main billboard

“Câu Lạc Bộ Hải Quân-Đoàn Viên nhằm quy tụ những người lính của Hải Quân VNCH, phần nhiều có cấp bậc từ thủy thủ đến chuẩn úy. Vì thế, danh từ Đoàn Viên là để gọi chung cho những người lính."


WESTMINSTER, California (NV) - Tối Chủ Nhật vừa qua, Câu Lạc Bộ Hải Quân-Đoàn Viên tổ chức Đêm Hội Ngộ qua chương trình dạ tiệc, văn nghệ và khiêu vũ tại nhà hàng Paracel Seafood, Westminster.

doanvien hq hoingo 1Nghi lễ khai mạc Đêm Hội Ngộ. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)


Mục đích đêm hội ngộ này là để các hải quân đoàn viên và gia đình có cơ hội chia sẻ ngọt bùi, hàn huyên tâm sự sau những thời gian dài xa cách.

Từ lúc chia tay sau những ngày cuối Tháng Tư, 1975, những tàu chiến trên sông rạch, những chiến hạm lớn ngoài biển khơi của binh chủng Hải Quân VNCH, có chiếc đã ra đi được đến bến bờ tự do, nhưng cũng có rất nhiều hạm và tàu còn kẹt lại.

Sau gần 40 năm sống trên xứ người, những người lính Hải Quân VNCH giờ đã có dịp ngồi lại với nhau trong mái ấm đại gia đình Câu Lạc Bộ Hải Quân-Đoàn Viên.

Được biết, câu lạc bộ này thành lập được bốn năm, và đã tổ chức họp mặt tại Nam California năm lần, nhưng đây là lần đầu tiên tổ chức tại nhà hàng Paracel.

Ông Võ Thành Phát, thành viên trong ban tổ chức, cho biết, “Câu Lạc Bộ Hải Quân-Đoàn Viên nhằm quy tụ những người lính của Hải Quân VNCH, phần nhiều có cấp bậc từ thủy thủ đến chuẩn úy. Vì thế, danh từ Đoàn Viên là để gọi chung cho những người lính. Hiện giờ với danh sách có ghi là vào khoảng 150 đoàn viên, nhưng còn một số các anh em vì lớn tuổi, sức khỏe yếu kém nên ít khi đến tham dự những buổi họp mặt thường xuyên, thì danh sách này cũng được khoảng 75 người.”

Ông cho biết thêm, “Câu lạc bộ được định nghĩa như một quán ăn trong đơn vị, các anh trong binh chủng nào cũng có thể ghé qua chơi, ông cựu sĩ quan hay là lính của QLVNCH cũng có thể đến thăm viếng, hay nói cách khác hơn, những người lính của binh chủng nào trong QLVNCH cũng có thể ghé qua chung vui với chúng tôi được cả, vì quán ăn không có kỵ người đó là ai.”

“Hoạt động của câu lạc bộ Hải Quân này luân lưu theo những phương tiện và thì giờ của các chiến hữu. Thí dụ như hai tháng này tổ chức tại nhà anh A, rồi hai tháng sau tổ chức tại nhà anh B. Và hàng năm, chúng tôi tổ chức ngày hội ngộ một lần. Thật sự thì chúng tôi rất còn non trẻ trong vấn đề tổ chức. Nhưng nếu nhìn lại ở đây đêm nay, trong nhà hàng sẽ không còn ghế ngồi nữa. Tại vì sau bốn năm hoạt động, có rất nhiều người hiểu và thương anh em chúng tôi,” ông Phát chia sẻ.

Sau nghi thức khai mạc, ông Phát ngỏ lời chào mừng, cảm ơn quan khách và đồng môn cùng gia đình đến tham dự. Và ông cũng chân thành cám ơn những mạnh thường quân, các cơ sở thương mại đã bảo trợ cho chương trình.

Trong phần giới thiệu các quan khách có đại diện các giới chức chính quyền địa phương, đại diện các hội đoàn và đoàn thể, các cựu sĩ quan chức ngành trong QLVNCH.

Hai MC Nguyễn Mạnh Cường và Thanh Châu điều hợp chương trình văn nghệ. Mở đầu chương trình là bài hùng ca “Đáp Lời Sông Núi” của nhạc sĩ Trúc Hồ, do toàn ban văn nghệ của Câu Lạc Bộ Hải Quân-Đoàn Viên trình diễn.


doanvien hq hoingo 2Tốp ca Câu Lạc Bộ Hải Quân-Đoàn Viên hát bài “Lính Đa Tình” được ngưỡng mộ nhiệt tình của các em gái hậu phương. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)


Tiếp tục chương trình là những bài đơn ca, song ca, tốp ca, qua các tiếng hát “cây nhà lá vườn” và thân hữu.

Hải quân là một đơn vị ngành, trong đó có rất nhiều ngành như cơ khí, sửa chữa, vận tải, tác chiến, từ sông rạch ra đến biển khơi trong bốn vùng chiến thuật tại miền Nam Việt Nam. Những người lính Hải Quân có trách nhiệm phải tuân theo lệnh của cấp chỉ huy để làm tròn nhiệm vụ tùy theo ban ngành từ những căn cứ cũng như trên những vùng sông ngòi và biển cả.

Những người lính tác chiến của Hải Quân VNCH trong nhiệm vụ hành quân hay bảo vệ lưu thông trên sông rạch, máu của những người chiến sĩ này có những lúc đã nhuộm đỏ với nước sông. Và cũng để bảo vệ cho các vùng duyên hải, các hòn đảo ngoài khơi trong lãnh hải quốc gia, nhiều chiến sĩ hải quân và chiến hạm cũng đã anh dũng hy sinh, nhất là trong trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974.

Nhắc đến những cuộc hành quân hoặc đi yểm trợ cho các đơn vị bạn trong những vùng sông rạch, ông Phát tâm sự, “Trong những cuộc hành quân trên sông ngòi, có lúc chúng tôi gặp một đồn nghĩa quân trên bờ bị Cộng Sản vây đánh, thì nhiệm vụ của chúng tôi phải đánh tiếp cứu họ. Có nhiều khi, chính tàu của chúng tôi phải đụng trận với Cộng Sản trên bờ phục kích. Khi gặp những dòng sông nhỏ và cong queo, dĩ nhiên theo tác chiến thì tàu của chúng tôi bị thất thế nhiều, mà chúng tôi đâu thể nào uốn con sông theo vị thế ngay thẳng được.

Và chúng tôi cho đó là những dòng sông định mệnh vì có những xác của anh em chúng tôi đã ngã gục trên những dòng sông này, và máu của anh em chúng tôi cũng đã pha đẫm dòng sông.”

“Mặc dù chúng tôi vẫn biết trang đời đã lật qua, bỏ lại những dòng sông định mệnh bị quên lãng, nhưng trong sự quên lãng đó là những bản hùng ca mà anh em chúng tôi không bao giờ quên được. Từ sự việc đó, tôi thấy sự lãng quên những người lính hải quân đó là điều không có trung thực, nói nôm na là vô lý,” ông Phát nói thêm.