“Hội Ngộ Tây Ban Cầm mùa Ðông 2014” là sự giao thoa âm nhạc giữa Ðông và Tây, là sự kết hợp “tuyệt vời trên cả tuyệt vời” giữa các thế hệ khác nhau"


WESTMINSTER, California (NV) - Ðêm nhạc “Hội ngộ Tây Ban Cầm mùa Ðông 2014” tổ chức tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, được bắt đầu đúng 7 giờ 30 phút, tối Thứ Bảy, ngày 6 Tháng Mười Hai.

Có khoảng trên 200 khán giả tham dự chương trình biểu diễn này, như chúng tôi đã đưa tin, chương trình “Hội Ngộ Tây Ban Cầm mùa Ðông 2014” nhằm giới thiệu sự ra mắt đặc biệt của ba thế hệ, gồm ông Hoàng Ngọc Tuấn, thập niên 1960, ông Huỳnh Hữu Ðoan, thập niên 1970, và em Nguyễn Thái Minh, thập niên 2010.

Theo MC Y Sa cho biết: “Hội Tây Ban Cầm do một số cựu giáo sư và sinh viên trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn chủ trương thành lập, hội ra đời năm 2001, tiêu chí của hội là tạo cơ hội để người yêu Tây Ban Cầm có dịp ngồi lại, cùng tham gia biểu diễn, đề cao một loại hình nghệ thuật thịnh hành trong giới yêu nhạc Việt Nam.”

taybancam1 huynhhuudoanNhạc sĩ Huỳnh Hữu Ðoan. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Nghệ sĩ Tây Ban Cầm đầu tiên xuất hiện là ông Huỳnh Hữu Ðoan, ông là một trong vài tay guitar cổ điển quen thuộc trong giới chơi nhạc cổ điển tại quận Cam, ông Huỳnh Hữu Ðoan định cư tại Hoa Kỳ từ năm 2000, ngay từ những thời gian mới đặt chân đến vùng đất mới này, ông đã nhanh chóng gia nhập Hội guitar Nam California, ông thường xuyên tham gia các chương trình biểu diễn hàng năm của hội, với hoài bão giữ gìn văn hóa nghệ thuật của cộng đồng Việt Nam, cũng như phát triển và tìm kiếm các tài năng mới.

Ông Huỳnh Hữu Ðoan luôn là đầu tầu trong các hoạt động của hội guitar, phần trình tấu của nghệ sĩ Huỳnh Hữu Ðoan gồm sáu tấu khúc như Como LioraUna Estrella (Antonio Carrillo), Lưu Thủy (nhạc cổ truyền Việt Nam) bài này được chuyển thể sang guitar bởi nhạc sĩ Tạ Tấn, Alfonsina Y El Mar (Ariel Ramirez - soạn cho guitar: Roland Dyen), La Comparsa (Erneston Lecuona - soạn cho guitar: Manuel Barrueco), Serenata Morisca (Augustin Barrios Mangore), Fantasia on the theme (Se Chỉ Luồn Kim) (dân ca quan họ Bắc Ninh do Phùng Tấn Vũ biên soạn theo guitar).

Mặc dù đã vài lần được nghe nghệ sĩ Huỳnh Hữu Ðoan trình diễn trong các chương trình trước, thế nhưng đêm nay được nghe lại tiếng đàn của ông, mọi người đều chăm chú theo dõi, theo dõi từng kỹ thuật chạy nốt, lướt phím trên cần đàn và những tiết tấu nhanh, chậm của mỗi tấu khúc ông trình bày.

Từng tràng pháo tay khen ngợi không dứt, như cổ vũ thêm tinh thần của người nghệ sĩ biểu diễn trên sân khấu.

“Khác với những đêm hội ngộ trước đây của hội Tây Ban Cầm cổ điển Việt Nam, lần hội ngộ tối nay mang tính chất 'quốc tế,' vì có sự xuất hiện của Tây Ban Cầm thủ đến từ Úc Châu xa xôi, Hoàng Ngọc Tuấn,” MC Y Sa giới thiệu rất nhẹ nhàng về phần góp mặt của nghệ sĩ này.

taybancam1 hoangngoctuanNhạc sĩ Hoàng Ngọc Tuấn. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Ông là một nghệ sĩ đa dạng trong các lãnh vực âm nhạc, kịch nghệ và văn chương. Như một tác giả, ông đã viết nhiều tác phẩm hòa tấu, nhạc kịch, thanh nhạc, thính phòng và độc tấu, ông đã từng trình tấu trong nhiều sân khấu quốc gia và quốc tế.

Ông đã biểu diễn trong nhiều chương trình âm nhạc truyền thanh, truyền hình, đặc biệt là trên đài phát thanh quốc gia Úc ABC Classic FM, những tác phẩm độc tấu Tây Ban Cầm của ông được tuyên dương trong chương trình “Masterpiece” của đài truyền hình quốc gia Úc SBS.

Ông cũng từng trình diễn với nhiều tổ chức âm nhạc và kịch nghệ, trong đó có dàn nhạc đương đại nổi tiếng The Seymour Group; đoàn kịch Citymoon Contemporary Theatre; và dàn nhạc Sydney World Music Chamber Orchestra.

Ông đồng thời là giám khảo của nhiều cuộc tranh tài âm nhạc, ngoài âm nhạc ông làm việc như nhà giáo, nhà văn, nhà phê bình, dịch giả và nhà biên tập văn chương.

