main billboard

“40 Năm Nhìn Lại” là phóng sự tài liệu dài 15 tập, mỗi tập 45 phút, được đài truyền hình SBTN giao cho Vũ Trần thực hiện từ trong nửa năm, kể từ mùa Hè 2014, về cộng đồng người Việt tị nạn qua 15 quốc gia với hơn 50 thành phố, với sự giúp sức biên tập kịch bản từ nhà văn Phan Nhật Nam.


GARDEN GROVE, California (NV) - 40 năm sau cột mốc 30 Tháng Tư, người Việt trong nước nghĩ gì, người Việt ngoài nước nói gì?

40 năm sau cơn sóng gió lưu vong, người Việt tị nạn đã hình thành nên những cộng đồng như thế nào tại các quốc gia trên thế giới, từ Bắc Âu, Tây Âu, Úc Châu, Nam Mỹ, Bắc Mỹ?

40 năm sau cơn sóng gió lưu vong, người Việt tị nạn đã mất gì, được gì, thành công gì và ước mơ gì cho tương lai...

Đó là những gì được đạo diễn Vũ Trần, một thuyền nhân trẻ ra đời sau khi cuộc chiến đã chấm dứt, ghi nhận lại trong loạt phóng sự tài liệu “40 Năm Nhìn Lại,” cuốn phim bắt đầu được trình chiếu trên đài truyền hình SBTN từ ngày 16 Tháng Tư, vào lúc 1 giờ trưa mỗi Thứ Năm hằng tuần, và chiếu lại vào lúc 10 giờ sáng và 8 giờ tối Thứ Bảy sau đó. Tất cả đều chiếu theo giờ California.


vutran 1Vũ Trần, đạo diễn phim tài liệu phóng sự "40 Năm Nhìn Lại" (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

***

“40 Năm Nhìn Lại” là phóng sự tài liệu dài 15 tập, mỗi tập 45 phút, được đài truyền hình SBTN giao cho Vũ Trần thực hiện từ trong nửa năm, kể từ mùa Hè 2014, về cộng đồng người Việt tị nạn qua 15 quốc gia với hơn 50 thành phố, với sự giúp sức biên tập kịch bản từ nhà văn Phan Nhật Nam.

“Đối với tôi, người sinh sau năm 1975, đây thực sự là một thử thách lớn bởi vì tiếng Việt tôi không rành, nhưng đồng thời cũng là một cơ hội cho một người trẻ, thế hệ sau chiến tranh như tôi tìm hiểu và học hỏi về lịch sử của người Việt tị nạn Cộng Sản sau 1975,” Người thực hiện cuốn phim phát biểu trong buổi chiếu ra mắt báo giới và bạn hữu vào tối Thứ Ba vừa qua.

Cũng nhân dịp này, phóng viên Người Việt đã có cuộc trao đổi với Vũ Trần về việc thực hiện loạt phóng sự đầy xúc động này.


Ngọc Lan (NV): Cảm nghĩ của Vũ khi nhận công việc này, lúc nhận và khi đi thực hiện, có gì khác nhau?


Vũ Trần: Khác nhau 100%. Trước hết những phóng sự tôi từng làm ở SBTN 10 năm qua chưa từng dính dáng đến cộng đồng Việt Nam nhiều, nên lần này quả thực là một thử thách lớn cho tôi. Trước hết, tôi đi một mình. Thứ nhì, tôi không có nhiều mối liên lạc với người Việt khắp nơi. Cho nên, trong 'project' này, tôi như một đứa trẻ không biết gì về cộng đồng, tôi tự đi tự tìm hiểu lấy theo mắt nhìn của mình. Đó là thử thách lớn nhất của tôi.

Thật sự tôi đã học được rất nhiều điều, không những là bài học lịch sử về thuyền nhân mà còn là những bài học xử sự ngoài đời, những con người tôi gặp qua trong hành trình 6 tháng thực hiện bộ phim này dạy tôi cách xử sự ra sao, cách nhìn nhận phẩm giá con người từ cuộc sống như thế nào.


NV: Điều mà Vũ cảm thấy nhớ nhất trong sáu tháng thực hiện bộ phim này là gì?


Vũ Trần: Điều lưu lại trong đầu tôi nhiều nhất chính là những nghĩa trang, những ngôi mộ của người Việt đã nằm xuống nơi đất khách. Một cái gì đó rất bùi ngùi khi mình tới thăm. Nhiều lúc cứ thấy dậy lên câu hỏi tại sao mình không chết trên quê hương của mình mà lại chết nơi xứ người? Đó cũng là một di tích để cho thế hệ thứ hai, thứ ba của họ khi tới thăm mộ phải đặt câu hỏi tại sao lại có ngôi mộ của người Việt mình khắp nơi trên thế giới thế này? Những người nằm đó đương nhiên có nỗi nhớ quê hương của họ, muốn về nhưng về không được, và không biết đến bao giờ họ mới được trở lại quê hương. Đó là điều bùi ngùi nhất mà tôi không thể quên được trong chuyến đi, và cũng chính từ suy nghĩ đó mà đến bất kỳ thành phố nào, tôi cũng đều tìm đến thăm nghĩa trang hay mộ của những người Việt đã nằm xuống.


