main billboard

“Trong lòng người di tản từ cao nguyên đồng bằng trong Tháng Ba, 1975 vào trong những ngày giờ này, hầu như ai cũng động khối máu uất nghẹn đau thương. Khối máu oán hờn của một dân tộc điêu linh chỉ khác là người dân miền Trung chịu sớm nhất. Đau nhất!”


WESTMINSTER & SANTA ANA, California (NV) - Vào sáng Thứ Sáu vừa qua, Hội Phố Núi Pleiku tổ chức lễ tưởng niệm quân, dân, cán, chính nạn nhân trên Liên Tỉnh Lộ 7B cách đây 40 năm, tại Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ, Westminster. Đây cũng là ngày Hội Ngộ Phố Núi Pleiku kỳ 3, và được tổ chức vào lúc 6 giờ chiều cùng ngày tại nhà hàng P&N, Santa Ana.

pleiku tuongniem 1Đồng hương Phố Núi thắp hương trên bàn thờ tổ quốc tưởng niệm anh linh
chết trên Liên Tỉnh Lộ 7B. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)


Tại tượng đài, ông Võ Ý, một người trong ban tổ chức, cho biết, “Sở dĩ chúng tôi làm lễ tưởng niệm này là để tưởng nhớ những oan hồn uổng tử đã thác trên Liên Tỉnh Lộ 7B. Cuộc rút binh ngày 16 Tháng Ba, 1975, gồm rất nhiều đơn vị đồn trú tại Quân Đoàn II, Quân Khu 2 kể cả dân chúng, đã gây ra cảnh hỗn loạn vì đã bị Cộng Sản thẳng tay pháo kích tàn sát, cho nên những người đã bỏ mình trên Liên Tỉnh Lộ 7B rất nhiều trong số những nạn nhân đó có đàn bà và con nít. Chính vì vậy mà Hội Phố Núi Pleiku mới tổ chức lễ tưởng niệm này, và đây cũng là lần thứ hai, để tưởng nhớ đến những tử sĩ trên liên tỉnh lộ đó.”

Khoảng 10 giờ sáng, đại diện các hội đoàn, đoàn thể, các viên chức đại diện chánh quyền và đồng hương đã tề tựu rất đông đảo tại khuôn viên tượng đài để tham dự lễ.

Đúng 11 giờ trưa, ông Võ Ý và cô Pleime Ngọc Liên điều hợp chương trình khai mạc.

Cô Liên nói, “Lá cờ với 13 sọc trắng đỏ, với 50 ngôi sao trên nền màu xanh là dấu chỉ cho tự do dân chủ và hùng cường của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, là một trong những đất nước tạm cư của người Việt tị nạn Cộng Sản sau biến cố 30 Tháng Tư, 1975. Lá cờ vàng ba sọc đỏ là biểu tượng cho chính nghĩa quốc gia dân tộc, đồng thời cũng là khát vọng của tự do, dân chủ và nhân quyền của người Việt tị nạn Cộng Sản khắp nơi trên thế giới.”

Tiếp lời cô, ông Võ Ý nói, “Quốc ca VNCH là tiếng gọi linh thiêng của linh hồn Lạc Việt trên 4,000 ngàn năm dựng nước và giữ nước để tỏ lòng tôn kính đối với đất nước đã tôn kính chúng ta trên quãng đời lưu vong và để hướng tim óc của mỗi người về với tổ quốc Việt Nam thân yêu.”

