main billboard

“Hôm nay chúng ta ngồi lại đây không phải là để than khóc cho thân phận mình mà là để nói lên tiếng nói tâm tình giữa những người Việt xa quê, cùng theo vận nước nổi trôi, cũng như nói lên một một chút phận đời của mình.


WESTMINSTER,California (NV) - Việt Viện Học vừa tổ chức đêm nhạc “Hát Cho Quê Nhà” vào tối Thứ Bảy, 11 Tháng Tư, tại trụ sở của viện ở Westminster.

Buổi chiều se lạnh, chưa đến giờ khai mạc mà khán phòng đã chật hết chỗ ngồi.


vienviethoc demnhac 1Ban hợp ca Viện Việt Học trình bày một liên khúc. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Dưới sự chủ tọa của cô Kim Ngân, phụ trách viện, mở đầu cho đêm nhạc là phần mạn đàm giữa khán thính giả và Câu Lạc Bộ Văn Nghệ Viện Việt Học gồm Kim Ngân, Lâm Dung và Ngọc Quỳnh.

Cô Kim Ngân cho biết đêm nay không phải là đêm trình diễn âm nhạc mà là đêm tâm tình giữa những người Việt hải ngoại, hát để gửi về quê nhà tâm tình của những người Việt ly hương đã 40 năm.

“Hôm nay chúng ta ngồi lại đây không phải là để than khóc cho thân phận mình mà là để nói lên tiếng nói tâm tình giữa những người Việt xa quê, cùng theo vận nước nổi trôi, cũng như nói lên một một chút phận đời của mình. Người Việt chúng ta ở khắp nơi trên thế giới sau biến cố 1975, ra đi ai cũng ít nhiều mang theo một chút tình hoài hương, vẫn nhớ về quê cũ và người Việt ở khắp năm châu bốn biển, dù trong hoàn cảnh khốn khó nào cũng đều ngẩng cao đầu, vượt qua được hết những gian lao, làm cho thế giới phải nể phục, với tinh thần bao dung tha thứ, người Việt đều vượt qua hết những số phận bi thương, và như thế được làm người Việt Nam là rất khó,” cô Kim Ngân chia sẻ.

Chương trình bắt đầu với tiết mục truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ với 50 con theo cha xuống biển, 50 con theo mẹ lên núi... “Anh em ta cùng mẹ cha như chuyện cũ trong tích xưa khi thế gian còn mù mờ. Như tích xưa mẹ đẻ ra trăm cái trứng...” cả thính phòng cùng vỗ tay hòa theo nhịp hát.

Sau đó là các nhạc phẩm: “1954 Cha Bỏ Quê-1975 Con Bỏ Nước” sáng tác Phạm Duy do Bùi Khanh trình bày.

“Một ngày 54, cha bỏ Sơn Tây; Dắt díu con thơ, vô sống nơi Biên Hòa; Dù là xa đó, vẫn là quê nhà; Và miền nắng soi vui gia đình ta...” rồi “Một ngày 75, con bỏ hết giang sơn; Hai mươi năm tình, yêu người yêu cuộc sống! Giờ nơi nước mình niềm đau thay nỗi vui; Sài Gòn đã chết rồi, phải mang tên xác người...”


vienviethoc demnhac 2Ðan Vy với “Tình Hoài Hương.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Bảo Nam tiếp nối với “Chiều Trên Phá Tam Giang” và ”Anh Không Chết Ðâu Anh” nhạc Trần Thiện Thanh, lời bài hát như không muốn chấp nhận một sự thật đau đớn khi nghe tin dữ, “anh không chết đâu anh, anh chỉ vừa bỏ cuộc đêm qua...” cả thính phòng như ngập tràn nước mắt.

Kế tiếp là ca nhạc sĩ Ngô Tín với “Kiếm Gãy” và “Khi Tôi Chết Hãy Ðem Tôi Ra Biển.” Trong phần tâm tình với khán thính giả, Ngô Tín cho biết anh sáng tác “Kiếm Gãy” phổ thơ của người bạn tù, nhà thơ Ðặng Phú Phong năm 1983 khi đang ở trong trại tù K18 của Cộng Sản. Trong hoàn cảnh bi đát, giống như người anh hùng tung hoành ngang dọc một thời, nay kiếm đã gãy, cuộc đời coi như chấm hết, còn phải lụy mẹ già còm cõi thăm nuôi con: “Từ thuở hồng hoang ta vốn là trai; Ý chí nấu nung thành ngọc bích; Trên ngàn cây xanh qua biển khơi mịt mùng; Ta từ đó ung dung tung hoành khắp muôn phương...” nhưng “Một ngày chim bằng gãy cánh; Chợt nghe đàn chim trốn trước bay cao; Sóng dữ còn tuôn lớp lớp; Và bên tai muôn tiếng thở dài&Ôi phiền muộn trong ta; Sóng cuồn cuộn trong ta.”

Và “Khi Tôi Chết Hãy Ðem Tôi Ra Biển” Ngô Tín phổ thơ Du Tử Lê: “Mai tôi chết hãy đem tôi ra biển; Và trên đường hãy nhớ hát quốc ca; Ôi bài hát muôn đời vẫn tiếp nối; Bằng hơi thở máu xương đồng bào tôi...” Cả hai bài hát được đệm bằng tiếng đàn guitar trầm ấm và nức nở với tâm trạng của guitarist Ngô Tín.