Phần trình tấu của nghệ sĩ Hoàng Ngọc Tuấn chia làm hai phần, phần đầu là một số tấu khúc do chính ông sáng tác, phần thứ hai là những tấu khúc ông biên soạn, chuyển thể, soạn cho guitar.

Ba tấu khúc đầu tiên, được nghệ sĩ Hoàng Ngọc Tuấn trình bày là Lý Ngựa Ô, Full Moon Festival, Memories of the Highlands.

Phần hai, gồm ba tấu khúc nhạc ngoại quốc như Chau Paris, Doce de Côco, Cristal.

Khác với nghệ sĩ Huỳnh Hữu Ðoan, tiếng đàn của nhạc sĩ Hoàng Ngọc Tuấn có phần táo bạo hơn, tiếng đàn như gió lốc, bão tố, phong ba, ở một khoảng khắc nào đó, tiếng đàn của ông thật sự chạm vào trái tim người nghe.

Chia sẻ với nhật báo Người Việt về phần kỹ thuật, ông cho biết: “Ở những tấu khúc nhạc Việt Nam tôi trình bày ở phần đầu, tôi đã sử dụng rất nhiều kỹ thuật khác nhau, và có nhiều kỹ thuật tôi tự sáng tạo ra lấy, trong đó có nhiều kỹ thuật để tạo âm, bởi vốn dĩ nhạc Việt Nam rất phong phú về bộ gõ và các loại đàn dây, thế thì mình phải làm sao cho tiếng đàn Tây Ban Cầm kêu giống như nhạc truyền thống Việt Nam, chứ nếu giữ nguyên thủy theo những bài nhạc Việt Nam thì nghe sẽ thấy mơ hồ lắm, tôi muốn làm sao tạo những bài nhạc Việt Nam gần giống theo truyền thống, càng nhiều càng tốt, bởi thế phải sử dụng rất nhiều kỹ thuật khác nhau, bao gồm phải lên dây đàn lại, ở mỗi bản nhạc theo một hệ thống khác để thuận tiện trong việc tạo âm.”

Rõ ràng tiếng đàn của Hoàng Ngọc Tuấn mang nhiều sắc thái khác nhau, từ lối chuyển tải mang âm hưởng đặc sệt của Âu Châu qua những bài như Doce de Côco, Cristal hay Chau Paris đến từng cách biểu diễn nặng tình quê hương như bài Lý Ngựa Ô, hoặc Memories of Highlands, là tấu khúc được ông viết trong lần đi thăm vùng cao Tây Nguyên, hay Trống Cơm là bài dân ca miền Bắc thông dụng đối với hầu hết người Việt Nam chúng ta.

Hoàng Ngọc Tuấn chuyên chở bấy nhiêu tình quê hương, ngọt ngào, uyển chuyển làm nặng lòng khách ly hương đêm nay, khi ngồi nghe những tiếng đàn Tây Ban Cầm của ông giữa trời mùa Ðông giá lạnh ngoài kia.

Nguyễn Thái Minh, trẻ tuổi tài cao, anh là tay “guitarist” trẻ nhất trong nhóm ba nghệ sĩ trình diễn lần này, Nguyễn Thái Minh là học trò của cố nghệ sĩ Hải Thoại, Văn Dị, Tuấn Khang và Châu Ðăng Khoa (Việt Nam).

taybancam1 nguyenthaiminhNhạc sĩ Nguyễn Thái Minh. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Sang Mỹ năm 2008, Nguyễn Thái Minh theo học tại đại học Puget Sound, Washington, với nghệ sĩ Douglas Rice, sau đó anh theo học với nghệ sĩ Michael Partington, Seattle.

Từ năm 2012 anh theo học thạc sĩ âm nhạc chuyên ngành guitar biểu diễn với nghệ sĩ Rene Izquierdo, đại học Wisconsin, Milwaukee.

Hiện nay Thái Minh đang học guitar biểu diễn tại USC, với sự hướng dẫn của nghệ sĩ Scott Tennant, anh tham gia nhóm tứ tấu với sự hướng dẫn của nghệ sĩ William Kanengiser.

Nguyễn Thái Minh đoạt rất nhiều giải thưởng trên toàn Hoa Kỳ cũng như tầm vóc quốc tế.

Bảy tấu khúc anh trình bày lần này mang lại cho khán giả từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

Không giống với hai nghệ sĩ tiền bối Huỳnh Hữu Ðoan và Hoàng Ngọc Tuấn, Nguyễn Thái Minh có lối chơi dịu dàng, đằm thắm, cách đón đưa từng cung nhịp rất từ tốn, chậm rãi nhưng chắc nịch, đôi lúc làm khán giả như muốn ngừng thở khi anh chuyển tiết tấu bất ngờ.

Chỉ bảy tấu khúc Nguyễn Thái Minh trình tấu thôi cũng đủ khẳng định tên tuổi, vị trí của anh trong từng tiếng đàn, phong cách biểu diễn và điều hay nhất vẫn là anh đã thật sự mê hoặc khán giả, và mang lại cho mọi người cảm nhận thỏa mãn cơn “say nắng,” nhất là khi anh quyết định: “Thêm một bài nữa để mọi người ra về ngủ ngon.”

Nhìn chung đêm “Hội Ngộ Tây Ban Cầm mùa Ðông 2014” là sự giao thoa âm nhạc giữa Ðông và Tây, là sự kết hợp “tuyệt vời trên cả tuyệt vời” giữa các thế hệ khác nhau, là đêm xích lại gần nhau để cùng cảm nhận tình người qua những âm vực réo rắt, tưởng chừng như các nghệ sĩ đưa khán giả đi vào mê cung từ lúc nào không hay.