main billboard

... không ai rời khỏi Saigon Perforiming Center tối qua, Chủ Nhật, 21 Tháng Chín, mà không buông ra một câu nhận xét: “Tuyệt vời!” hoặc đơn giản hơn: “Hay quá!”


FOUNTAIN VALLEY, California (NV) – Hơn một ngày đã trôi qua khi bài hát cuối cùng chấm dứt, cả khán phòng cùng đứng dậy vỗ tay tán thưởng Ngàn Khơi, thế mà trong tôi dường như vẫn còn trọn vẹn nỗi xôn xao nhiều cảm xúc về một chương trình mà tôi gọi là “chiều yến nhạc” không dễ tìm thấy trong đời sống ca hát quanh đây.

hopca ngankhoi 1Nhạc trưởng Nguyễn Hoàng Hương điều khiển dàn hợp xướng Ngàn Khơi trong sử ca "Ải Chi Lăng" của cố nhạc sĩ Lưu Hữu Phước. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Tôi dám đoan chắc một điều, không ai rời khỏi Saigon Perforiming Center tối qua, Chủ Nhật, 21 Tháng Chín, mà không buông ra một câu nhận xét: “Tuyệt vời!” hoặc đơn giản hơn: “Hay quá!”

“Hướng Về Đất Mẹ” trong chiều nhạc Ngàn Khơi thật sự đã mang đến cho khán giả hơn tất cả những gì mong đợi.

****

Thật khó để có thể diễn tả hết tâm trạng của mình khi nhìn nhạc trưởng Nguyễn Hoàng Hương điều khiển dàn hợp xướng trong ca khúc “Ải Chi Lăng” của cố nhạc sĩ Lưu Hữu Phước. Nhìn vào sự chuyển động của đôi tay ông, của dáng người ông, từ phía sau, tôi ngỡ như mình đang thấy hình ảnh hào hùng của một đoàn quân đang xung trận, như cảm nhận được sự ầm ầm như vũ bão của tiếng ngựa phi, của tiếng khiên, tiếng trống, và đâu đó, trong tiếng thét gọi hồn trận chiến có cả tiếng nức nở, bi ai của những người nằm xuống.

Và nước mắt tôi ứa ra. Cay xé.

“Trời âm u, gió tung, rú lên, rít lên ào ào.

Rừng thông rên siết dường như khóc dưới luồng bão.

Lời ai nỉ non trong mây! Hồn ai thở than nơi này!

...

Hồi nhớ tới vó câu khập khễnh lướt qua làn khói giáp chiến.

Hồi nhớ tới bóng muôn cờ xí phất tung hùng vĩ quyết tiến!”

hopca ngankhoi 2Ngàn Khơi Thiếu Nhi trong bài “Tuổi Hoa Niên” và “Ngồi Quanh Đây Ta Hát” với sự điều khiển của nhạc trưởng Trương Ngọc Lee Lee. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Bài sử ca ra đời ngót ngét 70 năm, vậy mà nay, dưới đôi tay người nhạc trưởng, cùng sự phụ họa của trống, của bass, của dương cầm, của keyboard, cùng mấy mươi giọng ca nam nữ, nhiều lứa tuổi, lúc phải dùng hết âm vực của mình, lúc lại trở nên khoan thai, dìu dặt, vợi vời những tiếc thương đã vẽ lại được trang sử hào hùng bất biến của dân tộc qua “Ải Chi Lăng.”

Cũng trong cảm xúc được đẩy đến đỉnh điểm đó, Hòn Vọng Phu 1, 2, 3 bất hủ của cố nhạc sĩ Lê Thương, một trong những bản nhạc mang tính trường ca đầu tiên của nền tân nhạc Việt Nam, thêm một phen nữa khiến khán phòng như không còn dám thở mạnh hơn, để toàn bộ tâm tư mình chìm hết cả vào lời, vào nhạc, và cả vào những người đang đứng trên sân khấu.

Một nỗi gì trào dâng lớn hơn là nỗi đau về mối tình bị chia cắt của người chồng và người vợ do chiến tranh loạn lạc. Cách hòa âm, giọng hát, tiếng đàn, và phong thái của hai nhạc trưởng Nguyễn Hoàng Hương và Trương Ngọc Lee Lee khiến mình nhìn ra một nỗi gì đau đớn hơn, tê điếng hơn, và lớn lao hơn về dân tộc mình. Vó câu của chiến mã, tiếng khua của đao gươm cùng sự u uẩn, não nề của biệt ly, tang tóc dường như đã đồng hành cùng người dân mình từ ngàn xưa. Chiến tranh và tình yêu. Ra đi và ngóng đợi. Mòn mỏi và tuyệt vọng. Lịch sử dân tộc này, sao khó quá để tìm ra những nụ cười, những hạnh phúc, những đoàn viên!