Tiếp theo là trích đoạn “Những Dòng Sông Chia Rẽ” trong trường ca “Mẹ Việt Nam” của Phạm Duy do tam ca Ngọc Quỳnh-Xuân Thanh-Lâm Dung trình bày. Lời tự tình của dòng sông như nỉ non ai oán: “Dòng lệ tuôn thành sông không có linh hồn; Chia anh em vì quên tiếng gia đình; Chia tay chân và cắt đứt ngang mình...”

Ca sĩ trẻ Hàn Phúc tiếp nối với “Mai Tôi Ði” sáng tác của nhạc sĩ Ngô Ðình Toàn. Anh tâm sự ngày biến cố 1975, anh hãy còn nhỏ lắm, sau này khi lớn lên, có dịp học lịch sử, anh mới hiểu và càng hiểu nhiều hơn về kho tàng văn hóa, cũng như kinh tế, chính trị, của Việt Nam. Và anh càng tự hào hơn khi mình mang dòng máu oai hùng. “Mai tôi đi như máu chảy ngoài tim; Xin khấn nguyện cả mười phương tám hướng; Cho quê hương u mê ngày thức tỉnh; Ðể dù xa có chết cũng mừng vui...”


vienviethoc demnhac 3Ban hợp ca Viện Việt Học với “Bài Ca Tuổi Trẻ.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Kim Yến với “Ðêm Ðại Dương” của Nguyễn Hồng Anh, và “Lời Kinh Ðêm,” sáng tác của Việt Dzũng, một hồi ức kinh hoàng của những chuyến vượt biên trốn chạy Cộng Sản tìm tự do. “Trời chơ vơ ôi người chơ vơ; Người vẫn ôm mảnh ván rũ mục; Lời kinh cầu từng hồi nấc nghẹn; Lời mẹ buồn giữa tiếng Amen...”

Một lần nữa, cả thính phòng lại thổn thức khi “Liên Khúc Cho Quê Nhà 1” gồm các bài “Sinh Ra Làm Người Việt Nam-Bài Ca Cho Bé Thảo-Những Ðứa Bé-Em Bé Việt Nam và Viên Sỏi,” nhạc Phan Vạn Hưng do Quốc Hùng, Lâm Dung, Kim Ngân, Ngọc Quỳnh trình bày.

“Nhớ Mẹ” sáng tác của Lê Minh Ðảo, vị tướng chỉ huy Sư Ðoàn 18 Bộ Binh, đã giao chiến ác liệt tại chiến trường An Lộc với quân Bắc Việt. Sau năm 1975 ông bị bắt cầm tù miền Bắc 17 năm. Trong thời gian ở trại tập trung cải tạo, ông đã sáng tác bài này thể hiện sự thương nhớ người mẹ của mình.

“Hằng đêm con nghe thương tiếc, xót xa, đắng cay dâng ngạt tháng ngày; Trăng sao tin yêu ai dối trá; Ðất trời hiền hòa ai đốt phá; Và đem thê lương che kín núi sông này.” Nhưng ông vẫn lạc quan nhớ lại lời dặn của mẹ hiền: “Mẹ ơi mẹ biết không? Còn cháy mãi trong con những lời mẹ cầm tay nói, nắng sẽ về đẩy lùi bóng tối, và yêu thương, và tự do sẽ còn mãi mãi nhé con.”

Cả thính phòng tưởng như tắt nghẹn theo âm hưởng bài nhạc qua trình bày của ban hợp ca Viện Việt Học gồm Lâm Dung,Thạch Thảo, Xuân Thanh, Hoàng Tuấn, Kỳ Hương, Trọng Thái và Trần Thạch.

Càng về khuya, thời gian như ngừng lại qua từng nhạc phẩm mà khi cất lên, nó mang lại không khí lúc buồn xé nát lòng, khi thổn thức rộn ràng như mời gọi, khi hân hoan như thủ thỉ tâm tình qua các sáng tác: “Vọng Nam Quan” nhạc Phan Văn Hưng, “Anh Ðã Ngủ Yên Trên Quê Hương” sáng tác Trần Duy Ðức, do Hương Thơ hát, và Andy với “Mời Em Về” sáng tác của Việt Dzũng, “Trả Lời Thư Em” của Trần Quang Lộc... và nhiều tiết mục khác nữa, và kết thúc với bài “Một Ngày Việt Nam” sáng tác Trầm Tử Thiêng và Trúc Hồ, và “Bài Ca Tuổi Trẻ” sáng tác Phan Văn Hưng trong không khí vui tươi rộn ràng như chào mừng một ngày mới trên quê hương Việt Nam.

Viện Viện Học được thành lập với mục đích bảo tồn nền văn hóa Việt Nam tại hải ngoại, thường xuyên mở các lớp dạy tiếng Việt cho các con em gốc Việt nhằm giữ gìn và phát huy nền văn hóa Việt Nam, ngoài ra, Viện còn có các lớp nghiên cứu về chữ Nôm, các buổi hội thảo, các buổi tọa đàm về tình hình đất nước, các buổi ca nhạc hàng tháng, lớp huấn luyện võ thuật Bình Ðịnh.