main billboard

.. linh cảm dường như mình đã dính vào một đường dây buôn người nhưng lúc đó “lao đã phóng” cô đành “nhắm mắt đưa chân”...


SÀI GÒN (NV) - Đó là vấn đề được nêu ra trong một phóng sự có tựa là “Người Việt sang Nga lao động chui, thảm khốc trên đường trốn chạy,” của báo Phụ Nữ Thành Phố Sài Gòn.

congnhan vn o ngaCông nhân Việt Nam - được xem như “mồi” của các tổ chức buôn người
hợp pháp lẫn bất hợp pháp. (Hình: Internet)


Dựa trên những thông tin do một thiếu nữ tên là Nguyễn Phú Kim Ngân, 24 tuổi, ngụ ở xã Phước Thạnh, huyện Củ Chi, Sài Gòn tiết lộ, tờ Phụ Nữ đã tiếp xúc với một số nhân chứng khác để vạch ra một phần thảm trạng buôn người tại Việt Nam...

Cô Ngân tốt nghiệp Cao Đẳng Kinh Tế đối ngoại nhưng không tìm được việc làm. Do có hai người bạn cùng xóm cho biết, một phụ nữ ngụ cùng xã có thể đưa họ sang Nga làm việc với mức lương từ 800 Mỹ kim đến 1,000 Mỹ kim/tháng, cô đã đề nghị mẹ của mình vay mượn để đóng 3,500 Mỹ kim cho người phụ nữ này. Mẹ con cô Ngân tin người phụ nữ đó vì một trong hai người bạn của cô Ngân là cháu ruột của bà ta và bà ta có cả con ruột lẫn cháu ruột đang “làm việc” tại Nga.

Đầu tháng 8, cô Ngân và hai người bạn được đưa đến phi trường Tân Sơn Nhất để sang Nga. Nghe người phụ nữ làm công việc tuyển chọn lao động dặn dò, phải trả lời Hải Quan Nga là đến Nga để “tìm hiểu thị trường” và chỉ dự định ở Nga một tháng, cô Ngân linh cảm dường như mình đã dính vào một đường dây buôn người nhưng lúc đó “lao đã phóng” cô đành “nhắm mắt đưa chân”...

Tại Nga, cô Ngân và hai người bạn được một người đàn ông quê ở Thanh Hóa đón. Trò chuyện với người đàn ông này, cô mới biết, “chi phí” cho việc đưa người sang Nga làm việc chỉ có 1,500 Mỹ kim. Lúc đầu, người đàn ông định giao cả ba cho một trang trại trồng rau nhưng cả ba phản đối nên họ được đưa đến một xưởng may. Trước đó, “xưởng” chỉ có năm nữ công nhân và hai nam công nhân. Cả bảy đều là những người cư trú và làm việc bất hợp pháp tại Nga... Sau khi trừ tiền ăn, cô Ngân chỉ nhận được chùng 6,000 rúp/tháng. Cô nhờ chủ gửi 300 Mỹ kim về nhà cho mẹ trả nợ nhưng khoản này được báo là “thất lạc.”

Ở Nga được khoảng hai tháng thì tối 29 tháng 10, chủ xưởng may báo động, cảnh sát Nga sẽ bố ráp. Chủ xưởng may cho xe vận tải chở tất cả công nhân đến trốn ở một trang trại trồng rau suốt hai ngày. Đến 3 tháng 11, khi vừa quay về xưởng, cảnh sát Nga lại bố ráp. Vì chạy không kịp, tất cả phải chui vào trong các thùng đựng phụ kiện để trốn...

Tại Việt Nam, biết mẹ con mình bị lừa, bà mẹ cô Vân tìm gặp người phụ nữ đã nhận tiền đưa cô sang Nga, năn nỉ bà này phải đưa cô về. Sau nhiều lần được năn nỉ, người phụ nữ này hứa sẽ “sắp xếp” và vì chiếu cố hoàn cảnh của cô, chấp nhận sẽ hoàn lại 1,000 Mỹ kim. Tuy nhiên bà ta chẳng làm gì cả.

Ở Nga, cô Ngân bắt đầu dành dụm và khi có được 12,000 rúp, cô đưa khoản này cho một phụ nữ quê ở Nghệ An để bà sắp xếp cho cô trốn về Việt Nam một mình vào trung tuần tháng 12 năm ngoái...

Cô Ngân không phải là trường hợp cá biệt, tại xã An Nhơn Tây còn một nhân chứng khác: Ông Nguyễn Quốc Toàn. Ông Toàn cũng chỉ biết mình bị lừa khi đặt chân đến Nga. Khác với cô Ngân, ông Toàn bị đưa vào làm việc tại một trang trại trồng rau. Con ruột và cháu ruột của người phụ nữ tuyển họ đứng ra “quản lý” những công nhân như ông Toàn. Thấy bị lừa, ông Toàn gọi điện thoại về cho người phụ nữ đã tuyển ông để yêu cầu đưa ông về lại Việt Nam và hoàn lại số tiền đã lấy của ông. Yêu cầu đó được người phụ nữ này đáp ứng bằng một trận đòn dành riêng cho ông Toàn. Sau cùng, giống như cô Ngân, ông Toàn lại phải trả tiền nhờ một tổ chức khác đưa ông trốn khỏi Nga. Theo lời ông Toàn, ông bị săn đuổi cho tới khi ra đến phi trường.

Dựa trên những thông tin do cô Ngân và ông Toàn cung cấp, phóng viên tờ Phụ Nữ Thành Phố đã liên lạc với một số người có hoàn cảnh tương tự tại Nga. Ông Trần Văn Thái, ngụ ở xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi, cho biết: Họ cũng muốn tìm đường trốn về nhưng về thì không biết tìm đâu ra tiền để trả cho việc vay mượn khi tìm đường sang Nga. Ông Thái cho biết, mới có ba người Việt bị chết cóng khi được chủ xua ra khỏi xưởng để lánh một đợt bố ráp của cảnh sát Nga... Ông Thái nhấn mạnh, ở Nga có hang ngàn người Việt lâm vào thảm cảnh như vừa kể.

Tuy có tính chất như một phóng sự điều tra song tờ Phụ Nữ không cho biết họ tên, lai lịch của người phụ nữ ngụ ở xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, kẻ đã tuyển và đẩy những người như cô Ngân, ông Toàn, ông Thái,... vào thảm cảnh. Tờ Phụ Nữ chỉ giới thiệu biệt danh người phụ nữ này là Út Nhị.

Phóng sự “Người Việt sang Nga lao động chui, thảm khốc trên đường trốn chạy” chỉ cảnh báo mọi người “cảnh giác” với những tổ chức xuất cảng lao động chui, trong khi tình cảnh của những cá nhân được các doanh nghiệp có giấy phép đưa người ra ngoại quốc làm thuê cũng chẳng hơn gì.

Sau một loạt bài được đăng trên tờ Lao Động hồi cuối năm ngoái, đầu năm nay, năm phụ nữ Việt Nam được một công ty xuất cảng lao động hoạt động hợp pháp gửi sang Saudi Arabia giúp việc nhà nhưng bị đối xử như nô lệ mới về đến phi trường Nội Bài, Hà Nội. (G.Đ)