main billboard

"Năm nay để kỷ niệm 60 năm Ngày Ra Trường, ban tổ chức chúng tôi quyết định thông báo trên báo chí truyền thông để các cựu SVSQ cùng khóa được biết mà đến tham dự cho đông.”


WESTMINSTER (NV) - Trưa ngày 4 tháng 10, các cựu Sinh Viên Sĩ Quan thuộc khóa IV Phụ Thủ Ðức sẽ có cuộc họp mặt kỷ niệm 60 năm ngày ra trường tại nhà hàng Diamond Seafood Palace, Garden Grove, California.

svsq thuduc tuyentheSinh viên sĩ quan Thủ Ðức trong một buổi lễ ra trường. (Hình: Tài liệu về quân trường Thủ Ðức)


Tiếp chuyện với chúng tôi, cựu Ðại Tá Lê Khắc Lý, thuộc khóa IV Phụ, trưởng ban tổ chức, cho biết, “Hàng năm chúng tôi vẫn tổ chức các cuộc họp mặt để thắt chặt thêm tình huynh đệ chi binh. Phần nhiều các buổi họp mặt ấy chúng tôi thường không loan báo trên truyền thông, chỉ kêu gọi nhau qua điện thoại và liên lạc cá nhân. Năm nay để kỷ niệm 60 năm Ngày Ra Trường, ban tổ chức chúng tôi quyết định thông báo trên báo chí truyền thông để các cựu SVSQ cùng khóa được biết mà đến tham dự cho đông.”

Vẫn theo cựu Ðại Tá Lý thì khóa IV nói chung đã có một ban đại diện, hàng năm cũng có tổ chức cuộc họp mặt. Riêng khóa IV phụ gồm các SVSQ được động viên thêm trình diện trường cách khóa chính một vài tháng nên được tổ chức học riêng trong đó có 2 đại đội phải lên học nhờ trường võ bị Ðà Lạt vì trường Thủ Ðức không còn chỗ. Do đó mà “khóa IV Phụ chúng tôi cũng thành lập một ban đại diện riêng để tiện việc sinh hoạt của anh em cùng khóa phụ” cựu Ðại Tá Lý cho biết thêm.

Nhắc đến việc này, cựu Ðại Tá Lý nói, “Sở dĩ khóa IV Thủ Ðức có chính có phụ như vậy do vì tình hình lúc bấy giờ vào cuối năm 1953, chiến sự ở ngoài Bắc gia tăng vì quân đội Việt Minh được Trung Cộng tiếp trợ ào ạt đã làm thay đổi hẳn chiến trường, thay vì du kích hoặc các trận đánh nhỏ, thì cộng quân đã mở những trận chiến lớn có tính cách quyết định. Do đó Pháp và chính quyền quốc gia phải động viên nhân lực, thanh niên trong tuổi quân dịch đều được gọi động viên để đáp ứng cho tình hình chiến sự ở ngoài Bắc như Ðiện Biên Phủ.”

Có lẽ vì gia nhập quân đội vào thời điểm đặc biệt như vậy nên lớp thanh niên bị gọi vào lính lúc bấy giờ đã có những tâm trạng khác biệt với các lớp thanh niên nhập ngũ sau này. Thứ nhất là đã làm cho thân nhân gia đình lo lắng. Thứ đến là chính họ cũng đã có nhiều suy tư. Suy tư không chỉ vì việc phải gia nhập quân đội trong lúc tình hình chiến sự nguy biến mà ngay cả tình hình chính trị cũng không sáng sủa gì khi Pháp vẫn giằng co không dứt khoát trao trả độc lập cho phía quốc gia do cựu Hoàng Bảo Ðại làm Quốc Trưởng.

Thế nên gia nhập quân đội lúc này, lúc mà Pháp còn nắm quyền chỉ huy, dễ bị mang tiếng là đánh thuê cho Pháp. Tâm trạng ấy đã là tâm trạng chung cho lớp thanh niên bị động viên trong thời gian này.

Nhưng chỉ sau đó ít lâu, chính thể Việt Nam Cộng Hòa được thành lập trên một nửa đất nước thì các sĩ quan xuất thân từ các khóa đầu của quân trường Thủ Ðức đã trở thành những viên gạch vững chắc xây dựng nên một quân đội của Quốc Gia Việt Nam, thiện chiến đứng vào hàng thứ bảy trên thế giới vào thập niên 60.

Theo cựu Trung Tá Phan Khắc Nhượng, hiện là hội trưởng của Ái Hữu cựu SVSQ khóa IV (chính) cho báo chí biết thì khóa IV nói chung đã có nhiều người lên tướng, đều là những tướng nổi danh thiện chiến như Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, Thiếu Tướng Bùi Thế Lân, Thiếu Tướng Lê Quang Lưỡng, Thiếu Tướng Hồ Trung Hậu, Thiếu Tướng Nguyễn Văn Ðiềm, Cố Chuẩn Tướng Nguyễn Ðình Bảo. Ngoài ra một phần lớn là cấp tá.

Về việc này, cựu Ðại Tá lê Khắc Lý cho biết, “Theo tôi biết thì không có ai còn ở cấp úy cho đến ngày 30 tháng 4, 1975.”

Mặc dù đến nay hầu hết các cựu SVSQ khóa IV Thủ Ðức nói chung đều trên dưới 80 cả rồi, nhưng trong sinh hoạt của cộng đồng, người ta vẫn thấy cựu SVSQ khóa IV Phụ Thủ Ðức Lê Khắc Lý còn rất hăng say hoạt động.

Xin được nhắc lại tên gọi của Khóa IV Thủ Ðức là khóa Cương Quyết nên ai đã từng hoạt động chung với cựu SVSQ Lê Khắc Lý đều rất nể phục tinh thần cương quyết của ông trong mọi công việc.