main billboard

“Từ khi mướn được trụ sở này, Hội Quán Lạc Hồng đã tổ chức được 4-5 đêm diễn như thế này, cho cả người lớn lẫn thiếu nhi, với mục đích mở ra cho mọi người cùng đến xem, để các anh chị, các em có cơ hội trình diễn những gì được học.”


WESTMINSTER, California (NV) - Thật khó để diễn tả cảm xúc của một tối cuối tuần, ngay giữa lòng Little Saigon, lại được nghe một chương trình đờn ca tài tử trong mối giao cảm giữa những người xem dòng nhạc dân tộc cổ truyền “như máu chảy trong tim.”

Đã nghe hết “Tình Bằng Hữu” trong điệu Đảo Ngũ Cung-Song Cước do “nghệ sĩ” Trần Bửu trình bày, nghe hết liên khúc hòa tấu lý Mỹ Hưng, lý Qua Cầu, lý Tương Phùng, lý Năm Căn và lý Đêm Trăng với nào guitar, đàn bầu, đàn tranh; nghe luôn trích đoạn cải lương “An Lộc Sơn” với phần diễn xuất của hai “nghệ sĩ” Kim Hoa và Minh Hiền, thế mà người xem vẫn cảm thấy ngỡ ngàng: thì ra âm nhạc dân tộc vẫn có sức mê hoặc lòng người đến vậy.

hoiquan lachong 1"Nghệ sĩ" Trần Bửu trình bày bài "Tình Bằng Hữu" với phần đệm đàn của Phương Nghi (trái, đàn tranh), thầy Nguyễn Thanh Châu (giữa, đàn kìm) và đàn Đặng Hùng (phải, đàn bầu) (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Từ sân khấu của Hội Quán Lạc Hồng bước xuống, nụ cười còn rạng rỡ bởi những tiếng vỗ tay, những lời khen ngợi, cô Kim Hoa, người đóng vai Thái Chân trong trích đoạn cải lương nổi tiếng “An Lộc Sơn,” cho biết, “Một trích đoạn như vậy mà thuộc từ đầu đến đuôi thì tập cũng vài tháng mới diễn được.”

“Tôi thích cải lương từ nhỏ, nghe Mỵ Châu hát mấy tuồng như Kiếm Sĩ Dơi, Tâm Sự Loài Chim Biển... thấy thích từ đó nhưng không có cơ hội để học. Sau khi qua Mỹ mới bắt đầu tập dợt ca hát.” Cô Hoa nói thêm.

Cũng vì “xem cải lương như món ăn tinh thần, vì đam mê quá” nên cô Kim Hoa cứ cố gắng tập được rất nhiều vở tuồng như Huyền Trân Công Chúa, Người Tnh Trên Chiến Trận, Chiêu Quân Cống Hồ, Ngô Phù Sai...

Minh Hiền, người đóng vai vị tướng đa tình An Lộc Sơn, thì vì “mê bộ môn cải lương từ hồi ở Việt Nam nhưng mà không có biết nhịp nhàng gì hết nên qua Mỹ mới theo mấy thầy đi học hát cải lương.”

Anh cho biết theo học hát cải lương được hai năm, “mà cũng không có nhiều thời gian để học, vì thời gian để dành đi làm nhiều hơn nhưng mà mê quá thì chỉ đi hát tài tử như vậy thôi.”

Lý giải cho việc “lội ngược dòng” trong khi người ta chọn tân nhạc, nhạc trẻ, nhạc Rap..., anh lại chọn dòng nhạc tài tử, Minh Hiền cho rằng, “Với tôi, bộ môn cải lương này dễ đem sự truyền cảm vào lòng người. Với tân nhạc tôi chỉ nghe những bài thật buồn mà thôi, còn vọng cổ thì như máu đã chảy trong tim rồi.”

Có mặt trong đêm Đàn Ca Tài Tử được tổ chức tại Hội Quán Lạc Hồng vào tối Thứ Bảy, 17 Tháng Giêng, anh Minh Hùng, người từng đoạt giải nhất cuộc thi Giải Phụng Hoàng lần đầu tiên tổ chức vào năm 2000 cũng cho biết “máu cải lương” cũng chảy trong anh từ ngày còn nhỏ sống ở đảo Phú Quí, nơi xa xôi hẻo lánh, “chỉ có các băng cassette thôi, thích băng nào thì mua băng đó nghe, thích bài nào thì cố gắng tự tập bài đó, cứ học lóm như vậy chứ không biết nhịp nhàng gì hết, chỉ có hát riết thành quen.”

