main billboard

Tuy nhiên, sau 8 giờ đồng hồ trên xe tuần với cảnh sát, tuy không chứng kiến những cuộc gọi kịch tính hay nguy hiểm nhưng cũng giúp tôi biết ơn và kính trọng cảnh sát San Jose nói chung và người cảnh sát viên mà tôi đi cùng.


Hương Giang Phan
(Gởi cho mục Làm Báo Với Người Việt)

Một cảnh sát viên ở San Jose, California, tình cờ hỏi tôi rằng, có muốn đi cùng với anh trong một ca làm việc trên xe cảnh sát công vụ hay không đồng thời kèm theo một câu chắc nịch rằng “sẽ không để cô trong tình huống nguy hiểm!”

Vốn là người thích phiêu lưu và trải nghiệm, tôi nhanh chóng lên mạng tìm hiểu về chương trình “Ride Along”, để rồi ngày hôm sau nhắn tin gật đầu tắp lự.

nucanhsatMột nữ cảnh sát viên  trong giờ tuần tra. (Hình minh họa)


* Làm quen với cảnh sát

“Ride Along” là chương trình được mở cho mọi đối tượng từ 16 hay 18 tuổi trở lên (tùy vào Sở Cảnh Sát từng thành phố) tham gia, với mục đích làm cải thiện mối quan hệ giữa lực lượng cảnh sát và công chúng thông qua việc giúp người tham gia quen với tính chất công việc phức tạp và không dự đoán của cảnh sát.

Sau khi ghi danh tham gia, Sở Cảnh Sát sẽ tiến hành kiểm tra nhân thân (background check), sau đó hoàn tất thủ tục giấy tờ rồi lên lịch.

Với cá nhân tôi thì không mất nhiều thời gian vì đã có người quen bảo lãnh. Tôi chỉ cần điền và ký tên vào tờ giấy miễn trừ trách nhiệm (Liability Form,) đồng ý về ngày giờ. Hành trình bắt đầu.

Nếu như Quận Cam (Orange County) ở miền Nam California là “quận” có đông người Việt nhất ở Hoa Kỳ thì San Jose lại là thành phố có đông người Việt nhất (hơn 100 ngàn người theo thống kê dân số chính thức năm 2010, con số không chính thức chắc chắn sẽ cao hơn).

Với tổng dân số gần 1 triệu, thành phố San Jose là nơi tập trung nhiều sắc dân. Chiếm đa số là Mỹ Latinh và Mễ Tây Cơ (33.2%), châu Á (32%) và da trắng (28.7%). Tuy nhiên với sự phức tạp về đa sắc dân như vậy, dường như lực lượng cảnh sát lại rất mỏng do cắt giảm nhân sự và ngân sách.

Hiện tại sở cảnh sát có hơn 900 cảnh sát công vụ tuần tra trong khi con số cần thiết là 1,400. Mặc cho những nỗ lực tuyển mới, con số này sẽ còn giảm tiếp trong hai năm tới do ngân sách tiếp tục bị cắt. Cho đến giờ vẫn còn nhiều tranh cãi về tình trạng tội phạm gia tăng ở San Jose có hay không liên quan đến việc cắt giảm này.

* Tuần tra

Trên nguyên tắc, cảnh sát tuần tra sẽ được luân chuyển khắp các khu vực trong thành phố qua mỗi 6 tháng. Toàn bộ thành phố được chia thành các vùng (Division). Dưới vùng, mỗi đội (Team) sẽ phụ trách từng khu riêng (District), và khu đó được phân chia thành những khu vực nhỏ (Beat) thuộc kiểm soát của mỗi cảnh sát.

Tuy nhiên mỗi một cảnh sát không “dính chặt” vào khu vực của mình mà thường xuyên được cử đến những địa điểm gần nhất trong quá trình đi tuần.

Mỗi một cuộc gọi vào tổng đài 911 đều sẽ được số hóa và gọi tên theo tính chất cuộc gọi.

Có tham gia một ca làm việc mới thấy nghề cảnh sát ở San Jose không như nhiều người nghĩ. Cảnh sát phải đối diện với những căng thẳng, nguy hiểm từ tội phạm mỗi ngày là điều tất nhiên.

Chẳng hạn như cảnh sát viên mà tôi đi cùng đã từng phải nổ súng vào tội phạm trong một tình huống cực kỳ nguy hiểm, hay anh bị tội phạm HIV cắn vào chân. Nhưng cảm phục ở chỗ là họ rất nhiều khi làm nghề bảo mẫu cho cư dân, một cách tận tụy và đầy trách nhiệm.

Chẳng hạn, một cô bé 12 tuổi được cha mẹ cho tham gia buổi tiệc ở nhà bạn. Cô bé trốn người lớn, uống rất nhiều nước có chất cồn, để rồi phải lên phòng cấp cứu. Bà mẹ gọi điện cầu cứu cảnh sát đến để nói cho cô bé biết về tác hại của rượu. Tôi tự hỏi đây phải là trách nhiệm của phụ huynh chứ?

Một trường hợp khác là cuộc gọi từ khu chung cư, người ta tìm thấy một cô gái vô gia cư, không di chuyển được. Ðây là một cuộc gọi kết hợp giữa lực lượng cảnh sát và cấp cứu.