NV: Những nơi nào Vũ đã đi qua?


Vũ Trần: Tôi đi tổng cộng 15 nước, với hơn 50 thành phố, gồm 4 nước Bắc Âu, 6 nước Tây Âu, Brazil ở Nam Mỹ, Úc và Tân Tây Lan ở Châu Úc, dĩ nhiên là phải có Mỹ và Canada.

Chủ đề của tôi khi thực hiện bộ phim này không chỉ tìm những người thành công mà tôi muốn tìm những gia đình bình dân, những tiểu thương rất bình thường, không nổi tiếng nhưng họ nói lên được sự cố gắng bền chí, kiên cường của người Việt tị nạn mình tại khắp nơi.

vutran thuyennhanMột thuyền nhân Việt Nam định cư tại São Paulo, Brazil, trong công việc buôn bán chợ trời để mưu sinh (Hình: Vũ Trần)

NV: Trong hơn 50 thành phố đã đi qua thì thành phố nào để cho Vũ nhớ nhất?


Vũ Trần: Đó là thành phố São Paulo ở Brazil. Trong đầu tôi không bao giờ nghĩ là có người Việt mình ở đó. Mặc dù tôi có đọc được bài báo nói có người Việt sống ở Brazil nhưng không mường tượng được đó lại là người Việt thuyền nhân. Thế nên khi biết được điều này, tôi xin phép anh Trúc Hồ, tong giám đốc của SBTN, được bay xuống Brazil gặp họ. Mà ngay khi tới đó, tôi cũng chỉ biết là có nhà hàng Miss Saigon được mở tại đó thôi chứ không có bất kỳ một sự liên lạc nào hết. Tôi đến em nhà hàng ăn và hỏi chuyện.

Đương nhiên, tôi chưa lột tả được hết cái khổ sở trong những năm tháng đầu tiên khi họ đặt chân đến Brazil, nhưng một tuần ở với họ, tôi có thể biết được nhiều câu chuyện về cộng đồng Việt chỉ khoảng 100 người tị nạn tại nơi này.


NV: Xin giới thiệu một chút về bản thân Vũ?


Vũ Trần: Tôi rời Việt Nam lúc 10 tuổi cùng gia đình và anh trai vào năm 1991, năm cuối cùng của làn sóng vượt biên. Ghé Hồng Kong, ở đảo tới cuối năm 1994 mới qua Mỹ. Lúc sang Mỹ tôi định cư ở Minnesota do cô bảo lãnh. Sau đó tôi học về hội họa đến năm 2005 ra trường. Sau khi ra trường thì làm cho đài SBTN tới giờ.


NV: Khi thực hiện bộ phim liên quan đến thuyền nhân sau 40 năm, cũng trong tâm tình của một thuyền nhân, Vũ có nhận ra được sự đồng cảm gì không?


Vũ Trần: Đương nhiên, bởi trước hết mình là người Việt với nhau. Mình không chỉ có sự đồng cảm là thuyền nhân mà còn là vì người Việt với nhau, nên khi vừa gặp là có gì đó hợp rơ nhau liền. Hay như khi gặp người miền Trung, vì tôi là người Đà Nẵng, là thấy dường như một cảm tình có sẵn rồi, nên tiếp chuyện dễ lắm. Đó là sự gần gũi của người Việt Nam mình. Trong chuyến đi này, tôi rất cám ơn những người Việt khắp nơi đã giúp tôi hoàn thành chương trình này. Không có họ, tôi khó mà hoàn thành công việc của mình.


NV: Bộ phim kéo dài 15 tập theo những nội dung nào và lịch chiếu ra sao?


Vũ Trần: 15 tập của phóng sự “40 Năm Nhìn Lại” không giống nhau, vì nó được chia ra theo từng lãnh vực như truyền thông riêng, lãnh vực giáo dục riêng, kinh tế riêng… Nói chung là sự hình thành 40 năm của cộng đồng khắp nơi. Dĩ nhiên có những sự tương đồng như cộng đồng người Việt tại Canada và Mỹ, sự thành công của người Việt vừa đa dạng vừa giống nhau.

Chương trình được chiếu bắt đầu từ Thứ Năm, 16 Tháng Tư, lúc 1 giờ trưa, chiếu lại vào Thứ Bảy lúc 10 giờ sáng và 8 giờ tối, mỗi tuần. Sau đó phát hành DVD và chiếu trên youtube.


NV: Tâm tình gì Vũ muốn gửi gắm thêm qua loạt phóng sự này?


Vũ Trần: Điều tôi mong muốn nhất trong cuốn phim này chỉ là tôi muốn cho thế hệ sinh sau 1975 như chúng tôi có thể tiếp thu và biết được sự đóng góp của người Việt mình khắp nơi cũng như học hỏi được lịch sử tại sao người Việt mình lại có thuyền nhân, bộ nhân, tại sao lại có những người Việt phải sống xa quê hương như thế.