***

hopca ngankhoi bichlienBích Liên tự tin, đam mê trong "Tình Ca" của cố nhạc sĩ Phạm Duy (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)


Trong buổi chiều cuối tuần ngồi thả hồn mình trôi về đất Mẹ, nghe “Giấc Mơ Hồi Hương” của Vũ Thành qua giọng hát của “ông thầy dạy nhạc đắt khách” Lê Hồng Quang, nghe người ca sĩ khó tính Tuấn Ngọc trình bày “Tâm Sự Gửi Về Đâu” và “Mầu Kỷ Niệm”, nghe Phạm Hà, người có nụ cười thật hiền hát “Tình Hoài Hương”, lãng đãng “Về Miền Trung” cùng Mộng Thủy - người ca sĩ thướt tha khi cầm micro nhưng cũng đầy mê hoặc khi tung tẩy đôi tay mình trong vai trò người nhạc trưởng, và mê đắm trong “Hương Xưa” với Trần Đại Phước,… qua lời dẫn dắt của chàng luật sư đa tài Nguyễn Hoàng Dũng và Lê Đình Y Sa – người dược sĩ mê làm việc văn học nghệ thuật, bỗng thấy cuộc đời sao mà nhiều ý nghĩa quá!


Nếu Ngàn Khơi “người lớn” hùng tráng, đĩnh đạc và trang nghiêm khi cất giọng “Mẹ Trong Lòng Người Đi,” “Mùa Lúa Thanh Bình,” “Trưng Nữ Vương,” “Đáp Lời Sông Núi”…, thì ngược lại, Ngàn Khơi “thiếu nhi” khiến người xem phải nở mãi nụ cười khi nhìn những cô bé cậu bé không có tên nào mang nét Việt Nam, trừ cái họ (dĩ nhiên), cố gắng hát “Tuổi Hoa Niên” và “Ngồi Quanh Đây Ta Hát” bằng thứ ngôn ngữ của ông bà, cha mẹ khiến đôi khi không nhớ hết lời đành đứng im “thất thủ'. Thương quá cách người nhạc trưởng dạy các em đặt hai bàn tay be bé vào nhau, ngây thơ, duyên dáng.

Nếu xem nhóm Tứ Ca Ngàn Khơi và Ban Cát Trắng như một sự phân chia nhóm theo “tuổi tác” để dễ dàng trong việc tập luyện và chọn bài hát, thì Ban Sóng Xanh của các em thiếu niên nam nữ mang lại một sắc thái mới mẻ, tươi mát, sôi động hơn cho đại gia đình Ngàn Khơi.


Vâng, hơn một ngày đã trôi qua rồi, tôi vẫn như còn nghe văng vẳng giọng hát trong veo, cao vút của Bích Vân “Hà Nội ơi, dáng huyền tha thướt đê mê/ Tóc thề thả gió lê thê/ Biết đâu ngày ấy anh về”; vẫn còn đâu đây “Tôi yêu tiếng ngang trời/Những câu hò giận hờn khôn nguôi/Nhớ nhung hoài mảnh tình xa xôi...” của giọng ca Bích Liên tự tin, đam mê. Và tôi thấy mình đang nghêu ngao hát:

“Nhớ cố hương xao xuyến tấc lòng máu dồn chân

hopca ngankhoi bichvanVết bước đi trên phím đá mòn còn in dấu

Từ bóng cây ngôi mộ bên đường

Từ mái tranh bên đỉnh trong làng

Nguồn sử xanh âm thầm vẫn sống

Bao mối thương vang dậy trong lòng.”


Và lại thấy mắt mình cay…

Ca sĩ Bích Vân trình bày nhạc phẩm "Hướng Về Hà Nội" của nhạc sĩ Hoàng Dương (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Chiều nhạc Ngàn Khơi để “Hướng Về Đất Mẹ” đã thật trọn vẹn cho một quá trình dày công chuẩn bị không chỉ cho niềm đam mê ca hát, mà hơn hết, sự tôn trọng khán giả đã đạt đến mức tuyệt vời.