Cũng theo Minh Hùng, từ năm 2006 đến nay, cải lương hải ngoại không còn thời kỳ thịnh vượng như trước nhưng những người đam mê với cải lương có những buổi diễn đây đó cho những khán giả thân yêu của mình.

Cũng áo dài nam, đầu đội khăn đóng, lúc đàn kìm, khi đàn tranh, thầy Nguyễn Thanh Châu, một trong những người sáng lập và điều hành Hội Quán Lạc Hồng, nói, “Từ khi mướn được trụ sở này, Hội Quán Lạc Hồng đã tổ chức được 4-5 đêm diễn như thế này, cho cả người lớn lẫn thiếu nhi, với mục đích mở ra cho mọi người cùng đến xem, để các anh chị, các em có cơ hội trình diễn những gì được học.”

hoiquan lachong 2Uyên Nhung với bài "Tương Tư Dạ Khúc" cùng phần đệm đàn tranh của Liên Tâm, Băng Tâm, Phương Anh, và Jimmy Trí (guitar), Đặng Hùng (đàn bầu) (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

*****


Hội Quán Lạc Hồng từ một năm qua được đặt tại số 7219 Westminster Blvd., Westminster, CA. 92683, là nơi sinh hoạt của đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng, thuộc Hội Phát Triển Nghệ Thuật Truyền Thống.

Theo Giáo Sư Châu, hiện tại có khoảng 70-80 em theo học tại đây. Ngoài các lớp nhạc khí cổ truyền, còn có lớp dạy hát, lớp dạy múa.

“Trong 25 năm nay, Lạc Hồng đã đào tại 7-8 thế hệ rồi. Tuy nhiên số lượng các em quay trở về làm nhạc rất ít, nhưng được cái khi nào có điều kiện, các em lại trở lại tập hợp giúp các chương trình cho đoàn. Những năm trước, đoàn khó khăn trong việc tìm địa điểm sinh hoạt, giờ đã có trụ sở này riêng thì đó là điều đáng mừng.” Thầy Châu cho biết.

Nhìn lại khối lượng công việc của một người giảng dạy và điều hành, thầy Châu cho rằng, “Tôi thấy mình ôm đồm nhiều quá.”

“Khi mới có dàn nhạc, đi ra trình diễn với các sắc tộc khác, thấy họ có thêm đoàn vũ, thế là mình về lại mày mò để gầy dựng đoàn vũ. Mà khi đoàn nhạc đoàn vũ đi diễn cùng nhau thì lại nảy sinh thêm vấn đề cần có đoàn hát. Mà đâu phải hát là đi tìm những người đã biết hát biết đàn mà chúng tôi lại muốn chính các em học hát được bộ môn cải lương, hay hát chèo, hát xẩm... thế là tạo thêm ngành đó.” Người gắn bó với Lạc Hồng từ 25 năm qua tâm sự.

“Ôm đồm, mệt” nhưng khi thấy “phụ huynh và các em thích thú” thì người làm công việc truyền bá âm nhạc dân tộc trên xứ người lại cảm thấy đó là niềm vui.

“Điều đó mang lại cho mình niềm vui, niềm hãnh diện. Nhiều em học sinh ở đây biết đàn guitar, piano, violin nhưng các em vẫn tìm đến học mấy bộ môn nhạc khí này bởi các em cho rằng học các nhạc cụ này rất cool.” Thầy Châu cười cho biết.

“Thôi kệ, nhìn các em thành công khi biểu diễn mình cũng đỡ nản. Nhìn các anh chị đến đây từ lúc không biết gì hết, giờ có thể đàn có thể diễn như thế thì mình vui. Thôi kệ, tới đâu hay tới đó.”

Những điệu hò, câu lý, những giọng Nam Xuân, Nam Ai lại trỗi lên khi réo rắc, khi bi ai. Tiếng hát Ái Liên, Minh Hùng, Uyên Nhung ngọt ngào vang lên bên những Liên Tâm, Phương Nghi, Phương Anh, Băng Tâm hay Đặng Hùng, Quốc Long, Jimmy Trí đang thả hết tâm tư vào từng giọt đàn.

Đêm đàn ca tài tử trong một ngày se lạnh sắp bước vào Tháng Chạp cuối năm Âm Lịch, gợi lòng người bao nỗi nhớ quê xa...