đường Thống Nhất, dinh Gia Long.” Vào Sài Gòn thì lại nhớ những người thầy từng học qua, nào là thầy Lê Hữu Mục, thầy Giản Chi, thầy Lưu Khôn...

Cứ thế, không sâu đậm, không trầm ngâm, không chìm đắm mà cứ lướt qua, lướt qua, “sơ sài,” chóng vánh, những miền ký ức chợt đi chợt về bất chợt trong tâm khảm tác giả Nguyễn Anh Khiêm, người từng làm nghề “dạy học qua hai chế độ tại Kiên Giang, Biên Hòa, Sài Gòn.”

Từng học Đại Học Văn khoa, Đại Học Sư Phạm Sài Gòn, nên trong “Ký Ức Sơ Sài” chứa đựng nhiều ký ức của những ngày đi dạy học, cũng như những vần thơ, những đoản văn bất chợt lung linh vụt sáng trong mảnh ký ức bất chợt, rời rạc của tác giả.

Nhưng, trong cái bất chợt sơ sài đó, có những điều khiến người đọc chùng lòng, quay quắt.

Như trong lần tác giả dạy các em học sinh giỏi lớp 5 bài thơ “Hái Sen”:

"Em nhớ mùa sen nở

Em cùng chị ra ao

Chị bảo em bưng rổ

Chị đi trước, em sau

Hôm sau lúc ra chợ

Để bán rổ hoa sen

Rằng chị ơi hãy nhớ

Mua em bánh với kèn

Đến nay mùa sen nở

Chỉ mình em hái sen

Chẳng có ai ra chợ

Mau cho em bánh, kèn

Bên đầm sen lại nở

Nhưng chị đã theo chồng

Em bâng khuâng hồi nhớ

Thuở cùng chị bẻ bông.”

Trong khi người thầy thao thao với những ý “Người chị trong bài thơ đi lấy chồng rồi có thể đi biền biệt... và sự thật có người không bao giờ được một lần về thăm lại quê hương cha mẹ...” thì một em nữ sinh cứ áp mặt trên hai cánh tay khoanh đặt trên bàn, thổn thức. Thầy hỏi ra mới biết “chị con đi vượt biên, mất tích ngoài biển.”

Dòng ký ức dừng nơi đó. Quặn đau.

Một điều khá đặc biệt trong “Ký Ức Sơ Sài” là tác giả “nhắn thơ trích thơ Tô Thùy Yên với lòng ưu ái có vẻ sâu nặng.” Bởi, với Nguyễn Anh Khiêm, “đọc thơ Tô Thùy Yên rồi thì đọc thơ ai cũng không còn thấy hay nữa.” Và ông cũng thừa nhận “Đây là điều tai hại cả đời tôi không khắc phục được nên đành chịu thua thói xấu đó của chính mình.”

Tôi không biết nhiều về thơ Tô Thùy Yên, nhưng mà đọc những câu thơ trích dẫn trong “Ký Ức Sơ Sài” tôi cũng bỗng thấy lòng mình chao theo những dòng thơ ngạo mạn:

“Biết đã trễ nên không thèm hối hả

Cuộc tình này như chút đỉnh khoan dung

Của định mệnh cũng có lần nới thả

Hạnh phúc này như sóng rã trên sông”

Hay:

"Khép mắt cho hồn bay dịu vợi

Mà yêu đến khóc, đến u mê

Để khi mở mắt ta nhìn thấy

Cả cuộc đời ta có đáng chi

Ôi những con đường đến tự đâu

Một lần gặp gỡ ngã tư nào

Rồi trong vô hạn chia lìa miết

Có cuốn theo mình bụi của nhau."

***

Tùy bút “Ký Ức Sơ Sài” của Nguyễn Anh Khiêm là thế. Là sự góp nhặt đây đó những hoài niệm, những nỗi nhớ.  Là sự liên tưởng, bắt gặp trong hiện tại những trái khuấy, những chông chênh để rồi chùng chình so sánh với những gì mình từng bước qua trong đời, để cảm nhận, để chiêm nghiệm.

Tác giả chiêm nghiệm. Và người đọc cũng tự dẫn dắt lòng mình về với ký ức của chính mình, theo cách của mình.

“Ký Ức Sơ Sài” được viết như một dạng viết blog, từng bài riêng rẽ, hoặc bài sau là sự bắt ý của một bài nào trước đó. Không cầu kỳ, không trau chuốt, tùy hứng. Và giá như, tác giả bớt “sơ sài” một chút, để viết rõ hơn ông “Trần T Đ Đ” là ông nào, hay “Lê V Bảy thì kể một lần nghe GS THT công kích thơ Nguyễn Bắc Sơn...” hoặc “từ ngày ông N.B.TH cho xây tượng Phật Bà chỗ vịnh Sơn Trà, bão nào cũng né Đà Nẵng” thì người đọc cũng cảm thấy đỡ lạc lõng, ngơ ngác hơn mà tiếp tục lướt đi cùng “Ký Ức Sơ Sài.”