Ðây là cô gái trông còn khá trẻ, có học thức bị thương ở chân. Qua cuộc nói chuyện, viên cảnh sát tin rằng cô đã bị bạn trai bạo hành. Nhưng May (tên cô gái) không muốn tố bạn trai mình. Ðội cấp cứu sơ cứu May tại chỗ rồi đưa cô đến bệnh viện trị vết thương.

Người cảnh sát viên đi cùng tôi, sau khi xe cấp cứu rời hiện trường, tâm sự rằng anh cảm thấy buồn, và thương cô gái trong hoàn cảnh đó. Còn tôi đứng chứng kiến từ đầu đến cuối cách cảnh sát viên, lực lượng cấp cứu và cả người đã gọi điện cho cảnh sát, ân cần thực thi nhiệm vụ của mình, trong lòng lẫn lộn nhiều cảm xúc.

Cho dù có đang làm công vụ, được đào tạo và trả lương, nhưng nếu không có tình người, không có cảm xúc, thì liệu người ta có thực thi công việc đầy tính nhân bản vậy không?

* Trong tình huống nguy hiểm?

Tại sở cảnh sát, khi nhận được những cuộc gọi trong tình trạng nguy hiểm, có vũ khí, thông thường tổng đài sẽ điều nhiều cảnh sát đang tuần gần đó đến.

Trong trường hợp này, cảnh sát sẽ không vào thẳng nhà. Họ sẽ tập trung ở khu vực gần đó, thảo luận cách giải quyết tình huống, nếu tổng đài tiếp tục nhận cuộc gọi báo tình huống xấu hơn, lúc này cảnh sát phải vào hiện trường.

Tuy nhiên, tôi thấy cảnh sát rất cẩn trọng khi tiếp xúc với các nghi can, bởi yếu tố an toàn luôn là điều được ưu tiên hàng đầu. Cảnh sát sẽ không bước thẳng vào nhà sau khi đã xác định được loại vũ khí, tình trạng của nghi can bị kích động. Ở tình huống này, người đi kèm là tôi, không được phép bước ra khỏi xe.

Kết thúc ca làm việc của người cảnh sát viên mà tôi đi kèm là một cuộc gọi trộm đột nhập vào nhà từ cửa sổ bếp ở một khu khá yên tĩnh và an ninh. Kẻ trộm sau khi lục lọi chẳng tìm được tiền mặt hay đồ trang sức giá trị, chỉ lấy đi một ít tiền xu bằng kim loại.

Viên cảnh sát kiểm tra hiện trường, chụp hình, hỏi thăm thông tin từ hàng xóm, rồi làm báo cáo. Tất nhiên một vụ đột nhập nhỏ như vậy sẽ không được điều tra nhưng cảnh sát vẫn làm báo cáo để vào dữ liệu và để gia chủ làm việc với bên bảo hiểm (nếu có). Những câu hỏi của gia chủ lúc này đều được trả lời tường tận, rõ ràng và rất tâm lý, điều này sẽ giúp người trong cuộc bình tĩnh lại.

* Ưa hay không ưa cảnh sát?

Trước đây tôi vẫn thường tự hỏi: “Tại sao người Việt mình thường không ưa cảnh sát?” Nếu ở Việt Nam thì đây là điều đơn giản và dễ hiểu. Nhưng sang đến bên này, hình như thiện cảm dân mình dành cho các anh cảnh sát cũng không tăng lên được bao nhiêu, mặc dù biết rõ khác biệt ngôn ngữ là rào cản lớn nhất của người Việt.

Tuy nhiên, sau 8 giờ đồng hồ trên xe tuần với cảnh sát, tuy không chứng kiến những cuộc gọi kịch tính hay nguy hiểm nhưng cũng giúp tôi biết ơn và kính trọng cảnh sát San Jose nói chung và người cảnh sát viên mà tôi đi cùng.

Cộng đồng Việt Nam ở San Jose hít thở không khí an bình khi bước ra khỏi nhà, chính là nhờ lực lượng cảnh sát rất nhiều. Viết bài này, tôi không có chút tham vọng sẽ thay đổi được cách nhìn của mọi người nhưng sẽ không công bằng nếu không chia sẻ với mọi người những gì mắt thấy tai nghe mặc dù trong thời gian rất ngắn.

Trước khi khoác bộ đồ cảnh sát vào người, thì cảnh sát viên vẫn là một người bình thường với đầy đủ cảm xúc yêu, ghét, giận dữ. Và cho dù có được đào tạo bài bản đến đâu, rèn luyện đến đâu thì trong mỗi tình huống, mỗi cảnh sát viên đều có phản ứng, giải quyết khác nhau, nhưng một điểm chung là không vượt qua giới hạn luật pháp cho phép.

Vậy nên mới có những trường hợp cảnh sát đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết luật pháp của cư dân để đi quá quyền hạn của mình, hay có những tấm giấy phạt viết ra mặc dù lỗi đó có thể bỏ qua được.

Cảnh sát suy cho cùng vẫn là công cụ của một nhà nước, giúp nhà nước thực thi pháp luật. Nhưng theo cá nhân tôi, cảnh sát là lực lượng giúp người dân hiểu biết hơn và tuân theo pháp luật chứ không phải chỉ đơn thuần phạt lỗi.

Ðây mới là điểm văn minh. Và văn minh hơn, nếu mỗi người nên tự trang bị cho mình kiến thức luật pháp để có cái nhìn thiện cảm và hợp tác hơn với cảnh sát trong những trường hợp cần thiết, cho cá nhân mình và cộng đồng!

(Fremont, tháng 10, 2014)