Sau phần giới thiệu quan khách, MC Pleime Ngọc Liên sơ lược về cuộc rút binh trên liên Tỉnh Lộ 7B như sau, “Sau khi mất Ban Mê Thuột, chính quyền VNCH đã quyết định bỏ cao nguyên, rút về duyên hải bằng đường bộ và sử dụng Liên Tỉnh Lộ 7B để tạo những yếu tố bất ngờ. Liên Tỉnh Lộ 7B dài chừng 300 Km, gồ ghề, lởm chởm đá nhất là đoạn từ Cheo Reo về Tuy Hòa đã trở thành hoang hóa từ lâu. Quân Đoàn II và các đơn vị trực thuộc đã tham gia cuộc rút binh này.”


pleiku tuongniem 2Toàn ban hợp ca Phố Núi với bài “Thành Phố Mù Sương.” (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)


Sau đó, cô giới thiệu nhà văn Phan Nhật Nam, một nhân chứng đã có mặt trong Liên Tỉnh Lộ 7B năm xưa.

Ông đã tường thuật lại cuộc di tản thảm khốc này.

Ông nói, “Cuộc di tản từ Huế đến Tuy Hòa ngày 25 Tháng Ba, 1975, do Tiểu Đoàn 58 Biệt Động Quân dẫn đầu. Hơn 200,000 dân theo lính chạy loạn từ Kontum và Pleiku nay chỉ còn 60,000 người, không ai có thể tính chính xác được số dân thiệt mạng. Người ta chỉ biết đau với trường hợp của từng người thân của mỗi gia đình với chính máu thịt của xương da mình.”

Ông nói thêm, “Trong lòng người di tản từ cao nguyên đồng bằng trong Tháng Ba, 1975 vào trong những ngày giờ này, hầu như ai cũng động khối máu uất nghẹn đau thương. Khối máu oán hờn của một dân tộc điêu linh chỉ khác là người dân miền Trung chịu sớm nhất. Đau nhất!”

Sau đó đại diện của sáu hội đoàn lên đặt vòng hoa ghi ơn, tưởng niệm những người đã chết trên Liên Tỉnh Lộ 7B, gồm Tổng Hội Biệt Động Quân, Sư Đoàn 6 Không Quân, Hội Phố Núi Pleiku, Tiểu Khu Pleiku, Tiểu Đoàn 20 Chiến Tranh Chánh Trị, và Liên Trường Trung Học Pleiku.

Hội Đồng Liên Tôn làm lễ cầu siêu và cầu hồn cho các nạn nhân trên Liên Tỉnh Lộ 7B. Sau đó, Thị Trưởng Westminster Tạ Đức Trí lên phát biểu. Cuối cùng là lễ niệm hương, ban tổ chức và thân hữu cùng hát bài “Chiến Sĩ Vô Danh.”

Chiều đến, đông đảo quan khách, đồng hương Phố Núi Plieku và thân hữu đến tham dự buổi Hội Ngộ Phố Núi Pleiku tại nhà hàng.

Nhà văn Võ Ý điều hợp chường tổng quát. Các “sơn nữ Phố Núi” trong bộ y phục của người dân tộc Thượng trong ban tổ chức rất xinh xắn và dễ mến.

Sau nghi lễ khai mạc, bà Phạm Thị Thu Đào, hội trưởng, ngỏ lời chào mừng và cám ơn mọi người đến tham dự.

Bà chia sẻ, “Pleiku là thành phố lính, địa danh của bom đạn, pháo kích và giới nghiêm, địa danh của mưa bùn, nắng bụi. Pleiku cận kề với chia lìa và cận kề với nỗi chết nên những người sinh sống và làm việc tại Pleiku cảm thấy gần gũi và gắn bó nhau hơn. Gần gũi và gắn bó như thế để chống chọi với bất trắc, may mà có nhau nên người Pleiku còn rất nhiều điều để nhớ.”

Chương trình văn nghệ được bắt đầu bài “Thành Phố Mù Sương” do toàn ban hợp Phố Núi trình diễn.

Dược Sĩ Nguyễn Đình Thức, đại diện Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn, trao bằng khen cho Hội Phố Núi Pleiku.

Chương trình văn nghệ được liên tục với nhiều tiếng hát của các ca sĩ nổi danh tại Little Saigon và thân hữu. Cuối cùng là phần dạ vũ.